Những dự báo về nguy cơ xảy ra chính biến phần nào được giải tỏa với việc ngày 5-6 vừa qua, các phe phái chính trị ở Thái Lan đã bước đầu đạt được nhất trí về kiến nghị sửa đổi bản hiến pháp, vốn là nguyên nhân gây làn sóng biểu tình và bất ổn chính trị thời gian này.

Theo nhất trí, Quốc hội Thái Lan sẽ thành lập Ủy ban đặc trách vấn đề sửa đổi Hiến pháp với sự tham gia của 60 thành viên đến từ các đảng phái lớn nhỏ trong nước. Trong đó, Đảng Quyền lực nhân dân (PPP) 29 thành viên, Đảng Liên minh Nhân dân vì dân chủ (PAD) 21 thành viên, Đảng Dân tộc Thái Lan - 4, Đảng Vì tổ quốc - 3 và mỗi đảng nhỏ khác trong chính phủ liên hiệp có 1 thành viên. Như vậy, sự đa dạng trong thành phần của Ủy ban cho phép các lực lượng đối lập có cơ hội tham gia vào tiến trình soạn thảo Hiến pháp và cũng nhờ thế mà lộ trình đi đến sửa đổi Hiến pháp của Thủ tướng Xạ-mặc Xun-đa-ra-vệt được tiến thêm một bước. Đây là diễn biến tích cực nhất trên chính trường Thái Lan sau những căng thẳng triền miên giữa lực lượng của đảng đối lập PAD và những người trung thành với đảng cầm quyền PPP do Thủ tướng Xạ-mặc đứng đầu, bắt nguồn từ việc phe đối lập phản đối đề xuất của chính phủ về sửa đổi Hiến pháp năm 2007.

Cội rễ của mâu thuẫn

Ngay từ khi vận động tranh cử, Đảng PPP đã cam kết sẽ sửa đổi bản Hiến pháp, vốn được thông qua trong thời kỳ giới quân sự cầm quyền sau chính biến xảy ra ở nước này vào hồi tháng 9-2006. Khi đó, chính nhờ cam kết này mà Đảng PPP đã giành được ưu thế trước đảng đối lập, trở thành đảng cầm quyền. Chiến thắng vang dội của Đảng PPP trong cuộc bầu cử cuối năm 2007 làm dấy lên mối quan ngại trong Đảng PAD cũng như lực lượng tiến hành đảo chính trước đó về sự trở về của ông Thạc-xỉn. Không ít những người phản đối sửa đổi Hiến pháp cho rằng, việc làm của Đảng PPP và chính phủ Thái Lan là động thái dọn đường cho sự trở lại chính trường của các cựu lãnh đạo đất nước này.

Trong khi đó, lý do để sửa đổi bản Hiến pháp mà Đảng PPP đưa ra là vì Hiến pháp năm 2007 có nhiều điều khoản có lợi cho lực lượng đảo chính. Thủ tướng Xạ-mặc, đồng thời là Chủ tịch Đảng PPP cho biết, quá trình sửa đổi được tiến hành thông qua việc so sánh những điều khoản của Hiến pháp hiện tại với Hiến pháp năm 1997, hay còn gọi là Hiến pháp của nhân dân nhằm giữ lại các điều khoản cần thiết, đồng thời bổ sung thêm một số điều khoản mới. Theo bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp, những nội dung cần điều chỉnh bao gồm: hệ thống bầu cử Hạ viện và Thượng viện, thẩm quyền giám sát bầu cử, quyền tư pháp, việc tuyển chọn ủy viên cho các cơ quan tư pháp và các tổ chức độc lập. Theo đó, quyền lực của các cơ quan độc lập sẽ bị giảm đi, hệ thống bầu cử Hạ nghị sĩ và Thượng nghị sĩ, việc ủy quyền cho cơ quan giám sát bầu cử và các cơ quan tư pháp sẽ được sửa đổi theo mô hình trước đó, tức là bản Hiến pháp năm 1997.

Tuy nhiên, nội dung sửa đổi gây tranh cãi nhiều nhất lại nằm ở quy định về các tội danh dẫn đến buộc phải giải tán đảng. Dự thảo sửa đổi không áp dụng hình phạt giải tán đảng trong trường hợp thành viên các chính đảng vi phạm Luật Bầu cử, mà chỉ khi phạm vào một trong các tội như: lật đổ chế độ quân chủ lập hiến, chống lại nền dân chủ và đe dọa an ninh quốc gia. Theo lập luận của một số nhóm đối lập mà đứng đầu là Đảng PAD, thì việc Đảng PPP quyết liệt đẩy nhanh tiến trình sửa đổi Hiến pháp là cách tự cứu mình. Bởi cựu Chủ tịch Hạ viện Y. Ti-ia-on-gút (Phó Chủ tịch PPP) và hai đảng nhỏ khác trong chính phủ liên minh đang bị cáo buộc gian lận tại cuộc bầu cử Quốc hội năm ngoái. Và tội này cũng không thể đe dọa đến sự tồn tại của liên minh cầm quyền nếu dự thảo sửa đổi Hiến pháp sớm được thông qua. Ngược lại, những quy định về các tội buộc phải giải tán đảng dường như lại hướng sự bất lợi về phía đảng đối lập PAD. Những lợi ích đan xen gắn liền với Hiến pháp năm 2007 khoét sâu thêm mâu thuẫn giữa các đảng phái khi lực lượng hiện nắm quyền điều hành đất nước đang tìm cách nhanh chóng thúc đẩy việc sửa đổi Hiến pháp, trong khi đó, lực lượng nắm quyền trước đây, đặc biệt là các thành phần tham gia chính phủ do lực lượng đảo chính dựng lên lại phản đối kế hoạch này.

Sự tỉnh táo cần thiết

Những mâu thuẫn quyết định sự tồn vong của các đảng khiến cả hai phe đều không chịu lùi bước. Không chỉ có vậy, ngay cả những cuộc thảo luận về sửa đổi Hiến pháp cũng bước đầu làm rạn nứt sự đoàn kết của chính phủ liên hiệp khi 40 nghị sĩ tuyên bố rút chữ ký ủng hộ khỏi bản kiến nghị, khiến kế hoạch sửa đổi Hiến pháp của Đảng PPP không thành khi chỉ còn 124 nghị sĩ ủng hộ, thiếu 2 người so với quy định. Trước tình hình đó, Thủ tướng Xạ-mặc quyết định tổ chức cuộc trưng cầu ý dân về vấn đề này, dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 7 tới. Thái độ cứng rắn của ông Xạ-mặc một lần nữa lại tiếp tục vấp phải sự phản đối của phe đối lập, mà bằng chứng là làn sóng biểu tình dâng cao ngay tại tòa nhà chính phủ ở thủ đô Băng Cốc. Thậm chí, lãnh đạo Đảng PAD còn tập hợp 30 nghìn chữ ký trình lên Quốc hội đề xuất buộc tội những nghị sĩ kiến nghị sửa đổi Hiến pháp.

Trước đó, Bộ trưởng Văn phòng Thủ tướng J. Pen-ca cũng phải từ chức do bị tố cáo đã có lời lẽ xúc phạm nhà Vua và Hoàng gia Thái Lan tại một cuộc họp báo năm ngoái ở Băng Cốc. Tuy nhiên, sự ra đi của ông Pen-ca không giúp cho chính phủ của ông này thoát nạn mà lại tiếp tục bị công kích về việc sửa đổi Hiến pháp. Căng thẳng cùng những lý do này được phe đối lập tiếp tục thổi bùng khi họ thẳng thừng ra lời kêu gọi Thủ tướng Xạ-mặc từ chức.

Trước những sức ép liên tiếp từ đảng đối lập cùng với khó khăn mới nảy sinh bởi những bất đồng ngay trong chính phủ liên minh, Thủ tướng Xạ-mặc vẫn kiên quyết tuyên bố, chính phủ Thái Lan hoàn toàn đủ khả năng duy trì trật tự mà không cần sử dụng tới Luật An ninh nội địa để trấn áp biểu tình. Ông cũng tố cáo kênh truyền hình vệ tinh ASTV của thủ lĩnh Đảng PAD đã đưa tin sai lệch, rằng chính phủ sẽ sử dụng vũ lực để trấn áp người biểu tình, hòng kích động người dân tham gia biểu tình. Thủ tướng Xạ-mặc còn cho rằng, Đảng PAD muốn chính phủ sử dụng vũ lực nhằm thu hút sự chú ý của các tổ chức nhân quyền quốc tế và chính phủ của ông sẽ không “mắc bẫy”. Người phát ngôn Cảnh sát quốc gia Thái Lan, Trung tướng V. Pra-xan-rát-xki nói: "Thủ tướng Xạ-mặc đã ra lệnh cho chúng tôi không trấn áp cuộc biểu tình và muốn chúng tôi tiếp tục thương lượng với những người biểu tình". Bộ trưởng Nội vụ Thái Lan C. Yu-bam-rung cũng tái khẳng định thông tin này.

Ít có khả năng cho diễn biến cũ

Mặc dù Thủ tướng Xạ-mặc vẫn làm chủ được tình hình, song trước việc làn sóng biểu tình tiếp tục lan rộng và kéo dài, đã xuất hiện những đồn đoán về một cuộc đảo chính tương tự cuộc đảo chính xảy ra hồi tháng 9-2006. Lo ngại này không phải hoàn toàn không có cơ sở khi gần hai năm trước, chính biến quân sự lật đổ Thủ tướng Thái Lan lúc bấy giờ là ông Thạc-xỉn cũng bắt nguồn từ các cuộc biểu tình do Đảng PAD phát động. Cuộc đảo chính năm 2006 là lần đảo chính quân sự thứ hai ở Thái Lan trong vòng 15 năm, và là lần đảo chính thứ 18 kể từ năm 1932 đến nay, trong đó có không ít các cuộc đảo chính quân sự. Thậm chí còn có nhiều nhận xét cho rằng quân đội là lực lượng có ảnh hưởng lớn đến cục diện chính trường Thái Lan.

Tuy nhiên trong bối cảnh hiện nay, chính phủ của Thủ tướng Xạ-mặc đang có quan hệ mật thiết với giới quân đội. Bằng chứng là Tư lệnh Lục quân, Tướng A. Pao-chin-đa và Thủ tướng Xạ-mặc gần đây đã cùng tiến hành các chuyến công du chính thức đến các quốc gia láng giềng. Do vậy, dù mang nhiều dấu hiệu tương tự tình trạng dẫn đến cuộc đảo chính quân sự năm 2006, song giờ đây các động lực chính trị của Thái Lan đã thay đổi và khả năng xảy ra chính biến với sự can thiệp của quân đội là gần như không có.

Một nguyên do nữa, đó là bất ổn chính trị tại Thái Lan đang có những tác động trực tiếp tới nền kinh tế của nước này. Khủng hoảng chính trị là một trong những nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ lạm phát trong tháng 5 của nước này tăng lên tới 7,6% - mức cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Thị trường chứng khoán giảm sút rõ rệt. Dự báo tốc độ tăng trưởng năm nay khó đạt 6% như dự kiến. Bất kỳ một khủng hoảng chính trị nào nữa cũng sẽ kéo lùi thêm tiến trình phục hồi niềm tin của các nhà đầu tư vào đất nước này, nền kinh tế cũng tiếp tục bị đe dọa suy thoái nếu không nói là có thể bị tụt hậu so với các nước trong khu vực. Các chính trị gia Thái Lan dù muốn hay không cũng phải tính đến điều này. Bởi bất kỳ một chính phủ nào cũng không thể có thuận lợi nếu như không bảo đảm được đời sống kinh tế - xã hội cũng như ước vọng sống trong bình yên của người dân. Đó phải chăng mới là chiếc “dây neo” quan trọng nhất để các đảng phái ở Thái Lan lấy làm động lực để tìm tiếng nói chung, hòng vãn hồi sự ổn định phát triển cho đất nước./.