Kết quả bước đầu và một số vướng mắc sau gần 2 năm thực hiện Luật bảo hiểm xã hội
Luật Bảo hiểm xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khoá XI ngày 29- 6 - 2006 (bao gồm bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm xã hội tự nguyện và bảo hiểm thất nghiệp), có hiệu lực từ ngày 1- 1 - 2007. Sau khi có Luật, tính ổn định của chính sách bảo hiểm xã hội cao hơn, những vấn đề bất cập từng bước được khắc phục, vì mọi quy định của Chính phủ cũng như các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội của các bộ, ngành chức năng đều phải tuân theo Luật. Đây là mặt được quan trọng và rất cơ bản khi triển khai thực hiện Luật.
Sau hơn 60 năm thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội năm 2006 đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc hoàn thiện hệ thống chính sách bảo hiểm xã hội ở nước ta trong thời kỳ hội nhập kinh tế thế giới. Sau gần 2 năm triển khai thực hiện, Luật Bảo hiểm xã hội đã bước đầu phát huy tác dụng và thể hiện trên các mặt chủ yếu sau:
Một là, Luật Bảo hiểm xã hội là văn bản pháp luật hoàn thiện nhất, có tính pháp lý cao nhất trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội từ trước tới nay của nước ta. Luật thể chế hoá các quy định về nghĩa vụ, quyền lợi khi tham gia và thụ hưởng các chế độ: ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hưu trí, tử tuất và nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ của người lao động. Tính pháp lý cao và ổn định của Luật khắc phục những thay đổi thường xuyên trong chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội. Trước khi có Luật, chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội ở nước ta thường xuyên có sự thay đổi, trong đó có những thay đổi mà bản chất của nó không thuộc về sự điều chỉnh của chính sách bảo hiểm xã hội mà thuộc về sự điểu chỉnh của các chính sách khác, như: chính sách ưu đãi người có công, chính sách dân số và kế hoạch hoá gia đình, chính sách tinh giảm biên chế, quy đổi thời gian công tác… Những thay đổi này đã phá vỡ sự tương quan giữa đóng góp và hưởng thụ và là nguyên nhân làm mất cân đối quỹ.
Hai là, các quy định của Luật, nhất là quy định về quyền và nghĩa vụ khi tham gia bảo hiểm xã hội đã sát với thực tiễn, bảo đảm hợp lý giữa thời gian, mức đóng và mức hưởng của từng chế độ; đồng thời bảo đảm nguyên tắc chia sẻ giữa những người tham gia bảo hiểm xã hội. Trước khi có Luật, một số quy định trong chính sách bảo hiểm xã hội mới chú trọng đến hiệu quả xã hội, đến quyền lợi được hưởng của người lao động mà chưa chú ý đến hiệu quả kinh tế, đến thời gian tham gia và mức đóng bảo hiểm xã hội. Sau khi có Luật, hiệu quả xã hội và hiệu quả kinh tế trong xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách được quy định hài hoà hơn, cụ thể là Luật Bảo hiểm xã hội đã quy định từ năm 2010 trở đi cả người lao động và chủ sử dụng lao động cứ 2 năm một lần cùng phải đóng thêm vào quỹ hưu trí và tử tuất: người lao động đóng thêm 1% cho đến khi đạt mức 8% (hiện tại là 5%), còn chủ sử dụng lao động đóng thêm 1% cho đến khi đạt mức là 14% (hiện tại là 11%).
Ba là, chế tài xử lý các vi phạm trong thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội đã rõ và cụ thể hơn, nhất là các quy định liên quan đến việc thực hiện nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội. Điều 134 Luật Bảo hiểm xã hội quy định các hành vi sau đây là vi phạm pháp luật về đóng bảo hiểm xã hội: không đóng; đóng không đúng thời gian quy định; đóng không đúng mức quy định; đóng không đủ số người thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội. Về chế tài xử lý, các quy định của Luật đã cụ thể tới từng bên tham gia, đó là: cơ quan, tổ chức (bao gồm cả cơ quan bảo hiểm xã hội); cá nhân người lao động và người sử dụng lao động nếu có vi phạm trong thực hiện chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội thì tuỳ theo mức độ có thể bị xử lý từ phạt hành chính, bồi thường thiệt hại đến truy cứu trách nhiệm hình sự.
Bốn là, Luật Bảo hiểm xã hội đã giải quyết được cơ bản những bất hợp lý trong chính sách bảo hiểm xã hội. Vì các quy định và nội dung của Luật là kết quả của quá trình tổng kết thực tiễn, đúc rút kinh nghiệm thực hiện chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội của nước ta trong 60 năm qua, do vậy các đối tượng chịu sự điều chỉnh của Luật sẽ tránh được những bất hợp lý trong chính sách bảo hiểm xã hội trước đây.
Năm là, Luật Bảo hiểm xã hội đã tạo điều kiện và cơ sở pháp lý ổn định để cơ quan bảo hiểm xã hội triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách bảo hiểm xã hội. Trên thực tế, hiệu quả này đã được thể hiện ngay từ năm đầu triển khai thực hiện Luật của ngành, dưới đây là một số kết quả chủ yếu của ngành trong năm 2007 và 7 tháng đầu năm 2008:
- Số lao động tham gia bảo hiểm xã hội đạt 8,17 triệu người, tăng 20,7% so với năm 2006, số tăng này chủ yếu là số lao động làm việc trong khu vực kinh tế ngoài quốc doanh, đầu tư nước ngoài và lực lượng vũ trang (số lao động tham gia bảo hiểm xã hội 7 tháng đầu năm 2008 đạt 8,33 triệu người, tăng 2,3% so với năm 2007). Số tiền chưa đóng, chậm đóng, nợ đọng bảo hiểm xã hội kéo dài của các đơn vị trong năm 2007 giảm 0,25 tháng so với năm 2006; đặc biệt trong gần 2 năm qua toàn ngành đã thu được trên 10 tỉ đồng từ việc tính lãi số tiền chậm đóng của các đơn vị sử dụng lao động. Số thu trên tuy không nhiều nhưng là khởi đầu tốt trong việc phối hợp tổ chức thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội giữa cơ quan bảo hiểm xã hội với các cơ quan liên quan trong việc xử phạt các vi phạm về chính sách bảo hiểm xã hội; đồng thời nhắc nhở các đơn vị sử dụng lao động phải thực hiện đúng các quy định của pháp luật.
- Giải quyết chế độ, chính sách cho 179.164 người hưởng bảo hiểm xã hội hằng tháng (trong đó năm 2007 là 120.315 người, giảm 6,8% so với năm 2006); trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần cho 414.562 người (trong đó 7 tháng đầu năm 2008 là 205.852 người, gần bằng số giải quyết cả năm 2007) và gần 4 triệu lượt người hưởng trợ cấp ốm đau, thai sản, trợ cấp mai táng và hưởng trợ cấp dưỡng sức.
Số người hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội trong năm 2007 giảm nhiều so với 2006 chủ yếu là do các quy định của Luật Bảo hiểm xã hội về điều kiện thời gian tham gia bảo hiểm xã hội để nghỉ hưu, hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần có thay đổi về tiêu chuẩn hưởng so với trước khi có Luật. Tuy nhiên, số người về hưởng trợ cấp một lần trong 7 tháng đầu năm 2008 lại có xu hướng tăng nhanh là do nhiều người nghỉ việc để chờ giải quyết trợ cấp một lần trong năm 2007 nhưng sang đến năm 2008 mới đủ thời gian được nhận trợ cấp theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội là 12 tháng.
- Chi trả đầy đủ và kịp thời 74.184 tỉ đồng cho các đối tượng hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (số chi trong năm 2007 là 41.720 tỉ đồng), trong đó chi bảo hiểm xã hội từ nguồn ngân sách nhà nước là 32.226 tỉ đồng và từ nguồn quỹ bảo hiểm xã hội là 41.958 tỉ đồng.
Số tiền chi bảo hiểm xã hội hiện tiếp tục tăng cao so với năm 2006 nhưng do chủ động được nguồn kinh phí, nên toàn ngành đã bảo đảm chi trả kịp thời, thuận lợi, đúng chế độ chính sách và an toàn cho trên 4 triệu người hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội.
Cùng với những kết quả đạt được, việc thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội còn những vướng mắc, hạn chế:
- Một số quy định của Luật chưa được Nghị định của Chính phủ hướng dẫn như khoản 2, Điều 41 về giám định tổng hợp mức suy giảm khả năng lao động trong các trường hợp vừa bị tai nạn lao động, vừa bị bệnh nghề nghiệp; bị tai nạn lao động nhiều lần; bị nhiều bệnh nghề nghiệp; khoản 2, Điều 61 về điều chỉnh tiền lương, tiền công đã đóng bảo hiểm xã hội đối với người lao động đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định để làm căn cứ tính mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm xã hội.
- Một số quy định của Luật chưa được hướng dẫn rõ, dẫn đến việc hiểu và thực hiện chưa thống nhất giữa các địa phương: khoản 7, Điều 58 Nghị định số 152/2006/NĐ-CP ngày 22-12-2006 về thời gian đóng bảo hiểm xã hội của người nghỉ việc theo Nghị định số 41/2002/NĐ-CP ngày 11- 4-2002; khoản 2, Điều 59 về điều chỉnh tiền lương theo chế độ lương cũ sang chế độ lương mới để tính hưởng bảo hiểm xã hội.
- Các quy định liên quan đến những vi phạm chính sách bảo hiểm xã hội trong Luật đã khá cụ thể nhưng văn bản hướng dẫn dưới Luật về chế tài xử lý các vi phạm lại chưa thật sự có tác dụng ngăn chặn, răn đe các vi phạm. Nguyên nhân của tình trạng này là:
+ Mức xử phạt còn thấp; theo quy định tại Nghị định số 135/2007/NĐ- CP ngày 1- 8-2007 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, mức tối đa là 20 triệu đồng, trên thực thế mức này là quá thấp đối với các doanh nghiệp lớn có nhiều lao động với số tiền đóng hàng tỉ đồng trong một quý.
+ Về cơ chế, cơ quan bảo hiểm xã hội trực tiếp phát hiện ra các sai phạm nhưng không được quyền xử phạt, mà phải báo cáo các cơ quan chức năng như Thanh tra Lao động - Thương binh và Xã hội, Thanh tra nhà nước, trong khi đó các thủ tục và sự phối hợp giữa các cơ quan để có thể xử phạt được một trường hợp là rất phức tạp, kéo dài, do vậy trong thực tế số vụ việc vi phạm thì nhiều nhưng vụ việc được xử lý lại rất ít và rất chậm. Việc triển khai thực hiện Thông tư liên tịch số 03 ngày 18-2-2008 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về thủ tục buộc trích tiền từ tài khoản gửi của người sử dụng lao động để nộp tiền bảo hiểm xã hội chưa đóng, chậm đóng và tiền lãi phát sinh được coi là biện pháp mạnh thì cũng khó có thể thực hiện được. Trên thực tế đã có những trường hợp cơ quan chức năng đề nghị ngân hàng trích trừ tiền từ tài khoản của doanh nghiệp cho số nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế nhưng khi kiểm tra thì số tiền của doanh nghiệp trong tài khoản mở tại ngân hàng gần như không còn.
Ngoài ra còn một số nội dung quy định trong Luật có nhiều ý kiến phản ánh là chưa phù hợp với thực tiễn:
- Mức chi trả trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần của người lao động nghỉ việc hay người chết được nâng khá cao so với trước khi có Luật; đặc biệt là trợ cấp tiền tuất một lần, gây ra sự chênh lệch quá lớn ở hai thời điểm liền kề nhau.
- Quy định người về nghỉ hưu từ 1- 1- 2007 không được hưởng phụ cấp; người sử dụng lao động giữ lại 2% để chi trả kịp thời các chế độ ốm đau, thai sản; người có từ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên không được giải quyết bảo hiểm xã hội một lần…
- Luật Bảo hiểm xã hội có hiệu lực từ 1-1-2007, nhưng để giải quyết chế độ, chính sách cho các trường hợp có thời gian làm việc trước 1995, cơ quan bảo hiểm xã hội vẫn phải sử dụng khá nhiều văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành qua các thời kỳ; trong đó có không ít văn bản đã hết hiệu lực, hoặc còn hiệu lực nhưng một số quy định trong văn bản lại không phù hợp trong tình hình hiện nay. Vì vậy, việc vận dụng để giải quyết trong các trường hợp cụ thể là rất khó, nhất là với các tỉnh miền núi nơi mà trình độ hiểu biết và nhận thức về chính sách, pháp luật bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của đa số người dân còn thấp.
Để Luật Bảo hiểm xã hội thực sự đi vào cuộc sống và phát huy tác dụng thì những hạn chế, vướng mắc thuộc cơ chế chính sách như đã đề cập ở trên cần phải được nhanh chóng sửa đổi, bổ sung cho hoàn thiện, còn đối với ngành bảo hiểm xã hội, các giải pháp cần thực hiện là:
Thứ nhất, tiến hành đánh giá 2 năm thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội. Thực hiện giải pháp này, bảo hiểm xã hội Việt Nam đang chỉ đạo bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố tập trung tổng hợp, phân tích những hạn chế, vướng mắc khi thực hiện các quy định của Luật ở cơ sở, nhất là các quy định mới so với trước khi có Luật, đồng thời đề xuất các biện pháp tháo gỡ, trên cơ sở đó tổng hợp, phân tích chung trong toàn quốc để làm cơ sở thực tiễn và lý luận cho những kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm xã hội.
Thứ hai, tiếp tục sửa đổi, bổ sung và ban hành mới các văn bản quản lý bảo đảm đồng bộ và khả thi làm cơ sở cho việc thực hiện của bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố và các đơn vị sử dụng lao động. Trước mắt tập trung vào xây dựng văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện bảo hiểm xã hội tự nguyện và bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội.
Thứ ba, đổi mới phương pháp chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ đối với bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố; tăng cường bám sát cơ sở, kịp thời phát hiện và xử lý các vướng mắc, phát sinh thuộc thẩm quyền, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị, người lao động và nhân dân khi tham gia và thụ hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
Thứ tư, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính; ứng dụng công nghệ thông tin; chuyển đổi tác phong làm việc từ hành chính, thụ động sang tác phong phục vụ, lấy việc phục vụ tốt nhất, chu đáo nhất đối tượng tham gia và thụ hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế làm mục tiêu phấn đấu của ngành.
Thứ năm, chủ động, tích cực phối hợp với các cơ quan thông tin, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, nhất là những nội dung mới của Luật Bảo hiểm xã hội và sắp tới là Luật Bảo hiểm y tế, để chủ sử dụng lao động, người lao động và người dân hiểu rõ quyền và nghĩa vụ khi tham gia và thụ hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, từ đó tự nguyện, tích cực tham gia, thực hiện tốt chế độ chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế./.
Nữ doanh nhân Việt Nam - Mùa xuân và những chặng đường nhìn lại  (14/01/2009)
Các nhóm giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội năm 2009  (14/01/2009)
Tổng quan kinh tế năm 2008 và triển vọng năm 2009  (14/01/2009)
Hướng tới mọi người dân đều được chăm sóc sức khỏe  (14/01/2009)
Hướng tới mọi người dân đều được chăm sóc sức khỏe  (14/01/2009)
- Tỉnh Yên Bái nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân: Từ nghị quyết đến thực tiễn
- Vai trò của Hội Xuất bản Việt Nam trong việc phát triển ngành xuất bản và nguồn nhân lực ngành xuất bản
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 2)
- Nâng cao chất lượng công tác phát triển đảng viên trong Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương
- Một số giải pháp thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập ở Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên