TCCSĐT - Năm 1944, khi Chiến tranh thế giới lần thứ II sắp kết thúc đã diễn ra một sự kiện có ý nghĩa lịch sử toàn thế giới. Tại khách sạn “Mount Washington” ở thành phố Brê-tơn Út (Bretton Woods), bang Niu Hem-sơ (New Hampshir) của nước Mỹ, Hội nghị quốc tế của Liên hợp quốc được tổ chức để bàn về chủ đề trao đổi tiền tệ trên phạm vi toàn thế giới và tài chính quốc tế.
Tham dự Hội nghị lịch sử này có 730 đại biểu đến từ 44 nước trong liên minh chống phát xít nhằm mục đích khôi phục hệ thống kinh tế quốc tế bị Chiến tranh thế giới lần thứ II tàn phá.

Hội nghị kéo dài 3 tuần với kết quả đạt được là các nước quyết định thành lập Ngân hàng Quốc tế tái thiết và phát triển (tiền thân của Ngân hàng Thế giới) và Quỹ Tiền tệ quốc tế, đồng thời ký Hiệp định quốc tế về thuế quan và thương mại (tiền thân của Tổ chức Thương mại thế giới ngày nay). Cũng tại Hội nghị này, các nước ký Hiệp định thành lập hệ thống tiền tệ quốc tế dựa trên cơ sở đồng USD được bảo đảm bằng vàng, còn được gọi là Hệ thống Brê-tơn Út. Như vậy, theo hệ thống này, đồng đô-la (USD) được bảo đảm bằng vàng làm đồng tiền dự trữ quốc tế và một au-xơ (
ounce) vàng (tương đương với 31,1 gam) có giá 35 USD.

Khủng hoảng Hệ thống tiền tệ Brê-tơn Út

Tới đầu những năm 1970, do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân xuất phát từ hậu quả của cuộc chiến tranh do Mỹ tiến hành ở Việt Nam, nền kinh tế của nước Mỹ chìm đắm trong nợ nần đã không còn tương xứng với vị thế của quốc gia dẫn đầu kinh tế thế giới. Do đó, nhiều nước đã từng chấp nhận sử dụng đồng USD được bảo đảm bằng vàng làm đồng tiền dự trữ quốc gia như Anh, Pháp và Đức đã đề nghị Oa-sinh-tơn hạn chế phát hành USD và cắt giảm chi tiêu công để bảo vệ giá trị của đồng USD. Tuy nhiên, bất chấp những đề nghị khẩn thiết đó của chính phủ nhiều nước tư bản phát triển, Mỹ vẫn không từ bỏ quyền được chi tiêu không ai kiểm soát để tiếp tục duy trì bộ máy chiến tranh khổng lồ và sự thịnh vượng dựa trên sự độc quyền phát hành đồng USD, trong đó có những khoản chi khổng lồ phục vụ cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam.

Vì thế, Anh, Pháp và Đức cùng với nhiều nước khác yêu cầu chuyển đổi khối lượng tiền dự trữ bằng USD thành vàng. Về phần mình, giới tinh hoa kinh tế và chính trị ở Oa-sinh-tơn không thể không nhận thấy bản chất những khó khăn kinh tế Mỹ trong những năm 1960 và đầu những năm 1970. Họ biết quá rõ rằng, kỷ nguyên mà đồng USD được bảo đảm bằng vàng đã chấm dứt. Nhưng, thay vì tìm kiếm một giải pháp cho vấn đề mất cân đối trong nền kinh tế toàn cầu do sự suy giảm vị thế nền kinh tế Mỹ, Oa-sinh-tơn bắt đầu tìm cách tạo ra giải pháp mới có hiệu quả hơn nhằm kiểm soát hệ thống tài chính thế giới. Để ngăn chặn nguy cơ sẽ có hàng loạt quốc gia yêu cầu được đổi USD dự trữ quốc gia thành vàng. Ngày 15-8-1971, Tổng thống Mỹ Ri-sác Ních-xơn (Risart Nixon) tuyên bố một quyết định gây chấn động toàn bộ nền kinh tế thế giới: từ thời điểm này, Mỹ chính thức bãi bỏ khả năng chuyển đổi đồng USD thành vàng trên phạm vi toàn cầu. Với quyết định này, Mỹ chính thức chấm dứt hiệu lực Hệ thống Brê-tơn Út và từ năm 1971, đồng USD không còn được bảo đảm mệnh giá bằng vàng.

Theo nhận xét của nhà kinh tế Giôn Péc-kin (John Perkins), tác giả cuốn sách mang tựa đề "Sát thủ kinh tế: lịch sử gây sốc về cách thức Mỹ quản trị thế giới", cơ chế mới của Mỹ nhằm tiếp tục duy trì vị thế độc quyền của hệ thống tài chính Mỹ là sử dụng đồng USD được bảo đảm bằng dầu mỏ. Diễn giải một cách đơn giản nhất, đây là đồng USD do các nước xuất khẩu dầu mỏ được nhận và được gửi vào ngân hàng các nước phương Tây để dự trữ. Thoạt nhìn có vẻ đơn giản nhưng trong thực tế cơ chế vận hành của đồng USD được bảo đảm bằng dầu mỏ phức tạp hơn nhiều và là cơ sở của những động lực trong chính sách của Mỹ, đặc biệt là chính sách đối ngoại.

Năm 1971, khi tuyên bố chấm dứt hiệu lực Hệ thống Brê-tơn Út, Tổng thống Mỹ Ri-sác Ních-xơn (Richard Nixon) và Ngoại trưởng Mỹ Hen-ri Kít-xinh-gơ (Henry Kissiger) biết rất rõ rằng, việc chấm dứt sử dụng đồng USD được bảo đảm bằng vàng sẽ làm giảm đáng kể nhu cầu sử dụng đồng USD trên thị trường thế giới. Trong khi đó, việc duy trì nhu cầu này lại là điều kiện cần thiết, có ý nghĩa sống còn, để nước Mỹ tiếp tục phát hành đồng USD phục vụ bộ máy chiến tranh và cuộc sống thịnh vượng.

Để tìm cách duy trì vị thế độc quyền của đồng USD, nhiều cuộc đàm phán giữa Mỹ với A-rập Xê-út đã được tiến hành và kết quả là hai bên đã ký một hiệp định cực kỳ quan trọng vào năm 1973. Theo điều kiện của Hiệp định này, Mỹ vừa sử dụng sức mạnh quân sự để bảo vệ các mỏ dầu của A-rập Xê-út, vừa cung cấp vũ khí cũng như trang bị cho quốc gia này những điều kiện cần thiết để chống lại nguy cơ quân sự từ phía I-xra-en. Quốc vương A-rập Xê-út đánh giá rất cao hiệp định này và sẵn sàng thực hiện các điều kiện đề ra trong đó. Đổi lại, A-rập Xê-út phải thanh toán các hợp đồng xuất khẩu dầu mỏ bằng đồng USD của Mỹ và không được bán dầu mỏ qua bất kỳ một đồng tiền nào khác. Ngoài ra, A-rập Xê-út phải sử dụng lợi nhuận thu được từ việc xuất khẩu dầu mỏ để gửi vào ngân hàng dưới dạng ngân phiếu và trái phiếu của Chính phủ Mỹ.

Nhận xét về điều kiện của Hiệp định này, một trong những đại diện trong đoàn đàm phán của A-rập Xê-út đã phải thốt lên kinh ngạc: "Lẽ nào điều kiện hiệp định chỉ đơn giản có thế? Phải chăng người Mỹ đưa quân đội tới bảo vệ các mỏ dầu của chúng tôi, cung cấp vũ khí cho chúng tôi và bảo đảm an ninh cho chúng tôi chỉ vì chúng tôi thanh toán các hợp đồng dầu mỏ bằng đồng USD?".

Phía A-rập Xê-út không hiểu được thâm ý sâu xa của người Mỹ, bởi bằng Hiệp định đó, Mỹ đã giải quyết được một vấn đề kinh tế cực kỳ quan trọng là bảo đảm giá trị của USD bằng dầu mỏ. Và sau khi A-rập Xê-út chấp nhận điều kiện này, Mỹ đã tạo ra nhu cầu về đồng USD lớn chưa từng có, từ đó giúp Mỹ thoát khỏi suy thoái do tác động của cuộc chiến tranh Việt Nam, tạo ra sự tăng trưởng kinh tế vượt bậc của Mỹ trong nhiều thập kỷ sau đó.

Đến năm 1974, hệ thống USD - dầu mỏ đã hoạt động hết công suất ở A-rập Xê-út. Đến năm 1975, tất cả các thành viên thuộc Tổ chức các nước khai thác dầu mỏ OPEC (Organization of the Petroleum Exporting Countries) đã ký hợp đồng với Mỹ tương tự như A-rập Xê-út và đều đồng ý thanh toán các hợp đồng xuất khẩu dầu mỏ bằng USD và đem phần lớn số tiền thu được từ xuất khẩu dầu mỏ để mua trái phiếu và ngân phiếu của Mỹ.

Như vậy, Tổng thống Mỹ Ních-xơn và Ngoại trưởng Mỹ Kít-xinh-gơ đã thành công trong việc chuyển từ đồng USD được bảo đảm bằng vàng sang đồng USD được bảo đảm bằng dầu mỏ. Từ đó, gia tăng đột biến nhu cầu về đồng USD của Mỹ cùng với nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ ngày càng tăng trên phạm vi toàn cầu. Cũng chính vì thế, Mỹ có quyền hiện diện quân sự tại nhiều nước trên thế giới mà ở đó có khai thác và xuất khẩu dầu mỏ như các nước: Bê-nanh, I-rắc, Cô-oét, Ô-man, Ca-ta, A-rập Xê-út, Tiểu Vương quốc A-rập thống nhất, Ai Cập, I-xra-en, Gioóc-đa-ni và Y-ê-men…

Ưu thế cơ bản của hệ thống USD được bảo đảm bằng dầu mỏ


Ban đầu, Hiệp định giữa Mỹ và A-rập Xê-út được coi như là một biện pháp nhằm ngăn chặn nguy cơ nhu cầu về đồng USD suy giảm trên thị trường thế giới, nhưng từ năm 1973, Hiệp định này trở thành một trong những quyết định kinh tế và địa - chính trị có hiệu quả nhất, quan trọng nhất, có ý nghĩa chiến lược trong lịch sử nước Mỹ và thế giới, tạo ra ưu thế chưa từng có và có ý nghĩa quan trọng, ý nghĩa sống còn lâu dài cho nước Mỹ.

Đồng USD được bảo đảm bằng dầu mỏ là một giải pháp đem lại lợi thế vô cùng lớn đối với nền kinh tế Mỹ, không chỉ tạo ra thị trường nhập khẩu hàng hóa giá rẻ từ các nước đang cần đồng USD của Mỹ. Thực chất, Mỹ có được ưu lợi kép từ việc các nước sử dụng đồng USD để thanh toán các hợp đồng dầu mỏ trên thị trường thế giới. Một là, các nước nhập dầu mỏ nhất thiết phải sử dụng đồng USD của Mỹ. Hai là, lợi nhuận thu về của các nước xuất khẩu dầu mỏ được gửi vào các ngân hàng ở phương Tây dưới dạng ngân phiếu và trái phiếu của Mỹ.

Do đó, đồng USD được bảo đảm bằng dầu mỏ tạo ra ba ưu thế cho Mỹ: (1) tăng nhu cầu đồng USD trên thị trường thế giới; (2) tăng nhu cầu về ngân phiếu và trái phiếu Chính phủ của Mỹ trên thị trường thế giới; (3) tạo cho Mỹ khả năng nhập khẩu dầu mỏ bằng đồng tiền mà họ có thể in ra bất kỳ lúc nào và với bất kỳ khối lượng nào.

Kích thích xuất khẩu hàng hóa giá rẻ vào thị trường Mỹ


Từ năm 1973 tới nay, gần như tất cả các hợp đồng mua bán dầu mỏ trên thế giới đều được ký kết thông qua đồng USD. Khi một nước nào đó không có đủ đô-la Mỹ, họ phải có chiến lược tích lũy đồng tiền này, nếu không sẽ không thể mua dầu mỏ, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ năng lượng trong nước. Cách thức đơn giản nhất để có được đồng USD là thông qua thị trường tiền tệ. Nhưng xét về mặt dài hạn, quyết định này phải trả một giá đắt. Do đó, nhiều nước áp dụng chiến lược xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ giá rẻ sang Mỹ để nhận được đồng USD cần thiết cho việc nhập khẩu dầu mỏ trên thị trường thế giới. Điều này giải thích chiến lược xuất khẩu của các nước Đông Á từ những năm 1980. Thí dụ, Nhật Bản là một quốc đảo hạn chế về tài nguyên thiên nhiên, cần phải nhập khẩu một khối lượng lớn nguyên liệu và năng lượng, trong đó có dầu mỏ, nên họ rất cần đồng USD và phải thực hiện chiến lược xuất khẩu giá rẻ sang Mỹ để thu về đồng USD.

Gia tăng vượt bậc nhu cầu đồng USD trên thị trường thế giới

Vì sao nhu cầu ngày càng tăng đối với đồng USD trên thị trường thế giới lại là một ưu thế? Xét về nhiều phương diện, đồng USD cũng giống như một thứ hàng hóa bình thường. Do đó, khi nhu cầu càng cao thì người sản xuất càng có lợi. Nếu người tiêu dùng đồng USD chỉ là các công dân Mỹ thì số lượng đồng USD do Cục Dự trữ liên bang Mỹ phát hành chỉ hạn chế bởi nhu cầu tiêu dùng ở trong nước không phải là vô hạn.

Nhưng nếu Mỹ bằng cách này hay cách khác tạo ra nhu cầu ngày càng lớn đối với đồng USD trên phạm vi toàn cầu thì họ sẽ có khả năng không giới hạn trong việc phát hành đồng USD. Kịch bản này đã được thực hiện từ năm 1973 sau khi áp dụng hệ thống đồng USD được bảo đảm dầu mỏ. Sau khi thuyết phục tất cả các nước xuất khẩu dầu mỏ sử dụng đồng USD để thanh toán các hợp đồng, giới tinh hoa ở Mỹ đã tạo ra một cơ chế tin cậy để không ngừng gia tăng nhu cầu đối với đồng USD trên phạm vi toàn cầu. Một khi thế giới ngày càng phụ thuộc vào dầu mỏ thì đồng USD càng được bảo đảm bằng dầu mỏ và đem lại siêu lợi nhuận cho Mỹ, đồng thời duy trì nhu cầu đối với đồng tiền này. Do đó, các máy in tiền của Mỹ không ngừng hoạt động hết công suất và nhờ thế Mỹ tiếp tục duy trì vị thế lãnh đạo trong nền kinh tế thế giới mà họ đã bị mất đi sau khi chấm dứt kỷ nguyên đồng USD được bảo đảm bằng vàng.

Cũng từ đây Mỹ có khả năng sử dụng đồng USD được bảo đảm bằng dầu mỏ để giải quyết nhiều vấn đề kinh tế và chạy đua vũ trang, làm gia tăng giá trị của đồng tiền Mỹ trên thị trường thế giới. Chính vì vậy việc duy trì đồng USD trên thị trường thế giới là điều kiện quan trọng sống còn đối với nền kinh tế Mỹ.

Gia tăng nhu cầu ngân phiếu và trái phiếu Chính phủ Mỹ


Một trong những đặc điểm nổi bật của hệ thống USD được bảo đảm bằng dầu mỏ là lợi nhuận thu được của các nước xuất khẩu dầu mỏ phải được gửi vào các ngân hàng phương Tây dưới dạng ngân phiếu và trái phiếu Chính phủ Mỹ. Cơ chế mang tính hệ thống này về sau được gọi là "tái chế đồng USD được bảo đảm bằng dầu mỏ" theo cách gọi của Hen-ri Kít-xinh-gơ. Từ đó, tạo điều kiện cho Mỹ không ngừng tăng ngân sách chi tiêu công. Tuy nhiên, quá trình này trái với quy luật tự nhiên và sẽ không có sức sống, làm sai lệch nhu cầu thực về trái phiếu Chính phủ. Do đó, dẫn tới nhiều rối loạn trong hoạt động kinh tế và rút cuộc sẽ tự sụp đổ.

Cho phép Mỹ mua dầu mỏ bằng đồng tiền do họ tự phát hành theo ý muốn


Nhiều nền kinh tế phát triển cao như Mỹ đều phải sử dụng năng lượng từ dầu mỏ để xây dựng phần lớn hệ thống kết cấu hạ tầng của họ. Giống như nhiều nước khác, hằng năm Mỹ tiêu dùng một khối lượng dầu mỏ lớn hơn nhiều so với khả năng có thể tự sản xuất. Do đó, họ phải nhập khẩu dầu mỏ nhưng khác với các nước khác là sẽ thanh toán 100% hợp đồng bằng đồng tiền do mình tự phát hành. Trên thế giới, ngoài Mỹ ra không có một quốc gia nào có thể tự in tiền ra để mua dầu mỏ. Do đó, việc duy trì đồng USD được bảo đảm bằng dầu mỏ là mục đích chủ yếu trong chiến lược toàn cầu của Mỹ.

Nguy cơ sụp đổ hệ thống tiền tệ dựa trên đồng USD được bảo đảm bằng dầu mỏ

Hiện nay, nhiều nước đã và đang muốn rút khỏi hệ thống đồng USD được bảo đảm bằng dầu mỏ như I-ran, Li-bi thời dưới thời cựu Tổng thống M.Ca-đa-phi, Xi-ri, Vê-nê-du-ê-la, CHDCND Triều Tiên... Những nước này do vị thế yếu kém cả kinh tế lẫn quân sự nên thường bị Oa-sinh-tơn liệt vào danh sách “trục ma quỷ”. Ngoài ra, còn có các nước Nga, Trung Quốc, Ấn Độ và nhiều nước khác quyết định sử dụng đồng tiền quốc gia để thanh toán các hợp đồng mua bán dầu mỏ.

Trên thực tế, nhiều nước không chỉ từ bỏ cơ chế thanh toán các hợp đồng mua bán dầu mỏ bằng đồng USD mà còn từng bước chia tay với vai trò của đồng USD như là một đồng tiền duy nhất có khả năng chuyển đổi trên phạm vi toàn cầu. Trung Quốc được coi là quốc gia đi đầu theo xu hướng này theo một kế hoạch dài hạn được gọi là Chiến lược quốc tế hóa đồng nhân dân tệ (NDT). Năm 2012, Trung Quốc và Nhật Bản thống nhất đưa ra một quyết định có ý nghĩa lịch sử: từ nay các hợp đồng kinh tế giữa Nhật Bản và Trung Quốc sẽ được thanh toán trực tiếp bằng đồng NDT và đồng yên mà không cần thông qua vai trò trung gian của đồng USD, mở đầu quá trình quốc tế hóa đồng NDT.

Quyết định này của Trung Quốc và Nhật Bản không chỉ thúc đẩy sự hợp tác kinh tế có hiệu quả hơn giữa hai nước mà còn góp phần vào quá trình quốc tế hóa đồng NDT. Theo đó, Nhật Bản sẽ mở rộng thêm thị trường tiêu thụ công nghệ cao, còn Trung Quốc sẽ giảm được phần nào “cơn khát công nghệ hiện đại. Theo nhận xét của tờ “Kyoto News”, đây là lần đầu tiên, đồng USD của Mỹ bị loại khỏi vai trò trung gian trong việc đưa đồng NDT ra thị trường tiền tệ quốc tế trong các hoạt động thanh toán với các ngoại tệ mạnh hàng đầu thế giới.

Biện pháp này sẽ giúp các xí nghiệp của Trung Quốc và Nhật Bản giảm được nguy cơ biến động tỷ giá trao đổi với đồng USD và giảm chi phí thanh toán theo phương thức sử dụng đồng thời 3 loại ngoại tệ mạnh, nâng cao ảnh hưởng của đồng yên và đồng NDT trên thị trường tiền tệ toàn cầu và kích thích các nhà đầu tư tư nhân Nhật Bản sử dụng các dịch vụ tiền tệ của Trung Quốc.

Một lợi ích rất quan trọng nữa của quyết định này là góp phần thắt chặt quan hệ đầu tư và thương mại giữa nền kinh tế lớn thứ 2 và nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới trong các hoạt động kinh tế thực, nghĩa là sản xuất ra các sản phẩm công nghệ cao để trao đổi giữa hai nước. Tác động này có ý nghĩa chiến lược đối với Trung Quốc khi nước này rất cần nhập khẩu công nghệ cao trong điều kiện Mỹ đang hạn chế xuất khẩu sang Trung Quốc loại hình công nghệ này.

Đây là dấu mốc quan trọng trong chiến lược quốc tế hóa đồng NDT theo 3 bước trong vòng 30 năm: láng giềng hóa, khu vực hóa và quốc tế hóa đồng NDT, nhằm mục tiêu đưa NDT trở thành đồng tiền thanh toán bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc và là đồng tiền dự trữ quốc tế. Trong đó, 10 năm đầu, Trung Quốc sẽ đưa đồng NDT thành tiền tệ thanh toán thương mại với các nước láng giềng; 10 năm tiếp theo là tiền tệ hóa hoạt động đầu tư mang tính khu vực và 10 năm cuối sẽ trở thành tiền tệ dự trữ quốc tế tương tự như đồng USD từ trước tới nay.

Trong tiến trình thực hiện chiến lược quốc tế hóa đồng NDT, Hội nghị thượng đỉnh nhóm các nước có nền kinh tế mới nổi BRICS (gồm Bra-xin, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi), diễn ra vào cuối tháng 3-2012 là dấu mốc quan trọng trong quá trình quốc tế hóa đồng NDT. Tại Hội nghị này, lần đầu tiên các nước BRICS đặt vấn đề tái cấu trúc hệ thống tài chính quốc tế và đa dạng hóa đồng tiền giao dịch thương mại nội khối. Như vậy, Hội nghị BRICS năm 2012 đánh dấu bước tiến mới của Trung Quốc trong chiến lược quốc tế hóa NDT.

Trước khi diễn ra Hội nghị BRICS 2012, Chính phủ Trung Quốc tuyên bố sẽ áp dụng một biện pháp quan trọng nhằm tăng cường sử dụng đồng NDT trong việc thanh toán thương mại toàn cầu bằng cách cung cấp ngày càng nhiều các khoản vay bằng đồng NDT cho các nước BRICS thông qua Ngân hàng Phát triển Trung Quốc CDB (China Development Bank). Bắc Kinh cũng cho biết các nước khác trong BRICS cũng đang chuẩn bị các khoản vay tương tự bằng đồng nội tệ của họ qua ngân hàng phát triển mỗi nước để cung cấp tín dụng cho các thành viên khác, nhưng các thỏa thuận cho vay đó sẽ được cung cấp bằng đồng NDT là chủ yếu.

Các nước BRICS đều cho rằng, các nền kinh tế của họ và nền kinh tế toàn cầu nói chung từ trước tới nay quá lệ thuộc đồng USD nên một khi nền kinh tế Mỹ lâm vào khủng hoảng kéo theo sự bất ổn tỷ giá so với đồng USD sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực tới các nền kinh tế khác. Vì thế, các thỏa thuận đạt được tại Hội nghị BRICS năm 2012 cho thấy hệ thống tiền tệ quốc tế đã bắt đầu chuyển sang một hệ thống đa dạng hơn, trong đó, vị thế quốc tế của đồng NDT được khẳng định trong bối cảnh Trung Quốc trở thành nền kinh tế số 2 thế giới.

Theo dự báo của nhiều chuyên gia kinh tế, hệ thống tiền tệ quốc tế dựa trên cơ sở đồng USD được bảo đảm bằng dầu mỏ không sớm thì muộn cũng sẽ sụp đổ và nhiều nước đang chuẩn bị hạn chế tác động tiêu cực từ sự kiện “động trời” này./.

----------------------------
Tài liệu tham khảo

1. К крушению нефтедолларовой системы будь готов!
http://www.warandpeace.ru/ru/analysis/view/72865/

2. Готовясь к краху нефтедолларовой системы
http://mixednews.ru/archives/18141

3. Chiến lược quốc tế hóa đồng nhân dân tệ
http://vietnam.vn/c1082n20120601112021796/chien-luoc-quoc-te-hoa-dong-nhan-dan-te.htm