Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) ngày 17-7 nhận định cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu đang đe dọa đẩy lùi những tiến bộ xã hội, vốn được xem là diễn ra chậm chạp, ở nhóm 50 nước chậm phát triển nhất trên thế giới.

Báo cáo của UNCTAD cho biết hầu hết người dân tại các nước thuộc nhóm chậm phát triển nhất thế giới (LDC) đang trong diện rất nghèo và bị tác động mạnh bởi giá lương thực tăng cao.

Giá các mặt hàng lương thực chủ yếu như ngô, lúa mì và gạo đã tăng gấp đôi tại các nước LDC trong năm 2007 và đầu năm nay, đặc biệt là tại các nước như Burkina Faso, Guinea, Haiti, Mauritania, Mozambique, Senegal, Somalia và Yemen.

Tỷ lệ tăng trưởng kinh tế tại các nước LDC trong những năm gần đây khá cao, đạt hơn 7% trong hai năm 2005 và 2006. Tuy nhiên 3/4 số người dân tại các nước này có mức sống dưới 2 USD/ngày và hầu hết trong số họ không được tiếp cận với các nhu cầu thiết yếu về lương thực, nước sinh hoạt, nhà ở, y tế và giáo dục.

Tỷ lệ người dân tại các nước LDC có mức sống chưa tới 1 USD/ngày giảm chậm từ 44% trong năm 1994, xuống 36% trong năm 2005 (khoảng 277 triệu người). Điều đó có nghĩa các nước LDC nhiều khả năng sẽ không thể đạt được một trong những Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc (giảm 50% số người có mức sống chưa tới 1 USD/ngày trong giai đoạn 1990-2015)./.