Đảng bộ thành phố Hà Nội tăng cường phát huy dân chủ ở cơ sở gắn với xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh
TCCS - Trong thời gian qua, Đảng bộ thành phố Hà Nội luôn đặc biệt coi trọng việc phát huy vai trò của nhân dân tham gia xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Theo đó, tăng cường phát huy dân chủ ở cơ sở, gắn với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh là góp phần quan trọng bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, hiệu quả của Đảng bộ thành phố Hà Nội trong giai đoạn mới.
Đẩy mạnh phát huy dân chủ, thực hiện tốt chủ trương, nghị quyết
Đảng bộ thành phố Hà Nội luôn phát huy mạnh mẽ dân chủ trong việc nâng cao chất lượng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị thành phố thật sự trong sạch, vững mạnh. Đại hội đại biểu lần thứ XVII của Đảng bộ thành phố Hà Nội đã nêu lên năm bài học kinh nghiệm quý báu trong lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, trong đó có bài học: “Thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ; phát huy dân chủ trong Đảng và trong xã hội gắn liền với kỷ cương, gắn bó mật thiết, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng; lắng nghe, tiếp thu ý kiến xây dựng và phản biện của nhân dân để kịp thời bổ sung, điều chỉnh chủ trương, chính sách, biện pháp phù hợp, gắn kết chặt chẽ, thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ theo phương châm “Phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt, xây dựng văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, tăng cường quốc phòng, an ninh, đối ngoại là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên”(1). Phát huy bài học kinh nghiệm trên, những năm qua, Thành ủy Hà Nội luôn quan tâm, coi trọng, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, mở rộng dân chủ, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thách thức, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ chính trị của Thủ đô.
Thành ủy Hà Nội luôn quán triệt, nhận thức sâu sắc và tập trung chỉ đạo thực hiện tốt, có hiệu quả cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”, với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”(2), thống nhất, xuyên suốt trong thảo luận, quyết định chủ trương, chính sách của thành phố; chú trọng phát huy quyền làm chủ của nhân dân Thủ đô; lựa chọn các vấn đề mới, khó, những vấn đề nhân dân quan tâm, các vấn đề nổi cộm, phức tạp để chỉ đạo thực hiện quyết liệt trên tinh thần lấy “dân làm gốc”, làm trung tâm, đặt quyền và lợi ích hợp pháp, nguyện vọng chính đáng của nhân dân lên trên hết, trước hết.
Các cấp ủy của thành phố Hà Nội luôn nhận thức việc thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở là nhằm góp phần xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị thành phố trong sạch, vững mạnh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho người dân. Thành ủy luôn cầu thị, lắng nghe, xây dựng chủ trương, chính sách xuất phát từ chính nhu cầu, nguyện vọng chính đáng, lợi ích hợp pháp của nhân dân; bám sát các quan điểm Đại hội XIII của Đảng, mọi chủ trương, chính sách phải xuất phát từ cuộc sống, từ nguyện vọng chính đáng, quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân. Việc xây dựng chủ trương, nghị quyết của Thành ủy đều xuất phát từ chính thực tiễn lợi ích hợp pháp và nhu cầu chính đáng của nhân dân và được xây dựng, ban hành trên cơ sở nền tảng của việc phát huy dân chủ, kết tinh trí tuệ của tập thể, ý chí, nguyện vọng của toàn Đảng bộ, toàn thể nhân dân Thủ đô để phục vụ đời sống nhân dân tốt hơn; đặc biệt, chủ trương, chính sách lớn của Thành ủy đều được lấy ý kiến đóng góp rộng rãi của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, của các nhà khoa học, chuyên gia, các tầng lớp nhân dân trên địa bàn để hoàn thiện chủ trương, chính sách. Theo đó, Thành ủy Hà Nội đã xây dựng được chủ trương, nghị quyết lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo, phù hợp với thực tiễn, được cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân Thủ đô đồng thuận ủng hộ, nghiêm túc chấp hành, chung sức, đồng lòng thực hiện nhiệm vụ xây dựng và phát triển Thủ đô; đưa chủ trương, nghị quyết của Đảng bộ thành phố nhanh chóng đi vào thực tiễn cuộc sống.
Từ đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025 đến nay, nhằm giải quyết những vấn đề cấp thiết mà thực tiễn đặt ra và tạo động lực mới cho Thủ đô phát triển cả trước mắt và lâu dài, Thành ủy Hà Nội đã đề ra những giải pháp đồng bộ, tạo bước đột phá ở tất cả các khâu của công tác cán bộ, để nâng cao chất lượng toàn diện đội ngũ cán bộ các cấp, đáp ứng yêu cầu phát triển của Thủ đô(3).
Gắn thực hành dân chủ ở cơ sở với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh
Đảng bộ Hà Nội xác định mục tiêu: Gương mẫu xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; khơi dậy ý chí, phát huy truyền thống nghìn năm văn hiến, anh hùng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế; xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại. Việc mở rộng dân chủ trong toàn Đảng bộ được thực hiện bằng nhiều hình thức; đồng thời, mở rộng dân chủ đi đôi với tăng cường kỷ luật, kỷ cương, tránh các biểu hiện “dân chủ hình thức” hoặc lợi dụng “tự do”, “dân chủ” để làm trái pháp luật, gây ảnh hưởng xấu tới lợi ích của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Để mở rộng, phát huy dân chủ trong Đảng, Thành ủy Hà Nội xác định nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm là phải đẩy mạnh thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Đảng(4) về tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền, sức chiến đấu của Đảng bộ; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp, của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội từ thành phố đến cơ sở. Đây chính là điều kiện tiền đề, cơ sở quan trọng để thực hiện hiệu quả việc tăng cường phát huy dân chủ trong Đảng và trong xã hội.
Thành ủy Hà Nội thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ; phát huy dân chủ trong Đảng và trong xã hội gắn liền với kỷ luật, kỷ cương, gắn bó mật thiết, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng, chỉnh đốn Đảng; lắng nghe, tiếp thu ý kiến xây dựng và phản biện của nhân dân để kịp thời bổ sung, điều chỉnh chủ trương, chính sách cho phù hợp. Trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, Thành ủy Hà Nội và các cấp ủy luôn quan tâm đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác, trên cơ sở quán triệt và thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tập trung dân chủ, nhằm huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị; tăng cường đôn đốc, kiểm tra, giám sát, rút kinh nghiệm; phát hiện, ngăn ngừa và xử lý kịp thời các vi phạm, nhất là những vấn đề nổi cộm, bức xúc mới phát sinh. Tăng cường mở rộng dân chủ trong sinh hoạt đảng, nội dung bàn bạc tại các hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố, Ban Thường vụ Thành ủy và Thường trực Thành ủy đều được trao đổi, thảo luận dân chủ, thẳng thắn, tập trung, thể hiện được trách nhiệm và trí tuệ của tập thể, của từng cá nhân; các vấn đề được kết luận rõ ràng, những nội dung quan trọng được cụ thể hóa, kịp thời chỉ đạo triển khai thực hiện.
Thành ủy Hà Nội luôn đặc biệt quan tâm chỉ đạo việc xây dựng, hoàn thiện và thực hiện nghiêm túc quy chế làm việc, quy trình công tác trong toàn hệ thống chính trị thành phố, bảo đảm tính hiệu quả, khoa học, đúng nguyên tắc tập trung dân chủ; đồng thời, gương mẫu đi đầu trong việc thực hiện nghiêm túc quy chế làm việc; tập trung kiểm tra, giám sát thực hiện chức trách, nhiệm vụ, nhất là trách nhiệm người đứng đầu và những lĩnh vực, địa bàn dễ nảy sinh tham nhũng, tiêu cực.
Việc thực hiện dân chủ ở cơ sở đã tạo ra bầu không khí dân chủ, cởi mở, thực hiện tốt quyền làm chủ của cán bộ, đảng viên và nhân dân; từ đó, tạo thêm động lực thúc đẩy thực hiện các nhiệm vụ chính trị. Cùng với đó, Thành ủy Hà Nội chú trọng chỉ đạo tăng cường thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; quyết liệt đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; ủy ban nhân dân các cấp tích cực đổi mới trong chỉ đạo, điều hành theo hướng công khai, minh bạch gần dân, sát dân, tôn trọng và lắng nghe ý kiến của nhân dân. Thành ủy Hà Nội chỉ đạo và tạo điều kiện thuận lợi để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân tham gia giám sát, phản biện xã hội; góp ý xây dựng Đảng, chính quyền theo các quyết định của Bộ Chính trị và Thành ủy; qua đó, kịp thời giải quyết những vấn đề mới phát sinh, gây bức xúc trong nhân dân, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; đồng thời, chỉ đạo tăng cường xây dựng các quy chế phối hợp giữa chính quyền các cấp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội gắn với thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”; tạo khí thế thi đua sôi nổi, sức lan tỏa rộng khắp, góp phần thúc đẩy thực hiện các nhiệm vụ chính trị của thành phố.
Đẩy mạnh thực hiện đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và trong công tác cán bộ
Thành ủy Hà Nội đề ra yêu cầu có tính nguyên tắc trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện quá trình đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của Đảng và hệ thống chính trị các cấp, đó là phải thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tập trung dân chủ, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch. Theo đó, công tác đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy theo các nghị quyết của Đảng được tiến hành đồng bộ, hiệu quả, nhận được sự đồng thuận cao của đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân; bước đầu đã đạt được những kết quả rõ nét, tạo ra hiệu ứng tích cực, toàn diện trong cả hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở, góp phần tạo sức lan tỏa để thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị của thành phố.
Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII đã khẳng định: Công tác sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XII và Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XI được triển khai thực hiện nghiêm túc, bài bản, khoa học với nhiều cách làm đổi mới, sáng tạo, dân chủ, tạo được sự thống nhất, đồng thuận cao của cán bộ, đảng viên và nhân dân; sau sắp xếp, tổ chức, bộ máy của các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở đồng bộ, tinh gọn hơn, hiệu lực, hiệu quả hoạt động được nâng lên rõ rệt.
Từ khi mô hình tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị ở thành phố Hà Nội được sắp xếp tinh gọn, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy đã có nhiều đổi mới; năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức đảng và năng lực điều hành, quản lý của chính quyền được nâng lên rõ rệt. Thành ủy đã chỉ đạo thực hiện tốt việc mở rộng, phát huy dân chủ trong công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ; xác định rõ dân chủ trong công tác cán bộ là mục tiêu, yêu cầu, nội dung có tính bắt buộc được thể chế hóa trong quy chế làm việc và các quy định, quy chế về công tác cán bộ của Thành ủy. Trên cơ sở đó, cấp ủy các cấp đã cụ thể hóa và lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Trung ương và của Thành ủy Hà Nội. Đặc biệt, trong nhiệm kỳ Đại hội lần thứ XVII của Đảng bộ thành phố Hà Nội, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU, ngày 31-5-2021, về “Tập trung xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 và những năm tiếp theo”; đồng thời, cơ bản hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung đồng bộ hệ thống quy chế, quy định về công tác cán bộ bảo đảm ngày càng sát thực tiễn, công khai, minh bạch, dân chủ(5). Có thể khẳng định, việc thể chế hóa về công tác cán bộ ngày càng được đổi mới, hoàn thiện theo hướng mở rộng dân chủ hơn; các khâu, các bước trong quy trình công tác cán bộ, như đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bầu cử, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ thời gian qua đã có những chuyển biến tích cực theo hướng mở rộng công khai, dân chủ, khách quan, minh bạch, chính xác, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp. Công tác cán bộ đã có những có sự chuyển biến rõ nét, ngày càng đổi mới, nền nếp, bám sát các quan điểm, nguyên tắc của Đảng và đạt được nhiều kết quả quan trọng, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu xây dựng đội ngũ cán bộ trong giai đoạn mới. Đội ngũ cán bộ Thủ đô thể hiện tinh thần năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Những kết quả đạt được
Thành ủy Hà Nội ý thức việc đổi mới tư duy, nhận thức, nhận diện đầy đủ lợi thế, thách thức, mâu thuẫn, yếu kém, xác định đúng vấn đề, mục tiêu quan trọng, phương hướng phát triển của Thủ đô; từ đó, đưa ra được một số mô hình đổi mới, có tính sáng tạo, đột phá; quyết liệt đổi mới trong xây dựng hệ thống chính trị, tăng cường xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, phát huy dân chủ ở cơ sở thực sự là động lực, là nhân tố quan trọng giúp Hà Nội đạt được những kết quả nổi bật.
Sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW, ngày 6-1-2012, của Bộ Chính trị, “Về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011 - 2020”, kinh tế của Hà Nội duy trì phát triển và đạt mức tăng trưởng khá; tổng sản phẩm trên địa bàn tăng bình quân 6,83%, gấp 1,15 lần mức tăng chung của cả nước (5,95%); GRDP bình quân đầu người năm 2020 đạt 123,7 triệu đồng (gấp 2,3 lần so với năm 2010). Năm 2021, do Hà Nội phòng, chống hiệu quả dịch bệnh COVID-19, kinh tế tăng trưởng đạt 2,92%; GRDP/người đạt cao. Mặc dù chỉ chiếm 1% về diện tích, 8,5% về dân số, nhưng Thủ đô Hà Nội đã đóng góp trên 16,2% về GDP, 19,1% về thu ngân sách nhà nước và 8,1% trong tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của cả nước. Chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô không ngừng được nâng lên, diện mạo của Thủ đô có nhiều đổi thay, văn minh, hiện đại hơn. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị tiếp tục được quan tâm, thực hiện có hiệu quả; năng lực, phương thức lãnh đạo, sức chiến đấu của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp, chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên có chuyển biến tích cực.
Từ năm 2017 đến tháng 6-2022, các quận, huyện, thị xã có 8.796 ý kiến góp ý xây dựng Đảng, 19.612 ý kiến góp ý xây dựng chính quyền; cấp xã có 47.447 ý kiến góp ý xây dựng Đảng, 75.697 ý kiến góp ý xây dựng chính quyền; có 38.714 lượt ý kiến góp ý cho cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên các cấp. Để tăng cường việc tiếp thu các ý kiến của nhân dân, thắt chặt mối quan hệ mật thiết, bền chặt giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, Thành ủy Hà Nội đã chỉ đạo duy trì tốt các hội nghị tiếp xúc, đối thoại theo Quyết định số 2200-QĐ/TU, ngày 25-5-2017, của Ban Thường vụ Thành ủy. Từ năm 2017 đến nay, cấp thành phố đã tổ chức được 18 hội nghị tiếp xúc, đối thoại giữa đồng chí Bí thư Thành ủy, Thường trực Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, cán bộ, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn thành phố. Cấp huyện định kỳ tổ chức được 210 hội nghị; có 47.674 lượt người tham gia, với 8.540 lượt ý kiến góp ý, kiến nghị, 8.403 lượt ý kiến được cấp ủy, chính quyền tiếp thu, trả lời theo quy định (chiếm 98,4%). Cấp xã tổ chức được 2.984 hội nghị; có 281.764 lượt người tham gia, với 42.591 lượt ý kiến góp ý, kiến nghị; có 41.423 lượt ý kiến được cấp ủy, chính quyền tiếp thu, trả lời (chiếm 97%).
Công tác cải cách hành chính được đẩy mạnh để phục vụ tốt hơn người dân, tổ chức và doanh nghiệp, đạt nhiều kết quả nổi bật, được Trung ương ghi nhận, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp đồng tình ủng hộ. Chỉ số cải cách hành chính ((PAR Index) của thành phố luôn xếp trong tốp 10 tỉnh/thành phố cao nhất cả nước; Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) và Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) của thành phố được cải thiện rõ rệt (năm 2021 Chỉ số SIPAS đứng thứ 30/63; Chỉ số PAPI đứng thứ 9/63). Với mục tiêu, phương châm “lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo đánh giá chất lượng phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước các cấp”, các chỉ số liên quan đã có sự cải thiện, tăng 10,58% (so với năm 2017 là 76,53%, đến năm 2021 là 87,11%), trong đó Chỉ số hài lòng về công chức có tỷ lệ tăng cao nhất là 12,55%.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện phát huy dân chủ ở cơ sở, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng của Đảng bộ thành phố Hà Nội vẫn còn một số khó khăn, hạn chế: 1- Nhận thức về dân chủ và xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương còn hạn chế, chưa đầy đủ và thiếu hệ thống, chưa giải quyết tốt mối quan hệ giữa thực hành dân chủ và bảo đảm kỷ luật, kỷ cương; hiện nay, vẫn có một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân Thủ đô nhận thức về dân chủ còn phiến diện, nhất là về thực hành dân chủ trong Đảng; 2- Việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng ở một số cấp ủy, tổ chức đảng có lúc còn chưa nghiêm. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của một số cấp ủy, tổ chức đảng, nhất là ở cơ sở còn thấp; cá biệt, có cấp ủy mất vai trò lãnh đạo, giảm sức chiến đấu, để xảy ra những vụ, việc nổi cộm, phức tạp, trở thành “điểm nóng”; cấp ủy cấp trên trực tiếp chưa kịp thời có giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục. Sinh hoạt chi bộ ở một số đơn vị còn hình thức, hiệu quả thấp. Tính chiến đấu, tinh thần đấu tranh tự phê bình và phê bình ở một số nơi còn hạn chế; 3- Ý thức, thái độ phục vụ người dân, doanh nghiệp của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa tốt, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Trong một số cán bộ, đảng viên có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội của thành phố ở một số cơ sở còn hạn chế; công tác vận động quần chúng có nơi, có việc chưa đáp ứng được yêu cầu, nội dung, hình thức vận động chưa phong phú, chưa sát đối tượng, nên đôi khi hiệu quả thấp. Việc tổ chức đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội của thành phố có nơi còn mang tính hình thức, hiệu quả chưa cao; 4- Công tác xây dựng và triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về công tác dân vận ở một số cấp ủy chưa kịp thời, hiệu quả thấp. Chỉ đạo triển khai xây dựng và thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở có nơi còn mang tính hình thức. Việc thu hút, tập hợp, vận động nhân dân tham gia các hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội của thành phố ở một số nơi chưa hiệu quả, thiếu thực chất, còn nặng về bề nổi, chưa thực sự sát với nhiệm vụ chính trị và đòi hỏi của nhân dân; sinh hoạt định kỳ ở cơ sở còn hình thức, nội dung chưa phong phú.
Một số bài học kinh nghiệm
Một là, luôn quán triệt sâu sắc dân chủ vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển Thủ đô, đặc biệt là trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị thành phố trong sạch, vững mạnh; xác định đó là nhiệm vụ quan trọng, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Trong mọi hoạt động, luôn đề cao tinh thần phục vụ, tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân, tăng cường đối thoại, tháo gỡ khó khăn từ cơ sở, củng cố niềm tin của nhân dân đối với cấp ủy và chính quyền các cấp.
Hai là, không ngừng đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, thực hiện việc lãnh đạo hoạt động của chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội của thành phố dựa trên cơ sở vận dụng và thực hiện có hiệu quả cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”. Quán triệt và thực hiện tốt quan điểm “dân là gốc”, gần dân, sát dân, tin dân, trọng dân, dựa vào dân, phát huy sức dân để chăm lo nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; tập trung phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, nguyện vọng chính đáng của nhân dân; chủ động phát hiện những vấn đề mâu thuẫn phức tạp, nảy sinh trong nội bộ nhân dân, kịp thời có biện pháp giải quyết, không để phát sinh “điểm nóng”; tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, huy động sự vào cuộc có trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của xã hội để xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị thành phố trong sạch, vững mạnh, củng cố mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng với nhân dân.
Ba là, nhận thức sâu sắc, xác định rõ trách nhiệm, phát huy tốt vị thế, vai trò của Thủ đô với cả nước. Phải đặc biệt chăm lo và chú trọng làm tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, thực hiện đồng bộ và gắn với kiện toàn, củng cố bộ máy chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội của thành phố. Phát huy dân chủ trong toàn bộ hệ thống chính trị, trong xã hội gắn với tăng cường kỷ luật, kỷ cương, giữ vững sự ổn định chính trị, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.
Bốn là, tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất của Đảng bộ thành phố; xây dựng và nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị các cấp; phát huy dân chủ và sức mạnh tổng hợp của các tầng lớp nhân dân Thủ đô, huy động có hiệu quả mọi nguồn lực tập trung cho đầu tư phát triển của thành phố. Kế thừa và phát huy truyền thống đoàn kết, hợp tác, trách nhiệm của Đảng bộ thành phố, sự đồng thuận của nhân dân, khơi dậy lòng tự hào, ý chí, khát vọng vươn lên, tạo động lực và không khí dân chủ, phấn khởi trong thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra là xây dựng Thủ đô Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”./.
-------------------------------
(1) Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố khóa XVI, tại Đại hội đại biểu lần thứ XVII của Đảng bộ thành phố Hà Nội.
(2) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 173
(3) Như: Nghị quyết số 04-NQ/TU, ngày 31-5-2021, của Ban Thường vụ Thành ủy, về “Tập trung xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 và những năm tiếp theo”; Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 22-2-2022, của Ban Thường vụ Thành ủy, về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; Nghị quyết số 05-NQ/TU, ngày 20-9-2021, của Ban Thường vụ Thành ủy, về “Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021 - 2025”; Nghị quyết số 06-NQ/TU, ngày 20-9-2021, của Ban Thường vụ Thành ủy, về “Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn thành phố Hà Nội”; Nghị quyết số 07-NQ/TU, ngày 20-9-2021, của Ban Thường vụ Thành ủy, về “Chủ trương triển khai Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô”; Nghị quyết số 11-NQ/TU, ngày 7-4-2022, của Ban Thường vụ Thành ủy, về “Hội nghị chuyên đề Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa XVII”; Nghị quyết số 15-NQ/TU, ngày 31-8-2022, của Ban Thường vụ Thành ủy, về “Hội nghị chuyên đề Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa XVII”.
(4) Như: Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI, XII; Kết luận Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII; Chỉ thị số 03-CT/TW, ngày 14-5-2011, của Bộ Chính trị, về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15-5-2016, của Bộ Chính trị, “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18-5-2021, của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị khóa XII “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
(5) Như: Quy định số 04-QĐ/TU, ngày 11-8-2021, của Ban Thường vụ Thành ủy, “Về quản lý cán bộ, phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử”; Quy định số 07-QĐ/TU, ngày 17-11-2021, của Ban Thường vụ Thành ủy, “Về luân chuyển, điều động, chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ”; Quy định số 08-QĐ/TU, ngày 15-3-2022, của Ban Thường vụ Thành ủy, “Về công tác quy hoạch cán bộ”; Quyết định số 1841-QĐ/TU, ngày 28-10-2021, của Ban Thường vụ Thành ủy, về “Việc ban hành Quy định đánh giá, xếp loại hằng tháng đối với cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng trong hệ thống chính trị thành phố Hà Nội”; Quyết định số 3251-QĐ/TU, ngày 16-8-2022, của Ban Thường vụ Thành ủy, “Về đánh giá, xếp loại cán bộ hằng tháng”; Quy định số 05-QĐ/TU, ngày 16-8-2021, của Ban Thường vụ Thành ủy, “Về trách nhiệm và mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong công tác đào tạo, bồi dưỡng”; Quy định số 3543-QĐ/TU, ngày 29-8-2022, của Ban Thường vụ Thành ủy, “Về đối tượng, tiêu chuẩn và phân cấp đào tạo lý luận chính trị trong hệ thống chính trị thành phố Hà Nội”.
Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra dự án xây dựng đường vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội  (28/01/2023)
Uy tín, hình ảnh người cán bộ, đảng viên theo tư tưởng Hồ Chí Minh - Vận dụng vào xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay  (21/01/2023)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự Đại hội đại biểu toàn quốc Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh lần thứ XII, nhiệm kỳ 2022 - 2027  (15/12/2022)
Thành phố thông minh và những vấn đề đặt ra đối với Hà Nội trong xây dựng thành phố thông minh  (15/12/2022)
- Phát huy hệ giá trị con người Việt Nam, hoàn thiện chuẩn mực đội ngũ cán bộ ngành ngoại giao trong thời kỳ mới
- Xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Sự phát triển nhận thức của Đảng ta về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực qua gần 40 năm đổi mới
- Một số vấn đề về chuyển đổi nội dung số trong các tạp chí của Việt Nam hiện nay
- Tỉnh Nam Định xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay