TCCSĐT - Sáng 9-10-2012, tại Nhật Bản, các cuộc họp trong khuôn khổ Hội nghị thường niên Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng thế giới (WB) đã bắt đầu tại Tô-ki-ô, với sự tham gia của gần 20.000 quan chức chính phủ, giới chủ doanh nghiệp và các thống đốc ngân hàng trung ương, thảo luận nhiều vấn đề từ cuộc khủng hoảng ở Khu vực đồng ơ-rô (Eurozone) và sự giảm tốc của nền kinh tế toàn cầu, cho đến các biện pháp hỗ trợ các nước đang phát triển.
Cũng đúng vào ngày bắt đầu "tuần lễ bận rộn" của Hội nghị thường niên Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) tại Tô-ki-ô (Nhật Bản), IMF đã công bố báo cáo “Triển vọng kinh tế thế giới”, với nhận định chung là khá ảm đạm khi tăng trưởng trong năm nay của gần như tất cả các nền kinh tế đều giảm. So với báo cáo hồi tháng 7 vừa qua, IMF hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới từ 3,5% xuống 3,3% trong năm 2012, và từ 3,9% xuống 3,6% năm 2013. Báo cáo của IMF chỉ rõ những chính sách đối phó không hiệu quả của các nước phát triển, đồng thời kêu gọi Mỹ và châu Âu đẩy mạnh nỗ lực đối phó với các thách thức.

Trong báo cáo của mình, IMF hạ dự báo tăng trưởng của các nước đang phát triển ở châu Á xuống 6,7% trong năm 2012 do suy thoái kinh tế ở châu Âu và tăng trưởng ảm đạm ở Mỹ khiến sức tiêu dùng giảm, nhưng sau đó sẽ đạt 7,2% vào năm 2013. Trước đó, mức dự báo IMF đưa ra hồi tháng Bảy lần lượt là 7,1% và 7,5%. IMF cũng cảnh báo khủng hoảng nợ công của Eurozone sẽ tồi tệ hơn, và nguy cơ các nhà hoạch định chính sách Mỹ sẽ thất bại trong việc ngăn chặn một "vực thẳm tài chính" có thể gây thêm khó khăn cho châu Á. IMF cho biết nhu cầu từ bên ngoài giảm đã hạ thấp tăng trưởng của một số nền kinh tế đang phát triển lớn ở Đông Nam Á như In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a. Tuy nhiên, kinh tế Thái Lan và Phi-líp-pin sẽ được cải thiện do sự phát triển trong lĩnh vực đầu tư và nhất là xây dựng, vốn bị ảnh hưởng của những trận lũ lụt nghiêm trọng hồi năm ngoái.

Về triển vọng kinh tế Nhật Bản, báo cáo cũng hạ mức tăng trưởng dự báo xuống còn 2,2% trong năm 2012 và 1,3% vào năm 2013. Dự báo hồi tháng 7 vừa qua của IMF là 2,4% và 1,5%. IMF cho rằng giải pháp nới lỏng tiền tệ sẽ hỗ trợ nền kinh tế thế giới, nhưng với kinh tế Nhật Bản, cần có thêm nhiều biện pháp khác để chống thiểu phát. Liên quan đến Trung Quốc, nền kinh tế được coi là một đầu tàu quan trọng của tăng trưởng khu vực, IMF dự báo tăng trưởng sẽ giữ ở mức 7,8% trong năm 2012 nhưng có thể sẽ trở lại mức tăng trưởng nóng 8,2% vào năm 2013 do các biện pháp nới lỏng hiện nay. Tuy nhiên, tăng trưởng hai con số sẽ không tái diễn vì giới lãnh đạo nước này đang cố gắng cân bằng giữa xuất khẩu và tiêu dùng nội địa. Các mức dự báo trên đều thấp hơn mức dự báo hồi tháng Bảy là 8,0% và 8,2%. Theo nhận định của IMF, tăng trưởng giảm ở Trung Quốc đã ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế của các nước châu Á còn lại. Dự báo về Ấn Độ, nền kinh tế lớn thứ ba châu Á, IMF đưa ra mức tăng trưởng 4,9% năm 2012 và 6% vào năm 2013, nhưng đầu tư đang chững lại do vấp phải các vấn đề về quản lý.

Đánh giá về châu Phi, IMF cho rằng tăng trưởng kinh tế trong năm nay cũng suy yếu do nhu cầu toàn cầu giảm trong khi giá lương thực tăng cao. Tăng trưởng năm 2012 của châu Phi là 5% so với mức dự báo 5,3% trước đây, và 5,3% cho năm 2013 so với tỷ lệ 5,7%. Riêng Nam Phi, nước có quan hệ mật thiết về thương mại và tài chính với châu Âu, IMF cũng hạ dự báo tăng trưởng từ 3,3% xuống 3% vào năm 2013, chủ yếu do tác động của khủng hoảng nợ ở Eurozone, song giữ nguyên mức dự báo 2,6% cho năm 2012. IMF còn cảnh báo rằng các nước châu Phi cũng có thể bị tác động nếu tăng trưởng kinh tế Trung Quốc giảm mạnh, vì Trung Quốc đóng vai trò quan trọng về đầu tư trực tiếp nước ngoài ở châu Phi.

Theo chương trình nghị sự mà IMF và WB đưa ra, Hội nghị này sẽ diễn ra trong một tuần. Các bộ trưởng Tài chính và Thống đốc ngân hàng trung ương của 7 nước phát triển thuộc nhóm G7 (gồm Anh, Ca-na-đa, Pháp, Đức, I-ta-li-a, Nhật Bản và Mỹ) sẽ nhóm họp vào ngày 11-10. Các thành viên châu Âu sẽ giải thích về cách thức giải quyết khủng hoảng nợ công. Dự kiến, Mỹ sẽ công bố chính sách tài chính của mình trong bối cảnh xuất hiện mối lo ngại về một "vực thẳm tài chính" liên quan đến cắt giảm thuế thu nhập và giảm chi tiêu hàng loạt vào đầu năm 2013, trong khi Nhật Bản sẽ đề cập đến những lo ngại về đồng yên mạnh tác động tới xuất khẩu. Và Chính phủ Nhật Bản sẽ tổ chức một cuộc họp nhằm nghiên cứu cách thức giải quyết các vấn đề liên quan đến nợ của Mi-an-ma. Nhật Bản, chủ nợ lớn nhất của Mi-an-ma hồi tháng 4 đã cam kết sẽ xóa một phần nợ cho quốc gia này với một số điều kiện, đồng thời tiếp tục cấp các các khoản vay mới, và đề nghị các chủ nợ khác, trong đó có WB và các nước châu Âu, có những bước đi tương tự.

Dự kiến, ngày 12-10 tới, các Bộ trưởng Tài chính G8 (bao gồm G7 và Nga) sẽ họp bên lề Hội nghị thường niên của IMF và WB. Ủy ban Tài chính và Tiền tệ quốc tế (IMFC) - cơ quan hoạch định chính sách của IMF và Ủy ban Phát triển cũng sẽ lần lượt thảo luận về cải cách trong IMF nhằm tăng tiếng nói của các nền kinh tế đang phát triển trong ngày 13-10. Cuộc cải cách này đòi hỏi sự chấp thuận của ít nhất 113 thành viên (tức 85% số phiếu bầu). Riêng Mỹ có phiếu bầu tương đương 16,73%, nghĩa là mọi cải cách để được thông qua đều không thể thiếu sự ủng hộ của nước này. Các thành viên mới nổi như Bra-xin và Trung Quốc đã kêu gọi IMF nhanh chóng thực thi cải cách, đồng nghĩa với việc những nước này phải tăng phần đóng góp của mình vào IMF.

Hội nghị thường niên của IMF và WB 2012 ban đầu dự kiến tổ chức tại Ai Cập, nhưng những bất ổn chính trị ở quốc gia này đã khiến Chính phủ Ai Cập từ bỏ kế hoạch chủ trì hội nghị. Đây là lần thứ hai Tô-ki-ô tổ chức Hội nghị thường niên của IMF-WB./.