Chiều 10-1, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân và Đoàn công tác của Chính phủ đã thăm và làm việc với Học viện Chính trị-Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh. 
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao đóng góp của Học viện trong công tác đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp...

Đề cập về nhiệm vụ của Học viện trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đề nghị Học viện cần sớm xây dựng và công bố chuẩn đầu ra, để các học viên sau khi ra trường có thể đáp ứng ngay được yêu cầu công việc. Học viện cũng cần quan tâm đổi mới khung chương trình đào tạo, hoàn thiện bộ giáo trình chuẩn, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên để không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo. 

Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Học viện Chính trị-Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh cần phải xây dựng được một chiến lược tổng thể phát triển trong 10 năm đến 20 năm tới theo hướng xây dựng Học viện trở thành một trung tâm về đào tạo bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt, cán bộ khoa học lý luận có uy tín của quốc gia và khu vực. 

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã cho ý kiến về một số kiến nghị của Học viện về quy mô tuyển sinh, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, kế hoạch đào tạo cán bộ, giáo viên tại các cơ sở đào tạo ở nước ngoài.

Báo cáo với Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân và đoàn công tác, giáo sư-tiến sỹ Tạ Ngọc Tấn, Giám đốc Học viện Chính trị-Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh nêu rõ, Học viện được Đảng và Nhà nước giao thực hiện công tác đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt trung, cao cấp, cán bộ khoa học, lý luận chính trị của Đảng, Nhà nước và các đoàn thể chính trị-xã hội; nghiên cứu khoa học lý luận Marx- Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nghiên cứu đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, nghiên cứu về khoa học chính trị; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức hành chính, doanh nghiệp, cán bộ khoa học hành chính và nghiên cứu khoa học lĩnh vực hành chính. 

Hiện nay, Học viện đào tạo 38 chuyên ngành đại học, 28 chuyên ngành thạc sỹ, 15 chuyên ngành tiến sỹ. Mỗi năm, Học viện đào tạo khoảng hơn 40 ngàn lượt học viên là cán bộ lãnh đạo, quản lý đang công tác trong các cơ quan Đảng, nhà nước và cả hệ thống chính trị . 

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, trong quá trình hoạt động, một số vấn đề bất cập như quy mô, cơ sở vật chất của nhà trường chưa đáp ứng được nhu cầu đào tạo và bồi dưỡng cán bộ. So với đòi hỏi của thực tiễn, chương trình và nội dung đào tạo cao cấp lý luận chính trị còn có những hạn chế. Nội dung chương trình đào tạo mới chỉ chủ yếu cung cấp cho học viên hệ thống phương pháp luận mà chưa chú trọng đến hệ thống các công cụ phân tích, đánh giá chính sách cũng như kỹ năng lãnh đạo, quản lý./.