Quảng Ninh tập trung xây dựng xã hội học tập và thúc đẩy học tập suốt đời
TCCS - Kế thừa truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo, trọng dụng hiền tài của dân tộc và lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tỉnh Quảng Ninh luôn xác định giáo dục - đào tạo là quốc sách hàng đầu. Quảng Ninh luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời.
Triển khai thực hiện hiệu quả công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập
Quảng Ninh là tỉnh biên giới, phên dậu vùng Đông Bắc của Tổ quốc, là một vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa, yêu nước và cách mạng; người dân Quảng Ninh cần cù, hiếu học, dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới và sáng tạo. Trong quá trình phát triển, tỉnh Quảng Ninh luôn xác định xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh trong thời kì công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, vừa là yêu cầu cấp thiết trước mắt vừa có ý nghĩa chiến lược lâu dài.
Thời gian qua, Quảng Ninh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời. Trong đó có Nghị quyết số 01-NQ/TV, ngày 12-11-2010, về Đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa giai đoạn 2010 - 2015, định hướng đến năm 2020; Chỉ thị số 04-CT/TU, ngày 27-4-2016, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, về “Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời trong giai đoạn hội nhập quốc tế hiện nay”; Nghị quyết số 35/2021/NQ-HĐND, ngày 27-8-2021, của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định chính sách thu hút đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao tại trường Đại học Hạ Long, trường Cao đẳng Việt Hàn Quảng Ninh và trường Cao đẳng y tế Quảng Ninh giai đoạn 2021 - 2026. Theo đó, hằng năm, tỉnh dành bình quân 28 tỷ đồng để hỗ trợ cho học sinh, sinh viên học tập tại các trường này; Nghị quyết số 63/2021/NQ-HĐND, ngày 9-12-2021, quy định chính sách đặc thù cho giáo dục và đào tạo như chính sách ưu đãi với học sinh Trường trung học phổ thông chuyên Hạ Long đến hết năm học 2025-2026; Nghị quyết số 65/2021/NQ-HĐND, ngày 9-12-2021, của Hội đồng nhân dân tỉnh, về quy định mức học phí đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập của tỉnh Quảng Ninh, trong đó tỉnh Quảng Ninh quy định mức thu học phí chỉ bằng mức thấp nhất trong khung học phí do Chính phủ quy định; Nghị quyết số 36/2021/NQ-HĐND tỉnh về một số giải pháp cấp bách phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn, trong đó miễn học phí cho tất cả học sinh công lập và tư thục bằng mức học phí công lập; Nghị quyết số 01/2021/NQ-HĐND, ngày 31-8-2022, về tiếp tục hỗ trợ 100% học phí cho trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, học viên giáo dục thường xuyên đang học tập tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh năm học 2022-2023. Những chủ trương đúng đắn, kịp thời, những chính sách ưu đãi đặc biệt này đã khích lệ, thúc đẩy phong trào khuyến học, khuyến tài trong học sinh và sinh viên toàn tỉnh; UBND tỉnh ban hành Quyết định 3111/2012/QĐ-UBND, ngày 26-11-2012, về quy định danh hiệu gia đình, dòng họ, đơn vị, khu dân cư hiếu học trên địa bàn tỉnh, Kế hoạch 252/KH-UBND, ngày 29-12-2021, của Ủy ban nhân dân tỉnh về xây dựng xã hội học tập tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2030…, góp phần thúc đẩy phong trào xây dựng các mô hình học tập, học tập suốt đời phát triển mạnh mẽ, rộng khắp trên địa bàn toàn tỉnh.
Nhờ sự quan tâm đặc biệt và sự chỉ đạo sát sao của tỉnh, đến nay hệ thống tổ chức Hội Khuyến học đã phủ kín đến thôn, bản, khu phố, tổ dân. Toàn tỉnh có 309 hội, 2.455 chi hội, 1.705 ban khuyến học. Số hội viên lên tới hơn 454.945 người, chiếm 33% dân số. Các hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập được triển khai nhanh chóng. Phong trào thi đua xây dựng gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị học tập được chú trọng, thực sự đi vào cuộc sống, giúp gặt hái nhiều thành quả hết sức to lớn trong lĩnh vực giáo dục nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội nói chung. Các cấp hội khuyến học trong tỉnh đã có nhiều hoạt động sáng tạo, chủ động, tích cực tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, tọa đàm, tập huấn, tăng cường sự chỉ đạo, hướng dẫn, sơ tổng kết... từ đó tạo ra phong trào sôi nổi, có chiều sâu. Các mô hình học tập phát triển khá đều và rộng khắp, xuất hiện nhiều gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị học tập tiêu biểu. Đến nay, toàn tỉnh có 251.377/346.868 gia đình đạt danh hiệu “Gia đình học tập”, chiếm 72% tổng số gia đình; 63% dòng họ đạt danh hiệu “Dòng họ học tập”; 82% cộng đồng đạt danh hiệu cộng đồng học tập và 83% đơn vị học tập.
Khó khăn, thách thức và nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới
Thập kỷ thứ ba của thế kỉ XXI là thập kỷ của nền kinh tế tri thức, của thời đại số, của kỷ nguyên số, của yêu cầu phát triển con người và chia sẻ trí tuệ, của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang tạo ra nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra không ít thách thức đối với xây dựng xã hội học tập trong giai đoạn tới. Trong đó có những cơ hội cơ bản như nhiều hình thức, cách học mới linh hoạt, phù hợp, hiệu quả đã xuất hiện và phát triển mạnh mẽ như học qua mạng, học trực tuyến, học từ xa, học tập di động…; nhiều công nghệ mới, hiện đại tạo điều kiện cho mọi người học tập suốt đời.
Nhiều chương trình, tài liệu, khóa học đã được xây dựng và phát triển ở Việt Nam cũng như trên thế giới như các khóa học mở trực tuyến đại chúng, các nguồn tài nguyên giáo dục mở; tài liệu số hóa trên mạng ngày càng đa dạng phong phú. Người dân có thể khai thác bất cứ nội dung gì, bất cứ khi nào và bất cứ ở đâu mà không mất thời gian, kinh phí. Tuy nhiên, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và thời đại số cũng đặt ra không ít thách thức đối với xây dựng xã hội học tập, đó là các khóa học mở, nguồn tài nguyên giáo dục mở…còn hạn chế về số lượng và chất lượng, chưa đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng phong phú của người dân. Một bộ phận nhân dân chưa có nhiều kỹ năng cần thiết để tận dụng các cơ hội học tập mà cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, kỷ nguyên số mang lại như kỹ năng tự học, kỹ năng ngoại ngữ, kỹ năng tin học, kỹ năng số, kỹ năng tìm kiếm khai thác, xử lý thông tin. Cơ sở vật chất chưa đáp ứng yêu cầu, sự phát triển kinh tế - xã hội không đồng đều giữa các địa phương cũng là một rào cản cho việc xây dựng xã hội học tập.
Ngày 11-2-2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 80/QĐ-TTg, về phê duyệt quy hoạch tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó xác định: “Xây dựng phát triển tỉnh Quảng Ninh là một tỉnh tiêu biểu của cả nước về mọi mặt; tỉnh kiểu mẫu, giàu đẹp, văn minh, hiện đại, nâng cao đời sống mọi mặt của nhân dân; cực tăng trưởng của khu vực phía Bắc; một trong những trung tâm giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của vùng, tỉnh học tập tham gia mạng lưới Thành phố học tập toàn cầu của UNESCO; một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện; trung tâm du lịch quốc tế; trung tâm kinh tế biển, cửa ngõ của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước”. Đây là nhiệm vụ rất nặng nề đòi hỏi công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập phải đi trước một bước, xây dựng nền tảng vững chắc để Quảng Ninh sớm đạt được các mục tiêu đề ra.
Để cụ thể hóa những tư tưởng chỉ đạo đó, tiếp tục đưa phong trào đi vào chiều sâu, tỉnh Quảng Ninh đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 có 75% số công dân đạt danh hiệu “Công dân học tập”; duy trì vững chắc 100% số đơn vị cấp xã và cấp huyện đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2, tỉnh đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2; duy trì 100% số đơn vị cấp xã và cấp huyện được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 3; 80% người trong độ tuổi lao động được trang bị năng lực thông tin và kỹ năng sống; 70% dân số từ 15 tuổi trở lên được đào tạo trình độ chuyên môn kỹ thuật, trong đó 15% dân số có trình độ đại học trở lên; 100% số trường, cơ sở đại học triển khai đại học số và xây dựng học liệu số; 100% số trung tâm học tập cộng đồng ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý tổ chức hoạt động giáo dục; 75% số đơn vị cấp huyện được công nhận danh hiệu “Huyện học tập”; 85% số gia đình được công nhận danh hiệu “Gia đình học tập”, 75% số dòng họ được công nhận “Dòng họ học tập”; 85% số cơ quan, đơn vị cấp huyện, cấp tỉnh đạt danh hiệu “Đơn vị học tập”; 100% số xã, phường, thị trấn được công nhận "Cộng đồng học tập cấp xã” trong đó 75% được xếp loại tốt. Các thành phố trực thuộc tỉnh đủ điều kiện đăng ký tham gia mạng lưới “Thành phố học tập toàn cầu” do tổ chức UNESCO điều hành, trong đó có ít nhất một trong bốn thành phố được công nhận là “Thành phố học tập toàn cầu”. Tỉnh Quảng Ninh được công nhận là “Tỉnh học tập” theo tiêu chí do cơ quan có thẩm quyền ban hành.
Đứng trước thời cơ và thách thức đó, Quảng Ninh xác định phát huy mạnh mẽ kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế, tập trung thực hiện thắng lợi các chủ trương, định hướng, mục tiêu nhiệm vụ về khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập được nêu trong các văn bản chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, của tỉnh. Thời gian tới cần tập trung vào một số giải pháp trọng tâm:
Một là, tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân và toàn xã hội về vai trò, vị trí, ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời đáp ứng yêu cầu phát triển nền kinh tế số, xã hội số và hội nhập quốc tế.
Hai là, triển khai đầy đủ kịp thời nghiêm túc các mục tiêu nhiệm vụ được nêu trong các Đề án 1373 về xây dựng xã hội học tập, Đề án 387 về đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị, Đề án 677 về xây dựng mô hình công dân học tập giai đoạn 2021 - 2030 của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch số 252 về xây dựng xã hội học tập tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021 - 2030 của Ủy ban nhân dân tỉnh. Phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp tạo thành một liên minh các lực lượng tham gia công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.
Ba là, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng đáp ứng nhu cầu cần gì học nấy, học tại chỗ của người dân. Đỏi mới mô hình hoạt động của trung tâm học tập cộng đồng phù hợp với sự phát triển kinh tế -xã hội của địa phương, nhân rộng mô hình hoạt động hiệu quả; tăng cường tổ chức các lớp phổ biến kiến thức, kỹ năng, chuyển giao công nghệ gắn với dạy nghề truyền thống, dạy nghề ngắn hạn và phát triển cộng đồng. Củng cố nâng cao chất lượng các mô hình gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị học tập, phát triển mạnh mẽ các mô hình công dân học tập, đơn vị học tập trong các sở ban ngành, đoàn thể tỉnh, cơ quan, đơn vị doanh nghiệp, lực lượng vũ trang, trường đại học, cao đẳng, dạy nghề… trên địa bàn tỉnh.
Bốn là, đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức hoạt động, các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên, các thiết chế văn hóa tăng cường xây dựng, khai thác, tích hợp, chia sẻ nguồn tài nguyên giáo dục mở, học liệu mở, thư viện số… đáp ứng nhu cầu tự học của người dân. Phát triển giáo dục từ xa, áp dụng các công nghệ đào tạo từ xa tiên tiến, hiện đại. Tăng cường xây dựng, khai thác, tích hợp, chia sẻ nguồn tài nguyên giáo dục mở, học liệu mở với các cơ sở giáo dục trong và ngoài nước; tham gia Đề án Hệ tri thức Việt số hóa, Việt hóa các nguồn tài nguyên giáo dục mở quốc tế. Xây dựng kho học liệu mở phục vụ việc tự học và học tập suốt đời trên các kênh truyền hình giáo dục của tỉnh
Năm là, tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập, nhất là triển khai các chương trình hợp tác về công nghệ đào tạo mở và từ xa trên nền tảng cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập góp phần xây dựng Quảng Ninh thành tỉnh giàu đẹp, văn minh, hiện đại là khát vọng của cấp ủy đảng, chính quyền, nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Đẩy mạnh phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập có bước phát triển mới đi vào chiều sâu, thực chất, là con đường ngắn nhất thiết thực đưa Quảng Ninh sớm trở thành “Tỉnh học tập”, xây dựng Quảng Ninh giàu đẹp, văn minh, hiện đại tương xứng với tiềm năng, truyền thống văn hóa lịch sử cách mạng và hiếu học của người dân vùng mỏ, một địa bàn động lực trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước./.
Quảng Ninh: nhiều giải pháp cụ thể, tạo động lực thực hiện thành công Chương trình xây dựng nông thôn mới  (02/11/2023)
Quảng Ninh: Biểu dương 60 đảng viên trẻ làm kinh giỏi  (31/10/2023)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Kinh tế di sản trong bối cảnh hội nhập quốc tế của Việt Nam hiện nay
- Giải quyết mối quan hệ giữa bảo tồn và phát huy giá trị kinh tế di sản từ góc nhìn quản trị vùng và địa phương
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển