Người có công với cách mạng là vốn quý của đất nước, là tấm gương sáng trước cộng đồng và xã hội

Phạm Thị Hải Chuyền Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
17:49, ngày 27-07-2012
TCCS - Kế thừa và phát huy đạo lý, truyền thống tốt đẹp “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây” từ nghìn xưa của dân tộc, Đảng và Nhà nước ta luôn dành sự quan tâm ưu đãi đặc biệt đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng. Đáp lại sự quan tâm chăm sóc của Đảng, Nhà nước và cộng đồng xã hội, những người có công với cách mạng và gia đình họ đang tiếp tục phát huy truyền thống vượt khó vươn lên xây dựng cuộc sống tốt đẹp, đóng góp cho xã hội, góp phần làm giàu cho đất nước. Họ xứng đáng được tôn vinh, trân trọng, là tấm gương sáng cho cộng đồng và xã hội noi theo.

Trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đã có biết bao thế hệ người Việt Nam hy sinh tính mạng, xương máu, sức lực, trí tuệ và tài sản để cho đất nước được tự do, độc lập. Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đời đời ghi nhớ công lao to lớn và luôn nỗ lực dành sự ưu đãi cho những người con ưu tú ấy thông qua việc ban hành và thực hiện một hệ thống chính sách ưu đãi. Ngay trong khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đang trong giai đoạn phòng ngự khó khăn, thay mặt Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày 16-2-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 20/SL “Quy định chế độ hưu bổng thương tật và tiền tuất tử sĩ”. Đây là văn bản pháp quy đầu tiên khẳng định vị trí quan trọng của công tác thương binh - liệt sĩ đối với cuộc chiến tranh vệ quốc. Ngày 27-7-1947, tại xóm Bàn Cờ, xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, các đại biểu Tổng bộ Việt Minh và một số địa phương đã dự một cuộc họp quan trọng nhằm thực hiện Chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn ngày kỷ niệm thương binh - liệt sĩ và bảo vệ công tác thương binh - liệt sĩ. Tại cuộc họp này, các đại biểu nhất trí đề nghị Trung ương lấy ngày 27-7-1947 làm Ngày Thương binh - liệt sĩ toàn quốc - ngày toàn dân cùng thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, là dịp để đồng bào “tỏ lòng hiếu nghĩa bác ái và tỏ lòng yêu mến thương binh”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho Ban Thường trực của Ban Tổ chức Ngày Thương binh toàn quốc và gửi tặng một chiếc áo lụa, một tháng lương và tiêu chuẩn một bữa ăn của nhân viên trong Phủ Chủ tịch. Trong thư Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: Đang khi Tổ quốc lâm nguy, giang sơn, sự nghiệp, mồ mả, đền chùa, nhà thờ của tổ tiên ta bị uy hiếp, cha mẹ, anh em, vợ con, thân thích, họ hàng ta bị đe dọa, của cải, ruộng nương, nhà cửa, ao vườn, làng mạc ta bị nguy ngập, ai là người xung phong trước hết để chống cự quân thù, để giữ gìn đất nước cho chúng ta? Đó là những chiến sĩ mà nay một số thành ra thương binh. Người nhấn mạnh: Thương binh là những người đã hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào, vì lợi ích của Tổ quốc, của đồng bào mà các đồng chí đó bị ốm yếu. Vì vậy, Tổ quốc và đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy. Vì nghĩa cử và sự hy sinh cao cả của thương binh, liệt sĩ và người có công nên Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở: Đối với những người con trung hiếu ấy, Chính phủ và đồng bào phải báo đáp cho xứng đáng.

Thực hiện lời dạy của Bác Hồ kính yêu, với truyền thống và đạo lý của dân tộc, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn thường xuyên dành sự ưu đãi cả vật chất và tinh thần cho đối tượng người có công, tạo điều kiện để cuộc sống của họ ngày càng tốt đẹp hơn. Sắc lệnh số 20/SL, ngày 16-2-1947, đặt nền móng cho hệ thống văn bản chính sách trong lĩnh vực ưu đãi người có công với cách mạng. Tiếp theo, nhiều văn bản chính sách được ban hành, thể hiện tính liên tục và luôn đổi mới, bảo đảm tính phù hợp trong quá trình phát triển của thực tiễn đất nước, tạo cơ hội và điều kiện để người có công được chăm sóc, ưu đãi và vươn lên hòa nhập cộng đồng; đồng thời tiếp tục cống hiến cho đất nước. Các đối tượng được ghi công, được ưu đãi ngày càng mở rộng, phù hợp với hoàn cảnh lịch sử cụ thể và tăng trưởng kinh tế gắn kết với bảo đảm an sinh xã hội trong 65 năm qua, nhất là trong thời kỳ đẩy mạnh công cuộc đổi mới đất nước hơn 25 năm qua, chẳng hạn: Pháp lệnh số 26/2005/PL-UBTVQH11 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi, bổ sung chính sách, chế độ ưu đãi đối với người có công, mở rộng đối tượng hưởng chế độ, quy định điều kiện tiêu chuẩn xác nhận người có công phù hợp với tiến trình cải cách thủ tục hành chính và gắn với lộ trình cải cách tiền lương, bảo hiểm xã hội tương ứng mức tiêu dùng bình quân của toàn xã hội; Nghị định số 54/2006/NĐ-CP, ngày 26-5-2006, của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh số 26; Nghị định số 45/2006/NĐ-CP, ngày 28-4-2006, của Chính phủ ban hành Điều lệ quản lý và sử dụng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa; Pháp lệnh số 35/2007/PL-UBTVQH11, ngày 21-6-2007, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh số 26 và Nghị định số 89/2008/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Pháp lệnh số 35,...

Có thể nói, trong hoàn cảnh còn nhiều khó khăn, chúng ta đang phải dành nguồn lực để đầu tư xây dựng và phát triển đất nước, song, Đảng và Nhà nước ta vẫn làm tất cả những gì có thể để chăm lo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người có công. Cùng với chính sách ưu đãi của Nhà nước, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” đã trở thành nét đẹp trong đời sống văn hóa của dân tộc, đã phát huy được sức mạnh của cả cộng đồng. Vấn đề an sinh nói chung, đặc biệt là ưu đãi, chăm sóc người có công để không ngừng nâng cao mức sống của họ nói riêng, có ý nghĩa và tác động không chỉ trong phạm vi quốc gia mà còn có tác động mang tính nhân văn, tính ưu việt của chế độ ở tầm khu vực và quốc tế.

Mặc dù được sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước và sự đùm bọc giúp đỡ của nhân dân, các thương binh, gia đình liệt sĩ  và người có công không ỷ lại, mà trái lại, đa số thương binh, thân nhân liệt sĩ và người có công đã không ngừng phấn đấu vươn lên trong học tập, công tác và lao động sản xuất. Chúng ta hết sức khâm phục và tự hào về những con người tiêu biểu ấy, tuy mang thương tật trên mình nhưng đã biết vượt lên trong lao động sáng tạo, năng động cải thiện đời sống gia đình, góp sức xây dựng, làm giàu cho quê hương, đất nước. Không ít những thân nhân liệt sĩ đã vượt qua mất mát đau thương, vượt qua tuổi cao, sức yếu, phát huy truyền thống cách mạng, nêu gương sáng cho các thế hệ con cháu noi theo.  Có nhiều con, em các đồng chí có công đã thành đạt trong học tập, nghiên cứu khoa học, sản xuất, kinh doanh và các hoạt động xã hội, xứng đáng với lời dạy của Bác Hồ thực sự “là công dân kiểu mẫu, gia đình cách mạng gương mẫu”.

Hầu hết các đồng chí thương binh trong đời thường vẫn luôn ý thức sâu sắc lời dạy của Bác Hồ: “Thương binh tàn nhưng không phế”. Bằng ý chí và nghị lực phi thường, họ đã chung sức bên nhau  xây dựng cơ sở sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống gia đình. Nhiều cơ sở sản xuất của thương binh phát triển và đứng vững trong khó khăn thách thức của nền kinh tế thị trường. Có những doanh nghiệp đạt cơ số vốn hàng trăm tỷ đồng, tạo công ăn việc làm cho hàng trăm người lao động là con em thương binh, con liệt sĩ và người tàn tật, như Công ty 27-7 Thành phố Hồ Chí Minh, Công ty 27-7 Hà Nội, Công ty trách nhiệm hữu hạn Hòa Bình,... Đã có hàng nghìn gương mặt tiêu biểu là những thương bệnh binh, thân nhân gia đình người có công xuất hiện trong đời sống. Mỗi người một số phận, một hoàn cảnh nhưng họ đều có chung một phẩm chất là dũng cảm, quyết tâm vượt lên hoàn cảnh với một niềm tin mãnh liệt vào cuộc sống, luôn giữ vững phẩm chất cách mạng và trở thành những gương sáng trong cộng đồng. Tiêu biểu như Xí nghiệp Thương binh Quang Minh (Hải Phòng) được thành lập năm 1996. Lúc đầu Xí nghiệp chỉ có 35 thương binh đến nay đã thu hút trên 500 lao động, với số vốn hàng trăm tỷ đồng. Doanh nghiệp đang làm ăn có lãi và phát triển ổn định, đồng chí Trần Hồng Quảng, Giám đốc Xí nghiệp, thương binh nặng loại 1/4, được Nhà nước tuyên dương, phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới năm 2005.

Anh thương binh nặng 1/4, Đào Viết Thoàn, xã An Quý, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình bị chấn thương sọ não, cắt bỏ
1/2 tay trái, hỏng mắt trái và mang nhiều thương tích trên mình, sau hai năm điều trị ở các cơ sở y tế, đã học hỏi kinh nghiệm từ các y, bác sĩ điều trị, khi về gia đình đã tự chữa trị cho mình và áp dụng những kiến thức thu nhận được để chữa trị cho nhiều bệnh nhân khác. Trong mười năm, anh đã điều trị có kết quả tốt cho hơn 11.000 bệnh nhân từ khắp mọi miền đất nước. Tính ra, trong 10 năm, số ngày điều trị nội trú cho người bệnh tại gia đình anh lên tới 88.646 ngày. Đặc biệt, anh Thoàn đã khám, chữa bệnh miễn phí cho những người bệnh thuộc đối tượng chính sách và người nghèo, Thương binh 2/4, Trần Đình Thọ ở xã Vân Diên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An có sáng kiến lập quỹ tín dụng xã, tạo điều kiện hỗ trợ cho 500 người vay vốn đi xuất khẩu lao động, trong đó 218 người là con em thương binh và người có công. Ngoài ra, quỹ do anh sáng lập còn tham gia nhiều hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” và các hoạt động phúc lợi xã hội tại địa phương.

Đồng chí Đinh Văn Lời, thương binh 2/4, ở xã Cẩm Nam, thị xã Hội An, tỉnh Quảng Nam, nguyên là đội trưởng Đội Biệt động thành Hội An, trong kháng chiến chống Mỹ  cứu nước đã từng chỉ huy đánh thắng hàng chục trận vào sào huyệt của Mỹ, ngụy, bị thương nặng, bị địch bắt và bị đày ở nhà tù Côn Đảo. Trên người mang nhiều thương tích, hai chân bị liệt và bị tra tấn dã man, nhưng Đinh Văn Lời vẫn không chịu khuất phục. Năm 1975, đất nước được giải phóng, đồng chí xuất ngũ trở về địa phương. Với ý chí và nghị lực của người chiến sĩ cách mạng, anh đã đi học nghề mộc rồi mở Xưởng mộc Kim Bồng tại quê hương, sản xuất các đồ thủ công mỹ nghệ. Cơ sở sản xuất của anh ngày càng mở rộng và phát triển, tạo việc làm ổn định cho hơn 200 lao động, đa số là con em thương binh, liệt sĩ và các cháu khuyết tật. Sản phẩm của Xưởng mộc Kim Bồng rất nổi tiếng, được du khách quốc tế ưa chuộng nên mỗi tháng có từ 1.000 đến 1.500 lượt khách hàng nước ngoài đến tham quan, mua hàng. Nhờ đó, Xưởng mộc Kim Bồng đã xuất khẩu được 380 lô hàng tới 14 quốc gia, chủ yếu là thị trường châu Âu và châu Mỹ. Một số mặt hàng của xưởng được Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp mời tham dự Hội chợ triển lãm ở Pa-ri,  La-ro-chi và Li-mo (Pháp) và được Ban tổ chức Hội chợ suy tôn, tặng giải nhất cho nhóm hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam chất lượng cao.

Rời mặt trận trở về hậu phương, hành trang của chị Trần Thị Thanh Hương (phường Ngọc Xuyên, thị xã Đồ Sơn, Hải Phòng) mang theo ngoài 4 vết thương trên mình với chiếc ba lô của người lính, còn thêm 2 đứa con của đồng đội. Câu chuyện bắt đầu từ năm 1972, khi bị thương lần thứ tư, sau thời gian chữa chạy tại các trạm quân y tiền phương, chị được chuyển về hậu phương. Trên đường đi qua các binh trạm, chị nhận những kỷ vật là những bức thư, cuốn sổ nhật ký, cái lược chải tóc,... của đồng đội đã hy sinh để lại và một đứa trẻ mới ba ngày tuổi - con của một nữ quân y sĩ vừa hy sinh trên đất Quảng Trị. Đi chưa hết địa giới tỉnh Quảng Trị, số phận lại run rủi mang đến cho chị một bé gái cũng là con của một đồng đội đã nằm lại chiến trường. Chị đưa chúng về quê và dựng một mái ấm mưu sinh bằng nghề trồng nấm học được thời bộ đội. Chị miệt mài trồng nấm để nuôi những đứa con của đồng đội và nuôi thêm những đứa trẻ tật nguyền khác. Đến nay, mái ấm của chị đã có tới 105 “đứa con”. Và, sau 30 năm, từ những giò nấm đầu tiên, chị đã lập ra Công ty cổ phần Thiện Giao chuyên trồng nấm với quy mô lớn. Bằng kết quả sản xuất, kinh doanh và những việc làm từ thiện, Công ty Thiện Giao bây giờ là niềm tự hào của phường Ngọc Xuyên, thị xã Đồ Sơn. Những đứa con được thu nhận về đều được học tập, lao động, được chăm sóc. Nhiều cháu đã trưởng thành từ vòng tay chở che của người mẹ nuôi hiền hậu.

Câu chuyện về thương binh nặng Nguyễn Hoàng Dũng là một điển hình về lớp thanh niên miền Nam sau giải phóng. Tháng 11-1976, cùng lúc nhận giấy gọi nhập học Đại học Y khoa và giấy báo nhập ngũ, Nguyễn Hoàng Dũng đã quyết định lên đường làm nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc. Ngày 8-3-1980, trong một trận đánh bảo vệ biên giới Tây Nam, Nguyễn Hoàng Dũng đã bị trọng thương, mất cả hai tay và  một chân khi mới 22 tuổi. Sau  những ngày tháng vật vã với đau đớn của thương tật và sự tổn thương về tinh thần, anh đã vượt lên nhờ sự động viên của gia đình, đồng đội và những tấm gương thanh niên tiêu biểu mà anh từng được biết trong cuộc sống và qua những trang văn. Anh đã tập viết bằng răng, bằng khuỷu tay, bằng bàn chân còn lại. Nhờ đó, anh đã trở lại giảng đường đại học, tốt nghiệp và trở thành cán bộ Trường Đại học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh. Vượt qua khó khăn do thương tật để làm việc trở thành cán bộ xuất sắc của nhà trường, được đề bạt giữ chức vụ Phó Giám đốc Nhà xuất bản Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Điều đáng trân trọng hơn nữa là anh đã giúp đỡ và dìu dắt hơn 30 người khác trở thành cán bộ, đảng viên tiêu biểu trong tập thể mà anh công tác.

Anh Phùng Văn Chiến, con liệt sĩ ở xã Thanh An, huyện Thạch An, Cao Bằng là con người phải trải qua sự nghiệt ngã của số phận. Khi bố hy sinh, anh mới 1 tháng tuổi, lên 6 tuổi mẹ mất nên ở với bà ngoại, tới năm học lớp 5 thì bà ngoại mất anh phải bỏ học, sống bằng nghề hái củi. Vừa bươn chải kiếm sống, Chiến vừa quyết trở lại trường học hết bậc phổ thông và thi đỗ đại học. Tốt nghiệp, anh được tiếp nhận về dạy tại Trường trung học phổ thông Bế Văn Đàn. Là giáo viên trẻ nhưng ba năm liền Chiến đều đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp thị xã. Anh luôn phấn đấu không mệt mỏi vì danh dự và truyền thống của một gia đình có công với cách mạng.

 Thực tiễn 65 năm qua về xây dựng chính sách và tổ chức thực hiện chính sách đối với thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng, chúng ta có thể khẳng định rằng, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự chăm sóc, giúp đỡ của toàn dân là hết sức quan trọng, nhưng sự nỗ lực vươn lên, vượt qua khó khăn để tự ổn định cuộc sống, góp phần xây dựng đất nước của chính những người có công với cách mạng là điều có ý nghĩa quyết định. Từ đó chúng ta có thể rút ra một số vấn đề sau:

Một là, xuyên suốt trong mọi thời kỳ lịch sử của cách mạng, Đảng, Nhà nước ta luôn coi công tác thương binh, liệt sĩ và người có công là “vấn đề chính trị, tư tưởng, tình cảm và xã hội” nên đã đề ra chính sách và tổ chức thực hiện phù hợp, tạo động lực bảo đảm cho sự thành công của công tác thương binh, liệt sĩ và người có công. Điều đó đã tạo tiền đề, động viên, khuyến khích người có công nỗ lực vươn lên tự ổn định cuộc sống, góp phần xây dựng quê hương, đất nước. Đường lối đổi mới và xu thế hội nhập quốc tế hiện nay đang tạo môi trường thuận lợi để người có công tiếp tục phát huy tiềm năng, trí tuệ trong phát triển sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là làm kinh tế gia đình, trang trại, hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ, tạo việc làm cho gia đình và xã hội, tiếp tục đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Hai là, ý chí tự lực, tự cường, chủ động, sáng tạo vươn lên của chính bản thân người có công là yếu tố quyết định sự thành công của họ trong học tập, nghiên cứu, lao động, sản xuất, kinh doanh. Vốn là những người đã tự nguyện hiến dâng cả cuộc sống của mình vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân, mặc dù còn mang trên mình nhiều thương tích, chưa nguôi đi những nỗi đau mất mát, họ đã không ỷ lại, mà chọn cho mình một công việc phù hợp, hữu ích, tiếp tục cống hiến, thực hiện trách nhiệm đối với xã hội, cộng đồng, góp phần vào tiến trình đổi mới của đất nước, xây dựng quê hương. Ngoài những ý nghĩa về vật chất, những đóng góp của người có công còn tạo nên những giá trị to lớn về mặt tinh thần, góp phần làm phong phú thêm những giá trị nhân văn cao đẹp trong văn hóa truyền thống Việt Nam, xây dựng phong trào “người công dân kiểu mẫu” và “gia đình cách mạng gương mẫu”.

Ba là, tiếp tục coi trọng tổng kết thực tiễn, đổi mới nội dung, hình thức, nâng cao chất lượng phong trào thi đua, xây dựng điển hình, mô hình tiêu biểu trong thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công. Tổng kết và rút ra những kinh nghiệm quý từ phong trào sản xuất, kinh doanh, làm dịch vụ giỏi của thương binh, thân nhân liệt sĩ và người có công với cách mạng để xây dựng thành nhân tố điển hình mới và nhân rộng ra trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước, hàng triệu người có công luôn phát huy truyền thống cách mạng trong kháng chiến, nay lại có nhiều cống hiến trong lao động sản xuất, hoạt động xã hội, tiếp tục có những đóng góp to lớn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Họ luôn là vốn quý của dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Những tấm gương tiêu biểu của thương binh, bệnh binh, các gia đình liệt sĩ, thôi thúc chúng ta phải sống và làm việc tốt hơn để xứng đáng với sự hy sinh to lớn trong quá khứ của họ, và hiện nay họ đang tiếp tục xứng đáng được tôn vinh là “những công dân kiểu mẫu, gia đình cách mạng gương mẫu” như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh./.