Giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số trong xây dựng nông thôn mới ở nước ta

Hoàng Thị Hương TS, Đại học Nội vụ Hà Nội
22:44, ngày 14-06-2017
TCCSĐT - Trong quá trình phát triển, nhất là xây dựng nông thôn mới hiện nay, việc giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số là một chủ trương đúng đắn của Đảng ta nhằm hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của cư dân nông thôn là đồng bào các dân tộc thiểu số.
Giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số trong quá trình xây dựng nông thôn mới

Trong quá trình phát triển nói chung, xây dựng nông thôn mới nói riêng, việc giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số ở nước ta đã được thực hiện qua rất nhiều cách thức: giữ gìn thông qua hệ thống bảo tồn, bảo tàng; phục dựng, ghi lại, lưu giữ, phổ biến bằng các phương tiện khoa học kỹ thuật hiện đại; phục dựng, tái tạo thông qua xây dựng những mô hình làng văn hóa, làng văn hóa du lịch cộng đồng do chính đồng bào các dân tộc thiểu số giữ gìn trong đời sống của mỗi gia đình, dòng họ, làng bản với không gian văn hóa chân thực. Với sự giữ gìn đó, những giá trị đậm đà bản sắc văn hóa của các dân tộc thiểu số đang tiếp tục được duy trì trong các hoạt động giáo dục, văn hóa, nghệ thuật, du lịch, thương mại tạo nên sắc thái vừa truyền thống vừa hiện đại ở vùng nông thôn mới.

Cùng với quá trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của công cuộc xây dựng nông thôn mới, điều kiện kinh tế - xã hội của các địa phương và người dân được nâng lên. Với điều kiện kinh tế được cải thiện, lòng tự hào dân tộc, sự trân trọng văn hóa dân tộc mình, đồng bào các dân tộc thiểu số đã có nhiều cố gắng trong giữ gìn những giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc. Có thể nói, yếu tố văn hóa trong kinh tế và kinh tế trong văn hóa đã được biểu hiện trong đời sống mỗi gia đình và sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Kiến trúc và không gian bao quanh nhà ở, bản làng mang đậm bản sắc dân tộc được giữ gìn, gia cố, bảo vệ. Văn hóa ẩm thực phong phú tiếp tục được giữ gìn, phát huy và lan tỏa trong đời sống của các địa phương. Những làn điệu dân ca, kho tàng văn hóa, văn nghệ bản địa được lưu truyền, nuôi dưỡng trong quá trình sinh sống, lao động sản xuất, giao lưu văn hóa giữa các dân tộc. Nét đẹp mang đậm bản sắc dân tộc trong văn hóa ứng xử, lễ hội, cưới hỏi, ma chay, phong tục tập quán được giữ gìn dưới nhiều hình thức có ý nghĩa giáo dục truyền thống cho các thế hệ trẻ người dân tộc thiểu số.

Tuy nhiên, những giá trị mang đậm bản sắc dân tộc thiểu số đang đứng trước những thách thức và có những biểu hiện mai một, biến dạng một cách nghiêm trọng. Những ngôi nhà ở, khuôn viên nhà ở, không gian bản làng đậm đà bản sắc đang dần bị thu hẹp bởi sự xuống cấp trước sự tàn phá của thời gian, trước sự bất lực hay thờ ơ của chính đồng bào các dân tộc thiểu số. Những ngôi nhà, không gian bản làng với kiểu kiến trúc mới được xây dựng bởi những vật liệu mới đang dần thay thế kiểu kiến trúc, không gian truyền thống. Đi cùng với nó là sự mai một những giá trị truyền thống khác như: ngôn ngữ, trang phục, phong tục, tập quán bản địa trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày hay lao động sản xuất. Tư duy, nếp nghĩ, lối sống của thế hệ trẻ dân tộc thiểu số có sự thay đổi mạnh mẽ vừa biểu hiện sự thay đổi tất yếu của xã hội hiện đại, có tính tích cực nhưng cũng chứa đựng nhiều yếu tố tiêu cực, biểu hiện sự tự ti dân tộc, xa rời những giá trị truyền thống. Đặc biệt có một hiện tượng khá phổ biến trong thế hệ trẻ người dân tộc thiểu số là mải mê công nghệ, khai thác chủ yếu yếu tố giải trí dẫn đến bê trễ học hành, thụ động trong lao động sản xuất, sa vào tệ nạn xã hội đang là vấn đề đáng báo động trong nhiều vùng dân tộc thiểu số hiện nay.

Một số vấn đề đặt ra đối với việc giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số trong quá trình xây dựng nông thôn mới hiện nay

Một là, nhận thức của các cấp chính quyền và đồng bào các dân tộc thiểu số về mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc chưa đầy đủ, sâu sắc. Do nhiều nguyên nhân, đặc biệt là nguyên nhân kinh tế khu vực đồng bào các dân tộc thiểu số còn chậm phát triển, thấp hơn các khu vực khác dẫn đến nhận thức của chính quyền các cấp, đồng bào các dân tộc thiểu số có xu hướng nghiêng về các mục tiêu phát triển kinh tế. Cùng với nó là tác động mạnh mẽ của luồng gió phát triển kinh tế thị trường, công nghệ thông tin hiện đại đã làm cho nhận thức của đồng bào các dân tộc thiểu số hướng mạnh vào sự phát triển kinh tế, tiếp nhận công nghệ hiện đại theo chiều hướng có cả tích cực và tiêu cực. Các địa phương vùng đồng bào các dân tộc thiểu số chú trọng vào việc tìm ra cách thức làm kinh tế bằng nhiều con đường, trong đó, việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc để tạo tiền đề cho phát triển kinh tế du lịch, thương mại là một trong những con đường đó nhưng cũng mới phát huy được ở một số địa phương. Điều đó phản ánh nhận thức của các cấp chính quyền và đồng bào dân tộc thiểu số về việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc mới dừng lại ở tính định hướng tư tưởng mà chưa có nhận thức đầy đủ, sâu sắc về nó trong tổng thể các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của quá trình xây dựng nông thôn mới.

Hai là, cách thức giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số còn nhiều lúng túng, thiếu đồng bộ, chưa mang tính lâu dài. Giữ gìn bản sắc văn hóa của các dân tộc thiểu số không có một công thức có sẵn, khuôn mẫu chung cho tất cả các giá trị văn hóa các vùng, miền. Thực tiễn cho thấy, việc giữ gìn có nơi, có lúc được thực hiện một cách khiên cưỡng, khuôn mẫu dẫn đến làm nghèo nàn chính nền văn hóa của các dân tộc hoặc giữ gìn diễn ra một cách tự phát thiếu sự định hướng dẫn đến nhiều giá trị tốt đẹp bị mai một, một số hiện tượng tiêu cực, lạc hậu có xu hướng gia tăng. Việc tiến hành giữ gìn giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số không dựa trên quy hoạch tổng thể mang tính đặc thù của vùng mà được tiến hành riêng lẻ không đủ sức thay đổi một cách đồng bộ nên không bảo đảm tính lâu dài và có chiều sâu. Thực tế này đòi hỏi các cơ quan quản lý, cơ quan chuyên môn, các tổ chức và đồng bào dân tộc thiểu số phải tìm tòi, lựa chọn cách thức giữ gìn đồng bộ, linh hoạt, sáng tạo và hiệu quả hơn.

Ba là, năng lực giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc của các cấp chính quyền địa phương vùng đồng bào các dân tộc thiểu số và đồng bào các dân tộc thiểu số còn thấp. Do điều kiện kinh tế - xã hội vùng đồng bào các dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí không đồng đều nên việc huy động nguồn lực vật chất của chính quyền địa phương vùng đồng bào các dân tộc thiểu số và của chính bản thân đồng bào trong duy trì, bảo vệ những giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể là rất khó khăn. Cùng với đó là năng lực chuyên môn, sự tích cực, năng động của đội ngũ cán bộ chuyên môn chưa cao; sự huy động nguồn lực đầu tư của các doanh nghiệp trong giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc còn hạn chế là những nguyên nhân dẫn đến năng lực giữ gìn bản sắc văn hóa của các địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn thấp. Hệ lụy của nó là sự phát triển vùng nông thôn mới của đồng bào các dân tộc thiểu số mặc dù vẫn còn có giữ được nét truyền thống nhưng không tránh khỏi sự pha trộn, “mất gốc” vĩnh viễn của nhiều giá trị văn hóa dân tộc thiểu số.

Giải pháp thúc đẩy và nâng cao hiệu quả giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số

Thứ nhất, tiếp tục nâng cao nhận thức về việc gắn kết chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số trong xây dựng nông thôn mới.

Các cấp chính quyền và đồng bào các dân tộc thiểu số cần tiếp tục nâng cao nhận thức về phát triển kinh tế không phải chỉ là tăng trưởng kinh tế bằng mọi giá mà còn phải giải quyết tốt các vấn đề chính trị, văn hóa, xã hội, trong đó có vấn đề giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số. Thành tựu của quá trình xây dựng nông thôn mới phải được thể hiện một cách toàn diện: kinh tế phát triển, đời sống vật chất được nâng cao, đồng thời đời sống tinh thần được củng cố bền vững trên cơ sở những giá trị tốt đẹp và đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc được giữ gìn hợp lý. Truyền thống và hiện đại được kết hợp hài hòa trong mọi mục tiêu, nội dung, phương thức biểu hiện của vùng nông thôn mới.

Để nâng cao nhận thức về việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc một cách căn cơ, mang lại hiệu quả lâu dài, bền vững cần phải tiến hành đồng bộ các biện pháp tác động mạnh mẽ đến tư duy, lối sống, hành động của cán bộ, các thế hệ đồng bào dân tộc thiểu số. Tăng cường giáo dục thế hệ trẻ hiểu biết về lịch sử, văn hóa dân tộc, xây đắp lòng tự hào, ý thức tự tôn dân tộc, quyết tâm đưa dân tộc mình vươn lên trong thời đại mới. Đẩy mạnh tuyên truyền về tầm quan trọng của việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trong quá trình phát triển kinh tế đối với cán bộ, đồng bào dân tộc thiểu số.

Trong quá trình đó, phải kết hợp đẩy mạnh các chương trình phát triển kinh tế phù hợp điều kiện tự nhiên, trình độ phát triển kinh tế - xã hội, trình độ dân trí của người dân; đẩy mạnh các hình thức giáo dục thường xuyên, đào tạo nghề; giáo dục đạo đức lối sống, nâng cao dân trí cho thanh niên, các tầng lớp nhân dân. Lợi ích văn hóa phải gắn kết với lợi ích kinh tế mới tạo nên sức hút, sức thuyết phục đồng bào các dân tộc thiểu số nâng cao nhận thức về việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Và chỉ khi đồng bào các dân tộc thiểu số nhận thức rõ ràng về tầm quan trọng của việc giữ gìn và tự giác, chủ động, tích cực giữ gìn thì những giá trị đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc mới thật sự hiệu quả bền vững và có chiều sâu.

Để thực hiện được điều đó đòi hỏi phải có sự kết hợp chặt chẽ giữa các ngành như: Văn hóa Thể thao và Du lịch, Giáo dục và Đào tạo, Lao động - Thương binh và Xã hội, Công Thương, Nông nghiệp và phát triển nông thôn,… sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan dân cử, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Cựu Chiến binh, Hội Người cao tuổi, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam…

Thứ hai, đẩy mạnh công tác nghiên cứu, sưu tầm, phổ biến các giá trị văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc thiểu số trong quá trình xây dựng nông thôn mới.

Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc là một tất yếu nhằm nuôi dưỡng sợi chỉ đỏ truyền thống trong dòng chảy liên tục của sự phát triển của xã hội hiện đại. Tuy nhiên, việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc cũng đòi hỏi phải có quan điểm đúng đắn, cách thức giữ gìn phù hợp. Muốn vậy, phải đẩy mạnh công tác nghiên cứu các giá trị văn hóa dân tộc để phân định được đâu là cái lạc hậu, đâu là cái có giá trị, là hạt nhân hợp lý trong quá trình giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số. Để phân định được cần có tiêu chuẩn, thước đo xác định để kiểm chứng, đánh giá, phân loại. Tiêu chuẩn, thước đo đó chính là thực tiễn xã hội với tất cả những nhu cầu nội tại của nó nhằm hướng tới sự phát triển bền vững. Dựa trên sự nghiên cứu và phân định đó mới định hướng một cách đúng đắn quá trình giữ gìn bản sắc văn hóa, khắc phục được bệnh chủ quan duy ý chí hay tự phát trong nhận thức và hoạt động thực tiễn. Trên cơ sở đó, việc giữ gìn nguyên gốc, giữ gìn có chọn lọc, bổ sung và phát triển được thực hiện một cách đúng đắn nhằm giữ lại được những hạt nhân hợp lý, có giá trị trong bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số đồng thời cải tiến, bổ sung và phát triển chúng phù hợp hơn với đời sống hiện đại. Chỉ có như vậy, những giá trị truyền thống mới tiếp tục trở thành “đòn bẩy”, “bệ phóng” cho sự phát triển của dân tộc.

Nghiên cứu những giá trị văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc sẽ cung cấp cơ sở khoa học cho việc đề xuất những giải pháp giữ gìn phù hợp, bảo đảm sự kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại; định hướng được các cách thức giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc đa dạng và linh hoạt phù hợp nguyện vọng của đồng bào dân tộc thiểu số. Ở đây, những giá trị văn hóa phải thật sự trở thành nền tảng không thể thiếu trong quá trình xây dựng nông thôn mới thì việc giữ gìn nó mới thật sự đi vào chiều sâu thiết thực. Đó là cách thức giữ gìn thông qua các chương trình phát triển kinh tế, như giữ gìn nghề truyền thống, sản phẩm nông nghiệp địa phương hay các hoạt động sinh hoạt cộng đồng ở nông thôn. Bên cạnh gắn kết công tác nghiên cứu khoa học với ứng dụng vào sản xuất và đời sống thì còn phải gắn với công tác tôn vinh những giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số, khẳng định giá trị văn hóa dân tộc thiểu số trong xã hội nhằm nâng cao lòng tự hào dân tộc, ý thức trách nhiệm bảo vệ, giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc trong toàn xã hội.

Để thực hiện được giải pháp này, cần phải đẩy mạnh đầu tư cho công tác nghiên cứu khoa học một cách toàn diện, thấu đáo và kịp thời. Tiếp tục đổi mới cơ chế chính sách theo hướng tăng tính tự chủ trong nghiên cứu khoa học để các nhà khoa học có điều kiện làm việc tốt hơn, nâng cao chất lượng nghiên cứu. Có chính sách ưu tiên phù hợp để khuyến khích, động viên cán bộ có năng lực và tâm huyết, cộng tác viên là những nghệ nhân người dân tộc am hiểu văn hóa dân tộc tham gia công tác nghiên cứu khoa học. Thông qua đó, thúc đẩy việc sưu tầm, thống kê, phục dựng, phân tích, đánh giá một cách toàn diện bức tranh tổng thể các giá trị văn hóa đậm đà bản sắc của các dân tộc thiểu số; cung cấp cơ sở khoa học cho việc bảo tồn, giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể một cách bền vững.

Thứ ba,
tiếp tục hoàn thiện chính sách, tăng cường các nguồn lực cho giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số trong quá trình xây dựng nông thôn mới.

Công cuộc xây dựng nông thôn mới ở nước ta dựa trên triết lý là xuất phát từ nguyện vọng của nhân dân, phục vụ nhân dân và do chính nhân dân xây dựng. Việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc cũng phải dựa trên triết lý đó, phải do chính đồng bào các dân tộc thiểu số thực hiện với ý thức tự giác, sự tự tôn, tự hào dân tộc. Tuy nhiên, giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số là mục tiêu đòi hỏi phải giải quyết nhiều vấn đề trong thời gian dài và cần có sự đầu tư lớn về nhân lực cũng như vật lực nên việc tăng cường các nguồn lực đầu tư để tạo nguồn sức mạnh tổng hợp cho quá trình này là vô cùng cần thiết. Nhà nước cần tiếp tục có những chính sách huy động sự tham gia, hỗ trợ của các cơ quan, tổ chức, cộng đồng xã hội chung tay giúp sức cho công cuộc phát triển kinh tế và văn hóa. Tăng cường các nguồn lực đầu tư cho quá trình phát triển vùng đồng bào các dân tộc thiểu số cần được xem xét một cách toàn diện: tăng về số lượng, quy mô, chất lượng, hiệu quả; đa dạng loại hình nguồn lực: vốn, lao động, kỹ thuật, công nghệ, năng lực tổ chức quản lý, tâm huyết, trí tuệ...; huy động được nhiều nguồn lực theo hướng tăng cường xã hội hóa (ngoài nguồn ngân sách nhà nước huy động được nguồn lực của các doanh nghiệp, sự đóng góp của nhân dân, nguồn viện trợ của các cá nhân, tổ chức trong nước và quốc tế và các nguồn vốn hợp pháp khác); huy động sự tham gia của nhiều lực lượng xã hội (các nhà quản lý, các nhà văn hóa, các nhà kinh tế, các nhà khoa học, các doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân ở trong và ngoài nước).

Lực lượng nòng cốt và là nhân tố bảo đảm sự thành công việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc chính là đồng bào các dân tộc thiểu số. Nhà nước cần ban hành những chính sách mang tính đặc thù cho từng vùng nông thôn của đồng bào dân tộc thiểu số. Việc xây dựng chính sách phải dựa trên một chiến lược quy hoạch tổng thể vùng nông thôn đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc để vừa bảo đảm tính định hướng vừa bảo đảm huy động và phát huy được nhiều nguồn lực trong xã hội và nguồn nội lực của đồng bào dân tộc thiểu số.

Việc giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số trong quá trình xây dựng nông thôn mới là vô cùng quan trọng nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào các dân tộc thiểu số vùng nông thôn. Để thực hiện được mục tiêu đó đòi hỏi phải thực hiện đồng bộ một hệ thống các giải pháp nhằm phát huy được nguồn nội lực, ngoại lực; thu hút sự tham gia tích cực của nhiều lực lượng xã hội và được tiến hành bằng nhiều con đường, cách thức khác nhau./.