Tây Ninh đẩy mạnh phát triển công nghiệp - tiểu, thủ công nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh

Võ Văn Phuông Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh
16:46, ngày 18-07-2012
TCCS - Là tỉnh thuần nông, xuất phát điểm thấp so với cả nước, Tây Ninh chú trọng phát triển kinh tế dựa vào nông nghiệp, tiểu, thủ công nghiệp để tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đánh giá đúng thực trạng, tranh thủ tối đa lợi thế để nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của các sản phẩm hàng hóa là một trong những bước đột phá để đến năm 2020, về cơ bản, Tây Ninh trở thành tỉnh công nghiệp.

Ưu tiên đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn

Xuất phát điểm là một tỉnh thuần nông, nông nghiệp chiếm đến 89% trong cơ cấu GDP, cơ sở vật chất công nghiệp thấp kém, chưa có tích lũy, ở giai đoạn khởi đầu, công nghiệp của Tây Ninh chỉ có một nhà máy nhiệt điện, một nhà máy nước và một vài cơ sở tư nhân sản xuất gạch, chế biến tinh bột sắn, đường tán... Trên cơ sở phân tích lợi thế so sánh và tiềm năng phát triển, Tỉnh ủy Tây Ninh đã ra nghị quyết tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo hướng ưu tiên công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Với điều kiện khí hậu, đất đai thuận lợi, đồng thời được Trung ương đầu tư công trình thủy lợi Dầu Tiếng - một công trình thủy nông lớn nhất nước, Tây Ninh đã tận dụng triệt để cơ sở vật chất sẵn có để khai hoang, phục hóa, mở rộng diện tích trồng trọt, thâm canh, tăng vụ và nâng cao năng suất cây trồng. Đến nay, Tây Ninh vừa tạo ra được nguồn lương thực dồi dào, vừa hình thành được các vùng nguyên liệu tập trung, quy mô lớn trồng các cây công nghiệp ngắn ngày có giá trị kinh tế cao phục vụ cho phát triển các ngành công nghiệp chế biến nông, lâm sản bằng các giải pháp đồng bộ về giống, kỹ thuật thâm canh, đầu tư kết cấu hạ tầng, áp dụng cơ giới hóa... để tăng năng suất, chất lượng cây trồng, chủ động nguồn nguyên liệu và kế hoạch sản xuất, bảo đảm phát triển nhanh, bền vững. Nhờ đó, ngành công nghiệp chế biến đã thực sự phát triển, chiếm hơn 90% giá trị sản xuất và khoảng 91% giá trị tăng thêm trong toàn ngành công nghiệp của tỉnh, sử dụng hơn 70.000 lao động, đóng góp trên 3/4 tổng giá trị xuất khẩu hằng năm trên địa bàn.

Hệ thống các nhà máy ở Tây Ninh đủ công suất chế biến nông sản chủ yếu (đường, tinh bột sắn, mủ cao-su) ở cả quy mô công nghiệp và quy mô nhỏ. Hiện tỉnh đang dẫn đầu cả nước về công suất ép mía để sản xuất đường, với tổng công suất chế biến 12.500 tấn mía cây/ngày, sản lượng đường chế biến chiếm khoảng 8,2% tổng sản lượng của cả nước (giai đoạn 2008 - 2010). Năng suất sắn của tỉnh xếp vào hạng cao nhất cả nước, đạt bình quân 25 - 26 tấn/ha, cá biệt, một số nơi đạt 50 tấn/ha. Tính đến cuối năm 2010 trên địa bàn tỉnh có 80 nhà máy chế biến tinh bột sắn với tổng công suất thực tế đạt 3.070 tấn/ngày, trong đó 14 nhà máy có công suất chế biến trên 80 tấn tinh bột/ngày, đạt trình độ công nghệ tiên tiến so với các nước trong khu vực. Công nghiệp chế biến cao-su và các sản phẩm từ cây cao-su cũng là một thế mạnh, những năm gần đây diện tích cây cao-su phát triển theo hướng tăng dần. Sản lượng mủ cao-su đạt 116.530 tấn/năm, toàn tỉnh có 21 doanh nghiệp với 25 nhà máy chế biến, tổng công suất thiết kế 154.000 tấn sản phẩm/năm, trong đó sản phẩm xuất khẩu chiếm trên 50% tổng lượng chế biến. Không chỉ đơn thuần xuất khẩu sản phẩm thô mới qua sơ chế, tỉnh đã phát triển được một số ngành công nghiệp sản xuất sản phẩm từ cao-su, chủ yếu là vỏ, ruột xe đạp, xe gắn máy và ô-tô với lượng xuất khẩu chiếm đến 95% tổng lượng sản xuất, 65% giá trị xuất khẩu của toàn ngành.

Trong phát triển tiểu, thủ công nghiệp, làng nghề truyền thống, toàn tỉnh có khoảng 30 ngành nghề khác nhau thuộc 12 nhóm ngành nghề: làm bánh tráng, muối ớt, chế biến sản phẩm mây tre, hương, mộc gia dụng, nón lá, rèn, may, sản xuất gạch, cơ khí, chế biến sắn củ và chế biến nông - lâm - thủy sản. Một số sản phẩm thủ công đã phát triển thành “đặc sản” của Tây Ninh được người tiêu dùng trong, ngoài nước biết đến, như muối ớt, bánh tráng, các sản phẩm mây, tre đan... Việc khôi phục, phát triển các làng nghề thủ công đã góp phần rất lớn tạo việc làm, nâng cao đời sống của gần 16.000 lao động nông thôn với giá trị sản xuất hằng năm đạt hàng trăm tỉ đồng. Cùng với việc phát triển làng nghề truyền thống, tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá hình ảnh các làng nghề truyền thống gắn với kinh doanh du lịch để thu hút du khách đến các làng nghề, giúp tạo nên “điểm nhấn” du lịch độc đáo bên cạnh các sản phẩm du lịch truyền thống. Sự liên kết này là hướng phát triển mới, thúc đẩy làng nghề và du lịch của Tây Ninh có bước phát triển mạnh mẽ.

Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng khai thác tốt các lợi thế phát triển

Định hướng của tỉnh là phát triển công nghiệp chế biến nông sản ở các huyện phía bắc, nơi có các vùng nguyên liệu tập trung và phát triển các ngành công nghiệp, trong đó có công nghiệp kỹ thuật cao ở phía nam, nơi tiếp giáp với Thành phố Hồ Chí Minh cùng các tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam để tranh thủ thị trường trong nước cũng như xuất khẩu.

Để nâng cao năng lực cạnh tranh, tỉnh tận dụng triệt để lợi thế về tài nguyên, đã xây dựng và phát triển được ngành công nghiệp khoáng sản, trong đó nổi bật là năm 2010 đã đưa Nhà máy xi măng Fico Tây Ninh đi  vào hoạt động, có mức đầu tư lớn nhất tỉnh với tổng vốn lên đến gần 3.000 tỉ đồng, công suất 1,5 triệu tấn/năm, góp phần đẩy tỷ trọng của ngành công nghiệp khoáng sản trong tổng giá trị công nghiệp trên địa bàn tăng từ 1,8% năm 2005 lên đến 13,06%  năm 2010. Nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khai khoáng cũng được chú trọng đầu tư đổi mới công nghệ và trang thiết bị, mở rộng quy mô sản xuất, nên chất lượng sản phẩm không ngừng được nâng cao, đáp ứng được các nhu cầu xây dựng trong tỉnh. Riêng sản phẩm gạch đã mở rộng thị trường tiêu thụ ở một số địa phương lân cận, như Bình Phước, Long An và Thành phố Hồ Chí Minh.

Ngoài ra, tỉnh cũng xác định tập trung thu hút đầu tư, tạo nên các hạt nhân thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp, phát triển các khu, cụm công nghiệp. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành 22 khu, cụm, điểm công nghiệp. Có 4 khu công nghiệp được thành lập, trong đó hai khu đã đi vào hoạt động là Khu công nghiệp Trảng Bàng và Khu chế xuất Linh Trung 3 đóng góp hơn 50% tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hằng năm của tỉnh, giải quyết việc làm cho hơn 33.000 lao động, trong đó hơn 2/3 lao động là người địa phương. Trong tương lai gần, khi hai dự án: Khu liên hợp công nghiệp - đô thị - dịch vụ Phước Đông - Bời Lời (có tổng diện tích 2.838 ha) và Khu công nghiệp - đô thị Bourbon - An Hòa (có tổng diện tích 1.020 ha) đi vào hoạt động sẽ tạo nên động lực mới, to lớn thúc đẩy phát triển công nghiệp và chuyển dịch cơ cấu kinh tế mạnh mẽ hơn theo hướng công nghiệp hóa. Bên cạnh đó, hoạt động của Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài và Xa Mát cũng đang kỳ vọng sẽ tạo nên những “cú hích” quan trọng thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ trong thời gian tới, nhằm khai thác tiềm năng của kinh tế biên mậu giữa Việt Nam và Cam-pu-chia.

Nhìn chung, hoạt động công nghiệp, tiểu, thủ công nghiệp của Tây Ninh thời gian qua đã liên tục phát triển theo hướng ổn định, đóng góp quan trọng cho sản xuất hàng hóa phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu, tạo việc làm cho người lao động. Bản thân từng doanh nghiệp, chủ cơ sở sản xuất đã có ý thức hơn trong việc ứng dụng, đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa sản phẩm, tích cực xây dựng và quảng bá thương hiệu. Hàng hóa sản xuất ra đã được người tiêu dùng và khách hàng chấp nhận, một số sản phẩm đã có chỗ đứng ở thị trường trong nước và nước ngoài như đường cát, cao-su thành phẩm, cao-su công nghiệp, hàng dệt, may. Sự phát triển mạnh mẽ, liên tục của ngành công nghiệp (bình quân 17,6%/năm) góp phần chuyển dịch tích cực cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp. Tỷ trọng của ngành công nghiệp - dịch vụ trong GDP của tỉnh năm 2005 đạt 61,8%, đến năm 2010 đã tăng lên 73,2%. Số lượng các dự án công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ngày càng tăng, đưa giá trị sản xuất công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 42,8% tổng giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn.

Tuy nhiên, nếu so với yêu cầu đáp ứng cho tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập, vì các ngành công nghiệp của Tây Ninh tuy tăng trưởng khá nhưng chưa có được bước đột phá. Hầu hết cơ sở sản xuất đều ở quy mô nhỏ, sử dụng nhiều lao động, công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường. Giá trị sản xuất và tỷ trọng công nghiệp trong cơ cấu GDP tuy có tăng nhưng vẫn còn thấp. Phát triển các khu, cụm công nghiệp có mặt chưa đồng bộ. Chất lượng và thương hiệu của các sản phẩm làng nghề chưa được đầu tư đúng mức, nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất chủ yếu phải nhập khẩu từ bên ngoài. Riêng công nghiệp chế biến mía đường còn gặp khó khăn, chưa đạt được mục tiêu nâng công suất chế biến mía đường lên 20.500 tấn mía cây/ngày theo kế hoạch đã định.

Tiếp tục đẩy mạnh phát triển công nghiệp - tiểu, thủ công nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh

Nghị quyết Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2010 - 2015 đã đề ra mục tiêu phấn đấu “Xây dựng Tây Ninh cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp vào năm 2020, tiếp tục chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế trong GDP đến năm 2015 theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp và tăng giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng”. Theo đó, nông -  lâm - thủy - sản là 30% - 31%; công nghiệp, xây dựng là 34% - 35% và dịch vụ là 34% - 35%; phấn đấu đến năm 2020 nông - lâm - ngư nghiệp chỉ chiếm khoảng 11% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Tỉnh đề ra kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2015 với mục tiêu phát triển công nghiệp - tiểu, thủ công nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh là một trong những khâu đột phá quan trọng. Để đạt được mục tiêu đề ra phải nỗ lực đạt tốc độ tăng giá trị sản xuất công nghiệp bình quân ít nhất 21%/năm, cố gắng chuyển từ công nghiệp gia công sang công nghiệp chế biến, khuyến khích phát triển công nghiệp sử dụng nhiều lao động ở vùng nông thôn, biên giới, phát triển công nghiệp gắn với phát triển dịch vụ, phát triển đô thị và bảo vệ môi trường sinh thái.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ nêu trên, tỉnh đang nỗ lực tập trung cao độ các nguồn lực nhằm ra sức phát triển các ngành công nghiệp - tiểu, thủ công nghiệp theo các định hướng sau:

Một là, tiếp tục thực hiện tốt mô hình công nghiệp hóa bền vững từ nông nghiệp, với quan điểm:“lấy nông nghiệp bồi dưỡng, hỗ trợ cho công nghiệp phát triển”. Ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến, phát triển công nghiệp có trình độ khoa học, công nghệ hiện đại. Kết hợp chặt chẽ giữa doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp vệ tinh trong nước, nông dân, nhà máy chế biến; quy mô sản xuất tiêu thụ nội địa và xuất khẩu; phát triển công nghiệp gắn với kinh tế nông thôn.

Hai là, xây dựng nông thôn mới đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế thị trường và môi trường của người dân, để nông dân có thể ‘‘ly nông nhưng bất ly hương”. Tạo cơ chế, chính sách thông thoáng để giải phóng mọi năng lực sản xuất của tỉnh, hỗ trợ phát triển đều các vùng sao cho không còn khoảng cách lớn giữa thị xã và nông thôn, thu hút được lực lượng lao động dư thừa ở nông thôn, làm cho nhiều hộ nông dân trở thành hộ kiêm nhiều ngành nghề; không có sự chênh lệch nhiều về thu nhập giữa nông thôn và thị xã, khắc phục được xu hướng di cư từ nông thôn ra thị xã. Đa dạng hóa nguồn tài chính đầu tư cho phát triển khu vực nông thôn để thực thi các kế hoạch đã đặt ra. Đa dạng hóa hoạt động đối ngoại thu hút đầu tư để tận dụng, triệt để phát huy mọi nguồn lực với phương châm nguồn lực trong tỉnh là chủ yếu, nguồn lực bên ngoài là quan trọng.

Ba là, tập trung phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên, ngành công nghiệp mũi nhọn theo tiêu chí của tỉnh, bao gồm sản xuất sản phẩm cao-su,  plastic, chế biến nông - lâm - thủy sản, hóa chất, cơ khí chế tạo, thiết bị điện, viễn thông và công nghệ thông tin. Nâng cao hiệu quả công nghiệp chế biến, công nghiệp khai thác khoáng sản, công nghiệp dệt may. Ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến các sản phẩm tinh chế từ nguyên liệu mía, sắn, cao-su. Tạo điều kiện phát triển công nghiệp tiên tiến, công nghiệp sạch. Khuyến khích phát triển mạnh các ngành công nghiệp bổ trợ, công nghiệp sản xuất các sản phẩm tiết kiệm năng lượng. Chuẩn bị các điều kiện từng bước phát triển công nghiệp công nghệ cao. Chuyển giao khoa học - kỹ thuật tới những vùng nông thôn, đồng thời kết hợp khoa học - kỹ thuật với kinh tế. Kế hoạch trọng tâm của chương trình là phát triển sản xuất gắn với thị trường; đầu tư từ vốn tự có kết hợp với vay ngân hàng; huy động mọi lực lượng khoa học - kỹ thuật để đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tiểu, thủ công nghiệp.

Bốn là, đẩy mạnh đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hàng rào các khu, cụm công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu. Tiến hành rà soát, bổ sung và định hướng quy hoạch phát triển giao thông vận tải phù hợp quy hoạch ngành, kết nối với vùng kinh tế trọng điểm, các khu công nghiệp, du lịch,... Tập trung đầu tư, triển khai nhanh các khu, cụm công nghiệp được duyệt, nhất là các khu công nghiệp đang triển khai (Khu liên hợp công nghiệp - đô thị - dịch vụ Phước Đông - Bời Lời, Khu công nghiệp - đô thị Bourbon - An Hòa, Khu công nghiệp Chà Là), các cụm công nghiệp thuộc Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài, Xa Mát. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ triển khai các khu công nghiệp đã được Chính phủ đồng ý bổ sung thành lập trong giai đoạn 2011 - 2015. Quan tâm xây dựng đồng bộ hệ thống nhà ở đúng tiêu chuẩn, chất lượng đời sống cho công nhân ở các khu công nghiệp tập trung.

Năm là, trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế phải triệt để tận dụng lợi thế so sánh, phát huy tối đa nguồn lực và nguồn vật tư sẵn có tạo ra những lợi thế cạnh tranh. Phục hồi và phát triển làng nghề truyền thống, khai thác thế mạnh của hộ gia đình sản xuất công nghiệp - tiểu, thủ công nghiệp; xây dựng tiêu chí làng nghề và xét duyệt công nhận làng nghề; quan tâm đầu tư phát triển các ngành nghề được coi là ‘‘đặc sản” của Tây Ninh để đầu tư xây dựng thương hiệu. Thu hút các dự án đầu tư có công nghệ tiên tiến nhằm bảo đảm môi trường sạch và bảo đảm chính sách ‘‘đi tắt, đón đầu”. Tăng cường hoạt động khuyến công, hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ đầu tư phát triển công nghiệp nông thôn, tiểu, thủ công nghiệp và làng nghề, tạo nghề mới, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động ở nông thôn. Tiếp tục quan tâm quy hoạch, phát triển vùng nguyên liệu cho công nghiệp chế biến.

Sáu là, tập trung đầu tư phát triển nguồn lực con người, đẩy mạnh công tác đào tạo, dạy nghề. Củng cố, đầu tư và nâng cao chất lượng đào tạo tại các trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, cơ sở dạy nghề công lập. Khuyến khích phát triển các trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, dạy nghề ngoài công lập. Đẩy mạnh xã hội hóa trong phát triển mạng lưới dạy nghề; gắn đào tạo nghề với nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp, của thị trường lao động trong và ngoài nước; quan tâm đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Để Tây Ninh phát triển nhanh, bền vững đòi hỏi lãnh đạo cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở cần “Dựa vào dân, xuất phát từ thực tiễn và thường xuyên tổng kết thực tiễn, phát hiện nhân tố mới, từng bước tìm ra quy luật phát triển” và coi đây là chìa khóa của sự thành công của tỉnh trên bước đường đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa./.