Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang thảo luận về dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) và dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi)
TCCS - Ngày 25-10-2022, Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV bước vào ngày làm việc thứ 5, dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang, các đại biểu Hoàng Ngọc Định và Phạm Thúy Chinh đã tham gia một số ý kiến vào dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) và dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi).
Buổi sáng, dưới sự điều hành của Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội nghe các Ủy viên Trung ương Đảng: (1) Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi); (2) Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi); (3) Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi). Sau đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Thanh tra (sửa đổi).
Phát biểu tại hội trường, đại biểu Hoàng Ngọc Định, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang cho rằng, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thanh tra cấp tỉnh, huyện, trong dự thảo luật quy định Chánh Thanh tra sở có 5 nhiệm vụ, quyền hạn, đề nghị bổ sung thêm 1 nội dung về nhiệm vụ: “Yêu cầu cơ quan, đơn vị, ủy ban nhân dân cấp huyện xem xét trách nhiệm, chấn chỉnh, khắc phục các sai phạm do thanh tra sở phát hiện”. Điều này không chỉ đạt được mục đích trong hoạt động thanh tra theo quy định là phát hiện hạn chế, bất cập trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật mà còn kịp thời kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền tìm biện pháp khắc phục, phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm pháp luật; giúp cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện đúng quy định của pháp luật; phát huy nhân tố tích cực, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân…
Đại biểu đề nghị tại khoản 1, Điều 33 dự thảo Luật bổ sung nội dung Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, điều động, luân chuyển, biệt phái đối với chức danh Chánh Thanh tra sau khi có sự thống nhất với Chánh Thanh tra tỉnh và bổ sung thực hiện đối với các chức danh Phó Chánh Thanh tra để bảo đảm đầy đủ và tổ chức của Thanh tra huyện có Chánh Thanh tra, Phó Chánh Thanh tra trực thuộc quản lý của ủy ban nhân dân tỉnh, huyện. Cụ thể, khoản 1, Điều 33 cần được sửa như sau: “Chánh Thanh tra, Phó Chánh Thanh tra huyện do Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, điều động, luân chuyển, biệt phái. Riêng Chánh Thanh tra huyện thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện thực hiện các nội dung trên sau khi thống nhất với Chánh Thanh tra tỉnh.”
Đại biểu Hoàng Ngọc Định cũng đề nghị bổ sung thêm “cơ quan Bảo hiểm xã hội” vào khoản 4, điều 9 và bổ sung thêm 1 khoản vào điều 114 là: “Tổ chức, hoạt động và nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành tại cấp trung ương và địa phương của cơ quan bảo hiểm xã hội do Chính phủ quy định”. Bởi theo Luật Bảo hiểm xã hội, cơ quan Bảo hiểm xã hội được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành. Vì vậy cần nêu cụ thể tên “cơ quan bảo hiểm xã hội” và đưa vào nhóm các cơ quan đã có nhiệm vụ thanh tra tại khoản 4, Điều 9 để bảo đảm tính kế thừa, thống nhất của hệ thống pháp luật.
Buổi chiều, dưới sự điều hành của Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội nghe các Ủy viên Trung ương Đảng: (1) Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); (2) Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); (3) Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi). Sau đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Dầu khí (sửa đổi).
Phát biểu tại hội trường, đại biểu Phạm Thúy Chinh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang đánh giá cao việc tiếp thu, hoàn chỉnh dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) trình Quốc hội tại kỳ họp này. Đồng thời cho rằng tại khoản 2, Điều 39 dự thảo luật quy định Tập đoàn Dầu khí Việt Nam “nhận chuyển giao toàn bộ quyền lợi tham gia, các dữ liệu, công trình dầu khí hiện hành của nhà thầu trong trường hợp nhà thầu quyết định rút khỏi hợp đồng dầu khí vì lý do đặc biệt được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận”. Như vậy nội hàm của khoản 2 chưa phù hợp với tên gọi của điều luật là “quyền tham gia, quyền ưu tiên mua trước quyền lợi tham gia trong hợp đồng dầu khí”. Và quyền tham gia ở tên gọi và quy định tại khoản 1 điều này khác với quyền lợi tham gia trong trường hợp đặc biệt.
Đại biểu cho rằng, khi nghiên cứu các quy định của pháp luật có liên quan, đối chiếu với quy định tại Điều 39 và từ thực tiễn xử lý các quan hệ pháp luật phát sinh, nội dung chính sách quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 39 có sự khác nhau. Cụ thể: Khoản 1 quy định việc thực hiện quyền tham gia, quyền ưu tiên mua trước quyền lợi tham gia hợp đồng dầu khí trên cơ sở thỏa thuận giữa các bên, các nội dung, quan hệ, quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của hợp đồng dầu khí tiếp tục được thực hiện trong điều kiện bình thường với cơ chế xử lý, trình tự, thủ tục tham gia, mua lại quyền lợi tương ứng. Khoản 2 quy định việc nhận chuyển giao quyền lợi tham gia trong trường hợp nhà thầu quyết định rút khỏi hợp đồng dầu khí vì lý do đặc biệt, ví dụ như vì lý do bảo đảm quốc phòng, an ninh và với điều kiện nhà thầu rút khỏi hợp đồng dầu khí khi được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận. Cơ chế xử lý (nhất là cơ chế theo dõi, quản lý tài sản nhận chuyển giao tài sản dưới dạng tài sản đặc biệt, cơ chế tài chính), quy trình, thủ tục tiếp nhận cũng được thực hiện đặc biệt, ví dụ như: Cơ chế xử lý các chi phí phát sinh, có thể hoặc không tiếp tục hình hành nên giá trị tài sản tiếp nhận, cơ chế tăng vốn và giá trị tài sản, hạch toán, kế toán, xử lý hậu quả...
Theo đại biểu Phạm Thúy Chinh, việc bổ sung quy định nhằm tạo cơ sở pháp lý xử lý hoạt động dầu khí trong trường hợp đặc biệt (để xử lý các quan hệ phát sinh đã và có thể xảy ra tương tự như một số dự án dầu khí trong thời gian qua) là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, việc chỉ đặt nội dung này và thiết kế như một khoản của Điều 39 và áp dụng chung về cơ chế xử lý, thủ tục, hồ sơ với trường hợp “thực hiện quyền tham gia, quyền ưu tiên mua trước quyền lợi tham gia hợp đồng dầu khí” là chưa phù hợp. Do đó, để tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho công tác tổ chức thực hiện sau này, bảo đảm phù hợp với các quy định của Hiến pháp, Bộ Luật dân sự, Luật Quản lý và sử dụng tài sản công, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất và kinh doanh tại doanh nghiệp, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, thiết kế theo hướng tách khoản 2 và quy định một điều luật riêng về “nhận chuyển giao toàn bộ quyền lợi tham gia, các dữ liệu, công trình dầu khí hiện hành của nhà thầu trong trường hợp nhà thầu quyết định rút khỏi hợp đồng dầu khí vì lý do đặc biệt”. Đồng thời giao Chính phủ quy định chi tiết về trình tự, thủ tục tiếp nhận, cơ chế theo dõi, quản lý, cơ chế tài chính; quy định trách nhiệm của Tập đoàn Dầu khí, Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan trong tổ chức thực hiện.
Kết thúc ngày làm việc thứ 5, Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV, đã có 36 đại biểu phát biểu, 1 đại biểu tranh luận. Trong đó, đa số các ý kiến đại biểu nhất trí với nhiều nội dung trong Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) và dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi).
Tuy nhiên, đối với dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi), bên cạnh các ý kiến đã nhất trí, các đại biểu cũng tập trung cho ý kiến về các nội dung: Bố cục của dự thảo luật; nguyên tắc hoạt động của thanh tra; hệ thống tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan thanh tra; việc thành lập thanh tra sở, thanh tra chuyên ngành, thanh tra tổng cục, cục thuộc bộ, thanh tra cục thuộc tổng cục, thanh tra ở cơ quan thuộc Chính phủ; trách nhiệm, quyền hạn của thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước, người ra quyết định thanh tra, trưởng đoàn thanh tra; việc ban hành kế hoạch thanh tra, quyết định thanh tra, kết luận thanh tra; thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại trong hoạt động thanh tra; trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan nhà nước trong công tác thanh tra, kiểm tra; quyền của đối tượng thanh tra; xử lý vi phạm trong quá trình thanh tra; khiếu nại, kiến nghị của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, sử dụng trái pháp luật hoặc bị thất thoát do hành vi trái pháp luật gây ra; trách nhiệm phối hợp trong hoạt động thanh tra, kiểm toán nhà nước, điều tra; xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra; kinh phí hoạt động của cơ quan thanh tra; chế độ, chính sách đối với thanh tra viên. Ngoài ra, một số ý kiến đại biều đề nghị bổ sung quy định về việc thành lập cơ quan thanh tra chuyên ngành bảo hiểm xã hội vào dự thảo luật.
Đối với nội dung trong dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi), các đại biểu đã tập trung cho ý kiến về các nội dung: Tên gọi, bố cục, phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của dự thảo luật; giải thích từ ngữ; các hành vi bị nghiêm cấm; hình thức lựa chọn nhà thầu ký kết hợp đồng dầu khí; thực hiện quyền tham gia, quyền ưu tiên mua trước quyền lợi tham gia trong hợp đồng dầu khí; điều kiện tham gia đấu thầu lựa chọn nhà thầu ký kết hợp đồng dầu khí; tiêu chí và phương pháp đánh giá lựa chọn nhà thầu; nghĩa vụ của nhà thầu; trách nhiệm quản lý nhà nước, nguyên tắc, điều kiện, việc tổ chức thực hiện điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí; chính sách khai thác tài nguyên đối với mỏ dầu khí khai thác tận thu; phê duyệt hợp đồng dầu khí; các loại hợp đồng dầu khí; quyết toán chi phí đối với hoạt động dầu khí theo hợp đồng dầu khí; chức năng, quyền, nghĩa vụ của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam; xử lý các chi phí của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam; chính sách ưu đãi trong hoạt động dầu khí; vấn đề bảo vệ môi trường trong hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí; dự án phát triển mỏ dầu khí trên đất liền; dự án phát triển mỏ dầu khí có chuỗi đồng bộ các hạng mục công trình, thiết bị dầu khí trên đất liền và trên biển; phòng, chống sự cố trong thăm dò, khai thác dầu khí; việc sửa đổi, bổ sung một số điều, khoản của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và Luật Thuế tài nguyên liên quan đến hoạt động dầu khí.
Kết thúc các phiên thảo luận, các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong và Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã thay mặt cơ quan trình và cơ quan chủ trì thẩm tra giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu./.
Ánh Thu (tổng hợp)
Hà Giang tham dự Hội nghị trực tuyến toàn quốc giao ban công tác kiểm tra, giám sát 9 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 3 tháng cuối năm 2022  (12/10/2022)
Ban Tổ chức Tỉnh ủy Hà Giang tổ chức Hội nghị lấy ý kiến tham gia vào dự thảo các văn bản mới về công tác tổ chức cán bộ  (11/10/2022)
Đảng bộ xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn làm tốt công tác xây dựng Đảng gắn với phát triển kinh tế - xã hội  (11/10/2022)
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
- Bảo đảm an ninh con người của chính quyền đô thị: Kinh nghiệm của một số quốc gia và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay