Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 7 Nhóm các nước công nghiệp phát triển và mới nổi (G20) đã chính thức bế mạc chiều ngày 19-6 tại Los Cabos (Mexico) với việc thông qua Tuyên bố Los Cabos. Ưu tiên tăng trưởng kinh tế thế giới, tạo việc làm và giải quyết cuộc khủng hoảng trong Khu vực đồng tiền chung châu Âu... được nhất trí đặt lên hàng đầu.

Phát biểu bế mạc Hội nghị, Tổng thống nước chủ nhà Mexico, ông Felipe Calderon khẳng định: Hội nghị đã thành công tốt đẹp, các nhà lãnh đạo của G20 đã đạt được tiến trình về một chuỗi các vấn đề, trong đó có những hành động cụ thể nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu, và việc cấp vốn cho Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đạt mức cao nhất từ trước tới nay. Đây được xem là một điểm sáng của Hội nghị lần này khi các nền kinh tế đang phát triển cam kết đóng góp khoảng 95,5 tỉ USD cho IMF, giúp thể chế tài chính này nâng nguồn lực quỹ cứu trợ lên 456 tỉ USD, vượt xa mục tiêu 430 tỉ USD của chính IMF. Cụ thể, Trung Quốc cam kết đóng góp 43 tỉ USD, chỉ thấp hơn mức cam kết đóng góp trước đó 60 tỉ USD của Nhật Bản và 54,7 tỉ USD của Đức; Brazil, Nga, Ấn Độ và Mexico mỗi nước góp 10 ti USD, 5 tỉ USD từ Thổ Nhĩ Kỳ và số còn lại từ một nhóm các nền kinh tế đang phát triển khác.

Trong hai ngày diễn ra Hội nghị, các nhà lãnh đạo của G20 đã thảo luận về tình hình kinh tế thế giới, bảo hộ thương mại, ổn định tài chính, nghèo đói và an ninh lương thực. Hội nghị đã thống nhất, 20 quốc gia công nghiệp phát triển nhất và đang phát triển sẽ phải tăng cường nỗ lực để đạt được các tiến bộ mới, đồng thời bảo đảm được sự ổn định bền vững.

Trong Tuyên bố Los Cabos được thống nhất đưa ra, các nhà lãnh đạo G20 nhất trí cho rằng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu và tạo thêm việc làm bằng nhiều biện pháp là ưu tiên cơ bản trong cuộc chiến chống lại những tác động do cuộc khủng hoảng hiện đang diễn ra ở châu Âu gây nên. Các nhà lãnh đạo G20 cũng bày tỏ sự ủng hộ đặc biệt đối với việc sử dụng khoản chi công lớn hơn nhằm đối phó với khủng hoảng kinh tế toàn cầu, nhấn mạnh các quốc gia có đủ phương tiện tài chính sẵn sàng chi cho mục tiêu trên.

Phát biểu tại phiên bế mạc Hội nghị, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào bày tỏ quan điểm, mặc dù ghi nhận nhiều tiến bộ trong quá trình tăng trưởng song nền kinh tế thế giới vẫn còn phải đối mặt với các nhân tố bất ổn và không chắc chắn. “Đối mặt với tình hình này, chúng ta cần phải củng cố các lợi ích đã đạt được trong cuộc chiến chống lại khủng hoảng tài chính và giữ vững ổn định kinh tế, xã hội và phát triển. Đồng thời, chúng ta cần cố gắng để đạt được tăng trưởng mà vẫn giữ ổn định”, Chủ tịch Trung Quốc nhấn mạnh.

Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào cũng đưa ra đề nghị 5 điểm, trong đó kêu gọi các nước G20 cam kết mạnh mẽ nhằm thúc đẩy kinh tế thế giới phục hồi vững chắc.

Cũng trong bài phát biểu tại phiên bế mạc Hội nghị thượng đỉnh G20, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết: “Nhóm G20 đã cho thấy rõ rằng, Khu vực đồng tiền chung châu Âu chắc chắn là một điều gì đó đặc biệt trong thế giới, không dễ dàng so sánh với một quốc gia. Tôi thấy rằng điều mà cộng đồng quốc tế mong muốn từ Los Cabos là châu Âu thành công trong nhiệm vụ giải quyết khủng hoảng trong Eurozone. Các cuộc thảo luận vì thế cũng được tiến hành theo tinh thần này”.

Nhà lãnh đạo nước Đức cũng đánh giá, một trong những thành quả đáng kể tại Hội nghị G20 lần này là các nền kinh tế mới nổi đã đưa ra những cam kết tăng cường đóng góp vào Quỹ Đối phó với khủng hoảng của Quỹ Tiền tệ quốc tế. Ngoài ra, tại các cuộc thảo luận trong khuôn khổ Hội nghị lần này, các nước châu Âu một lần nữa thể hiện và bảo đảm với cộng đồng quốc tế về quyết tâm giải quyết cuộc khủng hoảng thông qua việc kết hợp giữa các biện pháp củng cố tài chính, thúc đẩy tăng trưởng và thúc đẩy hợp tác.

Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 7 của nhóm G20 diễn ra trong bối cảnh các nước này đang phải đối mặt với một sự thật đáng thất vọng là sau 4 năm “vật lộn” với khủng hoảng, hàng nghìn tỉ USD của các nước được đổ vào hệ thống ngân hàng, song nền kinh tế thế giới vẫn chưa hoàn toàn thoát khỏi khủng hoảng, khủng hoảng nợ công đang bao trùm châu Âu và tốc độ phục hồi vẫn rất mong manh. Chính vì vậy, để củng cố lòng tin trong bối cảnh này, các nhà lãnh đạo G20 đã cam kết chung tay hành động thúc đẩy kinh tế toàn cầu và giải quyết các căng thẳng trên thị trường tài chính hiện nay. Tất cả các thành viên G20 sẽ triển khai các bước đi cần thiết để thúc đẩy tăng trưởng và khôi phục lòng tin./.