Bầu cử Quốc hội ở Ba Lan năm 2011

Phương Trà
16:47, ngày 10-10-2011
TCCSĐT - Bắt đầu từ 7 giờ sáng cho tới 21 giờ địa phương ngày 9-10 (tức 2 giờ sáng ngày 10-10, giờ Việt Nam), hơn 30 triệu cử tri Ba Lan đã đi bỏ phiếu bầu 460 đại biểu Hạ viện trong tổng số 7.035 ứng cử viên và 100 đại biểu Thượng viện trong tổng số 500 ứng cử viên.
Theo Ủy ban Bầu cử Nhà nước, tham gia tranh cử Quốc hội lần này ở Ba Lan có 7 đảng chính trị. Trong đó, Đảng Cương lĩnh Công dân (PO) - đảng cầm quyền hiện nay của Thủ tướng Đô-nan Tu-xcơ (Donald Tusk) nhận được 39,6% số phiếu theo kết quả thăm dò trước bầu cử và Đảng Luật pháp và Công lý (PiS) đối lập của cựu Thủ tướng Ya-rô-xláp Ca-din-xki (Jaroslaw Kaczynski) với 30,1% số phiếu, được đánh giá là hai đảng nặng ký nhất do sẽ tiếp tục nhận được sự ủng hộ đáng kể của cử tri.

Tiếp đến là ba chính đảng khác có thể giành quyền đại diện tại Quốc hội Ba Lan mới gồm: Phong trào ủng hộ Polikota (RP) với 10,1% số phiếu, Đảng Nông dân Ba Lan (PSL) là 8,2% và Liên minh các lực lượng dân chủ cánh tả (SLD) là 7,7%.

Quốc hội đầu tiên ở Ba Lan có từ năm 1493 - là cơ quan đại diện cho điền chủ ở các vùng (được cử 2 người) và 2 năm họp một lần trong vòng 6 tuần. Sau khi Ba Lan giành độc lập vào năm 1918, các cuộc bầu cử Quốc hội đã được tiến hành vào các năm 1919, 1922, 1928 và 1930, 1935,1938. Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, bầu cử Quốc hội được tiến hành vào năm 1947 và thường kỳ đều đặn đến năm 1989.

Theo Hiến pháp của Ba Lan năm 1997, các cử tri bầu ra nghị viện lưỡng viện gồm 460 thành viên hạ viện Sejm và 100 thành viên thượng viện. Sejm được bầu theo hệ thống bầu cử đại diện tỷ lệ sử dụng phương pháp d'Hondt tương tự như cách thức được áp dụng trong các hệ thống chính trị nghị viện. Thượng viện, được bầu theo cách thức bầu khối đa số, nhiều ứng cử viên có tỷ lệ ủng hộ cao nhất được bầu ra từ mỗi khu vực bầu cử. Ngoại trừ các đảng dân tộc thiểu số, chỉ các ứng cử viên của các đảng chính trị nhận được ít nhất 5% tổng số phiếu bầu toàn quốc mới được vào Sejm. Khi cùng họp, các thành viên của Sejm và Thượng viện tạo thành Quốc hội (Zgromadzenie Narodowe).

Thời gian tiến hành bầu cử Quốc hội lần này được Tổng thống Ba Lan Brô-ni-xláp Cô-mô-rốp-xki (Bronisław Komorowski) ký ngày 4-8-2011, chọn ngày 9-10 trong số các ngày 9, 16, 23 hay 30-10-2011 theo quy định của Hiến pháp Ba Lan.

Kết quả bầu cử dự kiến sẽ được công bố cùng ngày. Theo đó, Tổng thống Ba Lan sẽ trao cho Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng nhiệm vụ thành lập Chính phủ mới. Tuy nhiên, theo lời của Tổng thống Ba Lan B. Cô-mô-rốp-xki, ông sẽ trao trọng trách cho người nào đó, không nhất thiết phải là người thuộc đảng giành chiến thắng trong bầu cử, thành lập một chính phủ thật xứng đáng. Trong khi đó, Thủ tướng Đ.Tu-xcơ lại ủng hộ quan điểm: trách nhiệm thành lập chính phủ phải thuộc về người đứng đầu đảng chính trị giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Quốc hội./.