TCCSĐT - Ngày 17-2-2012, tại thủ đô Islamabad của Pakistan, Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadineja, Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai và Tổng thống Pakistan Asif Ali Zardari đã tham dự hội nghị cấp cao ba bên. Trong tuyên bố chung đưa ra sau Hội nghị, Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad và người đồng cấp Pakistan Asif Ali Zardari đã khẳng định nhất quán ủng hộ toàn diện vấn đề Afghanistan, bao gồm tiến trình hòa bình và hòa giải.

1. Giá lạnh hoành hành châu Âu
 
 

Đợt không khí lạnh bất thường kéo dài hơn nửa tháng qua tại châu Âu đã gây ra nhiều thiệt hại cho khu vực này


Đợt không khí lạnh bất thường kéo dài hơn nửa tháng qua tại châu Âu vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt. Theo các số liệu thống kê từ các cơ quan chức năng, tính tới cuối tuần qua, số người vô gia cư thiệt mạng do lạnh giá trên khắp châu lục đã lên tới hơn 550 người. Cơ quan chức năng cảnh báo con số này sẽ tiếp tục tăng do thời tiết băng giá được dự báo sẽ còn kéo dài đến hết tháng 2 này. Tại khu vực Balkans và một số thành phố như Rome của Italy, Brussels của Bỉ, đảo Corsica của Pháp, tuyết rơi dày khiến gây cản trở nghiêm trọng hoạt động giao thông. Sông Danube, chảy qua 10 nước châu Âu, vốn có vai trò hết sức quan trọng trong việc vận chuyển hàng hóa, tưới tiêu, cung cấp năng lượng và đánh bắt cá ở châu lục này bị đóng băng dài hàng trăm km. Trong khi đó, tuyết rơi dày tại thủ đô của Montenegro đã tạo ra lớp băng tuyết lên tới 50 cm, mức kỷ lục trong vòng 50 năm, buộc các cơ quan cung cấp dịch vụ vận tải đường sắt và hàng không phải tạm thời đóng cửa. Còn tại Hamburg, miền Bắc nước Đức, hàng nghìn người đã thử đi trên mặt sông, hồ bị đóng băng - hiện tượng xuất hiện lần đầu tiên trong vòng 15 năm qua. Tại Ba Lan và Cộng hòa Séc, bất chấp thời tiết giá lạnh, người dân và khách du lịch mang theo thuyền và giày trượt băng, đổ về những khu vực băng tuyết rơi dày để được một lần thử cảm giác mạnh. Tại một khu vực, khách du lịch còn tổ chức cắm trại ngoài trời khi nhiệt độ xuống tới âm 39 độ C.

2. UNESCO công nhận Ngày Truyền thông Vô tuyến Thế giới

Ngày 13-2-2012, tại Thụy Sĩ, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã chính thức chọn ngày 13-2 hằng năm là Ngày Truyền thông vô tuyến thế giới, theo đề nghị của Viện Hàn lâm Vô tuyến Tây Ban Nha, nhằm vinh danh lĩnh vực phát sóng vô tuyến, cải thiện hợp tác quốc tế giữa các nhà cung cấp, phát sóng vô tuyến và khuyến khích các nhà quản lý cho phép tiếp cận thông tin qua sóng vô tuyến. Ngày 13-2 cũng là Ngày Vô tuyến của Liên hợp quốc, được các thành viên tổ chức này chính thức thừa nhận từ năm 1946. Trước tầm quan trọng đặc biệt của sóng vô tuyến, Hội nghị truyền thông vô tuyến thế giới đang diễn ra tại Geneva từ ngày 23-1 tới ngày 17-2 đã tập trung thiết lập khuôn khổ pháp lý, bảo đảm chất lượng cao về dịch vụ sóng vô tuyến cho giao thông đường biển, đường không và các công nghệ tiên tiến khác như hệ thống định vị toàn cầu, di động băng thông rộng cũng như phục vụ các mục đích khoa học liên quan tới môi trường, khí tượng học, khí hậu học, dự báo thảm họa, giảm thiểu thiên tai và phục vụ công tác cứu hộ... Hội nghị cũng nghiên cứu và rà soát những quy định về truyền thông vô tuyến, hiệp ước quốc tế về quản lý sử dụng tần số vô tuyến đối với mọi dịch vụ không dây và các ứng dụng cần thiết đáp ứng các nhu cầu về truyền thông thế giới.

3. IEA: Nhu cầu dầu mỏ toàn cầu giảm mạnh trong năm 2012

Ngày 13-2-2012, lần thứ hai kể từ đầu năm 2012, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) lại cắt giảm dự báo nhu cầu năng lượng toàn cầu trong năm 2012. Theo dự báo mới nhất này, nhu cầu dầu mỏ toàn cầu chỉ tăng 800.000 thùng/ngày, tức 89,9 triệu thùng trong cả năm 2012, giảm khoảng 300.000 thùng/ngày so với dự báo trước đó của IEA hồi đầu tháng 1-2012. Dự báo mới nhất này của IEA bắt nguồn từ dự báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tháng 1-2012, trong đó giảm tốc độ tăng trưởng toàn cầu năm 2012 từ 4% xuống 3,3%, đặc biệt trong bối cảnh ảm đạm của các nền kinh tế khu vực đồng euro và sản lượng dầu thô xuất khẩu của các nước thuộc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đạt 30,9 triệu thùng/ngày trong tháng 1-2012, mức cao nhất kể từ tháng 10-2008. IEA nhấn mạnh dự báo mới nhất này nhằm giúp thị trường dầu mỏ toàn cầu điều chỉnh linh hoạt phù hợp với lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu cấm nhập dầu mỏ của Iran từ tháng 7-2012. Dự báo mới nhất của IEA cho thấy, các số liệu về nguồn cung và nhu cầu dầu mỏ không hỗ trợ giá dầu mỏ thế giới lên tới mức 118 USD/thùng đối với dầu thô Brent. Sau khi IAE công bố dự báo mới nhất về nhu cầu dầu mỏ toàn cầu năm 2012, giá dầu thô Brent trên thị trường đã giảm 1,1% xuống mức 117,31 USD/thùng, trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ giao tháng 3/2012 giảm 1,2% xuống mức 98,67 USD/thùng trên thị trường New York (Mỹ). Và châu Á vẫn là khu vực dẫn đầu thế giới về tăng nhu cầu dầu mỏ năm 2012.

4. Moody's hạ bậc tín nhiệm nợ một loạt nước EU

Ngày 13-2-2012, cơ quan xếp hạng tín nhiệm Moody's đã hạ bậc tín nhiệm nợ của Italy từ A2 xuống A3, Tây Ban Nha từ A1 xuống A3, Bồ Đào Nha từ Ba2 xuống Ba3, Slovenia và Slovakia từ A1 xuống A2, Manta xuống A3, đồng thời đánh giá triển vọng tiêu cực đối với các nền kinh tế Pháp, Anh và Áo. Theo hãng xếp hạng tín nhiệm quốc tế này, họ đã "nhẹ tay" trong việc hạ bậc tín nhiệm lần này đối với một loạt nước EU nói trên vì chính phủ các nước này đã cam kết thành lập liên minh tài khóa và thực hiện mọi cuộc cải cách cần thiết để khôi phục lòng tin của thị trường. Trong khi đó, mặc dù xếp hạng tín nhiệm của Pháp, Anh và Áo vẫn duy trì ở mức AAA, song Moody's cảnh báo các nền kinh tế này có triển vọng tiêu cực và có thể bị đánh tụt bậc tín nhiệm nếu các điều kiện tiếp tục xấu đi. Trong số những lý do khiến cơ quan xếp hạng tín nhiệm này đưa ra quyết định nói trên là sự hoài nghi khả năng tiến hành cải cách thể chế trong Eurozone và việc liệu các nguồn lực thích hợp có được huy động đồng thời để giải quyết cuộc khủng hoảng nợ công ở khu vực này hay không, cũng như triển vọng kinh tế vĩ mô yếu kém ở châu Âu. Hãng Moody's cho rằng, nguy cơ bị tổn thương do cuộc khủng hoảng nợ công đang hoành hành ở Eurozone gây ra đối với tất cả 9 nước nói trên đang ngày càng gia tăng.

5. Brazil và Trung Quốc tăng cường hợp tác thương mại

Ngày 13-2-2012, Brazil và Trung Quốc đã nhất trí tăng cường mối quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực thương mại và đầu tư. Trong phiên họp thứ hai của Ủy ban cấp cao về hợp tác song phương giữa Brazil và Trung Quốc tại thủ đô Brasilia, Phó Tổng thống Brazil Michel Temer nêu rõ: Brazil muốn đẩy mạnh việc xuất khẩu thịt gia súc và các sản phẩm lắp ráp có giá trị gia tăng sang Trung Quốc vì hiện tại có tới 80% sản phẩm xuất khẩu của Brazil sang nước này là đậu tương, thép và dầu mỏ. Bên cạnh đó, ông M.Temer cũng đề nghị phía Trung Quốc điều chỉnh các mặt hàng xuất khẩu sang Brazil trước tình trạng hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc đang tràn ngập trên thị trường quốc gia Nam Mỹ này. Phó Thủ tướng Trung Quốc Vương Kỳ Sơn nhấn mạnh sự cần thiết tăng cường hợp tác song phương trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế thế giới hiện nay, cùng hành động chống lại chủ nghĩa bảo hộ cũng như nhất trí quan điểm hướng tới sự thành công của Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20), dự kiến được tổ chức tại Mexico vào tháng 6 và Hội nghị nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi vào tháng 3 tới tại Ấn Độ.

6. WTO: Thế giới cần cải tổ khẩn cấp chính sách về lương thực
 
 

Thế giới không có an ninh lương thực nếu sản xuất lương thực vẫn chỉ tập trung vào một số nước


Ngày 14-2-2012, tại Hội nghị về vấn đề nuôi sống dân số toàn cầu diễn ra ở Geneva (Thụy Sĩ), Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Pascal Lamy kêu gọi cộng đồng quốc tế khẩn cấp cải tổ các chính sách sản xuất và buôn bán lương thực để có thể nuôi sống dân số toàn cầu hiện đã lên tới hơn 7 tỉ người. Ông P.Lamy cho rằng, thế giới không có an ninh lương thực nếu sản xuất lương thực vẫn chỉ tập trung vào một số nước. Hiện nay, 70% sản lượng gạo và 70% sản lượng ngô của thế giới chỉ do 5 nước sản xuất, 80% sản lượng đậu nành chỉ do 3 nước sản xuất và 85% tổng lượng đậu nành trên thị trường thế giới chỉ do 2 nước xuất khẩu. Châu Phi chiếm khoảng 14% dân số thế giới nhưng hiện chiếm tới 25% số người suy dinh dưỡng trên toàn cầu. Trong khi năng suất ngô trung bình toàn cầu là 5 tấn/ha, năng suất ngô của châu Phi chỉ đạt 1,8 tấn/ha. Nguyên nhân của tình hình này chủ yếu là chính sách thuế nông nghiệp, chính sách đất đai, hạn chế tiếp cận tín dụng, cơ sở hạ tầng yếu kém cũng như trợ cấp nông nghiệp quá lớn ở các nước phát triển. Tổng Giám đốc WTO cho rằng, thông qua thúc đẩy cạnh tranh, buôn bán thúc đẩy sản xuất lương thực ở các khu vực có thể sản xuất hiệu quả nhất, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu, sản xuất lương thực phải được phát triển ở những khu vực thích hợp để không lãng phí những nguồn tài nguyên nước, đất đai và các nguồn tài nguyên thiết yếu khác.

7. Đối thoại ASEAN - Ấn Độ lần thứ 4

Ngày 14-2-2012, trong khuôn khổ các hoạt động chung hướng tới kỷ niệm 20 năm quan hệ đối tác đối thoại trong năm nay và 10 năm Hội nghị thượng đỉnh giữa Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) và Ấn Độ, tại thủ đô New Delhi của Ấn Độ vừa diễn ra “Đối thoại Delhi ASEAN - Ấn Độ” lần thứ 4 (DDIV) với chủ đề "Quan hệ đối tác vì hòa bình, thịnh vượng và ổn định". Tại cuộc Đối thoại, hai bên đã tập trung thảo luận các vấn đề về triển vọng và thách thức của tiến trình hội nhập kinh tế, những thách thức an ninh phi truyền thống và chiến lược ứng phó, cấu trúc an ninh trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, và xây dựng mạng lưới tri thức và khoa học. Tại Hội nghị, Ngoại trưởng S.M Krishna đã đánh giá cao quan hệ đối thoại hiệu quả và nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường quan hệ đối tác giữa ASEAN và Ấn Độ. Ông khẳng định việc phát huy đầy đủ hơn nữa "Chính sách hướng Đông" của Ấn Độ sẽ mang lại lợi ích cho người dân Ấn Độ và các nước ASEAN. Phó Thủ tướng Hô Nam Hông cũng hoan nghênh các cam kết và sự đóng góp của Ấn Độ cho tiến trình xây dựng cộng đồng chung của ASEAN, trong đó có việc xây dựng kết nối cơ sở hạ tầng mới giữa Ấn Độ, Mianma, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam. Ông kêu gọi nâng quan hệ Đối thoại ASEAN - Ấn Độ lên tầm chiến lược. Lãnh đạo các bên đều cho rằng, các cuộc đàm phán về Khu vực Thương mại tự do toàn diện ASEAN-Ấn Độ đang diễn ra sẽ sớm hoàn tất và hai bên phấn đấu đạt mục tiêu kim ngạch thương mại hai chiều 70 tỉ USD trong năm 2012.

8. Iran xây dựng thêm bốn lò phản ứng nghiên cứu mới

Ngày 15-2-2012, Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad đã ra lệnh xây thêm bốn lò phản ứng nghiên cứu mới để bổ sung cho lò phản ứng duy nhất đang hoạt động tại thủ đô Tehran. Tổng thống M.Ahmadinejad cho rằng, dựa trên nhu cầu của nước này, cần phải xây dựng bốn lò phản ứng tại bốn địa điểm khác nhau để triển khai các hoạt động nghiên cứu cũng như cung cấp đồng vị phóng xạ phục vụ mục đích y tế. Iran đang xây dựng một lò phản ứng nghiên cứu ở thành phố Arak, miền Trung nước này với thiết kế mạnh hơn lò phản ứng tại Tehran, đồng thời, lên kế hoạch xây dựng 20 lò phản ứng để sản xuất điện nguyên tử. Sắc lệnh trên của Tổng thống Ahmadinejad được đưa ra trong bối cảnh Iran vừa công bố một loạt tiến bộ trong chương trình hạt nhân gây tranh cãi của nước này như tăng thêm 3.000 máy li tâm, nạp các thanh nhiên liệu lần đầu được sản xuất trong nước vào lò phản ứng nghiên cứu hạt nhân... Từ phía Washington, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ, Victoria Nulan cho rằng, trên thực tế những tiến bộ này đã được Tehran thổi phồng còn thư ký báo chí Nhà Trắng, Jay Carney cho rằng, Iran đang "đánh lạc hướng" cộng đồng quốc tế về thiệt hại mà những lệnh trừng phạt quốc tế gây phương hại cho quốc gia Hồi giáo này. Trong khi đó, Thứ trưởng Ngoại giao Nga, Sergei Ryabkov cho rằng "Iran đang thực sự có những bước tiến trong chương trình hạt nhân của mình, và Nga lo ngại khoảng cách từ chỗ Tehran sở hữu lý thuyết công nghệ hạt nhân tới việc chế tạo vũ khí hạt nhân đang ngày càng được thu hẹp". Tuy nhiên, Thứ trưởng Ngoại giao Nga cũng tuyên bố Nga sẽ không tham gia các lệnh trừng phạt, vốn nhiều khả năng được đưa ra nhằm thay đổi chế độ ở Iran.

9. Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua nghị quyết về Syria

Ngày 16-2-2012, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua một nghị quyết về Syria, với tỉ lệ 137 phiếu thuận, 12 phiếu chống và 17 phiếu trắng. Nghị quyết này có nội dung tương tự bản dự thảo đã bị phủ quyết tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc hôm 4-2, và cũng kêu gọi các cơ quan hữu quan của Liên hợp quốc hỗ trợ Liên đoàn Arập (AL) nhằm thúc đẩy một giải pháp hoà bình cho cuộc khủng hoảng tại Syria, trong đó có việc chỉ định một đặc phái viên Liên hợp quốc về vấn đề Syria. Nghị quyết trên dù được thông qua nhưng không có tính ràng buộc. Trong số những nước bỏ phiếu chống, ngoài Nga và Trung Quốc còn có các nước như Cuba, Iran, Venezuela và CHDCND Triều Tiên. Phản ứng ngay sau khi nghị quyết trên được thông qua, Đại sứ Syria tại Liên hợp quốc tuyên bố, nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc chỉ khiến tình trạng bạo lực tại Trung Đông thêm gia tăng và khuyến khích các nhóm vũ trang hành động chống lại nhà nước và dân thường. Trong khi đó, Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc Vitaly Churkin cho biết, Nga bỏ phiếu chống vì nghị quyết này không đáp ứng được những tiêu chí cơ bản để có thể giải quyết cuộc khủng hoảng tại Syria. Bản chất của vấn đề là tất cả các bên ở Syria phải cùng nhau chấm dứt mọi hành động bạo lực, và điều này chỉ có thể do chính người Syria giải quyết thông qua tiến trình chính trị. Đại sứ Trung Quốc tại Liên hợp quốc Vương Dân cũng một lần nữa nhắc lại rằng, Trung Quốc phản đối mọi hành động can thiệp quân sự hoặc thay đổi chế độ tại Syria. Mọi động thái của cộng đồng quốc tế và của Liên hợp quốc về vấn đề Syria phải góp phần làm giảm căng thẳng, tạo điều kiện cho đối thoại chính trị và giải quyết các bất đồng.

10. Hội nghị cấp cao ba bên Iran - Afghanistan - Pakistan

 

Tổng thống 3 nước Iran, Afghanistan, Pakistan tại Hội nghị cấp cao ba bên


Ngày 17-2-2012, tại Hội nghị cấp cao ba bên ở thủ đô Islamabad của Pakistan, Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadineja, Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai và Tổng thống Pakistan Asif Ali Zardari đã cam kết hợp tác toàn diện trong tiến trình hòa bình ở Afghanistan, đồng thời nhất trí đẩy mạnh nỗ lực loại trừ tận gốc chủ nghĩa khủng bố và cực đoan. Trong tuyên bố chung đưa ra sau Hội nghị, Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad và người đồng cấp Pakistan Asif Ali Zardari đã khẳng định nhất quán ủng hộ toàn diện vấn đề Afghanistan, bao gồm tiến trình hòa bình và hòa giải. Các bên nhất trí tăng cường hợp tác mạnh mẽ loại trừ chủ nghĩa cực đoan, khủng bố và giải quyết tận gốc những mối đe dọa, lên án các hành động sát hại dân thường, cũng như bất cứ hình thức sát hại nào; nhất trí không cho phép bất kỳ một mối đe dọa nào xuất phát từ vùng lãnh thổ của mình nhằm vào hai nước còn lại, đồng thời cùng ủy thác cho các bộ trưởng an ninh và nội địa trong thời hạn 6 tháng xây dựng khung hợp tác ba bên về chống khủng bố, chống ma túy và tuần tra biên giới. Tuyên bố chung cũng cho biết, ba nước Iran, Pakistan và Afghanistan sẽ xây dựng một khung hợp tác toàn diện, tiến hành các bước đi thực tế nhằm mang lại hiệu quả hợp tác, từ đó thúc đẩy ổn định, hòa bình và thịnh vượng chung. Các bên bảo đảm tôn trọng chủ quyền, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ theo Hiến chương Liên hợp quốc, cùng quan tâm, tôn trọng, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau. Pakistan và Iran sẽ đóng góp vào công cuộc phát triển và tái thiết của Afghanistan; nhất trí bảo đảm thương mại ba chiều bằng nhiều biện pháp, trong đó có ưu đãi thuế quan, tự do buôn bán và trao đổi. Lãnh đạo ba nước còn cam kết cùng thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực nông nghiệp, năng lượng, khoáng sản và các lĩnh vực khác; cam kết ưu tiên hợp tác phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Hội nghị cấp cao ba bên tiếp theo sẽ được tổ chức tại Kabul, Afghanistan vào cuối năm 2012.

11. Tổng thống Đức tuyên bố từ chức

Ngày 17-2-2012, tại Berlin, Tổng thống Đức Christian Wulff đã tuyên bố từ chức sau nhiều ngày bị chỉ trích có quan hệ với giới thương gia để tư lợi. Trong bài phát biểu từ Phủ Tổng thống được phát trên truyền hình, ông C.Wulff nói rõ: "Ngày 17-2, tôi sẽ từ chức Tổng thống liên bang để mở đường cho việc tìm người kế nhiệm một cách nhanh chóng". Ông nhấn mạnh, nước Đức cần một tổng thống giành được sự tín nhiệm của không chỉ đa số mà là đại đa số công dân quốc gia này. Những diễn biến trong những ngày và những tuần vừa qua cho thấy, sự tín nhiệm mà dân chúng dành cho ông cũng như hiệu quả làm việc của ông đã bị tổn hại, khiến ông không còn hội đủ tiêu chí làm Tổng thống trong con mắt của cả người dân Đức lẫn người dân các nước khác trên thế giới. Tổng thống Christian Wulff thừa nhận đã mắc sai lầm nhưng khẳng định mình luôn trung thực. Trước đó một ngày, Viện Công tố bang Lower Saxony, nơi ông C.Wulff từng làm Thủ hiến, đề nghị Quốc hội Cộng hòa Liên bang Đức tước quyền miễn trừ truy tố của ông C.Wulff để điều tra. Đây là lần đầu tiên một tổng thống Đức bị đề nghị tước quyền miễn trừ truy tố. Theo luật pháp Cộng hòa Liên bang Đức, Chủ tịch Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Horst Seehofer sẽ tạm thời giữ chức Tổng thống trong vòng 30 ngày cho tới khi bầu được tổng thống mới. Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết, liên minh cầm quyền sẽ thảo luận với các đảng khác có chân trong Quốc hội là SDP và Đảng Xanh để tìm ra một ứng cử viên được tất cả các đảng này chấp nhận kế nhiệm ông C.Wulff.

12. Hội nghị về giáo dục của châu Phi

Ngày 17-2-2012, trong thông điệp gửi Hội nghị về giáo dục của châu Phi diễn ra tại Burkina Faso, Tổng Giám đốc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) Irian Bokova khẳng định, thanh niên là tài sản của châu Phi, không chỉ là lực lượng xây dựng hiện tại mà còn là chìa khóa mở ra tương lai của lục địa Đen. Bà Irian Bokova cho rằng, sự gia tăng lực lượng thanh niên ở châu Phi làm nổi lên những vấn đề khẩn cấp gắn với giáo dục, đào tạo và việc làm. Ở các nước như Guinea, Liberia, Nigeria, Xiera Leone, 60% dân số có độ tuổi dưới 25. Vì vậy, chất lượng giáo dục cần phải được coi là vấn đề ưu tiên hàng đầu đối với châu Phi. Hiện nay, quá nhiều thanh niên châu Phi rời trường học không được trang bị kỹ năng đầy đủ để có thể hội nhập lực lượng lao động hiện tại và tương lai. Những nghiên cứu của UNESCO ở Malawi và Dambia cho thấy, 1/3 học sinh ở các nước này sau 6 năm học vẫn không biết đọc, biết viết hoặc làm các phép tính đơn giản. Tổng Giám đốc UNESCO nhấn mạnh hiện trạng của hệ thống giáo dục châu Phi không thể được giải quyết bằng một giải pháp chung, nhưng việc đào tạo đội ngũ giáo viên tốt hơn phải là một phần quan trọng trong giải pháp cho vấn đề này. UNESCO đã phối hợp với các nước và các tổ chức xã hội dân sự châu Phi xác định nhu cầu cải cách giáo dục để đưa vào các ưu tiên của chương trình phát triển quốc gia nhằm nâng cao chất lượng giáo dục của châu Phi.

13. Chính phủ Hy Lạp nhất trí với điều kiện cuối cùng của EU và IMF

Ngày 18-2-2012 Chính phủ Hy Lạp đã thông qua gói biện pháp "thắt lưng buộc bụng" cuối cùng mà Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền Tệ quốc tế (IMF) yêu cầu để đổi lấy gói cứu trợ thứ hai trị giá 130 tỉ euro, làm gia tăng hy vọng đạt được một thỏa thuận vào tuần tới để Athen tránh vỡ nợ. Chính phủ Hy Lạp sẽ trình lên Quốc hội để thông qua khẩn cấp gói biện pháp mới này vào ngày 20-2. Các biện pháp khắc khổ mới cắt giảm các khoản tiền lương và lương hưu cơ bản trị giá 325 triệu euro nằm trong kế hoạch tiết kiệm 3,3 tỉ euro trong ngân sách năm nay, là một trong những điều kiện cuối cùng mà các chủ nợ EU và IMF đặt ra để "bật đèn xanh" cho gói cứu trợ thứ hai dành cho Hy Lạp. Các biện pháp nói trên được thông qua sau khi Athen tuần trước đã công bố chi tiết về ngân sách bổ sung và kế hoạch cắt giảm lương trong khu vực công trị giá 325 triệu euro cho các đối tác Eurozone. Cũng trong cuộc họp này, Chính phủ Hy Lạp quyết định ngày 8-3 sẽ chính thức đề nghị các nhà đầu tư tư nhân hoán đổi các trái phiếu cũ tổng trị giá khoảng 206 tỉ euro thành các trái phiếu mới, mà trong khuôn khổ hoán đổi này các nhà đầu tư có thể bị mất tới 70% tài sản đầu tư vào trái phiếu mà họ đang nắm giữ. Việc hoán đổi này, sẽ giúp giảm được 100 tỉ euro "núi" nợ của Hy Lạp, là một phần trong gói trợ giúp tài chính thứ hai của EU và IMF dành cho Hy Lạp. Thoả thuận hoán đổi nợ sẽ giúp giảm gánh nặng nợ nần của Hy Lạp từ 160% GDP hiện nay xuống còn khoảng 120% GDP vào năm 2020.

14. Trung Quốc và Nhật Bản cam kết thúc đẩy hợp tác tài chính

Ngày 19-2-2012, Trung Quốc và Nhật Bản đã cam kết thúc đẩy hợp tác tài chính trong bối cảnh tình hình kinh tế toàn cầu vẫn "phức tạp và nan giải". Phát biểu trong cuộc gặp với Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Jun Azumi đang ở thăm Trung Quốc, Phó Thủ tướng Trung Quốc Vương Kỳ Sơn cho biết, hợp tác tài chính là một phần quan trọng của hợp tác kinh tế giữa Trung Quốc và Nhật Bản. Ông Vương Kỳ Sơn cho rằng, hai nền kinh tế hàng đầu và thành viên quan trọng của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20), Trung Quốc và Nhật Bản cần có những nỗ lực chung cùng với các thành viên khác của nhóm này nhằm bảo đảm thành công cho Hội nghị cấp cao G20 ở thành phố Los Cabos, (Mexico) dự kiến diễn ra vào tháng 6 tới cũng như thúc đẩy cải cách hệ thống kinh tế và tài chính quốc tế nhằm thúc đẩy sự phục hồi và tăng trưởng của nền kinh tế thế giới. Còn Bộ trưởng Tài chính Jun Azumi khẳng định, Nhật Bản sẵn sàng tiếp tục việc trao đổi trên tinh thần xây dựng với Trung Quốc về các vấn đề tài chính song phương, khu vực và toàn cầu nhằm thúc đẩy sự hợp tác tài chính và thương mại giữa hai nước cũng như củng cố quan hệ đối tác chiến lược cùng có lợi giữa Nhật Bản và Trung Quốc. Hai bên cũng nhất trí về cuộc gặp đầu tiên của giới chức tài chính hai nước vào ngày 20-2 tại Bắc Kinh nhằm thúc đẩy hợp tác thông qua các biện pháp như tạo điều kiện để Nhật Bản mua trái phiếu chính phủ của Trung Quốc cũng như khuyến khích khu vực tư nhân sử dụng đồng yên và nhân dân tệ thay cho USD trong giao dịch song phương, đồng thời, bày tỏ sẵn sàng ủng hộ Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) trong nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng nợ công tại châu Âu, đồng thời nhất trí trao đổi quan điểm giữa hai nước hưởng ứng lời kêu gọi của IMF đề nghị các nước thành viên tăng cường đóng góp để hỗ trợ Eurozone đang chìm trong nợ nần./.