TCCSĐT - Giám đốc Chương trình phối hợp của Liên hợp quốc về phòng, chống HIV/AIDS (UNAIDS) tại Việt Nam, ông Eamonn Murphy cho biết: UNAIDS đánh giá Việt Nam đã đạt được những kết quả quan trọng, những tiến bộ đáng kể trong việc phòng ngừa sự lây lan của dịch HIV cũng như điều trị cho những người sống với HIV/AIDS.

Theo ông Eamonn Murphy, trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được những kết quả quan trọng, những tiến bộ đáng kể trong việc phòng ngừa sự lây lan của dịch HIV cũng như điều trị cho những người sống với HIV/AIDS. Hiện, Việt Nam đã triển khai 39 cơ sở điều trị cai nghiện bằng thuốc thay thế methadone ở 11 tỉnh, thành phố trên toàn quốc và bước đầu cho những kết quả rất khả quan. Đây là phương  pháp điều trị hiện đại, đã được nhiều quốc gia tiên tiến trên thế giới áp dụng hiệu quả. Việt Nam cũng là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới sẽ thử nghiệm phương pháp điều trị 2.0, sáng kiến điều trị HIV mới và được đơn giản hóa một cách triệt để do Tổ chức Y tế thế giới và UNAIDS khởi xướng, nhằm điều trị cho nhiều người hơn với cùng một nguồn lực.

Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Việt Nam đã nhanh chóng mở rộng chương trình can thiệp giảm thiểu tác hại dự phòng lây nhiễm HIV. Việt Nam cũng đang hoàn thiện Chiến lược quốc gia về HIV đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, trong đó khẳng định quyết tâm chính trị mạnh mẽ trong thực hiện những mục tiêu toàn cầu mới về phòng, chống HIV đến năm 2015.

Đặc biệt, trong năm 2011, Việt Nam đã thể hiện cam kết chính trị mạnh mẽ tại cuộc họp cấp cao của Đại hội đồng Liên hợp quốc về AIDS được tổ chức tháng 6 vừa qua tại Hoa Kỳ. Hội nghị đã đưa ra những mục tiêu mới đến năm 2015 để thế giới có thể loại trừ HIV và tiến tới thực hiện không còn người nhiễm HIV mới, không còn phân biệt đối xử, không còn người tử vong do AIDS.

Có thể khẳng định, những kết quả đạt được trong công tác phòng, chống HIV/AIDS của Việt Nam trong thời  gian qua đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.

Để thực hiện những mục tiêu toàn cầu mới về phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2015, Việt Nam tiếp tục phát huy mạnh mẽ vai trò của cả hệ thống chính trị và những cam kết chính trị đã khẳng định trong công tác phòng, chống HIV/AIDS. Tiếp tục huy động nhiều hơn nữa các nguồn lực trong nước và quốc tế cho công tác này; tập trung ưu tiên cho các chương trình can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV, nhất là những chương trình dự phòng đã được thực hiện hiệu quả ở những nhóm có nguy cơ lây nhiễm cao; tiếp tục dành sự quan tâm nhiều hơn cho công tác chăm sóc, điều trị cho các bệnh nhân đang sống chung với AIDS…

Ông Eamonn Murphy cũng khẳng định: UNAIDS sẽ tiếp tục hỗ trợ cả về truyền thông, xây dựng chính sách và hỗ trợ kỹ thuật. Trong đó, tập trung hỗ trợ Việt Nam tăng cường khả năng điều phối đa ngành trong công tác phòng, chống HIV; nâng cao năng lực cho nhóm đồng đẳng viên và nhóm có nguy cơ lây nhiễm cao, tăng cường sự tham gia có ý nghĩa của họ trong ứng phó và trong phòng, chống HIV/AIDS; hỗ trợ Việt Nam trong thu thập thông tin chiến lược về HIV; xây dựng và điều chỉnh khung pháp lý để ứng phó tốt hơn với HIV/AIDS; hỗ trợ trẻ em sống với HIV/AIDS và bị ảnh hưởng bởi HIV; hỗ trợ dự phòng - điều trị - chăm sóc bệnh nhân HIV/AIDS, chia sẻ các kinh nghiệm hay, mô hình tốt của cộng đồng quốc tế trong công tác phòng, chống HIV/AIDS./.