Đưa nước Mỹ trở lại vị thế nhà sản xuất số 1 thế giới
TCCSĐT - Tiếp theo Chiến lược quốc phòng mới của Mỹ được công bố ngày 5-1-2012, Thông điệp liên bang hằng năm của Tổng thống Mỹ Barack Obama đọc trước Quốc hội ngày 24-1 vừa qua lại một lần nữa phản ánh chủ trương “thay đổi” nước Mỹ nhằm tiếp tục duy trì vai trò lãnh đạo thế giới. Điểm qua những nội dung cơ bản chứa đựng trong thông điệp quan trọng này có thể thấy, mục tiêu đưa nước Mỹ trở lại vị thế nhà sản xuất số 1 thế giới nhằm thực hiện điều không bao giờ thay đổi trong chính sách của Mỹ luôn là nội dung trọng tâm.
Tổng thống Barack Obama đọc Thông điệp liên bang trước Quốc hội Mỹ
|
Đã có thời gian, Mỹ là nước có nền sản xuất công nghiệp phát triển và hiện đại bậc nhất, sản xuất các loại hàng hóa từ công nghiệp đến hàng tiêu dùng không chỉ phục vụ thị trường trong nước mà còn được xuất khẩu khắp thế giới. Các xí nghiệp công nghiệp của Mỹ không chỉ sản xuất ra các loại vũ khí chiến lược hiện đại nhất thế giới như tàu sân bay, tên lửa hạt nhân xuyên lục địa mà còn sản xuất ra nhiều đồ dùng thiết yếu phục vụ cuộc sống hằng ngày như máy điều hòa nhiệt độ, tủ lạnh, bàn chải đánh răng, quần áo... Theo số liệu của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), vào năm 2000, nền kinh tế Mỹ chiếm 32% tổng thu nhập (GDP) của thế giới và khối lượng sản phẩm mang nhãn hiệu “Made in USA” chiếm 96% hàng hóa tiêu dùng trên toàn cầu.
Đến cuối thập niên đầu thế kỷ XXI, kinh tế Mỹ tụt dốc xuống mức chỉ còn chiếm 24% GDP. Hàng hóa của Mỹ hoàn toàn phụ thuộc vào các sản phẩm được sản xuất từ Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và nhiều nước châu Âu. Chính các nước này đã dùng số tiền bán hàng thu được bằng đồng USD để mua trái phiếu của Mỹ và vô hình chung, biến Mỹ trở thành con nợ lớn nhất thế giới bằng chính đồng tiền do mình in ra và phát hành. Vì thế, những năm gần đây, đặc biệt là từ năm 2002, sức mạnh của đồng USD và nền kinh tế Mỹ trên thế giới suy giảm mạnh. Giá trị đồng USD đang dần mất giá so với các đơn vị tiền tệ thương mại quan trọng khác như đồng nhân dân tệ, đồng euro, đồng yên hay đồng rúp. Tạp chí “Thời báo Niu Oóc” (The New York Times) đăng bài của Giáo sư Paul Krugman, người đạt Giải thưởng Nobel về kinh tế năm 2008 nhận định rằng, xét từ quan điểm kinh tế, thập niên đầu thế kỷ XXI, có thể gọi là “con số không tròn trĩnh” đối với nước Mỹ. Bởi trong thập kỷ qua, ở Mỹ gần như không tạo ra được việc làm mới; nạn thất nghiệp ngày càng gia tăng; các gia đình bình thường ở Mỹ không nhận được bất kỳ lợi ích kinh tế nào; thu nhập trung bình của người dân thấp hơn mức trung bình của năm 1999. Khi năm 2000, người Mỹ tin rằng, Hoa Kỳ đang ở đỉnh cao của sự phát triển kinh tế và thịnh vượng thì cuối thập niên đầu thế kỷ XXI, niềm tin đó đã tan vỡ hoàn toàn. Sự thịnh vượng kiểu “bong bóng xà phòng” đã sụp đổ.
Với bối cảnh đó, một trong những lý do quan trọng nhất khiến các cử tri Mỹ bỏ phiếu cho Thượng nghị sĩ B.Obama trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2008 là do ông đã đưa ra chủ trương “thay đổi” nước Mỹ. Chủ trương này có sức thu hút đặc biệt của các cử tri trong bối cảnh nước Mỹ bị suy giảm sức mạnh toàn diện sau hai nhiệm kỳ cầm quyền của Tổng thống G.W.Bush và dưới tác động của cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế bùng phát vào năm 2008. Vì thế, trong chiến dịch tranh cử tổng thống sẽ diễn ra vào cuối năm 2012, các cử tri Mỹ rất muốn biết “tác giả của chủ trương ‘thay đổi’ nước Mỹ” này sẽ có những biện pháp cụ thể nào để giành lại vị thế siêu cường số 1 thế giới, chứ không phải chỉ là những lời hô hào chung chung. Vì vậy, trong bản Thông điệp liên bang đọc trước Quốc hội Mỹ, Tổng thống Barack Obama đã trình bày những nội dung “thay đổi” rất cụ thể, mà trước hết là đưa nước Mỹ trở lại vị thế nhà sản xuất số 1 thế giới. Thêm vào đó, chủ trương này còn nhằm mục đích giải quyết những vấn đề bức xúc nhất trong chính sách đối nội liên quan tới miếng cơm manh áo của các cử tri Mỹ.
Một trong những biện pháp thu hút sự quan tâm của Tổng thống B.Obama là phục hồi và phát triển năng lực sản xuất công nghiệp trong nước. Bởi theo ông, thay đổi theo hướng này, ngành công nghiệp ô tô của Mỹ sẽ đạt được thành tựu rất đáng kể. Tổng thống B.Obama thông báo trước Quốc hội Mỹ rằng, trước khi ông nhậm chức, ngành công nghiệp ô tô của Mỹ đang trên bờ vực sụp đổ. Còn trong năm 2011, hãng “General Motors” đã giành lại vị trí nhà sản xuất ô tô số 1 thế giới. Cũng trong thời gian qua, hãng công nghiệp “Chrysler” đã có sự tăng trưởng nhanh hơn bất kỳ công ty xe hơi lớn nào tại Mỹ. Ngoài ra, hãng công nghiệp “Ford” cũng đang đầu tư hàng tỉ USD vào các nhà máy và cơ sở sản xuất trong nước.
Trước đây, để tranh thủ chi phí lao động thấp ở nước ngoài và tránh ô nhiễm môi trường trong nước, Chính phủ Mỹ đã có chính sách khuyến khích các xí nghiệp chuyển sản xuất ra khỏi lãnh thổ Hoa Kỳ. Hiện nay, trong bối cảnh chi phí lao động ở nước ngoài ngày một cao và nạn thất nghiệp trong nước tăng nhanh, Tổng thống B.Obama chủ trương áp dụng các biện pháp khuyến khích và kích thích các xí nghiệp sản xuất Mỹ trở lại sản xuất trong nước hoặc phát triển các cơ sở sản xuất mới trên lãnh thổ Mỹ để tạo công ăn việc làm. Hiện đã có khoảng 15% công ty của Mỹ có ý định rút các cơ sở sản xuất từ Trung Quốc về Mỹ. Và đến năm 2015, hàng hóa sản xuất ở Mỹ mang nhãn hiệu “Made in USA” sẽ có khả năng cạnh tranh cao hơn trên thị trường thế giới.
Bên cạnh đó, Chính phủ Mỹ sẽ tạo điều kiện dễ dàng hơn cho các doanh nghiệp Mỹ bán sản phẩm sản xuất trong nước ra khắp thế giới. Trong Thông điệp liên bang mới đây, Tổng thống B.Obama đã đặt mục tiêu tăng gấp đôi khối lượng xuất khẩu của Mỹ trong 5 năm tới. Ông cũng cam kết sẽ dỡ bỏ mọi rào cản trong quan hệ thương mại với Nga sau khi quốc gia này nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và duy trì vai trò dẫn đầu của Mỹ trên thị trường Nga. Thậm chí, Tổng thống B.Obama còn cam kết, ông sẽ đi tới bất cứ nơi nào trên thế giới để mở rộng thị trường cho các sản phẩm mang nhãn hiệu “Made in USA” của Mỹ và sẽ không chấp nhận bất cứ đối thủ nào cạnh tranh với Mỹ mà không đúng luật. Ông đã từng tuyên bố điều này khi tham dự Hội nghị APEC vừa qua tại Honolulu và cho biết, Chính phủ của ông đã xét xử số vụ án thương mại chống lại Trung Quốc nhiều gấp đôi so với chính phủ của người tiền nhiệm.
Trong bối cảnh nạn thất nghiệp ở Mỹ hiện nay đã lên tới khoảng 9%, thì việc tạo ra việc làm cho người dân Mỹ là nhiệm vụ số 1 trong chính sách đối nội của vị tổng thống da màu đầu tiên trong lịch sử quốc gia này. Trong Thông điệp liên bang, Tổng thống B.Obama cho biết, với chính sách phục hồi năng lực sản xuất nội địa, đưa các xí nghiệp sản xuất của Mỹ ở nước ngoài quay trở lại trong nước, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp Mỹ bán sản phẩm trên toàn thế giới, trong gần 3 năm cầm quyền của ông, các doanh nghiệp Mỹ đã tạo ra hơn 3 triệu việc làm. Chỉ tính riêng ngành công nghiệp ô tô của Mỹ đã tạo thêm gần 160.000 việc làm mới.
Sắp tới, Mỹ sẽ tăng đầu tư cho giáo dục và chú trọng duy trì đội ngũ giáo viên tốt. Bởi theo ông B.Obama, đầu tư cho đội ngũ giáo viên tốt là một lối thoát khỏi cảnh nghèo đói và thất nghiệp, vì người giáo viên đóng vai trò quyết định trong việc đào tạo những học sinh có kỹ năng và trình độ tốt, có ước mơ và khát vọng. Do đó, Tổng thống B.Obama kêu gọi tất cả các tiểu bang phải tạo điều kiện cho các học sinh chí ít là học hết trung học và tạo cơ hội cho họ theo học đại học. Đầu tư cho giáo dục đại học không phải là một sự đầu tư xa xỉ mà đó là một yêu cầu kinh tế mà mỗi gia đình ở Mỹ đều có đủ khả năng chi phí. Theo ông B.Obama, nước Mỹ cần có chính sách khuyến khích và tạo điều kiện tốt nhất cho các công dân nước ngoài sau khi học xong đại học được ở lại Mỹ làm việc và cống hiến cho sự thịnh vượng của nước này.
Ngoài ra, trong điều kiện thế giới đang đứng trước nguy cơ thiếu tài nguyên năng lượng trầm trọng, Tổng thống B.Obama cho rằng, Mỹ cần có chiến lược phát hiện các nguồn năng lượng mới và phát triển các nguồn năng lượng sạch hơn, rẻ hơn, từ đó góp phần tạo thêm nhiều việc làm mới cho các công dân Mỹ. Nước Mỹ có nguồn dự trữ có thể cung cấp khí đốt tự nhiên cho mình trong gần 100 năm nữa. Vì vậy, Chính phủ Mỹ sẽ thực hiện các biện pháp để sử dụng các nguồn năng lượng một cách an toàn và tạo ra hơn 600.000 việc làm vào cuối thập niên này. Hiện nay, nhiều nước đang có chiến lược phát triển “năng lượng xanh” và theo Tổng thống B.Obama, Mỹ sẽ nỗ lực hướng tới mục tiêu giành vị thế số 1 thế giới trong lĩnh vực công nghiệp năng lượng gió hoặc năng lượng mặt trời.
Với một trong những thay đổi cơ bản trong chiến lược phát triển quốc gia là đưa nước Mỹ quay trở lại vị thế nhà sản xuất số 1 thế giới, Tổng thống B.Obama khẳng định, Mỹ vẫn tiếp tục duy trì vai trò lãnh đạo thế giới của mình. Theo ông, nước Mỹ đang tạo ra một “ốc đảo thịnh vượng” được xây dựng trên nền sản xuất Mỹ, năng lượng Mỹ, kỹ năng của người lao động Mỹ và “các giá trị Mỹ”. Tổng thống B.Obama nhấn mạnh rằng, “các giá trị Mỹ” chứ không phải là “các giá trị của Đảng Dân chủ” hay “các giá trị của Đảng Cộng hòa” sẽ quyết định vị thế lãnh đạo thế giới./.
Lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng, bảo đảm tính thanh khoản  (22/02/2012)
"Lực lượng công an không được thiếu cảnh giác"  (21/02/2012)
Thúc đẩy hợp tác quốc phòng giữa Việt Nam và Pháp  (21/02/2012)
Thúc đẩy hợp tác Việt Nam-Litva trên các lĩnh vực  (21/02/2012)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên