20 nhà khoa học được Giải “Hành tinh Xanh” của Liên hiệp quốc ngày 21-2 đã kêu gọi cộng đồng quốc tế nhanh chóng cải tổ hệ thống toàn cầu để đối phó hiệu quả với tình trạng biến đổi khí hậu, nghèo đói và mất đa dạng sinh học đang làm tồi tệ hơn nữa các vấn đề toàn cầu. 
Những nội dung chính cần sớm cải tổ gồm: từ bỏ việc lấy tổng sản phẩm nội địa (GDP) làm thước đo sự thịnh vượng, chấm dứt các loại trợ cấp gây nguy hại đến môi trường và cải tổ hệ thống quản trị môi trường để có thể xây dựng một tương lai xán lạn hơn cho nhân loại.

Trong nghiên cứu về “Môi trường và các thách thức phát triển” được công bố tại Hội nghị Hội đồng điều hành Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) ở thủ đô Nairobi của Kenya, 20 nhà khoa học khẳng định, hệ thống toàn cầu hiện đang tan vỡ và đẩy nhân loại đến một tương lai ảm đạm với nhiệt độ Trái Đất có thể nóng lên từ 3-5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp và tác động tiêu cực tới hệ sinh thái. 

Do những tác động nguy hại của biến đổi khí hậu và mất đa dạng sinh học không thể đảo ngược, nên nhân loại cần phải hành động khẩn cấp. 

Các nhà hoạch định chính sách cần tư duy táo bạo và đi trước thời đại để thúc đẩy tối đa các giải pháp nhằm hiện thực hoá giấc mơ về một thế giới bình đẳng hơn, không có đói nghèo, bền vững cả về kinh tế, xã hội và môi trường.

Nghiên cứu cho rằng thế giới đã đạt được rất ít tiến bộ về môi trường trong vòng 20 năm qua kể từ Hội nghị cấp cao về Trái Đất năm 1992, trong đó một trong những nguyên nhân hàng đầu là quản trị kém. 

Nghiên cứu kêu gọi các nhà hoạch định chính sách cần có cái nhìn vượt quá lợi ích quốc gia để có những cải tổ căn bản trong quá trình hoạch định chính sách, trao quyền cho các cộng đồng bên lề xã hội và hòa nhập các chính sách kinh tế, xã hội và môi trường, đặt phát triển con người vào con đường mới bền vững hơn. 

Nghiên cứu cũng kêu gọi các chính phủ loại bỏ các trợ cấp trong các lĩnh vực năng lượng, vận tải và nông nghiệp hiện đang khiến nhân loại đang phải trả giá cao về xã hội và môi trường, đồng thời giải quyết nạn tiêu dùng quá mức và sức ép dân số thông qua việc trao thêm quyền cho phụ nữ, cải thiện giáo dục và thực hiện hiệu quả kế hoạch hóa gia đình./.