Những biến chuyển của chính sách giảm nghèo đa chiều bền vững và định hướng giải pháp cho giai đoạn mới

Đào Ngọc Dung Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
20:59, ngày 08-03-2018

TCCS - Giảm nghèo bền vững và bảo đảm an sinh xã hội là một chủ trương lớn, nhất quán của Đảng và Nhà nước. Trong những năm qua, hệ thống chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội ngày càng được tăng cường, hoàn thiện và hiệu quả hơn, người nghèo tiếp cận được đầy đủ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước; một số chính sách đã đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả, được người dân đồng tình ủng hộ, như chính sách hỗ trợ người nghèo về y tế, giáo dục, nhà ở, chính sách cho vay vốn tín dụng ưu đãi,...


Nghị quyết số 80/NQ-CP, ngày 19-5-2011, của Chính phủ Về định hướng giảm nghèo bền vững thời kỳ 2011 - 2020 đã tạo ra hướng tiếp cận mới trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, hệ thống chính sách giảm nghèo đã trở thành nhiệm vụ thường xuyên của các bộ, ngành, nhằm bảo đảm tính hệ thống và đồng bộ hơn; ngoài các chính sách thường xuyên đối với người nghèo, hộ nghèo, chính sách đối với hộ cận nghèo bước đầu được hình thành, tạo điều kiện để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững; nguồn lực đầu tư của Nhà nước đã được ưu tiên cho các huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc và miền núi để tạo điều kiện tăng gia sản xuất, nâng cao đời sống người dân, hạn chế tình trạng gia tăng khoảng cách chênh lệch giàu nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư.

Trong bối cảnh kinh tế đất nước còn nhiều khó khăn, Chính phủ vẫn luôn chỉ đạo ưu tiên cho lĩnh vực an sinh xã hội và giảm nghèo, đồng thời tiếp tục bố trí kinh phí để triển khai có hiệu quả các chính sách giảm nghèo và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, ưu tiên đầu tư nguồn lực cho các địa bàn nghèo; ban hành một số chính sách an sinh xã hội để trợ giúp người nghèo khó khăn về đời sống, như chính sách hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo, chính sách trợ cấp khó khăn đột xuất cho các đối tượng thu nhập thấp...

Nhìn chung, người nghèo đã tiếp cận thuận lợi hơn các chính sách trợ giúp của Nhà nước; kết cấu hạ tầng nông thôn được tăng cường trên cơ sở triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới; tỷ lệ hộ nghèo của cả nước và các huyện, xã nghèo giảm nhanh, đời sống của người nghèo được từng bước cải thiện, an sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Đối với vùng dân tộc thiểu số và miền núi, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, các cấp ở địa phương, cùng với sự nỗ lực phấn đấu vươn lên của đồng bào các dân tộc, tốc độ giảm nghèo đã được đẩy nhanh, làm thay đổi bộ mặt nông thôn vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Các chính sách đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo đã tạo ra sự chuyển biến rõ nét. Các chính sách dân tộc thiểu số được thực hiện đồng bộ và có hiệu quả góp phần nâng cao mặt bằng dân trí, đời sống vật chất và tinh thần, truyền thống văn hóa của đồng bào dân tộc; bảo đảm cho đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản; sản xuất nông, lâm nghiệp vùng dân tộc và miền núi có nhiều chuyển biến tích cực...

Tuy nhiên, do có quá nhiều chính sách giảm nghèo dẫn đến nguồn lực bị phân tán, hiệu quả tác động đến đối tượng thụ hưởng chưa cao, chưa rõ nét; việc chậm hướng dẫn, sửa đổi một số chính sách đã gây khó khăn cho các địa phương trong việc tổ chức thực hiện, điều đó đòi hỏi trong quá trình tổ chức chỉ đạo thực hiện mục tiêu giảm nghèo, các bộ, ngành Trung ương cần nghiên cứu, đánh giá, đề xuất cấp có thẩm quyền bổ sung, sửa đổi, tích hợp các chính sách giảm nghèo bảo đảm tính hệ thống, hạn chế dàn trải, tạo sự tác động rõ rệt hơn đến đời sống của người nghèo, bảo đảm để người dân tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản theo quy định của pháp luật.

Qua hơn 2 năm thực hiện chủ trương của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về chuyển đổi phương pháp tiếp cận đo lường nghèo từ đơn chiều sang đa chiều, đến nay cụm từ “nghèo đa chiều” đã trở thành khái niệm mang tính phổ biến trong đời sống xã hội, được người dân cơ bản đồng tình và ủng hộ; đo lường nghèo đa chiều đã được sử dụng để xây dựng chuẩn nghèo giai đoạn 2016 - 2020, xây dựng bộ công cụ và quy trình xác định đối tượng thụ hưởng các chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội, là cơ sở để xây dựng và thực hiện các chương trình, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của cả nước cũng như chính sách phát triển vùng, lĩnh vực; làm căn cứ hoạch định chính sách, phân bổ nguồn lực phù hợp theo kế hoạch đầu tư công trung hạn.

Trên cơ sở đề án và chuẩn nghèo đa chiều được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, các bộ, ngành tiếp tục rà soát, đề xuất tích hợp, sửa đổi các chính sách giảm nghèo theo hướng gọn đầu mối theo dõi, quản lý chính sách, giảm dần hỗ trợ cho không, tăng hỗ trợ cho vay, có điều kiện, mở rộng chính sách hỗ trợ đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Việc áp dụng phương pháp đo lường nghèo đa chiều đã giúp nhận dạng đối tượng hộ nghèo mang tính toàn diện hơn, không chỉ quan tâm hỗ trợ nâng cao thu nhập của người nghèo mà còn từng bước tạo điều kiện để người nghèo tiếp cận tốt hơn các dịch vụ xã hội cơ bản, góp phần thực hiện quyền bảo đảm an sinh xã hội của người dân được quy định trong Hiến pháp năm 2013 cũng như thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW, ngày 01-6-2012, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI “Một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020”.

Theo số liệu sơ bộ điều tra mức sống hộ gia đình năm 2016 do Tổng cục Thống kê tiến hành, chỉ sau 2 năm áp dụng phương pháp tiếp cận đo lường nghèo đa chiều, các chỉ số thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân đã có sự chuyển biến bước đầu. Đó là: tỷ lệ hộ thiếu hụt về giáo dục của trẻ em đã giảm từ 3,58% (năm 2014) xuống còn 2,82% (năm 2016); tỷ lệ hộ thiếu hụt về tiếp cận dịch vụ y tế đã giảm từ 4,535% (năm 2014) xuống còn 1,37% (năm 2016); tỷ lệ hộ thiếu hụt về bảo hiểm y tế giảm từ 53,9% (năm 2014) xuống còn 42,25% (năm 2016); tỷ lệ hộ có nhà ở không bảo đảm chất lượng giảm từ 9,51% (năm 2014) xuống còn 6,78% (năm 2016); tỷ lệ hộ thiếu hụt về tiếp cận dịch vụ viễn thông giảm từ 9,94% (năm 2014) xuống còn 4,7% (năm 2016); tỷ lệ hộ thiếu hụt về tài sản phục vụ tiếp cận thông tin giảm từ 6,43% (năm 2014) xuống còn 2,95% (năm 2016). Các số liệu trên cho thấy, từ hiệu quả tác động của các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, chính sách phát triển vùng, lĩnh vực, chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội, đời sống của người nghèo được cải thiện rõ rệt; cũng từ kết quả đo lường mức độ thiếu hụt của người nghèo, trong 2 năm qua, các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều giải pháp tập trung chỉ đạo để cải thiện mức độ tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân.

Tuy nhiên, việc chuyển đổi hệ thống chính sách giảm nghèo theo hướng tiếp cận đa chiều là quá trình chuyển đổi căn bản hệ thống chính sách, cần có lộ trình thời gian cụ thể, phù hợp với nền tảng hệ thống chính sách, pháp luật hiện hành và khả năng cân đối ngân sách quốc gia.

Trong bối cảnh nền kinh tế đất nước còn nhiều khó khăn, nguồn lực thực hiện các chính sách giảm nghèo phần lớn được huy động từ ngân sách nhà nước. Chính vì vậy, trong quá trình chuyển đổi hệ thống chính sách giảm nghèo theo hướng đa chiều, cần có sự nghiên cứu, đánh giá hiệu quả chính sách giảm nghèo hiện hành, đề xuất giải pháp hướng tới bảo đảm cho người dân, đặc biệt là người nghèo tiếp cận tốt nhất tới các dịch vụ xã hội cơ bản.

Trong thời gian tới, cần tiếp tục nghiên cứu, đánh giá, hoàn thiện phương pháp tiếp cận đo lường nghèo đa chiều, làm cơ sở để hoạch định hệ thống chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội theo hướng:

Một là, đổi mới phương pháp tiếp cận đo lường nghèo từ đơn chiều sang đa chiều nhằm bảo đảm mức sống tối thiểu và tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản; hoàn thiện tiêu chí phân loại và quy trình xác định đối tượng, địa bàn nghèo, trên cơ sở đó xây dựng các giải pháp, chính sách tác động nhằm tăng thu nhập và nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người nghèo, nhất là các dịch vụ về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch, vệ sinh và thông tin.

Hai là, tập trung ưu tiên đầu tư cho các địa bàn, nhóm dân cư nghèo, nhất là khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, cả về chính sách và nguồn lực đầu tư, tạo điều kiện chuyển biến rõ nét về đời sống và tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, hạn chế tốc độ gia tăng khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư.

Ba là, tạo sự liên thông về chính sách, bảo đảm sự công bằng giữa các nhóm đối tượng tiếp nhận sự trợ giúp của Nhà nước, hạn chế tính ỷ lại của người nghèo theo hướng: giảm dần các chính sách hỗ trợ cho không, không gắn với điều kiện, thời gian, tăng các chính sách cho vay có điều kiện, có hoàn trả, có thời gian, mở rộng các chính sách hỗ trợ đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Bốn là, tiếp tục rà soát, tích hợp các chính sách giảm nghèo theo hướng: gọn đầu mối, giảm số lượng văn bản chính sách, lấy đối tượng làm trung tâm để xây dựng chính sách hỗ trợ; một lĩnh vực chỉ có một bộ chịu trách nhiệm xây dựng, trình ban hành văn bản chính sách theo cơ chế, cách thức tổ chức thực hiện thống nhất, chỉ khác về mức độ ưu tiên chính sách cho đối tượng thụ hưởng theo thứ tự: hộ nghèo dân tộc thiểu số được ưu tiên nhất, tiếp đến là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo.

Năm là, đẩy mạnh chủ trương tăng cường phân cấp, trao quyền cho địa phương, cơ sở và cộng đồng, giao vốn trung hạn để địa phương chủ động bố trí vốn trên địa bàn theo thứ tự ưu tiên hằng năm, 5 năm; phát huy vai trò của cộng đồng từ khâu xác định nhu cầu, xây dựng dự án, huy động nguồn lực, tổ chức thực hiện, thụ hưởng và giám sát, đánh giá; các bộ, ngành Trung ương có trách nhiệm xây dựng cơ chế, quản lý mục tiêu, ban hành văn bản hướng dẫn, kiểm tra, đánh giá, tạo quyền chủ động cho địa phương, cơ sở trong tổ chức thực hiện.

Sáu là, thống nhất đầu mối chỉ đạo, điều hành các chương trình mục tiêu quốc gia thống nhất từ Trung ương đến địa phương, tạo sự gắn kết giữa các chương trình cả về chỉ đạo và tổ chức thực hiện.

Bảy là, tăng cường các hoạt động giám sát, đánh giá ở các cấp kể cả định kỳ và thường xuyên, nhằm bảo đảm thực hiện được các mục tiêu đề ra, có giải pháp chỉ đạo, điều chỉnh kịp thời các vướng mắc, phát sinh trong tổ chức thực hiện; chú trọng nâng cao năng lực cho cán bộ cơ sở và cộng đồng, đẩy mạnh các hoạt động truyền thông nhằm khơi dậy ý chí vươn lên của người nghèo, vận động sự ủng hộ, đóng góp của cộng đồng, các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp và cá nhân để huy động thêm nguồn lực thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững./.