Nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên trẻ hiện nay

Nguyễn Mỹ Linh Học viện Báo chí và Tuyên truyền
23:14, ngày 08-08-2017

TCCSĐT - Hiện nay, đội ngũ giảng viên trẻ ở các trường cao đẳng, đại học nước ta còn không ít hạn chế do nhiều nguyên nhân, như bất cập trong công tác tuyển dụng hay hạn chế trong năng lực, nghiệp vụ của giảng viên trẻ... Do đó, trước yêu cầu của công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, việc nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên trẻ đang đặt ra bức thiết.

Thực trạng đội ngũ giảng viên trẻ

Vấn đề nghiệp vụ sư phạm hay năng lực sư phạm của giảng viên nói chung, giảng viên trẻ nói riêng ở các trường cao đẳng, đại học hiện nay nhiều khía cạnh còn cần được xem xét. Việc tuyển dụng giảng viên trẻ chưa theo một quy trình thống nhất (chưa kể việc tuyển dụng có đúng năng lực hay không cũng là điều cần suy ngẫm)... Ở một số trường đại học, cao đẳng, việc tuyển dụng giảng viên trẻ do bộ môn phụ trách gần như hoàn toàn chủ động; khoa và phòng ban có liên quan là phòng tổ chức và hội đồng tuyển dụng đóng vai trò xem xét và thẩm định là chủ yếu. Thế nhưng, có nơi, việc tuyển dụng giảng viên trẻ lại do trưởng khoa, thậm chí là ban giám hiệu quyết định.

Bên cạnh đó vẫn còn những trường đại học, cao đẳng tuyển dụng giảng viên còn mang tính hình thức. Thực tế cho thấy, ở một số đơn vị chỉ tuyển dụng giảng viên trẻ là những người đã có bằng thạc sỹ hoặc tiến sỹ chứ không chú trọng đến kỹ năng nghề nghiệp. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng giảng dạy cũng như phương pháp sư phạm mà họ truyền đạt cho sinh viên. Ngoài ra, một số khóa học cấp chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm dành cho giảng viên có rất ít tiết thực hành. Yêu cầu chưa thật sự cao về phần thực hành, việc thực tập sư phạm đích thực vẫn không được tiến hành là những gì đã và đang tồn tại. Để giải quyết được vấn đề này, mỗi trường cần có những biện pháp thiết thực, hiệu quả.

Nếu như ở trường phổ thông việc rèn luyện nghiệp vụ sư phạm diễn ra thường xuyên, liên tục thì ở trường cao đẳng, đại học còn mang tính hình thức, chiếu lệ, không mang tính hệ thống, tổ chức.

Việc rèn luyện nghiệp vụ của giáo viên có nhiều hình thức và không nhất thiết là sự sao chụp như giáo viên phổ thông nhưng nếu không có hoạt động cọ xát, rèn luyện thường xuyên, bản thân giảng viên trẻ khó nâng cao được tay nghề của bản thân. Mặt khác, trong nhiều năm qua, việc tổ chức các phong trào, như chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy, thi sáng kiến dạy học, hội thi giảng viên giỏi, tổ chức giao lưu giữa các trường... vẫn còn là những khoảng trống. (Ở các trường phổ thông, tổ trưởng chuyên môn, đặc biệt là phó hiệu trưởng phụ trách chuyên môn phải là những cá nhân tích cực và không ngừng đổi mới phương pháp dạy học. Những cá nhân “đầu tàu” này sẽ là những tác nhân quan trọng, thúc đẩy quá trình rèn luyện nghiệp vụ sư phạm của giáo viên phổ thông. Hơn thế, hằng năm, các chuyên gia đào tạo, chuyên gia về phương pháp dạy học luôn chia sẻ, huấn luyện thường xuyên cho giáo viên).

Trước đây, những giảng viên phụ trách phương pháp hay nghiệp vụ sư phạm (có thể là giảng viên mạng lưới, giảng viên hội đồng chuyên môn huyện, quận (cụm) là những giảng viên rất xuất sắc và vững vàng về chuyên môn, sâu sắc về phương pháp. Nhưng gần đây số giảng viên trẻ được chuyển về phụ trách các môn phương pháp, lý luận dạy học bộ môn khá nhiều. Bản thân giảng viên trẻ có thể có nhiều năng lực, nhiệt huyết nhưng chưa có kinh nghiệm thực tế giảng dạy nên tạo ra cảnh thiếu vắng dần những giảng viên kỳ cựu, xuất sắc và bản lĩnh về nghiệp vụ sư phạm “đi đầu” rèn luyện nghiệp vụ sư phạm cho giảng viên trẻ.

Nguyên nhân

Hiện nay, công tác tuyển dụng giảng viên trẻ gây không ít tranh luận. Hai xu hướng cơ bản dễ nhận thấy là, một số trường đại học trên thế giới và Việt Nam có khuynh hướng tuyển những chuyên gia, nhà khoa học hay người có chuyên môn khoa học vững vàng và sâu sắc. Năng lực nghiên cứu của họ được xem như khả năng hàng đầu để quyết định có được tuyển dụng hay không. Số lượng đề tài, bài báo, công trình nghiên cứu, bằng sáng chế, phát minh trong lĩnh lực khoa học mà họ đang theo đuổi là những yêu cầu căn bản.

Mặt khác song song với khuynh hướng đó, một số lại rất muốn tuyển dụng những nhà khoa học yêu thích công việc giảng dạy để trở thành người huấn luyện, chia sẻ, đào tạo. Chuyên môn của họ vững vàng (dù không phải quá xuất sắc) bảo đảm chất lượng công tác đào tạo, dạy học để tạo ra những thế hệ giáo viên xuất sắc.

Ngược lại, nhiều trường đại học lại thích tuyển dụng hay sử dụng những giảng viên xuất sắc trên bình diện thực hành. Có thể không đạt tiêu chí về bằng cấp cao nhất như học vị tiến sỹ hay thạc sỹ, nhưng những chuyên gia thực hành hay ứng dụng này có thể đào tạo, huấn luyện thế hệ học sinh bằng những bài học kinh nghiệm thực tiễn, cách thức làm việc hiệu quả hay kỹ năng, kỹ xảo cần có... Hướng đi này đang gây ra nhiều tranh cãi, vì vậy việc nâng cao chất lượng giảng viên cần được nhìn nhận, đánh giá đa chiều, đa hướng.

Bên cạnh những nguyên nhân trên, thực trạng về nghiệp vụ sư phạm của giảng viên còn hạn chế chủ yếu ở cách dạy còn nặng về các kỹ thuật trình chiếu mà xem nhẹ các ý tưởng sư phạm, thiếu sức cuốn hút, thiếu sự liên hệ sâu sắc giữa giờ giảng với thực tiễn nghề nghiệp và không truyền cảm hứng sáng tạo đến người học. Quan niệm nội dung nghiệp vụ sư phạm là trách nhiệm của giảng viên bộ môn phương pháp giảng dạy còn khá phổ biến ở một bộ phận giảng viên. Trong khi bộ môn phương pháp giảng dạy lại chưa phát huy hết hiệu quả của mình. Nguyên nhân trước hết là ở nhận thức của giảng viên sư phạm còn xem nhẹ kỹ năng nghề nghiệp bởi thiếu sức cạnh tranh trong chuyên môn trong khi chương trình đào tạo đã lạc hậu. Ví dụ như các trường đại học sư phạm đào tạo 4 năm cử nhân sư phạm để sau này có những giáo viên mầm non, tiểu học hoặc trung học nhưng đào tạo trở thành giảng viên đại học thì không có khoảng thời gian nào được xác định.

Có thể thấy, năng lực còn hạn chế ở giảng viên trẻ, yếu về kỹ năng và phương pháp sư phạm là nguyên dân dẫn đến tình trạng nhiều giảng viên trẻ còn lúng túng trong việc lên lớp, thuyết trình trước sinh viên. Đồng thời năng lực nghiên cứu khoa học cũng còn nhiều hạn chế. Việc phát triển chương trình dạy học còn nhiều thụ động, giáo trình cũ không còn phù hợp với thực tế hiện nay.

Các giải pháp tăng cường chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ giảng viên trẻ

Để đáp ứng nhiệm vụ giáo dục và đào tạo trong giai đoạn mới, một trong những nhiệm vụ quan trọng là việc nâng cao năng lực nghiệp sư phạm cho đội ngũ giảng viên trẻ là rất cần thiết. Việc nhìn nhận đội ngũ giảng viên trẻ dưới góc độ nguồn nhân lực là cơ sở đề xuất một số biện pháp nâng cao năng lực nghiệp vụ sư phạm cho nhóm đối tượng này góp phần đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục và đào tạo.

Thứ nhất, trang bị những kỹ năng mềm cần thiết

Trang bị những kỹ năng mềm cần thiết giúp giảng viên trẻ có những phương pháp dạy học mới. Bởi vì, ngay từ khi còn là sinh viên, giảng viên trẻ tương lai cần được tiếp cận với các học phần về kỹ năng mềm trong chương trình đào tạo. Việc tạo cơ hội cho sinh viên lựa chọn những kỹ năng mềm cần thiết cho bản thân như những học phần tự chọn tự do sẽ mang tính bổ trợ một cách hiệu quả và linh hoạt trong quá trình rèn luyện để hội nhập thế giới phẳng. Ngoài ra, việc tạo nhiều hoạt động thực tiễn để sinh viên tham gia và trải nghiệm, trong đó chú trọng quá trình luyện tập, theo dõi và đánh giá là việc làm hết sức cần thiết để kỹ năng mềm trở thành kỹ năng mềm đích thực chứ không phải chỉ là “lý thuyết mềm”.

Chính vì vậy, trong quá trình tuyển dụng, việc xem kỹ năng mềm như một tiêu chí đánh giá năng lực nghiệp vụ sư phạm để tuyển dụng giảng viên cũng không được lơ là hay bỏ sót. Đây là một yếu tố dễ dàng bị bỏ qua trong khâu tuyển dụng giảng viên đại học sư phạm hoặc các cơ sở đào tạo giáo viên. Bởi lẽ, nếu chỉ kiểm tra năng lực của giảng viên trẻ với số tiết ít ỏi thì có chăng khả năng xử lý tình huống sự phạm, khả năng linh hoạt thay đổi chính mình của người giảng viên trẻ hay khả năng giao tiếp với sinh viên qua các phương tiện truyền thông sẽ khó có thể kiểm chứng toàn vẹn.

Trong công tác giảng dạy của giảng viên trẻ, cần có sự theo dõi, giám sát và hỗ trợ kịp thời để trang bị và phát huy những kỹ năng mềm cần thiết trong thế giới phẳng. Sẽ là vô ích nếu nhà quản lý luôn mong muốn, kỳ vọng giảng viên trẻ phát huy kỹ năng mềm để nâng cao năng lực nghiệp vụ sư phạm trong khi chính những nhà quản lý vẫn chưa trang bị cho chính mình các kỹ năng mềm một cách cơ bản để có thể hiểu và đồng hành cùng giảng viên trẻ.

Thứ hai, tăng cường bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ

Việc chăm lo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên trẻ là việc làm cần thiết, đòi hỏi giảng viên trẻ phải có tình thần chủ động, tự học tự bồi dưỡng, đồng thời nhà trường cũng cần tăng cường tổ chức các lớp bồi dưỡng, rút kinh nghiệm qua từng học phần, từng năm học. Khuyến khích tinh thần tự học, tự bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn; tăng cường công tác dự giờ, rút kinh nghiệm cho các giảng viên trẻ; tạo điều kiện cho các giảng viên trẻ tham gia vào trải nghiệm thực tế.

Nâng cao năng lực nghiệp vụ sư phạm cho giảng viên trẻ là vấn đề cấp bách của đổi mới giáo dục, bởi chỉ có người có tay nghề giỏi mới làm mẫu dẫn dắt những người khác cùng làm với mình và giảng viên cần phải được trang bị những kiến thức về năng lực nghiệp vụ sư phạm một cách bài bản, ý thức cao việc mình tự rèn luyện phát triển mới góp phần quyết định cho sự thành công của đổi mới giáo dục. Vì vậy, việc nâng cao năng lực nghiệp vụ sư phạm cho giảng viên trẻ cần thực hiện những giải pháp khác nhau, như tổ chức, quản lý, kết hợp giữa yêu cầu bắt buộc với động viên khuyến khích; đề cao hoạt động tự bồi dưỡng; sự hỗ trợ giúp đỡ của đội ngũ cán bộ đầu đàn; xây dựng môi trường làm việc khoa học, thân thiện bảo đảm về cơ sở vật chất. Trên cơ sở thực hiện một cách đồng bộ, còn tùy thuộc vào từng giai đoạn khác nhau của sự phát triển ở mỗi trường, nhằm xác định giải pháp cần thiết nào được ưu tiên.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cần mở các lớp tăng cường bồi dưỡng đào tạo lại đội ngũ giảng viên trẻ; bổ sung và hoàn thiện lại giáo trình; nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học,và tư vấn hướng dẫn người học cho đội ngũ giảng viên trẻ. Cần nâng cao năng lực nghiệp vụ sư phạm cho giảng viên trẻ; tuyển dụng giảng viên theo một quy trình thống nhất; việc rèn luyện nghiệp vụ sư phạm ở các trường đại học phải mang tính hệ thống, tổ chức; cần có những giảng viên kì cựu, xuất sắc, bản lĩnh về nghiệp vụ sư phạm để tạo sự lan tỏa trong việc rèn luyện nghiệp vụ sư phạm cho giảng viên trẻ, góp phần tạo ra sự chuyển biến theo hướng tích cực trong việc nâng cao năng lực của đội ngũ giảng viên trẻ hiện nay./.

Năng lực nghiệp vụ sư phạm của giảng viên được hiểu là khả năng thực hiện có kết quá các hoạt động dạy học và giáo dục nhằm đạt được mục tiêu đề ra, thể hiện ở nhiều nhóm năng lực thành phần khác nhau như: hiểu rõ đối tượng người học và môi trường dạy học. tổ chức các hoạt động dạy học; đánh giá kết quả hoạt động dạy học; tự học, tự bồi dưỡng kiến thức, rèn luyện nghiệp vụ sư phạm. Có thể nói, năng lực nghiệp vụ sư phạm của giảng viên là điều kiện để thực hiện các hoạt động dạy học có hiệu quả. Do đó, để phấn đấu để trở thành giảng viên giỏi thì năng lực nghiệp vụ sư phạm cũng cần được quan tâm, bồi dưỡng và tự bồi dưỡng thường xuyên.