Ngày 11-1, Hội nghị quốc tế về kinh tế đối ngoại Việt Nam lần thứ 3, do Bộ Ngoại giao phối hợp với Tập đoàn Nhà kinh tế thuộc Vương quốc Anh tổ chức, đã diễn ra tại Hà Nội.
Với chủ đề "hành trình bước vào một thế giới mới," Hội nghị là dịp để Việt Nam thông tin về đường lối, những ưu tiên phát triển của Việt Nam thời gian tới, về quyết tâm của Việt Nam ổn định kinh tế vĩ mô, đồng thời quảng bá hình ảnh Việt Nam và tiềm năng phát triển, góp phần thu hút dòng vốn FDI trong thời gian tới. Hơn 300 đại biểu trong và ngoài nước từ các tổ chức tài chính quốc tế, đại sứ, đại diện của nhiều nước tại Việt Nam, các tập đoàn kinh tế thế giới, doanh nghiệp hàng đầu của Việt Nam và các cơ quan chính phủ Việt Nam đã tham dự Hội nghị.

Tại phiên khai mạc, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh, kinh tế thế giới đang ảm đạm nhưng thực tế vẫn có nhiều cơ hội, động lực mới cho phát triển. Các quốc gia đang tích cực tìm kiếm những mô hình phát triển bền vững hơn và Việt Nam không nằm ngoài dòng chảy đó.

Đại diện Chính phủ và các bộ, chuyên gia và doanh nghiệp đã trao đổi thẳng thắn về những vấn đề quan trọng đối với sự phát triển của Việt Nam trong giai đoạn tới như vai trò, vị thế Việt Nam trên các diễn đàn khu vực và thế giới, định hướng phát triển kinh tế - xã hội và các đột phá chính sách trong các lĩnh vực có ý nghĩa quan trọng cho phát triển như ổn định tài chính, phát triển công nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực, các vấn đề đặt ra đối với đầu tư nước ngoài, chính sách thu hút đầu tư của Việt Nam; đối phó với thách thức của môi trường…

Các đại biểu quốc tế đã đánh giá cao quyết tâm, chính sách của Chính phủ trong việc đổi mới, tái cơ cấu nền kinh tế và đều nhận định, các kế hoạch của Chính phủ đưa ra là đúng hướng và kịp thời; cho rằng Việt Nam cần tận dụng tốt hơn vị trí địa chiến lược trong khu vực để tạo cân bằng trong quan hệ với các đối tác. Khả năng xử lý các vấn đề kinh tế, xã hội trong nước cũng là nhân tố ảnh hưởng đến vai trò và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế đồng thời Việt Nam cần tăng tốc hơn nữa tiến trình cải cách.

Bên cạnh các thách thức trong ngắn hạn như lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, Việt Nam cũng đứng trước đòi hỏi dài hạn cần chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Mô hình tăng trưởng theo chiều rộng dựa vào lao động giá rẻ, khai thác tài nguyên thiên nhiên đã không còn phù hợp trong bối cảnh mới. Việt Nam cần nâng cao chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh quốc gia, hướng đến phát triển bền vững.

Các đại biểu cũng đã nêu một số khuyến nghị cụ thể nhằm đưa Việt Nam lên một tầm phát triển mới và góp phần bảo đảm các chính sách đã đưa ra sẽ được thực thi hiệu quả như: bảo đảm cam kết thực thi chính sách; đẩy mạnh cải cách doanh nghiệp nhà nước nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh; phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin trong các lĩnh vực của nền kinh tế; phát triển các trung tâm dạy nghề.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải và lãnh đạo các bộ, ngành khẳng định cam kết của Chính phủ Việt Nam trong việc kiên trì thực hiện các chính sách cải cách, đổi mới kinh tế với những điểm nhấn cơ bản sau: đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế; tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều biện pháp nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội và tập trung nguồn lực nhằm tạo bước chuyển mang tính đột phá.

Phó Thủ tướng cũng khẳng định, Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì đối thoại thường xuyên với cộng đồng doanh nghiệp để tiếp thu ý kiến và điều chỉnh chính sách phù hợp với lợi ích phát triển của đất nước và lợi ích chính đáng của các nhà đầu tư và cộng đồng doanh nghiệp. Các doanh nghiệp, nhà đầu tư khi tham gia vào thị trường Việt Nam đều được coi là một bộ phận của nền kinh tế Việt Nam.

Chính phủ Việt Nam kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài tập trung vào các lĩnh vực như công nghệ cao và cơ sở hạ tầng mang tính đột phá với nền kinh tế Việt Nam. Đồng thời, Chính phủ cũng khẳng định sẽ thực hiện các chính sách và xây dựng khung luật pháp nhằm bảo đảm lợi ích của doanh nghiệp, cùng chia sẻ rủi ro và tạo điều kiện để các doanh nghiệp làm ăn lâu dài và thành công ở Việt Nam./.