Chuyển biến không đột biến

Quách Quỳnh
19:59, ngày 10-10-2012
TCCSĐT - Kết quả cuộc bầu cử tổng thống mới rồi ở Vê-nê-du-ê-la vừa không bất ngờ lại vừa gây bất ngờ. Không bất ngờ vì mọi dự đoán chung trước bầu cử đều cho rằng đương kim Tổng thống U-gô Cha-vét sẽ tái cử, nhưng bất ngờ khi sự chênh lệch về tỷ lệ phiếu bầu giữa người thắng và kẻ thua trong cuộc bầu cử này không quá xa, chỉ còn gần 10% chứ không phải là 26% như năm 2006.
Dù vậy, sự chênh lệch này cũng vẫn áp đảo và cùng với việc kết quả bầu cử được công bố rất sớm đã loại bỏ ngay mọi dư luận và nghi vấn ở cả trong lẫn ngoài Vê-nê-du-ê-la về gian lận bầu cử. Tổng thống U-gô Cha-vét có thể cầm quyền thêm một nhiệm kỳ nữa cho tới đầu năm 2019. Tình hình chính trị nội bộ ở đất nước này đã có chuyển biến nhất định khi phe đối lập thống nhất lại và trở nên mạnh hơn nhưng đột biến đã không xảy ra. Điều đó có nghĩa là ông U.Cha-vét có thể tiếp tục quan điểm chính sách theo ý tưởng của mình về "chủ nghĩa xã hội của thế kỷ XXI".

Đa số người dân ở Vê-nê-du-ê-la vẫn ủng hộ Tổng thống U-gô Cha-vét và đặt niềm tin cũng như mong đợi của họ về tương lai vào chính sách của ông. Thắng cử của Tổng thống U-gô Cha-vét có lý do ở chỗ cử tri coi trọng những gì ông đã làm được kể từ khi lên cầm quyền ở Vê-nê-du-ê-la năm 1999 hơn hẳn những gì ông U.Cha-vét chưa hoặc không làm được. Họ muốn có sự liên tục chứ không muốn đột biến, không muốn có tổng thống mới với đường lối chính sách không chỉ hoàn toàn mới, mà còn trái ngược gần như hoàn toàn với tổng thống cũ.

Đương nhiên, Tổng thống U-gô Cha-vét sẽ khó khăn hơn trong nhiệm kỳ cầm quyền tới đây vì phe đối lập đã mạnh hơn và vì sự phân bè chia phái trên chính trường cũng như trong xã hội tiếp tục sâu sắc thêm. Cuộc bầu cử chính quyền địa phương trong tháng 12 tới vì thế sẽ là thách thức mới đối với ông U.Cha-vét.

Sự ổn định chính trị ở Vê-nê-du-ê-la có tác động mạnh mẽ tới tương lai của đất nước này, nhưng đồng thời ảnh hưởng tới cả chính trường khu vực, châu lục và thế giới. Việc Tổng thống U-gô Cha-vét tiếp tục cầm quyền đồng nghĩa với việc các mối quan hệ đối ngoại của Vê-nê-du-ê-la chưa bị thay đổi, trong đó đặc biệt là quan hệ của Vê-nê-du-ê-la với Mỹ, Cu-ba, Ni-ca-ra-goa và I-ran cũng như vai trò của Vê-nê-du-ê-la trong các tổ chức hợp tác liên kết khu vực.

Cùng với cựu Tổng thống Bra-xin Lu-la đa Xin-va, ông U.Cha-vét là động lực chính của Liên minh các quốc gia Nam Mỹ (UNASUR) được thành lập làm đối trọng với Tổ chức Các nước châu Mỹ (OAS) vốn vẫn bị Mỹ chi phối. Tương tự như vậy đối với tập hợp cánh tả ở khu vực Mỹ La-tinh trong khuôn khổ Liên minh Bô-li-va cho châu Mỹ (Alianza Bolivariana - ALBA). Bra-xin, Ác-hen-ti-na và nhiều quốc gia khác ở khu vực Trung và Nam Mỹ thật lòng cũng không muốn có đột biến chính trị ở Vê-nê-du-ê-la và chắc chắn đã thở phào nhẹ nhõm khi ông U.Cha-vét tái cử.

Trong thời kỳ cầm quyền đến nay của Tổng thống U-gô Cha-vét, quan hệ giữa Vê-nê-du-ê-la với I-ran và Trung Quốc đã được phát triển mạnh mẽ. Chiều hướng ấy sẽ được tiếp tục cả trong thời gian tới. Điều đó quan trọng đối với Vê-nê-du-ê-la tương tự như đối với I-ran và Trung Quốc. I-ran càng bị bao vây, cấm vận và trừng phạt bởi Mỹ và phương Tây thì quan hệ hợp tác giữa quốc gia này với Vê-nê-du-ê-la càng thêm quan trọng. Trung Quốc càng muốn chinh phục thị trường Mỹ La-tinh và cạnh tranh ảnh hưởng thì nước này càng phải coi trọng quan hệ với Vê-nê-du-ê-la. I-xra-en là một trong những bên thua ở cuộc bầu cử tổng thống này bởi I-xra-en là một trong những bên hậu thuẫn phe đối lập ở Vê-nê-du-ê-la mạnh mẽ nhất và hiệu quả thiết thực nhất.

Tái cử rồi nhưng sự chuyển biến nói trên và thực trạng sức khoẻ của ông U.Cha-vét sẽ buộc ông phải có những điều chỉnh chính sách ở mức độ nhất định để có sách lược thích hợp hơn trong việc đối phó cũng như hợp tác với phe đối lập và chuẩn bị nhân sự kế cận để tiếp tục "cuộc Cách mạng Bô-li-va" mà ông khởi xướng và thực hiện cho tới nay ở Vê-nê-du-ê-la và cả khu vực Mỹ La-tinh./.