TCCSĐT - Ngày 9-1-2012, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã chính thức bước vào cuộc hội đàm song phương đầu tiên của năm 2012 tại Berlin, khai màn cho một tuần bàn luận về các biện pháp giúp ổn định cuộc khủng hoảng nợ châu Âu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và kìm hãm tỷ lệ thất nghiệp. Dự kiến trong cuộc họp đầu năm này, hai nhà lãnh đạo Pháp và Đức sẽ bàn thảo về các kế hoạch áp dụng thuế giao dịch tài chính mới có tên “thuế Tobin” trong khu vực châu Âu.

 

 Lãnh đạo hai nước Pháp và Đức vẫn bất đồng về biện pháp giải cứu Eurozone

"Thuế Tobin”, được đặt theo tên nhà kinh tế học người Mỹ đạt giải Nobel kinh tế năm 1981 James Tobin. Đây là loại thuế giao dịch tài chính được đưa ra nhằm chống lại nạn đầu cơ tài chính và thu tiền từ những cá nhân và tổ chức giàu có. Để làm được điều đó, “thuế Tobin” sẽ đánh thuế thấp vào các giao dịch tiền tệ, chứng khoán và cổ phiếu lớn. Nếu “thuế Tobin” được áp dụng trên quy mô toàn cầu thì doanh thu mà các chính phủ thu được sẽ vô cùng lớn.

Tuy nhiên, các biện pháp của loại thuế giao dịch tài chính này lại khơi dậy nhiều tranh cãi, đồng thời để lộ những khác biệt mang tính chiến lược giữa các nhà lãnh đạo của Liên minh châu Âu.

Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã cam kết sẽ áp dụng “thuế Tobin” tại Pháp, thậm chí nếu các nước châu Âu khác có phản đối. Thủ tướng Italia Mario Monti cũng nhất trí áp dụng loại thuế này, miễn sao đó là một phần trong nỗ lực giải cứu khủng hoảng nợ của toàn châu Âu. “Chúng tôi sẵn sàng thực thi loại thuế này… vì lợi ích của chúng tôi khi hợp tác chặt chẽ với Đức và Pháp”, ông M.Monti cho hay.

Trong khi đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel tuy bày tỏ sự ủng hộ “thuế Tobin” về mặt lý thuyết nhưng lại muốn trì hoãn lời kêu gọi của ông N.Sarkozy. Bà A.Merkel cho rằng, cần phải đạt được sự đồng thuận rộng rãi trong toàn châu Âu về các biện pháp của loại thuế này. Còn Thủ tướng Anh David Cameron thì một mực phản đối việc áp dụng “thuế Tobin”, vì lo sợ sẽ gây thiệt hại cho Luân Đôn, trung tâm tài chính của toàn cầu. Chủ nhật tuần trước, ông D.Cameron tuyên bố sẽ phủ quyết việc thực thi “thuế Tobin” trừ phi nó được áp dụng trên toàn cầu.

Những tranh cãi về thuế giao dịch tài chính mới giữa các nhà lãnh đạo châu Âu có nguy cơ làm chia rẽ Liên minh châu Âu chỉ vài tuần trước khi Hội nghị thượng định quan trọng của Khối dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 30 tháng này.

Ngoài các biện pháp của “thuế Tobin”, tại cuộc họp hôm nay, hai nhà lãnh đạo hàng đầu của châu Âu còn sẽ thảo luận về “hiệp ước tài chính” mà hai bên đã thống nhất trong một hội nghị thượng đỉnh hồi tháng 12 năm ngoái. Theo đó, cần có một hiệp ước châu Âu mới giữa 27 thành viên Liên minh châu Âu, nếu không là giữa 17 nền kinh tế thành viên Eurozone. Để tránh nguy cơ một nước thành viên nào đó làm ngưng trệ tiến trình thông qua, hiệp ước có thể được thông qua với đa số ủng hộ là 85%, chứ không cần phải được tuyệt đại đa số ủng hộ.

Hiệp ước này nhằm mục đích đưa ra những kỷ luật tài chính khắt khe hơn đối với ngân sách quốc gia bằng các lệnh trừng phạt dành cho những nước nào phạm luật. Thông qua “hiệp ước tài chính” mới, Thủ tướng Đức Angela Merkel muốn sửa đổi bổ sung các hiệp ước của Liên minh châu Âu nhưng Thủ tướng Anh David Cameron đã “đập tan” mong muốn đó bằng tuyên bố phủ quyết của mình. Hiện bà A.Merkel chỉ còn một hy vọng duy nhất là những chi tiết của “Hiệp ước tài chính” trên sẽ được thảo luận tại Hội nghị thượng đỉnh của Liên minh vào cuối tháng này, trước khi được thông qua vào cuối tháng 3 sau đó.

Có thể nói, Hội nghị thượng đỉnh của Liên minh châu Âu tới đây sẽ gặp không ít “sóng gió”, bởi tình hình kinh tế của khu vực châu Âu ngày càng khủng hoảng nghiêm trọng. Trong khi đó, nội bộ của Liên minh châu Âu lại có nguy cơ chia rẽ vì những bất đồng liên quan đến cách thức giải quyết những vấn đề này.

Sự mất cân bằng giữa các nền kinh tế mạnh và các nền kinh tế yếu tại khu vực này đang ngày càng gia tăng, đồng thời cũng kéo theo những căng thẳng giữa các nước vì phụ thuộc vào một đồng tiên chung duy nhất. Tỷ lệ thất nghiệp trong khu vực vẫn ở mức gần như cao kỷ lục. Doanh số bán lẻ liên tục giảm sút. Một số nước, trong khi áp dụng các biện pháp thắt lưng buộc bụng thì cũng lại lâm vào suy thoái, gây khủng hoảng niềm tin cho người tiêu dùng.

Tây Ban Nha vẫn phải vật lộn với việc giảm thâm hụt ngân sách. Các món nợ vốn đã cao nay lại càng cao như núi, còn các ngân hàng thì mất lòng tin nên không dám cho nhau vay tiền. Tại Hy Lạp, cuộc khủng hoảng vẫn chưa được giải quyết. Gói cứu trợ thứ hai hiện đang được Liên minh châu Âu thảo luận, trong khi đó các nhà đầu tư hoang mang không biết tiền của họ sẽ đi đâu về đâu một khi các nền kinh tế lớn như Tây Ban Nha và Italia lâm vào bế tắc. Tuy nhiên, dẫu có thế nào thì các lãnh đạo của Eurozone cũng sẽ phải tìm ra lời giải cho bài toán hóc búa mà họ đang gặp phải, chỉ là sớm hay muộn mà thôi./