Đầu tư trực tiếp nước ngoài của Hàn Quốc vào Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
21:02, ngày 08-03-2012
TCCS - Tháng 12-2011 đánh dấu 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hàn Quốc. Hàn Quốc đã và đang trở thành đối tác hàng đầu của Việt Nam trong quan hệ kinh tế quốc tế, đặc biệt là đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Thực trạng FDI của Hàn Quốc tại Việt Nam
Đầu tư trực tiếp của Hàn Quốc vào Việt Nam bắt đầu từ trước khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao, tuy nhiên ban đầu quy mô dự án cũng như khối lượng đầu tư rất nhỏ bé (1). Hàn Quốc chỉ chính thức đầu tư vào Việt Nam từ năm 1992. Từ đó đến nay, FDI của Hàn Quốc vào Việt Nam đã tăng lên nhanh chóng (200 lần, từ mức hơn 100 triệu USD năm 1992 lên 22,9 tỉ USD năm 2010). Tính đến hết tháng 7-2011, với tổng số dự án còn hiệu lực là 2.605 dự án và tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 23 tỉ USD, Hàn Quốc đứng thứ nhất cả về số dự án lẫn vốn đăng ký trong tổng số 100 nền kinh tế có FDI tại Việt Nam. Tỷ trọng FDI của Hàn Quốc vào Việt Nam trong suốt giai đoạn từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao tới nay chiếm gần 7% trong tổng số FDI vào Việt Nam và chiếm gần 5% tổng số vốn FDI của Hàn Quốc đầu tư ra nước ngoài.
FDI của Hàn Quốc vào Việt Nam được chia thành 2 giai đoạn chính: Giai đoạn 1 (1992 - 2001) - từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao đến khi ký “Hiệp định quan hệ đối tác toàn diện trong thế kỷ XXI”. Trong giai đoạn này, FDI của Hàn Quốc vào Việt Nam chiếm 3,5% tổng số FDI vào Việt Nam và tương đương với 3,4% tổng số FDI của Hàn Quốc ra nước ngoài; Giai đoạn 2 (2002 đến nay) - từ khi hai nước chính thức nâng tầm “Quan hệ đối tác toàn diện trong thế kỷ XXI”. Vốn FDI của Hàn Quốc vào Việt Nam tăng mạnh, chiếm tới 10,8% tổng số FDI vào Việt Nam, tương đương 6,5% tổng số FDI của Hàn Quốc ra nước ngoài giai đoạn (2002 - 2010).
Về quy mô vốn đầu tư: Quy mô vốn dự án của các nhà đầu tư Hàn Quốc có sự đột phá mạnh. Nếu thời kỳ đầu, các dự án FDI của Hàn Quốc vào Việt Nam chủ yếu là nhỏ và vừa, chỉ tập trung đầu tư vào các ngành công nghiệp nhẹ, như dệt may, giày dép, thì nay có sự gia tăng đáng kể của các dự án lớn, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực công nghiệp, như: điện tử, thép, xây dựng đô thị mới, văn phòng và khách sạn, thậm chí cả lĩnh vực công nghệ cao.
Hàn Quốc cũng được ghi nhận là một trong những nhà đầu tư có sự đột phá về quy mô vốn cho mỗi dự án, với hàng loạt dự án có vốn đầu tư lớn đang được triển khai. Trong đó, đã xuất hiện những dự án quy mô đầu tư siêu lớn với kim ngạch lên đến hàng tỉ USD, điều mà trước đây chưa từng xảy ra. Điển hình như: dự án nhà máy sản xuất gang thép mà Tập đoàn Posco của Hàn Quốc đầu tư với vốn đăng ký 1,126 tỉ USD; dự án xây dựng Trung tâm Văn hóa - Thương mại Giảng Võ và Khu triển lãm Mễ Trì (Hà Nội) với tổng vốn 2,5 tỉ USD do Tập đoàn Kumho Asiana - một trong bảy tập đoàn lớn nhất Hàn Quốc đang hoạt động có hiệu quả tại Việt Nam làm chủ đầu tư. Kumho Asiana còn xúc tiến đầu tư vào một số dự án lớn khác, như xây dựng cảng biển Vũng Tàu, đường cao tốc Thủ Đức - Nhơn Trạch (Thành phố Hồ Chí Minh); dự án xây dựng tổ hợp văn phòng và khách sạn Landmark Tower của Tập đoàn Keangnam với tổng vốn đầu tư 1 tỉ USD; dự án xây dựng cụm tháp đôi khách sạn 5 sao Hà Nội Plaza và khu văn phòng cao cấp với tổng vốn đầu tư 500 triệu USD của Tập đoàn Charmvit...
Tính đến hết tháng 7-2011, với tổng số dự án còn hiệu lực là 2.605 dự án và tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 23 tỉ USD, Hàn Quốc đứng thứ nhất cả về số dự án lẫn vốn đăng ký trong tổng số 100 nền kinh tế có FDI tại Việt Nam. Tỷ trọng FDI của Hàn Quốc vào Việt Nam trong suốt giai đoạn từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao tới nay chiếm gần 7% trong tổng số FDI vào Việt Nam và chiếm gần 5% tổng số vốn FDI của Hàn Quốc đầu tư ra nước ngoài. |
Về hình thức đầu tư: Đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam dưới những hình thức: liên doanh (335 dự án); 100% vốn đầu tư nước ngoài (2.237 dự án); công ty cổ phần (36 dự án); hợp đồng hợp tác kinh doanh: BOT, BT, BTO (2 dự án) và hợp đồng hợp tác kinh doanh (29 dự án). Rất nhiều các dự án liên doanh sau một thời gian hoạt động đã dịch chuyển sang hình thức 100% vốn nước ngoài. Điều này chứng tỏ các nhà đầu tư Hàn Quốc muốn thông qua vị trí áp đảo về vốn để nắm giữ quyền điều hành trong các dự án đầu tư.
Về sự phân bổ vốn đầu tư: Hàn Quốc tập trung đầu tư chủ yếu vào những nơi có vị trí địa lý thuận lợi, có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất, với chính sách đầu tư thông thoáng và môi trường đầu tư, kinh doanh luôn được cải thiện, kết cấu hạ tầng tốt và nguồn lao động dồi dào như Thành phố Hồ Chí Minh (762 dự án), Hà Nội (538 dự án), Bình Dương (447 dự án), Đồng Nai (252 dự án)…. Các tỉnh nhỏ, lẻ tiếp nhận số dự án của Hàn Quốc rất ít. Tính đến năm 2011, có khoảng 47 tỉnh, thành của Việt Nam tiếp nhận đầu tư trực tiếp của Hàn Quốc. Hiện có hơn 2.500 doanh nghiệp Hàn Quốc đang hoạt động tại Việt Nam, trong đó khu vực phía Nam có 1.600 doanh nghiệp và tạo ra gần 500.000 việc làm.
Hiện nay FDI của Hàn Quốc đang được triển khai sang một số lĩnh vực, như công nghệ thông tin, chế biến hải sản và sản phẩm nông nghiệp, máy móc xây dựng và các lĩnh vực cần nhiều vốn đầu tư. Những đóng góp của đầu tư Hàn Quốc tại Việt Nam thể hiện trên các mặt sau:
Thứ nhất, tăng thêm nguồn vốn đầu tư phát triển cho nền kinh tế Việt Nam đang “khát” vốn, nhất là đầu tư trong lĩnh vực kết cấu hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực.
Thứ hai, tạo điều kiện cho Việt Nam tiếp thu công nghệ, sản xuất và xuất khẩu trong các ngành công nghiệp.
Thứ ba, tăng nguồn đầu tư cho một số lĩnh vực Việt Nam đang yếu, như công nghiệp chế tạo, chế biến nông sản, công nghiệp nặng, điện tử, vận tải, bất động sản, nông - lâm nghiệp... với những dự án quy mô lớn và công nghệ cao.
Tuy nhiên, đầu tư của Hàn Quốc cũng có những hạn chế:
Một là, tập trung quá nhiều vào công nghiệp nặng, điện tử, lắp ráp, trong khi đó vốn đầu tư cho các ngành công nghiệp phụ trợ, công nghiệp chế biến nông - lâm - thủy sản còn ít.
Hai là, cơ cấu đầu tư giữa các vùng mất cân đối. Vốn đầu tư tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn (Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh...) còn ở các tỉnh nhỏ, vùng sâu, vùng xa lại rất thấp (Bắc Cạn, Tuyên Quang, Thái Nguyên... chỉ có 1 dự án).
Ba là, do đầu tư theo hình thức liên doanh không nhiều dẫn đến hạn chế khả năng chuyển giao khoa học công nghệ, kinh nghiệm quản lý tiên tiến và giảm cơ hội kết nối doanh nghiệp Việt Nam vào chuỗi sản xuất toàn cầu, điều mà các nước trong khu vực (Ma-lai-xi-a, Thái Lan...) đã làm được.
Triển vọng hợp tác đầu tư Việt Nam - Hàn Quốc
Mặc dù còn có một số hạn chế, song triển vọng đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam rất sáng sủa nhờ sự phát triển mạnh mẽ mối quan hệ giữa hai nước. Năm 2010, quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc được chuyển đổi và nâng lên tầm cao mới từ “Đối tác toàn diện trong thế kỷ XXI” (được thiết lập năm 2001) thành “Đối tác hợp tác chiến lược vì sự phồn vinh của mỗi nước và hòa bình, ổn định của khu vực”. Hàn Quốc luôn nằm trong tốp 3 nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam. Năm 2011, Hàn Quốc đã cam kết tài trợ 411,8 triệu USD cho Việt Nam, tăng 39% so với năm 2010.
Sở dĩ Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn của nhiều nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có các nhà đầu tư Hàn Quốc, là do những lợi thế về giá nhân công thấp, môi trường đầu tư ngày càng được cải thiện, nền kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng cao và nằm ở vị trí địa lý lý tưởng là trung tâm khối ASEAN. Hơn nữa, việc Việt Nam gia nhập WTO và Hiệp định thương mại tự do Hàn Quốc - ASEAN có hiệu lực tháng 6-2007 cũng góp phần đưa Việt Nam trở thành một thị trường rất quan trọng của các nhà đầu tư Hàn Quốc.
Triển vọng đến năm 2015, vốn FDI của các doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam còn hiệu lực sẽ vượt 30 tỉ USD. Những thuận lợi để Hàn Quốc mở rộng thị trường và tăng vốn FDI tại Việt Nam trong những năm tới là:
- Với nền kinh tế đang “bùng nổ” và cơ cấu “dân số vàng” của Việt Nam sẽ có khả năng là thị trường có sức tiêu thụ lớn.
Hiện có hai vấn đề cơ bản làm các nhà đầu tư Hàn Quốc lo ngại là ở Việt Nam kết cấu hạ tầng hạn chế và giá thuê đất cao. Bên cạnh đó, Việt Nam vẫn bộc một số điểm yếu chậm được cải thiện, như còn tình trạng thiếu điện, kết cấu hạ tầng dịch vụ và nguồn nhân lực chưa đáp ứng được nhu cầu của nhà đầu tư, việc cấp phép một số dự án còn kéo dài... Ngoài ra, việc thiếu thông tin và bất đồng ngôn ngữ cũng là những trở ngại lớn đối với các doanh nghiệp Hàn Quốc khi đầu tư vào Việt Nam. |
- Đầu tư tại Việt Nam, Hàn Quốc sẽ có điều kiện thuận lợi trong việc chuyển hướng xuất khẩu sang nước thứ ba, như Mỹ, châu Âu và ASEAN.
- Việt Nam có nguồn nhân công lao động thông minh, khéo léo, giá rẻ.
- Phong tục tập quán, văn hóa giữa hai nước Việt Nam và Hàn Quốc có nhiều điểm tương đồng, phù hợp với nhau.
- Nền tảng chính trị, xã hội Việt Nam ổn định, quan hệ chính trị, ngoại giao Việt Nam - Hàn Quốc phát triển tốt đẹp. Việc Hàn Quốc đang ngày càng dành nhiều vốn ODA hơn cho Việt Nam được coi là động lực tích cực tác động tới dòng vốn FDI vào Việt Nam.
Từ xu hướng phát triển về nguồn vốn đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam, cùng với những động thái của các doanh nghiệp Hàn Quốc thời gian qua, dự báo sẽ có bước đột phá mạnh về đầu tư từ Hàn Quốc vào Việt Nam trong tương lai. “Khoảng trống đầu tư” nhiều tiềm năng, đầy sức hấp dẫn ở Việt Nam trong con mắt các nhà đầu tư Hàn Quốc hiện nay là ngành chế biến thực phẩm và máy nông nghiệp. Hàn Quốc với thế mạnh về chế biến thực phẩm và Việt Nam với thế mạnh về các nguồn nông sản đa dạng, sẽ bổ sung tốt cho nhau và tạo ra sản phẩm có tính cạnh tranh cao hơn cung ứng cho thị trường thế giới. Bên cạnh đó, hiện sản phẩm máy nông nghiệp của Việt Nam mới chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu thị trường, do đó đây là lĩnh vực được các doanh nghiệp Hàn Quốc xem như là cơ hội tốt để đầu tư.
Hiện có hai vấn đề cơ bản làm các nhà đầu tư Hàn Quốc lo ngại là kết cấu hạ tầng hạn chế và giá thuê đất cao. Bên cạnh đó, Việt Nam vẫn bộc lộ một số điểm yếu chậm được cải thiện như còn tình trạng thiếu điện, kết cấu hạ tầng dịch vụ và nguồn nhân lực chưa đáp ứng được nhu cầu của nhà đầu tư, việc cấp phép một số dự án còn kéo dài… Ngoài ra, việc thiếu thông tin và bất đồng ngôn ngữ cũng là những trở ngại lớn đối với các doanh nghiệp Hàn Quốc khi đầu tư vào Việt Nam.
Để thúc đẩy hơn nữa và nâng cao chất lượng đầu tư từ Hàn Quốc vào Việt Nam, giải pháp quan trọng nhất mà chúng ta cần thực hiện là:
Thứ nhất, tăng cường đầu tư vào kết cấu hạ tầng, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông và điện.
Thứ hai, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực cho các ngành công nghệ cao.
Thứ ba, phát triển ngành công nghiệp phụ trợ để đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư Hàn Quốc. Đồng thời, tiếp tục khuyến khích các doanh nghiệp Hàn Quốc đẩy mạnh đầu tư vào phát triển công nghiệp phụ trợ để giúp tăng tỷ lệ nội địa hóa cho các sản phẩm tại Việt Nam.
Thứ tư, tiếp tục hoàn thiện hệ thống luật pháp và nâng cao sự hiểu biết luật pháp quốc tế, có những chính sách thu hút đầu tư phù hợp vào những lĩnh vực mà Hàn Quốc có thế mạnh, như công nghiệp chế biến, cơ khí chính xác, điện tử, hóa chất, công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, sản xuất vật liệu và năng lượng mới, dệt may và sản xuất giày da.../.
------------------------------------------------
(1) Theo số liệu thống kê từ Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc, FDI của Hàn Quốc vào Việt Nam có tổng giá trị vào khoảng 21.000 USD giai đoạn 1980 - 1991
Đại hội XI của Đảng về tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc  (08/03/2012)
Khẩn trương hoàn thiện các dự thảo Chiến lược liên quan đến phát triển giáo dục, dạy nghề giai đoạn 2011 – 2020  (08/03/2012)
Thi đua - tạo động lực cho phụ nữ phấn đấu  (08/03/2012)
Sôi nổi phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”  (08/03/2012)
Nhiếp ảnh Ninh Bình, một chặng đường đầy nỗ lực và sáng tạo  (08/03/2012)
- Kinh nghiệm quản lý thị trường vàng của một số quốc gia và hàm ý chính sách cho Việt Nam
- Thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cho phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ
- Chiến lược triển khai quyền chỉ huy, kiểm soát biển của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và một số tác động
- Một số chính sách lớn nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh mạng ở Việt Nam hiện nay
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên