Người Chứt, những tín hiệu mùa xuân

Nguyễn Tri Thức
22:12, ngày 09-02-2017

TCCSĐT- Dọc những con đường ngoằn ngoèo nhỏ xinh, dưới làn mưa bụi mờ giăng mắc, tiết xuân bừng lên trong se lạnh khi điểm xuyết những cánh đào phai, đào thắm bung nở trên những gốc cây cổ thụ. Đến với đồng bào Chứt ở bản Giàng (còn gọi là bản Rào Tre), xã Hương Liên, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh đã thấy những tín hiệu xuân phơi phới đổi thay, ấm no, tự chủ hơn ở phía trước…

 
 Những món quà nhỏ giúp đồng bào Chứt đón tết vui hơn

Hai lần hòa nhập…

Đường xa, mưa trơn, chúng tôi dù đi thật sớm từ Đồn Biên phòng cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo, nhưng cũng phải lưng lửng buổi sáng một ngày đầu năm 2017 mới tới bản Giàng. Trụ sở Tổ công tác biên phòng Bản Giàng đã rộn ràng, nhộn nhịp, đủ đông người dân, cán bộ chiến sĩ biên phòng, lãnh đạo huyện, xã, vì biết trước lịch của đoàn thiện nguyện đến thăm, chia sẻ với đồng bào, với cán bộ biên phòng cắm bản. Đa số là đồng bào Chứt ở bản Giàng - bản duy nhất có 100% đồng bào thuộc diện đói nghèo. Nhưng, nói như Trung tá Võ Anh Tuấn - Chính trị viên Đồn Biên phòng Bản Giàng - cuộc sống của bà con đã đổi thay rất nhiều trong mấy năm gần đây. Cả về vật chất, tinh thần lẫn cách nghĩ, cách làm…

Nhắc đến người Chứt, hẳn nhiều người trong chúng ta biết rằng, đó là một tộc người sống chủ yếu trong hang đá, lấy việc săn bắt, hái lượm để duy trì sự sống. Cuộc sống bao đời cứ cô lập, tách biệt, hoang dã như thế, cho đến năm 1991, khi bộ đội biên phòng Hà Tĩnh trong khi tuần tra biên giới đã phát hiện khoảng 20 người Chứt sống trong hang động trên dãy Trường Sơn ở biên giới Việt Nam - Lào. Và rồi, từng bước, nhóm người trong số những dân tộc ít người nhất Việt Nam được đưa về bản Rào Tre dưới chân dãy Kà Đay, bên dòng sông Ngàn Sâu thuộc xã Hương Liên cư ngụ. Thực ra, đấy đã là lần thứ hai họ “hòa nhập với cộng đồng”. Lần đầu, là vào khoảng tháng 4-1958, khi người dân huyện Hương Khê phát hiện một số “người lạ” xuống chợ đổi chim, thú săn bắn được lấy gạo, muối, dao, rựa; cũng như họ đi xe goòng, ăn phở, cắt tóc mà không chịu trả tiền. Và rồi, là cuộc kiếm tìm gian khổ, vất vả về nguồn gốc, nơi sinh sống của dân tộc chưa từng xuất hiện, bởi họ không nói được nhiều tiếng Việt, không định vị được nơi ở, và đặc biệt, không chịu cho những người lạ dưới xuôi đi cùng về nhà. Nhưng rồi, cứ hướng thượng ngàn tìm kiếm, người Chứt cũng được tìm thấy, và được đưa xuống bản Rào Tre để định canh, định cư. Ngày 19-5-1960, chính quyền, cán bộ tổ chức sinh nhật Bác Hồ cho bà con. Mọi người được nghe những câu chuyện về Bác. Một cán bộ đề nghị đặt họ cho bà con, bởi bà con không biết năm sinh tháng đẻ, chưa có họ. Khi được hỏi muốn đặt họ gì, mọi người đều lắc đầu. Rồi một phụ nữ trong bản gợi ý lấy họ Hồ, vì “chúng ta đều là con cháu Bác Hồ”. Mọi người nhất trí, và tất cả người Chứt bây giờ đều mang họ Hồ. Nhưng rồi, không quen với cuộc sống hiện đại, bị “xao nhãng” vì chiến tranh cách trở, năm 1966, người Chứt lại lên rừng với hang đá, săn bắn và hái lượm. Cho đến năm 1991, khi bộ đội biên phòng tìm ra. Và họ lại “xuống núi”, tái định cư, hòa nhập với các dân tộc anh em…

Những đổi thay thấy rõ

Ông Đinh Văn Sánh - Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Hương Liên - cho biết, từ khi có Đề án phát triển đồng bào dân tộc Chứt đến năm 2020 (Quyết định 2571/QĐ-UBND ngày 03-9-2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh), cuộc sống của bà con người Chứt đã có nhiều thay đổi rõ rệt. Hiện nay, bản Giàng có 41 hộ đồng bào dân tộc Chứt, với 145 nhân khẩu (75 nam, 70 nữ), tuổi thọ trung bình là 55. Người Chứt bây giờ, tuy vẫn 100% thuộc diện hộ nghèo, nhưng cái đói đã không còn lui tới, cuộc sống đã đổi thay tích cực. Nhờ có sự quan tâm của lãnh đạo các cấp, bộ đội biên phòng, các doanh nghiệp, nhà hảo tâm,… hỗ trợ toàn diện về kế hoạch tổ chức thực hiện và phương án hỗ trợ đời sống, hỗ trợ phát triển sản xuất toàn bộ, từ phân bón, giống đến sức kéo; bà con đã biết trồng lúa, chăn nuôi…

Tính đến ngày 30-11-2016, nguồn ngân sách nhà nước đã cấp gần 36 tỷ đồng để thực hiện Đề án phát triển đồng bào dân tộc Chứt, bản Rào Tre; trong đó, vốn đầu tư là 34 tỷ đồng, vốn sự nghiệp gần 2 tỷ đồng, đã giải ngân khoảng 27 tỷ đồng, đạt 75%. Cũng từ khi thực hiện Đề án đến nay, với sự quan tâm kêu gọi, vận động của các cấp, ngành, đoàn thể,… đã huy động xã hội hóa được trên 1,3 tỷ đồng. Ông Sánh cho biết, “trong quá trình thực hiện, ủy ban nhân dân xã có sự phối hợp chặt chẽ với Đồn Biên phòng Bản Giàng, tổ công tác bản Rào Tre và phân công chỉ đạo đồng chí cán bộ cắm bản phối hợp chặt chẽ với cán bộ biên phòng, cán bộ y tế thôn bản,… để kịp thời nắm bắt thông tin, hướng dẫn, giúp đỡ bà con dân bản phát triển sản xuất, đời sống, chăm sóc sức khỏe, vệ sinh môi trường, chỉnh trang vườn hộ”…

Đến nay, đã hoàn thành quy hoạch chi tiết sử dụng đất, quy hoạch đất ở, đất vườn và đất lâm nghiệp cho bà con dân bản; cấp giấy chứng nhận cho 34 hộ đồng bào dân tộc tại nơi bản cũ (đạt 100% kế hoạch); khảo sát, phân loại nhà ở dân cư cho 41 hộ, trong đó đã làm mới 4/4 nhà, tu sửa 20 nhà; bố trí xây dựng 17/24 công trình vệ sinh thuận lợi cho sinh hoạt của bà con dân bản; huy động hơn 4.500 ngày công để giúp đỡ bà con chỉnh trang vườn hộ, đào hố, đào hào, chôn cọc bê-tông, kéo dây thép gai, dọn dẹp vệ sinh tại các hộ và trồng các loại cây ăn quả như cam, bưởi, chuối… Đến ngày 31-11-2016, đã chôn được hơn 850 cọc bê-tông và kéo hơn 7.000m dây thép gai, 150m săng chạc (nứa) tại vườn; sẻ phát 3.000m2 vườn đồi; đào hơn 100m hào ngăn cách vườn và đồi phía sau. Ngoài ra, từ năm 2014 đến nay, cấp ủy, chính quyền các cấp đã phối hợp với lực lượng biên phòng Hà Tĩnh, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu Chiến binh trồng 1.600 gốc chuối cao sản và chuối địa phương, hơn 800 cây cam, cây bưởi; gần 150 cây dó trầm, trị giá gần 105 triệu đồng…

Điều đáng mừng, tại vùng quy hoạch di dãn dân cư (bản mới), đã hoàn thành quy hoạch sử dụng 80ha đất rừng, trong đó có 4ha quy hoạch đất ở cho bà con dân bản. Ngày 06-4-2015, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Quyết định số 1131/QĐ-UBND phê duyệt Quy hoạch chi tiết (tỷ lệ 1/500) xây dựng Khu tái định cư dân tộc Chứt. Đến nay, đã hoàn thành quy hoạch sử dụng và quy hoạch chi tiết đất đai tại bản mới, lựa chọn các hộ dân tộc di chuyển đến Khu tái định cư đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng công trình Khu tái định cư đồng bào dân tộc Chứt tại Quyết định số 3469/QĐ-UBND, ngày 01-12-2016. Xã đang triển khai các thủ tục tiếp theo để san nền, xây nhà ở, công trình nước sinh hoạt, nhà vệ sinh. Công việc còn bộn bề trước mắt, nhưng đã thấy những tín hiệu vui.

Nói về những hạn chế, khuyết điểm, ông Sánh thừa nhận, công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Đề án chưa quyết liệt, chưa được tập trung cao độ; công tác tuyên truyền vận động chưa thường xuyên; kết quả thực hiện còn đạt thấp so với yêu cầu đề ra, tiến độ chậm… “Sự chuyển biến nhận thức đối với bà con dân bản chậm, vẫn còn tình trạng trông chờ, ỷ lại sự hỗ trợ của Nhà nước và các nhà hảo tâm, thiếu ý thức vươn lên. Tình trạng đồng bào dân tộc Chứt vào rừng khai thác lâm sản, săn bắt thú rừng vẫn chưa được kiểm soát, phong tục tập quán thích nghi với săn bắn hái lượm, du canh, du cư đã ăn sâu rất khó thay đổi, chuyển biến chậm”, ông Sánh cho biết.

Trong khi đó, Trung tá Võ Anh Tuấn cho biết, khó khăn lớn nhất là “bà con không tự chủ được cuộc sống, đất ít, làm ngày nay không cần biết ngày mai, còn ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước. Hiện tại, đơn vị vẫn phải điều tiết các nguồn thu cho bà con, tránh để họ đổi lấy rượu uống. Trẻ em đi học, đồn cũng quản lý xe đạp. Nói chung, từng tí một, vẫn phải quan tâm, theo sát. Muốn ổn định cuộc sống, về lâu dài phải thay đổi nhận thức của bà con”. Với dự án tái định cư, bản được nới rộng ra, từng bước với sự quản lý, giúp đỡ của địa phương, bộ đội biên phòng, bà con rồi sẽ tự lo được cuộc sống của mình, nhất là khi trưởng bản giờ là Hồ Kiên trẻ tuổi, tích cực làm việc, nói bà con nghe theo...

Hy vọng có cơ sở…

Đổi thay đã nhiều, đã tích cực hơn. Nhưng những tồn tại, hạn chế lớn vẫn còn. Những cặp vợ chồng cận huyết thống lấy nhau sinh ra con bệnh nặng, khuyết tật, thiểu năng trí tuệ, mất sớm,… là khá phổ biến, đau lòng và là nỗi trăn trở lớn nhất của chính quyền các cấp, bộ đội biên phòng Hà Tĩnh. Thế nên, không có sự hội ý gì, nhưng những lãnh đạo chính quyền, biên phòng các cấp mà tôi gặp đều trăn trở với niềm đau nan giải, dai dẳng suốt bao năm qua ấy.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Đinh Văn Sánh cho biết, nguy cơ nhất là 41 hộ lấy nhau trong bản, hôn nhân cận huyết thống. Với nhiều giải pháp khác nhau, đến nay đã có 5 cặp vợ chồng kết hôn với người dân tộc khác, trong đó 3 người kết hôn với người Kinh, 2 hộ với người dân tộc Chứt quê ở Quảng Bình... Những cặp vợ chồng kết hôn với người dân tộc Kinh được hỗ trợ 30 triệu đồng để tổ chức đám cưới, được bộ đội biên phòng đưa xe đi đưa/đón dâu… Thế nên, nhiều người rất háo hức, cũng muốn nên vợ, thành chồng với người Chứt.

Trung tá Võ Anh Tuấn nhận xét, “5 đôi lấy chồng dân tộc khác, con nhìn thông minh, sáng láng lắm. Từ người thật việc thật đó, bà con nhìn thấy những thay đổi, sẽ làm theo, khi các cấp, các ngành tiếp tục vận động việc kết hôn với người dân tộc khác”. Thậm chí, có ý tưởng đề nghị Chính phủ đầu tư xây dựng tuyến đường khoảng 15km nối bản Rào Tre với huyện Minh Hóa (tỉnh Quảng Bình) - nơi có một số hộ người Chứt và các dân tộc khác sinh sống - nhằm tạo điều kiện cho bà con người Chứt ở Rào Tre sang giao lưu, kết hôn khắc phục tình trạng hôn nhân cận huyết thống. Những dịp như 2 tết truyền thống của người Chứt (tết lấp lỗ và Tết Chăm-cha-bới), tết cổ truyền của dân tộc sẽ là điều kiện thuận lợi để các bạn trẻ giao lưu, tìm hiểu, nên vợ thành chồng. Tất nhiên, thanh niên ở Quảng Bình cũng gây khó dễ, vậy nên theo Trung tá Tuấn, lực lượng biên phòng ở 2 địa phương cũng sẽ phối hợp với nhau để tránh tình trạng tranh chấp, đánh nhau quanh chuyện “trâu ta ăn cỏ đồng ta”.

Một vấn đề khác, là giải quyết tình trạng thiếu đất sản xuất. Theo kế hoạch, trong quý III và IV năm 2017, sẽ làm mới 11 nhà tại bản mới và tổ chức di dời 11 hộ dân tại bản cũ sang bản mới. Cũng từ đây, các hộ gia đình sẽ có thêm đất để làm ruộng, chăn nuôi, trồng rừng… Nhiều giải pháp cụ thể đã được đưa ra, từ tuyên truyền, vận động, xây dựng các mô hình phát triển kinh tế,… đến giao trực tiếp cho các tổ chức, ngành, đoàn thể đỡ đầu các hộ dân cụ thể để phát triển kinh tế vườn đồi, vườn hộ và đời sống dân sinh, văn hóa xã hội; hướng dẫn bà con các kỹ thuật canh tác, chăn nuôi và thu hoạch…

 
Chị Hồ Thị Quế (hàng trên) và Hồ Thị Núi (hàng sau)
hy vọng sẽ có nhiều đất để sản xuất, chăn nuôi

Gặp tại hội trường của tổ công tác biên phòng Bản Giàng khi đến nhận quà tết, chị Hồ Thị Quế cười xòa thật vô tư, khi tôi hỏi tuổi, rồi bảo là “bó tay, cha mẹ sinh đẻ không biết tuổi tác”. Chồng chị Quế không may mất sớm, nhà chỉ có ba mẹ con, “con đi làm thuê, chăn nuôi gà, vịt, ruộng có 5-6 thước thôi, may được mùa thì được 2 bao lúa. Trong nhà không có cái chi. Nhà nước lo chu đáo, rất cảm ơn”. Không riêng gì nhà chị Quế, mà cả bản Giàng trong tình trạng đất ít, người nhiều, nên ngay cả muốn làm để đủ ăn cũng khó. Vì vậy, khi bà con chuyển đến khu tái định cư, sẽ có thêm đất để sản xuất, chăn nuôi. Ai cũng rất phấn khởi đợi đến ngày đó. Chả thế mà cứ nhắc đến là cười, là hy vọng.

Hồ Thị Núi năm nay 22 tuổi, đã có 2 con sau khi kết hôn với chồng là người dân tộc Chứt ở tỉnh Quảng Bình. Núi học hết lớp 9 rồi thôi, nên không lạ gì khi thấy tôi “đánh máy” những lời cô nói bằng điện thoại di động, chỉ đọc rồi cười cười. Chồng Núi đi rừng, đi làm thuê “kiếm thêm đồng ra đồng vào để mua thức ăn”. Núi ở nhà chăm lo đồng ruộng, nuôi gà. Cuộc sống cũng khó khăn, nhưng được “bộ đội chăm lo cái ăn, cái ở. Nuôi con đủ ăn”. Núi háo hức, trông đợi ngày được đến nơi ở mới, có thêm ruộng, thêm đất để cấy hái, chăn nuôi, trồng rừng. Và rồi, có thêm thu nhập, có thể tự lo cho gia đình, chứ không trông đợi mãi vào “bầu sữa” Nhà nước, các nhà hảo tâm…

 
 Em Hồ Thị Ngoan mong muốn sau này sẽ trở thành cô giáo

Nhiều người hy vọng vào sự mở rộng bản Giàng. Nhưng còn điều đáng hy vọng nữa, đó là sự học của thế hệ trẻ. Hiện nay, có 46 em người Chứt đi học, trong đó cấp mầm non là 16, tiểu học là 18, trung học cơ sở là 5, trung học phổ thông là 7 em. Nhận xét chung, “cơ bản con em đồng bào dân tộc Chứt tham gia học đều biết đọc, biết viết”. Hồ Thị Ngoan là học sinh lớp 3, sáng sáng vẫn đến đồn biên phòng lấy xe đạp đi học, chiều về lại cất. Ngoan đi học cả ngày, được hỗ trợ toàn bộ sách vở, học phí, trong lớp chỉ có 6 bạn. Tôi hỏi nhanh, Ngoan nghe không rõ, hay phải hỏi lại. Ngoan “không biết học để làm gì”, nhưng hỏi ước mơ sau này thì “muốn làm cô giáo” và không giải thích vì sao, chỉ bẽn lẽn mỉm cười, quay mặt đi.

“Mấy năm nay thay đổi nhiều, cuộc sống được nâng lên. Nhưng để bà con tự chủ, quyết định được cuộc sống của mình ngay là rất khó. Hy vọng, thế hệ sau được ăn uống, học hành đầy đủ. Một thế hệ biết suy nghĩ, lo toan, được nâng cao dân trí sẽ tự làm chủ được bản thân”, Trung tá Võ Anh Tuấn hy vọng. Đó hẳn là điểm tựa để bà con đồng bào Chứt thoát dần, dứt khoát khỏi sự phụ thuộc, ỷ lại. Để đồng bào Chứt có thể tự chủ được cuộc sống, đặc biệt khi thế hệ trẻ đã được ăn uống đủ đầy, học hành chu đáo… Để rồi, những năm tới đây, khi có dịp đến thăm người Chứt mỗi dịp tết đến, xuân về, sẽ không còn thấy những xe tải, những đoàn người tặng quà từ thiện, sẻ chia nghĩa cử ấm nồng, mà tận thấy bà con tưng bừng, đủ đầy, tự chủ vui xuân, đón tết./.