Phát triển kinh tế - xã hội xứng tầm với vị thế Thủ đô trong bối cảnh thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19
TCCS - Trong bối cảnh thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, thành phố Hà Nội đã có nhiều nỗ lực để phát triển kinh tế - xã hội xứng tầm vị thế Thủ đô - trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học... của cả nước và đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
1- Thời gian qua, với sự chung sức của chính quyền và nhân dân, Thủ đô Hà Nội đã thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19, kinh tế - xã hội đã dần phục hồi và có bước phát triển đáng ghi nhận. GRDP năm 2021 tăng 2,92% với xu hướng phục hồi tích cực trong quý IV; thu ngân sách hoàn thành vượt dự toán Trung ương giao; sản xuất nông nghiệp tăng trưởng khá; công nghiệp nhanh chóng vượt qua khó khăn, giữ vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế; khu vực dịch vụ phục hồi tích cực, cung ứng hàng hóa ổn định; chỉ số giá tiêu dùng được kiểm soát; an sinh xã hội được quan tâm thực hiện. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý IV-2021 ước tăng 6,69% so với cùng kỳ năm trước. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2021 ước tính tăng 3,46% so với năm 2020, đóng góp 0,07 điểm % vào mức tăng GRDP (trong đó quý I tăng 3,49%; quý II tăng 3,08%; quý III tăng 2,34%; quý IV tăng 4,55%). Đây là khu vực có tốc độ tăng cao hơn mức tăng chung và là mức tăng khá trong nhiều năm gần đây. Khu vực công nghiệp và xây dựng ước tính năm 2021 tăng 3,85% so với năm 2020, đóng góp 0,87 điểm % vào mức tăng GRDP, trong đó ngành công nghiệp tăng 5,37%, đóng góp 0,75 điểm phần trăm. Năm 2021, công nghiệp chế biến, chế tạo trên địa bàn tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng công nghiệp trên địa bàn. Tuy nhiên, sản xuất ngành này cũng chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch COVID-19, nhất là các ngành sản xuất, xuất khẩu sản phẩm và sử dụng nhiều nguyên, vật liệu, phụ kiện nhập khẩu. Khu vực dịch vụ năm 2021 ước tính tăng 2,71% so với năm 2020, đóng góp 1,72 điểm phần trăm vào mức tăng GRDP, mức tăng thấp nhất trong nhiều năm gần đây do chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch COVID-19, nhất là các ngành, lĩnh vực du lịch, khách sạn, nhà hàng, vận tải, xuất nhập khẩu, vui chơi, giải trí… Một số ngành tăng trưởng âm trong năm nay: Hành chính và dịch vụ hỗ trợ giảm 18%; lưu trú và ăn uống giảm 16,59%; nghệ thuật, vui chơi giải trí giảm 5,65%; vận tải, kho bãi giảm 1,54%. Bên cạnh đó, có một số ngành đạt mức tăng trưởng khá đóng góp tích cực vào tăng trưởng chung của thành phố: Ngành tài chính, ngân hàng, bảo hiểm tăng 10,26%; thông tin và truyền thông tăng 6,55%; khoa học - công nghệ tăng 5,77%; riêng hoạt động y tế và trợ giúp xã hội tăng 27,47%.
Năm 2021, GRDP bình quân đầu người của thành phố Hà Nội theo giá hiện hành đạt 128,2 triệu đồng (tương đương 5.530 USD), tăng 3,6% so với năm 2020. Cơ cấu GRDP năm 2021, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 2,27%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 23,99%; khu vực dịch vụ chiếm 62,74%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 11,0% (cơ cấu GRDP tương ứng năm 2020 là: 2,24%; 23,68%; 63,06% và 11,02%). Trong 6 tháng năm 2022, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn GRDP) của thành phố Hà Nội tăng 7,79% (gấp 1,29 lần mức tăng cùng kỳ năm 2021).
Về công tác lao động và giải quyết việc làm: Tình hình lao động, việc làm năm 2021 trên địa bàn thành phố Hà Nội có nhiều biến động do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 tại nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam khiến cho chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn, hoạt động sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng, nhiều lao động bị mất việc hoặc phải nghỉ giãn việc, tỷ lệ thất nghiệp tăng lên. Theo kết quả sơ bộ của Điều tra lao động việc làm năm 2021, tỷ lệ thất nghiệp toàn thành phố Hà Nội là 2,6%, tăng 0,27 điểm phần trăm so với năm trước, trong đó khu vực thành thị là 3,97%, tăng 0,75 điểm phần trăm so với năm 2020 nhưng vẫn đạt kế hoạch đề ra. Trong năm 2021, Hà Nội đã giải quyết việc làm cho 179,6 nghìn lao động, đạt 112,2% kế hoạch năm, trong đó thành phố ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội cho đối tượng nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn thành phố vay với số tiền là 2,3 nghìn tỷ đồng, giúp tạo việc làm cho 52,4 nghìn lao động); đưa 1,4 nghìn người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng (chủ yếu tại thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc...); gần 14,7 nghìn lao động được tuyển dụng sau khi phỏng vấn tại các phiên, sàn giao dịch việc làm; hơn 111,1 nghìn lao động được cung ứng dịch vụ việc làm của doanh nghiệp và hình thức khác. Cũng trong năm 2021, thành phố đã tiếp nhận hơn 80,4 nghìn hồ sơ đề nghị hưởng bảo hiểm thất nghiệp; quyết định hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp cho trên 78,9 nghìn người với số tiền 1.721 tỷ đồng (tăng 10,3% số người và 11,2% số tiền trợ cấp so với năm 2020; hỗ trợ học nghề cho hơn 2,9 nghìn người tăng 11,5%. Tính đến cuối năm 2021, thành phố có 7,4 triệu người tham gia bảo hiểm y tế tăng 2,8% so với cuối năm 2020; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 91,5% dân số. Có 1,85 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, tăng 2,9%; 57 nghìn người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, tăng 17,9%; 1,78 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp, tăng 3%.
Công tác bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội tiếp tục được thành phố và các cấp, các ngành quan tâm thực hiện; các chính sách xã hội được thực hiện kịp thời, đầy đủ, đúng đối tượng. Trong dịp tết Nguyên đán hằng năm, toàn thành phố đã tặng hàng nghìn suất quà cho các đối tượng chính sách, người có công; hộ nghèo, cận nghèo; người cao tuổi; đối tượng bảo trợ xã hội, người khuyết tật; trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; công nhân, viên chức lao động đã nghỉ hưu, mất sức lao động với tổng số tiền hàng trăm tỷ đồng.
Trong năm 2021, thành phố Hà Nội đã tiếp nhận và giải quyết 20,7 nghìn hồ sơ hưởng chế độ ưu đãi đối với người có công và thân nhân người có công với kinh phí thực hiện trên 101 tỷ đồng. Thành phố đã thực hiện chi trả đầy đủ, kịp thời trợ cấp 12 tháng năm 2021 cho trên 84 nghìn người có công và thân nhân người có công đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng với số tiền gần 1,9 nghìn tỷ đồng; chi điều dưỡng người có công 40 tỷ đồng, chi trả trợ cấp một lần 106 tỷ đồng. Thành phố đã vận động Quỹ “Đền ơn, đáp nghĩa” được 30,9 tỷ đồng, đạt 138,7% kế hoạch; tặng 4.396 sổ tiết kiệm với kinh phí 5,4 tỷ đồng; tu sửa, nâng cấp 79 công trình ghi công liệt sĩ với kinh phí 51 tỷ đồng; 285 nhà cho người có công với kinh phí 11,1 tỷ đồng. Nhân dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7), thành phố Hà Nội đã tặng 399,7 nghìn suất quà cho người có công với số tiền 170,5 tỷ đồng. Nhân dịp Quốc khánh 2-9, các quận, huyện, thị xã đã chuyển trên 4,9 nghìn suất quà tặng với số tiền hơn 4 tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố, ngân sách cấp huyện, cấp xã và vận động xã hội hóa đến các đối tượng lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa, người hoạt động cách mạng.
Cùng với việc tăng cường phòng, chống dịch, thành phố Hà Nội quan tâm đẩy mạnh công tác bảo đảm an sinh xã hội, khẩn trương triển khai rà soát, hỗ trợ người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 theo chính sách của Trung ương và cơ chế đặc thù của thành phố. Tính đến ngày 15-12-2021, thành phố Hà Nội đã hỗ trợ bằng tiền mặt cho các đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 với tổng kinh phí khoảng 6.561 tỷ đồng, bao gồm tiền hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP, ngày 1-7-2021 và Nghị quyết số 116/NQ-CP, ngày 24-9-2021, của Chính phủ; Nghị quyết số 15/NQ-HĐND, ngày 13-8-2021, của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội; hỗ trợ từ nguồn vận động xã hội hóa và các nguồn khác. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố và các cấp, các ngành đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp và nhân dân ủng hộ bằng hiện vật về trang thiết bị y tế, hàng hóa nhu yếu phẩm cho công tác phòng dịch và người dân.
Về công tác phòng, chống dịch bệnh, thành phố Hà Nội kịp thời triển khai thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP, ngày 11-10-2021, của Chính phủ. “Quy định tạm thời về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, thường xuyên, cập nhật chỉ đạo mới của Trung ương, rà soát lại các phương án của thành phố phù hợp với thực tiễn; đồng thời, đưa ra kịch bản chi tiết, sẵn sàng ứng phó mọi cấp độ dịch. Thành phố tiếp tục đẩy mạnh công tác tiêm vắc-xin phòng COVID-19 cho người dân Thủ đô. Tính đến ngày 26-12-2021, các quận, huyện, thị xã đã tiêm được hơn 11,7 triệu liều vắc-xin phòng COVID-19. Thành phố Hà Nội cũng kịp thời chỉ đạo khẩn trương cải tạo, nâng cấp, đầu tư hệ thống khí y tế tại 32 bệnh viện trực thuộc Sở Y tế, với tổng số khoảng 3.200 giường bệnh có hệ thống ô xy tại giường; 30/30 quận, huyện, thị xã thành lập cơ sở thu dung điều trị F0 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ, trong đó 23 quận, huyện đã tiếp nhận, điều trị bệnh nhân F0 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ. Tổng số các khu cách ly tập trung đã kiểm tra, rà soát và tổ chức thành lập trên địa bàn thành phố là 582 cơ sở với 119,4 nghìn giường, trong đó 38 cơ sở với 16,8 nghìn giường đã kích hoạt.
Về công tác giáo dục - đào tạo, năm học 2021 - 2022, thành phố Hà Nội đã tổ chức lễ khai giảng trực tuyến và truyền hình trực tiếp trên Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội đến toàn thể nhân dân, học sinh Thủ đô. Để bảo đảm an toàn phòng, chống dịch bệnh COVID-19, thành phố tiếp tục triển khai giảng dạy năm học mới theo hình thức trực tuyến, riêng học sinh khối 9 và khối 12 tổ chức dạy học linh hoạt giữa trực tiếp và trực tuyến, phù hợp với tình hình thực tiễn tại địa phương. Đến ngày 5-9-2022, thành phố Hà Nội đã tổ chức thành công lễ khai giảng năm học 2022 - 2023 theo hình thức trực tiếp cho toàn thể học sinh, bảo đảm những quy định về an toàn và phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Bên cạnh đó, ngành giáo dục Thủ đô tiếp tục đổi mới nâng cao chất lượng và phát huy hiệu quả các phong trào thi giáo viên dạy giỏi, học sinh giỏi các cấp; khẳng định vị trí dẫn đầu cả nước trong các kỳ thi quốc gia và quốc tế. Chất lượng giáo dục tiếp tục giữ vững với 139 giải tại kỳ thi học sinh giỏi quốc gia; duy trì thành tích cao tại các kỳ thi quốc tế. Công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia tiếp tục được thành phố quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện. Đến cuối năm 2021, thành phố có 64,3% tổng số trường đạt chuẩn quốc gia. Trong đó, tỷ lệ đạt chuẩn quốc gia của các cấp học: Mầm non là 48,9% (công lập 69%); tiểu học: 76% (công lập 80,7%); trung học cơ sở: 79% (công lập 83,7%); trung học phổ thông: 39,6% (công lập 72,2%).
Về hoạt động văn hóa, thể thao, trong năm 2021, các hoạt động văn hóa, thể thao được duy trì, bảo đảm hiệu quả, phù hợp với điều kiện diễn biến dịch COVID-19. Cùng với đó, thành phố đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong các ngành, lĩnh vực, các sự kiện lớn về chính trị, xã hội. Thành phố đã tổ chức tốt công tác tuyên truyền, cổ động trực quan và các hoạt động văn hóa, biểu diễn nghệ thuật chào mừng ngày lễ lớn của đất nước và Thủ đô. Thành phố Hà Nội cũng làm tốt công tác quản lý di tích, bảo tồn di sản văn hóa; thực hiện thống kê, rà soát 163 di tích đề xuất lập hồ sơ xếp hạng; phê duyệt 11 hồ sơ xếp hạng di tích cấp thành phố; gắn biển 4 địa điểm lưu niệm sự kiện cách mạng kháng chiến; được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận 18 nhóm với 169 bảo vật quốc gia được lưu trữ tại Bảo tàng Hà Nội và các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn thành phố.
Đặc biệt, trong tháng 5-2022, thành phố Hà Nội đã triển khai thành công các nhiệm vụ được phân công tại SEA Games 31, đón và phục vụ trên 5.600 đại biểu, trọng tài, vận động viên và phóng viên báo chí trong và ngoài nước, tạo được tiếng vang lớn và ghi dấu ấn sâu đậm trong lòng bạn bè quốc tế về Hà Nội thanh lịch, văn minh, góp phần quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới.
2- Bên cạnh những nỗ lực thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, thời gian qua, Hà Nội còn tồn tại không ít khó khăn, thách thức. Kinh tế duy trì tăng trưởng nhưng đạt thấp so với kế hoạch; các ngành du lịch, dịch vụ giảm mạnh do tác động của dịch COVID-19; tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công còn thấp; công tác giải quyết việc làm, tuyển sinh, đào tạo nghề gặp nhiều khó khăn; tỷ lệ thất nghiệp cao hơn năm trước.
Để hoàn thành tốt các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố năm 2022, trong đó GRDP tăng từ 7,0 đến 7,5%, đòi hỏi các cấp, các ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2022; tiếp tục thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19; tập trung thúc đẩy phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, đồng thời thực hiện tốt nội dung sau:
Một là, tiếp tục triển khai hiệu quả tiến độ tiêm vắc-xin phòng COVID-19 cho trẻ em và tiêm liều bổ sung cho đối tượng từ 18 tuổi trở lên, phấn đấu đạt mục tiêu miễn dịch cộng đồng. Xây dựng và hướng dẫn thực hiện Khung Y tế phòng, chống dịch để sống chung an toàn với dịch, ổn định đời sống nhân dân và thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch bệnh, vừa khôi phục và phát triển kinh tế.
Hai là, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; cải tiến quy trình, thủ tục để doanh nghiệp tiếp cận các chính sách hỗ trợ đơn giản, thuận tiện, kịp thời. Triển khai các chính sách ưu đãi, nhất là về thuế, tín dụng, đất đai, nhân lực để hỗ trợ sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp và người dân.
Ba là, quyết liệt đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm, nhất là các dự án lớn, trọng điểm. Rà soát các dự án đầu tư ngoài ngân sách chậm triển khai, các dự án có vốn đầu tư nước ngoài, các biên bản ghi nhớ đã ký tại các hội nghị xúc tiến đầu tư để đôn đốc, hỗ trợ và xử lý theo quy định pháp luật nhằm đẩy nhanh tiến độ đầu tư, khai thác hiệu quả nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội.
Bốn là, thúc đẩy phục hồi và phát triển các ngành công nghiệp, thương mại, dịch vụ. Tổ chức các hoạt động liên kết vùng, kết nối cung - cầu hàng hóa với các tỉnh, thành phố. Kiểm soát tốt thị trường giá cả; tập trung phát triển mạnh thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán trực tuyến; tăng cường xúc tiến, quảng bá, kích cầu thị trường du lịch trong nước và thị trường khách du lịch đến từ các quốc gia đã kiểm soát được dịch bệnh. Nhanh chóng phục hồi hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp, các làng nghề thủ công mỹ nghệ.
Năm là, tập trung chỉ đạo sản xuất nông nghiệp bảo đảm kế hoạch, thời vụ. Tiếp tục thực hiện hiệu quả việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao diện tích lúa chất lượng cao, mở rộng diện tích cây ăn quả, cây công nghiệp có hiệu quả kinh tế cao. Kiểm soát tốt dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm. Theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, chủ động phương án phòng, chống thiên tai, cảnh báo mưa lũ nhằm hạn chế tối đa thiệt hại.
Sáu là, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, lao động, việc làm. Chăm lo sức khỏe, đời sống của người dân, trong đó thực hiện bảo đảm lương thực, thực phẩm và các dịch vụ thiết yếu, dịch vụ y tế cho người dân, có giải pháp hỗ trợ phù hợp với các nhóm đối tượng cụ thể. Phát huy, lan tỏa tinh thần đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau vượt qua khó khăn trong cộng đồng, tiếp tục khẳng định và phát huy văn hóa của Thủ đô nghìn năm văn hiến, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, đóng góp công sức, trí tuệ cho công cuộc xây dựng và phát triển Thủ đô trong bối cảnh mới./.
Ô nhiễm môi trường ở Hà Nội: Thực trạng và giải pháp  (25/09/2022)
Du lịch Hà Nội: Tiềm năng và giải pháp phát triển  (24/09/2022)
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Các hợp tác xã phải chủ động chuyển đổi số để tồn tại và phát triển  (24/09/2022)
Hà Nội phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá, xây dựng nông thôn mới bền vững  (24/09/2022)
Thành phố Hà Nội phát triển làng nghề truyền thống trong bối cảnh mới  (20/09/2022)
Hà Nội: Phát triển du lịch nông nghiệp gắn với phát triển làng nghề  (20/09/2022)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên