Hà Nội cùng các tỉnh, thành phố trong cả nước đồng loạt tổ chức "Tết trồng cây đời đời ơn Bác"
TCCSĐT - Ngày 30-1-2012 (tức mồng Tám Tết Nhâm Thìn), các tỉnh Phú Thọ, Yên Bái, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nam, Thanh Hóa, Hòa Bình, Hải Phòng, Hà Nội đã đồng loạt tổ chức Lễ phát động "Tết trồng cây đời đời ơn Bác" năm Nhâm Thìn 2012.
Tại Phú Thọ, 13/13 huyện, thành thị trong tỉnh đều tổ chức Tết trồng cây. Đặc biệt, hơn 300 cán bộ, viên chức và người lao động đang trực tiếp thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ tu bổ, tôn tạo và phát huy tác dụng của Khu Di tích lịch sử Quốc gia Đền Hùng đã đồng loạt tổ chức Lễ phát động "Tết trồng cây đời đời ơn Bác" đầu Xuân Nhâm Thìn - 2012. Ông Nguyễn Xuân Các, Giám đốc Khu di tích lịch sử Đền Hùng cho biết, đây là lần đầu tiên Khu di tích lịch sử Đền Hùng phát động Tết trồng cây với tổng số đã quyên góp được gần 450 cây giống các loại, chủ yếu là các loại cây bản địa như: Sấu, chò chỉ, thông, si, lát hoa, lim xanh, trám, vù Hương, đa... Ông Các cho biết thêm, ngoài việc thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm Đền Hùng lần thứ 2 (19-8-1962 – 19-8-2012) "...Phải chú ý bảo vệ, trồng thêm hoa, cây cối để Đền Hùng ngày càng trang nghiêm và đẹp đẽ, thành công viên cho con cháu sau này đến tham quan” thì còn là dịp để Khu di tích hướng tới kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Khu Di tích lịch sử Đền Hùng (28-4-1962 – 28-4-2012). Năm nay, tỉnh Phú Thọ phấn đấu trồng mới 5.025 ha rừng tập trung và 500.000 cây phân tán; nâng độ che phủ rừng của tỉnh đạt 50% trở lên. Theo đó, tỉnh đã chỉ đạo các ngành liên quan rà soát quy hoạch và hiện trạng quỹ đất lâm nghiệp trên địa bàn, trên cơ sở chỉ tiêu kế hoạch về trồng cây, trồng rừng năm 2012 được Ủy ban nhân dân tỉnh giao, phân bổ chi tiết cho các xã, phường, thị trấn; cụ thể hóa địa điểm trồng cây, trồng rừng, địa điểm phát động tết trồng cây, đồng thời chỉ đạo khẩn trương thực hiện các bước khảo sát, thiết kế, lập dự toán, xử lý thực bì, cuốc hố, chuẩn bị đầy đủ về vật tư phân bón, nhân lực… bảo đảm trồng đúng, trồng đủ theo kế hoạch.
Tại Yên Bái, ngay sau lễ phát động, các đồng chí lãnh đạo tỉnh, thành phố Yên Bái cùng nhân dân đã tham gia trồng cây dọc tuyến đường Nguyễn Tất Thành. Cũng trong dịp này, tất cả các địa phương trong tỉnh đều phát động " Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác". Nhiều năm nay, Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ đã trở thành phong trào sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân Yên Bái, góp phần thúc đẩy phong trào trồng rừng trên địa bàn, đưa Yên Bái trở thành tỉnh có tỷ lệ che phủ rừng đứng thứ tư của cả nước. Tết trồng cây “Đời đời nhớ ơn Bác Hồ” được tỉnh Yên Bái gắn với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Đây chính là động lực thúc đẩy phong trào trồng rừng trong toàn dân, nâng cao ý thức trách nhiệm trong công tác trồng rừng và bảo vệ rừng, phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường. Năm 2012, tỉnh Yên Bái có kế hoạch trồng mới trên 15.000 ha rừng, phấn đấu đưa tỷ lệ che phủ rừng từ 60 - 62%.
Tại Bắc Ninh, “Tết trồng cây” đã được phát động tại khuôn viên Nhà thi đấu đa năng thành phố Bắc Ninh. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Bắc Ninh Nguyễn Văn Cậy cho biết: Năm nay, tỉnh tổ chức trồng cây đa dạng phù hợp với đặc điểm từng nơi. Các địa phương huy động các tầng lớp nhân dân, đoàn viên, thanh niên, lực lượng vũ trang, học sinh, sinh viên... tham gia trồng cây xanh, phủ xanh đất trống, đường làng, góp phần mang lại màu xanh cho thành phố, phấn đấu đến năm 2015 Bắc Ninh trở thành đô thị loại hai. Ngay sau lễ phát động Tết trồng cây, các đồng chí lãnh đạo tỉnh, thành phố Bắc Ninh cùng nhân dân tham gia trồng cây bóng mát tại 19 xã, phường trong thành phố. Hưởng ứng Tết trồng cây, trong ngày làm việc đầu tiên của năm mới, các xã, phường, quận, huyện trong tỉnh Bắc Ninh đã đồng loạt ra quân thực hiện "Tết trồng cây" theo lời dạy của Bác: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”.
Tại Hưng Yên, Lễ phát động "Tết trồng cây đời đời ơn Bác" cũng đã được tổ chức theo hướng mỗi địa phương căn cứ vào đặc điểm, lợi thế khí hậu, đất đai, tập quán canh tác, thị trường... để quy hoạch mở rộng cây ăn quả, tập trung theo hướng sản xuất hàng hoá có chất lượng cao, khuyến khích phát triển các mô hình trang trại chuyên trồng cây ăn quả hoặc trang trại VAC. Đối với nhãn là cây ăn quả thế mạnh của địa phương không mở rộng diện tích mà tập trung cải tạo cây già cỗi năng xuất, chất lượng thấp bằng giống nhãn chất lượng cao đã được bình tuyển. Các loại cây lấy gỗ, bóng mát được trồng ở đường giao thông, bệnh viện, trường học, trụ sở cơ quan, đơn vị mang tính tận dụng đất và bảo đảm cảnh quan môi trường. Năm 2012, tỉnh Hưng Yên dự kiến trồng mới 150.000 cây các loại, trong đó cây ăn quả 110.000 cây chiếm hơn 70% còn lại là cây lấy gỗ và cây bóng mát.
Tại Hải Dương, Tết trồng cây Xuân Nhâm Thìn 2012 được tỉnh tổ chức từ ngày 30-1 đến ngày 16-2. Năm nay, toàn tỉnh phấn đấu trồng mới 1 triệu cây phân tán các loại, trong đó có 650 nghìn cây ăn quả và 350 nghìn cây lấy gỗ, cây phong cảnh và bóng mát. Cây được trồng tập trung tại khu đô thị mới, công viên, công sở, trường học, khu di tích, vườn chuyển đổi, trang trại. Để phục vụ Tết trồng cây mùa xuân năm nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương cấp miễn phí cho các địa phương trong tỉnh 76.900 cây keo lai và 1.700 cây ổi lê Đài Loan. Tỉnh Hải Dương chủ trương trồng cây theo phương châm hiệu quả, tiết kiệm, trồng cây nào sống cây ấy, tránh phô trương hình thức. Theo đó, các loại cây sẽ được trồng tập trung ở các vườn cải tạo, chuyển đổi, trang trại, khu đô thị mới, công viên, công sở, trường học, khu di tích, hệ thống đê. Đối với việc trồng cây ăn quả, chủ trương của tỉnh là không mở rộng thêm diện tích mà chỉ duy trì, phát huy diện tích hiện có theo hướng đa dạng hóa cây trồng, áp dụng tiến bộ kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, thâm canh và cải tạo để cho năng suất, giá trị kinh tế cao. Các địa phương có đê nhưng hàng tre chắn sóng chưa khép kín, sẽ trồng thêm tre để bảo đảm phòng, chống lũ. Ở khu vực thành thị, việc trồng cây ở công viên, đường phố, khu đô thị mới theo quy hoạch để tạo bóng mát, cảnh quan môi trường đẹp. Các khu công nghiệp phải quy hoạch diện tích đất trồng cây và bố trí cây trồng phù hợp để tạo vành đai xanh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Đi đôi với việc trồng cây, tỉnh chú trọng tới khâu chăm sóc, bảo vệ cây trồng, bảo vệ rừng, đặc biệt tại các khu vực trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng. Năm 2011, Hải Dương trồng mới gần 1,23 triệu cây phân tán các loại, vượt 23% kế hoạch, gồm 689 nghìn cây ăn quả và 535 nghìn cây lấy gỗ, phong cảnh, bóng mát.
Tại Hà Nam, Lễ phát động "Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ" đã được tổ chức tại trường mầm non xã Thanh Châu, (thành phố Phủ Lý). Lễ phát động Tết trồng cây vào đầu xuân mới đã trở thành truyền thống của toàn Đảng, toàn dân ta trong đó có tỉnh Hà Nam theo lời kêu gọi của Bác Hồ: "Mùa xuân là tết trồng cây, làm cho đất nước càng ngày càng xuân". Đây cũng là khởi đầu của phong trào trồng cây nhân dân của các địa phương, đơn vị và nhân dân của tỉnh Hà Nam trong cả năm. Trong năm 2012, Hà Nam có kế hoạch trồng 373 nghìn cây phân tán các loại. Đồng thời, bảo vệ hơn 2.956 ha rừng, khoanh nuôi tái sinh 526,7 ha rừng, trồng mới 21,5 ha rừng. Các loại cây được trồng khá phong phú, gồm: Cây bóng mát, cây lấy gỗ và cây ăn quả... Năm 2011, toàn tỉnh Hà Nam đã trồng cây phân tán được trên 300.000 cây các loại, bảo vệ 3.000 ha rừng. Việc trồng cây ở các khu công nghiệp, các khu đô thị, các công sở được các đơn vị tổ chức thực hiện nghiêm túc, ý thức bảo vệ và chăm sóc cây cũng được nâng lên rất nhiều.
Tại Thanh Hóa, với phương châm: "Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ, ứng phó với biến đổi khí hậu", các địa phương trong tỉnh đã chuẩn bị đủ mọi điều kiện về cây giống, diện tích trồng, vật tư, nhân lực, tổ chức lễ phát động nhằm tạo không khí thi đua sôi nổi trong mọi tầng lớp nhân dân để hoàn thành thắng lợi kế hoạch trồng cây, trồng rừng năm 2012. Bên cạnh đó, các địa phương đã tổ chức tuyên truyền rộng rãi về mục đích, ý nghĩa "Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ, ứng phó với biến đổi khí hậu", đồng thời vận động người dân gắn việc trồng cây, trồng rừng với phát triển kinh tế rừng, bảo vệ môi trường sinh thái và ứng phó với biến đổi khí hậu. Các địa phương cũng đã chuẩn bị tốt công tác phân công quản lý, chăm sóc bảo vệ cây sau khi trồng để cây phát triển tốt. Nghành nông nghiệp và phát triển nông thôn cũng đã cắt cử cán bộ chuyên môn hướng dẫn các địa phương về cơ cấu cây trồng, kỹ thuật trồng, thời vụ trồng, các chăm sóc và bảo vệ cây sau khi trồng... Để cây trồng đạt tỷ lệ sống cao, các địa phương đã chọn lựa các giống cây dễ trồng và phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng ở Thanh Hoá. Trong đó, nhiều loại cây được lựa chọn như: keo, luồng, xoan, trám, lát, xà cừ, phi lao, bạch đàn, cây ăn quả các loại... Trong năm 2012, toàn tỉnh phấn đấu trồng thêm 17.000 ha rừng, trong đó, trồng rừng tập trung 13.500 ha, nâng độ che phủ rừng lên 50,5%...
Tại Hòa Bình, 11 huyện, thành phố của tỉnh đã đồng loạt ra quân trồng cây đầu năm, trồng hơn 500.000 cây phân tán tại khuôn viên các công sở, trường học, ven đường làng...riêng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh và các đơn vị kết nghĩa đã tham gia trồng hàng ngàn cây phủ xanh đất trống tại khu vực trường bắn thuộc xã Dân Chủ (thành phố Hòa Bình). Hưởng ứng Tết trồng cây do Bác Hồ khởi xướng, trong những năm qua, nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh Hoà Bình đã tích cực tham gia thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án phủ xanh đất trống, đồi núi trọc; khoanh nuôi, bảo vệ và phát triển rừng. Toàn tỉnh đã trồng được hàng vạn ha rừng tập trung, hàng triệu cây phân tán, tác động tích cực đến việc bảo vệ môi trường sinh thái, góp phần vào sự ổn định phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đến cuối năm 2011 độ che phủ rừng của toàn tỉnh đạt 46%; nhiều địa phương, gia đình giàu lên nhờ trồng rừng. Hàng năm, việc tổ chức Tết trồng cây được đông đảo nhân dân đón nhận và hưởng ứng một cách tự nguyện, có hiệu quả; phong trào nhân dân tham gia trồng cây, trồng rừng đã được phát huy, duy trì và phát triển mạnh.
Tại Hải Phòng, ngày đầu ra quân Tết trồng cây ơn Bác, toàn thành phố đã trồng được khoảng 255 nghìn cây. Huyện trồng được nhiều nhất là Thủy Nguyên với 44 nghìn cây, Tiên Lãng 38 nghìn cây, Vĩnh Bảo 30 nghìn cây…Nhân dịp Tết trồng cây, một nhà sư Nhật Bản đã gửi tặng Hải Phòng 108 cây Anh Đào. Sáng 30-1-2012, Bí thư Thành ủy Hải Phòng Nguyễn Văn Thành cùng thành hội Phật giáo Hải Phòng đã trồng anh đào tại đồi Ngọc Sơn, Đồ sơn. Phong trào trồng cây đầu xuân đã trở thành một nét đẹp văn hóa truyền thống được mọi người, mọi nhà, các cơ quan, đơn vị, trường học trên địa bàn Hải Phòng tích cực hưởng ứng. Việc làm này góp phần cải tạo điều kiện môi trường sống, làm cho cảnh quan ngày càng xanh sạch đẹp, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái và tạo khí thế thi đua sôi nổi trong những ngày đầu xuân. Đây cũng là hành động thiết thực nhằm góp phần đối phó với sự biến đổi khí hậu toàn cầu đang ngày càng diễn biến phức tạp, từng bước nâng cao độ che phủ cây xanh của toàn quận và thành phố, hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường sống, ô nhiễm không khí, ô nhiễm đất, ô nhiễm nguồn nước… cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, tạo môi trường tốt, cơ hội tốt để thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Tại Hà Nội, đồng chí Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã tới dự Lễ phát động Tết trồng cây Đời đời nhớ ơn Bác Hồ Xuân Nhâm Thìn 2012 và trồng cây tại Thành cổ Sơn Tây - di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia. Cùng dự buổi lễ có Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội Đào Văn Bình và đông đảo nhân dân, thanh niên, học sinh thị xã Sơn Tây. Sau khi ôn lại văn hóa truyền thống của dân tộc, cứ mỗi dịp Tết đến Xuân về, các tầng lớp nhân dân trong cả nước hăng hái trồng cây theo lời kêu gọi của Bác Hồ muôn vàn kính yêu cách đây hơn nửa thế kỷ-xuân Canh Tý 1960, Chủ tịch Thị xã Sơn Tây Nguyễn Quang Sơn cho biết, đến nay Thị xã Sơn Tây đã trồng và duy trì, quản lý được trên 330 ha rừng tập trung và trồng nhiều diện tích cây phân tán; trong đó, riêng năm 2011, Thị xã đã trồng mới được trên 60 nghìn cây, cải tạo cơ bản diện tích đất trống, đồi núi trọc, tạo độ che phủ đạt 70% diện tích toàn Thị xã, góp phần tạo môi trường xanh, lá phổi sạch cho Thủ đô Hà Nội và khu vực.
Phát biểu với Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân Thị xã Sơn Tây, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị cho rằng, việc tham gia hưởng ứng Tết trồng cây là việc làm hết sức có ý nghĩa, thực sự cần thiết để thực hiện lời dạy của Bác Hồ kính yêu, nhưng điều quan trọng nhất là làm sao phải chăm sóc và bảo vệ được cây. Thông qua việc tổ chức Lễ phát động tết trồng cây, Bí thư Thành ủy mong muốn, việc trồng cây phủ xanh đất trống, đồi núi trọc sẽ được các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân Thị xã Sơn Tây quan tâm và triển khai một cách hiệu quả hơn, góp phần quan trọng vào việc phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, bảo vệ môi trường, mỹ quan đô thị, nâng cao tinh thần trách nhiệm của các tổ chức, đơn vị, cá nhân trong việc bảo vệ môi trường sinh thái, góp phần thiết thực quan trọng vào việc xây dựng cảnh quan môi trường làm cho Thị xã Sơn Tây nói tiêng, Thủ đô nói chung ngày càng xanh - sạch - đẹp và giàu mạnh, văn minh.
Cùng ngày, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã phát động Tết trồng cây tại khu đô thị mới Đặng Xá, huyện Gia Lâm. Cùng dự có Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng. Tại buổi lễ, Chủ tịch yêu cầu các cơ quan, đoàn thể, từ gia đình đến cá nhân trong dịp này cần ý thức về trách nhiệm bảo vệ và nuôi dưỡng cây xanh. Đây là hành động thiết thực vừa góp phần thực hiện Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn 2050 với tinh thần xây dựng Thủ đô Hà Nội xanh - văn hiến - văn minh - hiện đại. Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Nguyễn Thế Thảo đã đến thăm, động viên bà con nông dân đang làm việc tại xưởng sơ chế, đóng gói rau an toàn VietGap đặt sát cánh đồng rau xã Văn Đức, huyện Gia Lâm.
Tại thôn Nam, xã Phụng Thượng, đồng chí Ngô Thị Doãn Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố đã tham dự lễ phát động Tết trồng cây của huyện Phúc Thọ. Năm 2011, huyện Phúc Thọ đã trồng 45.000 cây xanh các loại, đạt 113% kế hoạch năm, toàn huyện hiện có hơn 640 ha cây ăn quả. Để thực hiện thành công mục tiêu trồng mới 1,2 triệu cây xanh và 50 ha rừng của thành phố trong năm 2012, đồng chí Ngô Thị Doãn Thanh mong muốn nhân dân, các tổ chức đoàn thể, cơ quan xí nghiệp trên địa bàn huyện Phúc Thọ cùng với việc thi đua lao động sản xuất, cần tích cực tham gia trồng nhiều cây xanh, góp phần xây dựng quê hương, xây dựng Thủ đô ngày càng xanh - sạch - đẹp.
Năm 2011, toàn thành phố đã trồng hơn 1 triệu cây các loại, đạt 93,7% kế hoạch. Các loại cây trồng chủ yếu là Sấu, Trám, Phượng vĩ, Muồng, Bằng lăng và một số cây ăn quả như Xoài, Bưởi Diễn, Cam Canh, Nhãn chín muộn... Trong đó, một số địa phương làm tốt phong trào trồng cây là huyện Ba Vì, Thạch Thất, Ứng Hòa, Sơn Tây, Mê Linh, các Công ty công viên... Cây đã trồng có tỉ lệ sống cao đạt trên 90% và phát triển tốt./.
Nhiều lễ hội truyền thống mang ý nghĩa cầu cho mưa thuận, gió hòa được tổ chức ở nhiều nơi trên cả nước  (30/01/2012)
Hàng vạn lượt người vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh dịp Tết  (30/01/2012)
Hội nghị Toàn quốc lần thứ nhất của Đảng Cộng sản Cuba  (30/01/2012)
Chương trình nghệ thuật mừng Đảng, mừng xuân “Đảng cho ta mùa Xuân”  (30/01/2012)
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm và làm việc tại Cà Mau  (30/01/2012)
- Một số vấn đề về chuyển đổi nội dung số trong các tạp chí của Việt Nam hiện nay
- Tỉnh Nam Định xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm