TCCSĐT - Ngày 30-1-2012, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) ra phán quyết, khẳng định việc Trung Quốc hạn chế xuất khẩu 9 loại nguyên liệu thô nhằm bảo vệ các nhà sản xuất trong nước là vi phạm các qui định thương mại của tổ chức này.

Đây là phán quyết lần 2 của WTO sau khi Trung Quốc ngày 31-8-2011 đã kháng cáo phán quyết cho rằng, Bắc Kinh đã hạn chế xuất khẩu các nguyên liệu thô chủ chốt một cách trái phép. Trước đó, Ủy ban giải quyết tranh chấp của WTO ngày 5-7-2011 đã ra phán quyết ủng hộ các khiếu nại của Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Mexico trong việc cáo buộc Trung Quốc không tuân thủ các cam kết gia nhập WTO khi áp đặt hạn ngạch xuất khẩu và tăng thuế đối với một số nguyên liệu quan trọng dùng trong ngành công nghiệp như bôxít, than cốc, phlorít, manhê, mănggan, cácbua silích, phốtpho, kẽm...

WTO đã bác bỏ lý lẽ của phía Trung Quốc, cho rằng nước này đã không chứng minh được việc hạn chế xuất khẩu những nguyên liệu trên là để phục vụ nhu cầu sử dụng trong nước. Trung Quốc là nước xuất khẩu đất hiếm lớn nhất thế giới. Hồi đầu năm nay, Trung Quốc đã giảm hạn ngạch xuất khẩu đối với 17 danh mục mặt hàng nguyên liệu thô chủ yếu dùng trong ngành công nghệ cao, đồng thời tăng thuế xuất khẩu.

Sau một thời gian phúc thẩm đơn kháng cáo của Trung Quốc, một lần nữa, Ủy ban giải quyết tranh chấp của WTO ủng hộ Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Mexico và bác kháng cáo của Trung Quốc cho rằng, việc Bắc Kinh hạn chế xuất khẩu nguyên liệu thô là nhằm bảo vệ các nguồn tài nguyên thiên nhiên quốc gia.

Trong phán quyết lần này, WTO đã cáo buộc Trung Quốc không tuân thủ các cam kết gia nhập tổ chức thương mại lớn nhất thế giới khi áp đặt hạn ngạch xuất khẩu và tăng thuế đối với một số nguyên liệu quan trọng dùng trong các ngành công nghiệp nói trên. WTO khẳng định, hành động hạn chế xuất khẩu nguyên liệu thô, trong đó có một số loại khan hiếm, đã đẩy giá các nguyên liệu tăng cao tại các thị trường nước ngoài trong khi lại giảm được chi phí cho các nhà sản xuất trong nước, tạo lợi thế cạnh tranh cho họ. Ủy ban giải quyết tranh chấp của WTO hối thúc Trung Quốc dỡ bỏ các rào cản kể trên, và thực hiện nghiêm túc những gì đã cam kết.

Đại diện Thương mại Mỹ Ron Kirk coi phán quyết trên của WTO là "một chiến thắng to lớn" đối với các nhà sản xuất và công nhân nước này. Ủy ban châu Âu (EC) cũng ra thông báo, yêu cầu Bắc Kinh thực hiện nghiêm túc quyết định trên, đồng thời nhấn mạnh "tiếp tục quan ngại sâu sắc" về việc Trung Quốc hạn chế xuất khẩu đất hiếm và một số nguyên liệu thô khác. Trong khi đó, phái đoàn của Trung Quốc tại WTO cho biết, họ cam kết sẽ thực hiện đầy đủ quyết định mà tổ chức này đưa ra, song vẫn sẽ tiếp tục kháng cáo một số vấn đề.

Trước đó, trong báo cáo thường niên trình Quốc hội Mỹ ngày 23-12-2011, Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) đã tỏ ý quan ngại Trung Quốc vi phạm các cam kết với Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) trong bối cảnh tranh chấp thương mại giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới này đã thành chuyện "cơm bữa".

Báo cáo dày hơn 100 trang của USTR mặc dù đánh giá cao những bước đi đầy ấn tượng mà Bắc Kinh đã thực hiện để cải cách nền kinh tế trong 9 năm qua kể từ khi gia nhập WTO (năm 2001), song vẫn cho rằng, các nỗ lực cải cách của Trung Quốc đã chững lại trong những năm gần đây. Cụ thể, Bắc Kinh vẫn tiếp tục theo đuổi các chính sách dựa trên sự can thiệp quá mức của chính phủ nhằm thúc đẩy và bảo vệ các ngành công nghiệp trong nước cũng như doanh nghiệp nhà nước. Theo USTR, sự can thiệp này, thể hiện rõ nhất trong năm 2010, phản ánh quá trình chuyển đổi chưa hoàn chỉnh của Trung Quốc từ một nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường tự do.

Ngoài ra, báo cáo cho biết Trung Quốc đã bác yêu cầu của Mỹ, muốn Bắc Kinh xóa bỏ việc giảm hạn ngạch xuất khẩu đất hiếm. Tuy nhiên, Washington khẳng định, sẽ tiếp tục theo đuổi vấn đề này và sẵn sàng đề nghị WTO giải quyết. Báo cáo trên của USTR được trình Quốc hội Mỹ một ngày sau khi chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama kiện Trung Quốc lên WTO, tố cáo Bắc Kinh trợ giá trái phép cho các công ty sản xuất thiết bị năng lượng gió và yêu cầu WTO mở cuộc điều tra về vụ này./.