TCCSĐT - Tuyên Quang là quê hương cách mạng, nơi diễn ra Hội nghị quốc dân Tân Trào, phát đi lời hiệu triệu toàn dân đứng lên giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám, là thủ đô, nơi đóng quân của các cơ quan Đảng, Chính phủ trong kháng chiến chống Pháp. Ngày nay, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Tuyên Quang đang nỗ lực phấn đấu xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh.

Tuyên Quang là tỉnh miền núi, có diện tích tự nhiên 5.870,38 km2, trong đó diện tích đất sản xuất nông nghiệp là 82.652,56 ha, chiếm 14,09%, diện tích đất lâm nghiệp 447.119,16 ha, chiếm 76,2%. Dân số trung bình của tỉnh là 730.690 người; mật độ dân số 124 người/km2. Tỉnh có 22 dân tộc anh em cùng sinh sống (trong đó dân tộc Kinh chiếm 46%, Tày 26%, Dao 13%, Sán Cháy 8%...). Tỉnh có 6 huyện, 1 thành phố với 141 xã, phường, thị trấn; 2.090 thôn, bản; trong đó có 37 xã, 78 thôn, bản đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135.

Những kết quả phát triển kinh tế - xã hội

Những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Tuyên Quang, các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở đã tập trung thực hiện phát triển toàn diện các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, khắc phục có hiệu quả mọi khó khăn, đưa kinh tế của tỉnh liên tục phát triển. Năm 2011, nhiều chỉ tiêu cơ bản của tỉnh tăng khá so với cùng kỳ năm trước. Tiến độ thực hiện các dự án giao thông, công nghiệp, xây dựng được triển khai theo kế hoạch, đạt kết quả tốt. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm đạt trên 14,01% so với năm 2010; thu nhập bình quân đầu người đạt 14,48 triệu đồng/năm.

Về nông, lâm nghiệp, sản lượng lương thực đạt trên 32,9 vạn tấn (bằng 101,2% kế hoạch). Đã trồng mới 15.756 ha rừng tập trung (đạt 101,7% kế hoạch), đưa tỷ lệ che phủ rừng lên trên 64%.

Về công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 2.568 tỷ đồng; giá trị xuất khẩu hàng hóa đạt 14,7 triệu USD; tổng mức bán lẻ hàng hóa xã hội là 7.233 tỷ đồng (đạt 118,6% kế hoạch). Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh đạt 1.028 tỷ đồng, trong đó thu cân đối ngân sách nhà nước là 775,8 tỷ đồng, đạt 115% dự toán Bộ Tài chính giao và đạt 106,4% chỉ tiêu mà Nghị quyết Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh đề ra, tăng 21,8% so với năm 2010.

Về xây dựng cơ bản, tỉnh đã thực hiện bê tông hóa 664,8 km đường giao thông nông thôn (vượt 264,8 km so với Nghị quyết HĐND giao). Trên 60% số xã hoàn thành quy hoạch xây dựng nông thôn mới.

Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thông tin tuyên truyền diễn ra phong phú, nhiều lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa đồng bào các dân tộc, thể hiện nét sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Toàn tỉnh hiện có khoảng 460 di tích lịch sử văn hóa, mỗi năm thu hút hơn 600 nghìn lượt khách du lịch. Doanh thu xã hội từ du lịch năm 2011 đạt trên 500 tỷ đồng (tăng 12,1% so với năm 2010). Tỷ lệ hộ gia đình đạt chuẩn văn hóa là 82,5%; thôn, bản, tổ dân phố đạt chuẩn văn hóa là 70,5%.

Công tác giáo dục, y tế, thực hiện chính sách xã hội tiếp tục được quan tâm đầu tư. Chất lượng dạy và học ở các cấp học được nâng cao, 100% số xã giữ vững phổ cập các bậc học theo quy định. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng giảm còn 20%.  Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 34,83% xuống còn 29,08%. Năm 2011, có 12.652 lao động được tạo thêm việc làm mới; 514 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo diện xuất khẩu lao động; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 33,1%. 

Công tác bảo vệ môi trường được chú trọng. Theo thống kê, tỷ lệ số hộ dân ở thành thị được sử dụng nước sạch lên tới 98%; tỷ lệ số hộ dân ở nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh là 71%. Tỷ lệ chất thải nguy hại, chất thải y tế, chất thải rắn thông thường được thu gom, xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia khoảng 90%; 80% các khu công nghiệp, cụm công nghiệp có nơi xử lý chất thải rắn, nước thải đạt tiêu chuẩn hoặc quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.

Cải cách hành chính được triển khai toàn diện, góp phần xây dựng môi trường đầu tư thông thoáng cho hoạt động của doanh nghiệp và đời sống nhân dân. Công tác thanh tra, kiểm tra được tăng cường; an ninh - quốc phòng được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm…

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đạt được thì một số chỉ tiêu sản phẩm chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, nông, lâm nghiệp chưa đạt kế hoạch. Chất lượng hoạt động một số lĩnh vực văn hóa - xã hội chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Công tác quản lý địa bàn, công tác lãnh đạo điều hành công việc ở một số cơ sở còn buông lỏng, yếu kém; tình trạng khai thác, mua bán, vận chuyển trái phép lâm sản, khoáng sản còn xảy ra ở một số nơi. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do sự lãnh đạo, chỉ đạo điều hành một số nhiệm vụ của các cấp, các ngành thiếu chủ động và quyết liệt, đội ngũ cán bộ còn một số mặt bất cập. Hơn nữa, công tác chỉ đạo, điều hành tháo gỡ khó khăn diễn ra trong điều kiện diễn biến phức tạp của thời tiết, dịch bệnh, ảnh hưởng của lạm phát kéo dài nên có những công việc, lĩnh vực còn hạn chế…

Mục tiêu và nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV (nhiệm kỳ 2011 - 2015) đã đề ra mục tiêu, nhiệm vụ, xác định bốn khâu đột phá trong phát triển, đó là: đầu tư xây dựng hệ thống giao thông, phát triển công nghiệp, phát triển kinh tế du lịch và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Bám sát các mục tiêu trên, tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố và đơn vị liên quan phải xây dựng kế hoạch, chương trình hành động cụ thể. Tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển. Đẩy mạnh công tác xúc tiến, thu hút đầu tư của các thành phần kinh tế. Tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp để từng bước mở rộng quy mô đầu tư kinh doanh, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của doanh nghiệp, đặc biệt chú trọng phát triển công nghiệp, trong đó quan tâm đến công nghiệp chế biến nông, lâm sản và sản xuất vật liệu xây dựng. Huy động các nguồn lực đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, trong đó tập trung thực hiện một số công trình, dự án quan trọng như: Cụm Tượng đài Bác Hồ với nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang gắn với Quảng trường Nguyễn Tất Thành (giai đoạn II); Đại lộ Tân Trào, đường giao thông từ Bình An đi Lăng Can; các công trình cơ sở hạ tầng thành phố Tuyên Quang (quy hoạch phát triển đô thị loại II và các khu đô thị); hạ tầng thiết yếu thị trấn huyện lỵ Yên Sơn, huyện Lâm Bình; đường Thổ Bình - Thượng Lâm; cầu Kim Xuyên; cầu Bà Đạo…

Chỉ đạo quản lý, sử dụng các nguồn vốn đầu tư, ngân sách bảo đảm chặt chẽ, có hiệu quả theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Triển khai có hiệu quả các nội dung, mục tiêu tại Chương trình hành động số 18-CTr/TU ngày 27-10-2008 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIV) thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, trong đó tập trung triển khai xây dựng và thực hiện các chính sách mới về phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn; hoàn thành công tác quy hoạch xây dựng nông thôn mới; triển khai đầy đủ các nội dung tại 7 xã điểm, lấy thôn, hộ là cơ sở thực hiện kế hoạch xây dựng nông thôn mới. Quan tâm chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản; tiếp tục chuyển mạnh kinh tế nông, lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa.

Chú trọng đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo; phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt, tập trung đào tạo một số nghề trọng điểm quốc gia theo hướng mở rộng liên doanh, liên kết, bảo đảm phù hợp với nhu cầu của xã hội; thực hiện có hiệu quả chính sách an sinh xã hội, đặc biệt là công tác giảm nghèo, tạo việc làm; chú trọng công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân; đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các nguồn lực cho giáo dục, y tế, văn hóa, thể dục, thể thao và dạy nghề.

Tiếp tục rà soát, sửa đổi, đơn giản hóa và công khai thủ tục hành chính; chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức để tạo chuyển biến rõ nét về hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của bộ máy hành chính nhà nước. Thực hành tiết kiệm, phòng chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu. Làm tốt công tác tiếp dân, tăng cường giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân.

Các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội

Để thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, Tỉnh ủy, UBND tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các ngành, các cấp thực hiện tốt một số giải pháp sau:

Một là, lãnh đạo các sở, ban, ngành; bí thư, chủ tịch UBND các huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh phải bám sát nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng của các cấp ủy đảng cũng như nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh, ngành, địa phương để chủ động xây dựng kế hoạch và chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ một cách linh hoạt, hiệu quả.

Tập trung thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý; tái cơ cấu đầu tư công. Kiểm soát chặt chẽ và sử dụng linh hoạt các nguồn vốn để bảo đảm nguồn cân đối ngân sách, đáp ứng yêu cầu chi ngân sách và chi cho đầu tư phát triển.

Hai là, bảo đảm sản xuất, kinh doanh ổn định và tiếp tục phát triển; bảo đảm về nguyên liệu, thị trường, vốn và lao động; thực hiện các biện pháp đẩy mạnh xuất khẩu; chủ động tìm kiếm thị trường, hỗ trợ và tạo môi trường thuận lợi để các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân sản xuất và đầu tư tại tỉnh; chú trọng nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư. Chỉ đạo điều hành chặt chẽ sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản, phòng chống có hiệu quả thiên tai, dịch bệnh; chủ động triển khai các chính sách hỗ trợ và đề án phát triển sản xuất, bảo đảm hoàn thành các chỉ tiêu và giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp ở các cấp, đồng thời, tập trung hướng dẫn, kiểm tra thực hiện đề án, kế hoạch xây dựng nông thôn mới trên địa bàn toàn tỉnh.

Căn cứ vào Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội các huyện, thành phố đến năm 2020, phối hợp với các bộ, ngành liên quan chỉ đạo việc lập, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển các khu đô thị và quy hoạch thành phố Tuyên Quang là đô thị loại II; quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực nhằm bảo đảm sự phát triển tổng thể, đồng bộ.

Ba là, huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để đầu tư phát triển hạ tầng, tập trung thực hiện một số công trình, dự án quan trọng; thực hiện có hiệu quả công tác giải phóng mặt bằng, khẩn trương giải quyết các thủ tục hành chính trong đầu tư xây dựng nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án. Thường xuyên rà soát các dự án đầu tư, xử lý kiên quyết đối với những dự án chậm tiến độ, thay thế các nhà thầu không đủ năng lực thực hiện dự án. Tiếp tục triển khai dự án điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể di dân tái định cư thủy điện Tuyên Quang; tiếp tục duy trì các chính sách và triển khai chương trình làm đường giao thông nông thôn theo chủ trương của tỉnh.

Tiếp tục tôn tạo, xây dựng quy hoạch khu di tích lịch sử Tân Trào thành khu di tích, lịch sử đặc biệt cấp quốc gia, củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Quản lý các khu du lịch. Thực hiện các đề án phát triển du lịch, tổ chức tốt các lễ hội truyền thống nhằm củng cố và phát triển du lịch, góp phần tạo việc làm và khai thác có hiệu quả lợi thế về điều kiện tự nhiên, sinh thái, truyền thống văn hóa, lịch sử.

Bốn là, đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho tổ chức, cá nhân, hộ gia đình trên địa bàn tỉnh; tiếp tục thực hiện giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp gắn với thực hiện dự án giao rừng, cho thuê rừng; phấn đấu hoàn thành việc giao đất cho các nông, lâm trường, ưu tiên nguồn vốn sự nghiệp từ ngân sách cho công tác lập hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giao đất, giao rừng. Thiết lập kỷ cương, trách nhiệm quản lý địa bàn đối với người đứng đầu các cấp từ tỉnh đến cơ sở, kiên quyết ngăn chặn tình trạng khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản, khoáng sản trái phép, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Năm là, củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của các ban chỉ đạo chương trình mục tiêu quốc gia, thực hiện tốt các chương trình, dự án trên lĩnh vực văn hóa - xã hội, các chính sách an sinh xã hội. Trong đó, cần chú ý vận dụng linh hoạt các chính sách, huy động các nguồn lực xã hội, thực hiện có hiệu quả và đồng bộ các giải pháp giảm nghèo bền vững. Nâng cao chất lượng hoạt động của ban chỉ đạo giáo dục phổ cập các cấp, duy trì kết quả phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập trung học cơ sở; chú trọng công tác phổ cập giáo dục cho trẻ 5 tuổi. Kịp thời xét tuyển, bổ sung đội ngũ giáo viên, nâng cao chất lượng giáo dục, chú trọng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực có trình độ cao; tăng cường quản lý, nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa, thông tin truyền thông.

Sáu là, tăng cường công tác chỉ đạo điều hành, thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính trong các cơ quan hành chính nhà nước; nâng cao chất lượng cải cách hành chính và hiệu quả hoạt động ngoại vụ. Tiếp tục rà soát, kiểm tra các văn bản đã ban hành để sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ những văn bản không còn phù hợp. Các ngành, UBND các huyện, thành phố tiếp tục thực hiện áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001 - 2000 vào hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước. Nâng cao chất lượng công tác quản lý cán bộ; rà soát, củng cố, luân chuyển, bố trí, sắp xếp hợp lý và chú trọng đào tạo, đào tạo lại đội ngũ cán bộ; đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tiếp dân, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, không để xảy ra điểm nóng phức tạp về an ninh.

Bảy là, quán triệt và triển khai nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”; Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 14-5-2011 của Bộ Chính trị; Chỉ thị số 1973/CT-TTg ngày 07-11-2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Thực hiện tốt các chính sách về công tác dân tộc, tôn giáo; xây dựng vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân. Tăng cường và nâng cao chất lượng công tác giáo dục quốc phòng, thực hiện tốt chương trình quốc gia phòng chống tội phạm, phòng chống ma túy và các tệ nạn xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh./.