Từ xây dựng xã văn hóa hướng tới xây dựng xã nông thôn mới ở Bến Tre
19:47, ngày 13-02-2012
TCCS - Là tỉnh sớm thực hiện phong trào xây dựng đời sống văn hóa, có những bước “đột phá” riêng trong mô hình: cơ quan, xã, huyện văn hóa… Hơn mười năm phát động và thực hiện, Bến Tre bước đầu đạt những thành tựu cùng với những bài học kinh nghiệm nhất định. Đó là tiền đề thuận lợi cho việc hướng tới xây dựng xã nông thôn mới trong tương lai.
Tập trung nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”
Đảng bộ Bến Tre luôn quan tâm xây dựng và phát triển văn hóa, xem đây là một nhiệm vụ quan trọng góp phần quyết định việc phát triển bền vững của tỉnh. Đảng bộ đã có chủ trương xây dựng phong trào đời sống văn hóa ngay từ những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước. Năm 1998, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khóa VIII, ra Nghị quyết về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, trong đó nêu rõ cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa là một trong bốn giải pháp nhằm thực hiện quyết sách trên. Cùng thời điểm này, cuộc vận động xây dựng “Nếp sống văn minh, gia đình văn hóa”, “Toàn dân xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư” đang phát triển thành phong trào khá sôi nổi tại Bến Tre. Dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy, sự hưởng ứng tích cực của nhân dân, phong trào đã tạo chuyển biến cơ bản về phát triển số lượng, nâng cao chất lượng các danh hiệu ấp (khu phố), xã (phường) văn hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa phương. Tuy nhiên, quá trình thực hiện phong trào vẫn còn những hạn chế nhất định, một số cấp ủy chưa quan tâm đúng mức đã dẫn đến chất lượng các danh hiệu ấp, xã văn hóa còn yếu kém nhiều mặt.
Nhằm tiếp tục phát triển và nâng cao chất lượng phong trào, ngày 12/4/2006 Tỉnh ủy Bến Tre ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU về "Phát triển và nâng cao chất lượng phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa giai đoạn 2006 - 2010”. Với những tiêu chuẩn: gương mẫu chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực tham gia các phong trào thi đua tại địa phương; xây dựng gia đình hòa thuận, tiến bộ, hạnh phúc, tương trợ, giúp đỡ mọi người trong cộng đồng; tổ chức lao động sản xuất, kinh doanh, công tác, học tập với năng suất, chất lượng, hiệu quả cao. Đối với cán bộ, công chức, lực lượng vũ trang, ngoài việc thực hiện các chuẩn mực như quần chúng ở khu dân cư, khi đến cơ quan, đơn vị công tác còn phải: ra sức học tập, rèn luyện, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, chức trách được giao, rèn luyện thân thể; có đạo đức, lối sống giản dị, lành mạnh. Trong nhà trường cùng với nâng cao chất lượng, hiệu quả dạy - học, còn xây dựng mối quan hệ tốt giữa thầy - trò, giáo viên - phụ huynh.
Từ khi Nghị quyết ra đời, các cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận, đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân đồng tình hưởng ứng tích cực, đã có 95% cán bộ đảng viên, 85% hội viên các đoàn thể và 80% quần chúng nhân dân tham gia học tập. Những năm gần đây, tỉnh triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương năm khóa VIII gắn với thực hiện Nghị quyết số 04- NQ/ TU của Tỉnh ủy và hưởng ứng Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" đã tiếp tục tác động làm chuyển biến mạnh mẽ, sâu sắc trong toàn Đảng bộ và nhân dân Bến Tre. Qua thực hiện Cuộc vận động đã có hàng trăm tập thể, cá nhân cán bộ, đảng viên, quần chúng trở thành điển hình làm theo tấm gương đạo đức của Bác, được tập thể, xã hội khen ngợi.
Việc xây dựng, triển khai thực hiện các tiêu chí văn hóa luôn gắn với định hướng phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều năm qua, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung, của từng ấp (khu phố), xã (phường) văn hóa nói riêng đã có những bước phát triển rõ rệt. Các phong trào chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi được đẩy mạnh, giảm bớt diện tích sản xuất hiệu quả kinh tế thấp, hơn 20% diện tích đất có giá trị sản xuất trên 50 triệu đồng/ha/năm. Kinh tế tăng trưởng luôn đạt trên 10%/ năm. Năm 2009, mặc dù bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng tài chính với suy giảm kinh tế toàn cầu nhưng kinh tế của tỉnh vẫn tăng trưởng gần 8%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2007 là 9,2 triệu đồng, đến năm 2009 được nâng lên 14,6 triệu đồng. Bốn năm qua tỉnh đã giải quyết việc làm cho trên 90 nghìn lao động, giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 13,01% (năm 2007) xuống còn 10,9% (năm 2009), xây dựng gần 1.000 nhà tình nghĩa, 3.660 nhà tình thương. Riêng đối với các ấp, xã văn hóa đạt trên 90% hộ có đời sống ổn định và từng bước nâng cao, thu nhập bình quân đầu người ở khu vực này cao hơn mức bình quân của huyện (thành phố), giảm hộ nghèo còn dưới 5%. Phong trào Nhà nước và nhân dân cùng làm trong xây dựng đường giao thông nông thôn được nhân dân hưởng ứng tích cực, 90% đường giao thông nông thôn ở các ấp, xã văn hóa đều nhựa hoặc bê tông hóa, trên 90% hộ sử dụng nước được khử trùng và 94,6% hộ sử dụng điện, phần lớn nhà ở đều được xây dựng kiên cố, không còn nhà tạm bợ. Toàn tỉnh có 971 tụ điểm văn hóa gia đình; 6.797 nhóm sở thích hoạt động văn hóa văn nghệ, thể thao, giải trí với trên 67.974 thành viên tham gia.
Một trong những tiêu chí quan trọng làm hạt nhân cho lãnh đạo xây dựng đời sống văn hóa là phải xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Những năm qua, công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị luôn được tăng cường. Ở những đơn vị văn hóa, tất cả các tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể đều trong sạch vững mạnh, thể hiện rõ trách nhiệm chăm lo xây dựng xã hội, đời sống nhân dân. Cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên luôn tích cực thực hiện tốt các phong trào và gương mẫu về đạo đức, lối sống. Toàn tỉnh, số tổ chức cơ sở đảng trong sạch vững mạnh đã tăng từ 74% năm 2005 lên 78,32% năm 2009.
Phong trào toàn dân xây dựng đời sống văn hóa tác động toàn diện trên nhiều ngành, lĩnh vực theo hướng nâng chất lượng hoạt động. Đến cuối năm 2008, tỉnh đã xây dựng, củng cố 12.735/13.500 tổ nhân dân tự quản vững mạnh; 817/940 ấp (khu phố), 105 cơ quan, 77 cơ sở được công nhận đạt chuẩn an toàn về an ninh trật tự; 137/164 cơ sở đạt chuẩn lành mạnh, không có tệ nạn ma túy, mại dâm; 2.006 đơn vị và cơ sở thờ tự đạt tiêu chí văn hóa; 21 chợ văn minh; 318.908/348.753 hộ gia đình được cấp Giấy chứng nhận “Gia đình văn hóa”; 938/940 ấp (khu phố) văn hóa; 7/9 huyện (thành phố) hoàn thành xây dựng 100% ấp (khu phố) văn hóa; 80/164 xã (phường, thị trấn) đạt chuẩn văn hóa.
Một số bài học kinh nghiệm
Từ những thành tựu đạt được bước đầu của phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa tại tỉnh Bến Tre, có thể rút ra những bài học kinh nghiệm sau:
Thứ nhất, Đảng bộ tỉnh đã thực sự quan tâm đến phong trào xây dựng đời sống văn hóa khá sớm. Khi có chủ trương của Trung ương, cần vận dụng thực hiện sáng tạo vào tình hình của địa phương. Các mô hình cơ quan, trường học, cơ sở thờ tự… đến xã (phường), huyện văn hóa là mô hình đặc thù của tỉnh rất có hiệu quả.
Thứ hai, chủ trương xây dựng ấp văn hóa, xã văn hóa, huyện văn hóa được quán triệt đầy đủ, thông suốt trong nội bộ Đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể các cấp đến tận từng hộ gia đình thông qua các tổ nhân dân tự quản.
Thứ ba, lãnh đạo tỉnh và các đơn vị trực thuộc thường xuyên chỉ đạo chặt chẽ, cụ thể thực hiện phong trào. Thông qua việc ban hành các văn bản hướng dẫn, kiểm tra, đặc biệt là đưa nội dung xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng ấp văn hóa, xã văn hóa vào nghị quyết của các cấp ủy. Định kỳ có kiểm tra, sơ kết rút kinh nghiệm.
Thứ tư, xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở phải gắn liền với xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị các cấp trong sạch, vững mạnh và phát triển kinh tế - xã hội.
Thứ năm, tổ chức thông tin tuyên truyền, cổ động cho phong trào, nhân rộng gương điển hình. Thường xuyên củng cố chất lượng sinh hoạt của các tổ nhân dân tự quản, xem đây là hạt nhân cơ bản để xây dựng ấp văn hóa, xã văn hóa. Tổng kết, biểu dương, khen thưởng kịp thời nơi làm tốt, phê phán những nơi làm chưa tốt trong vai trò lãnh đạo của cấp ủy.
Từ xã văn hóa hướng tới xây dựng xã nông thôn mới
Căn cứ vào chủ trương xây dựng mô hình thí điểm xã nông thôn mới của Ban Bí thư Trung ương Đảng, ngày 19-4-2009, Thủ tướng Chính phủ ban hành Bộ chỉ tiêu quốc gia về xã nông thôn mới bao gồm 19 tiêu chí, được chia thành 5 nhóm cụ thể. Với kinh phí dự tính, để trở thành xã nông thôn mới, trung bình mỗi xã cần đầu tư 120 - 150 tỉ đồng, trong đó có 6 - 7 hạng mục dự kiến Nhà nước hỗ trợ 100%, hoặc 30% - 90% tùy từng vùng và nội dung hỗ trợ.
Đây là một điều kiện thuận lợi cho Bến Tre. Soát xét các tiêu chí của xã nông thôn mới đối với xã văn hóa mà tỉnh đã và đang xây dựng, Bến Tre nhận thấy phần lớn các tiêu chí đều phù hợp. Cụ thể, để đạt chuẩn xã (phường) văn hóa phải đạt năm nhóm tiêu chí về phát triển kinh tế, đời sống; xây dựng đời sống tinh thần phong phú; môi trường cảnh quan sạch đẹp; chấp hành chủ trương, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh và đoàn kết giúp đỡ nhau trong cộng đồng dân cư. Như vậy, chỉ cần bổ sung một số chỉ tiêu cơ bản trong quy hoạch, xây dựng khu dân cư nông thôn… và nâng chất các tiêu chí theo yêu cầu thì các xã văn hóa sẽ đạt tiêu chí của một xã nông thôn mới. Vừa qua, việc đầu tư từ ngân sách nhà nước cho xây dựng xã văn hóa tại tỉnh còn hạn chế, chủ yếu là do nhân dân đóng góp. Từ năm 2006 đến nay đầu tư chỉ khoảng 7 tỉ đồng để hỗ trợ phương tiện, xây các cụm pa-nô, trang thiết bị thông tin văn nghệ; khoảng 32 tỉ đồng xây dựng 54 hội trường văn hóa. Trong khi, theo ước tính dự chi khoảng 100 tỉ đồng cho xây dựng tất cả các xã, ấp văn hóa của tỉnh.
Chuẩn bị cho việc thực hiện mô hình xã nông thôn mới theo chủ trương của Đảng và Chính phủ, lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo các ban ngành của tỉnh nghiên cứu Bộ chỉ tiêu quốc gia về xã nông thôn mới để bổ sung, đầu tư, nâng chất tiêu chí các xã văn hóa trở thành xã nông thôn mới trong tương lai. Nhiệm vụ của Đảng bộ và nhân dân Bến Tre trong nhiệm kỳ 2011 - 2015 là: “Ưu tiên vốn xây dựng quy hoạch và thực hiện các quy hoạch khu dân cư nông thôn, quy hoạch phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội - môi trường theo chuẩn mới; tập trung lãnh đạo triển khai thực hiện các tiêu chí quốc gia về nông thôn mới ở khắp các xã trong tỉnh, nhất là các tiêu chí về giáo dục, y tế, xây dựng hệ thống giao thông... Để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn; thực hiện tốt đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; phấn đấu đến cuối nhiệm kỳ các xã trong toàn tỉnh cơ bản hoàn thành các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới”./.
Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam thực hiện chiến lược đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao  (13/02/2012)
Ninh Thuận phấn đấu phát triển nhanh và bền vững theo mô hình kinh tế xanh, sạch, gắn với bảo vệ môi trường.  (13/02/2012)
Việt Nam - Monaco tăng hợp tác trên nhiều lĩnh vực  (13/02/2012)
Gặp mặt các đồng chí nguyên là lãnh đạo cấp cao ở phía Nam  (13/02/2012)
- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên