Bảo đảm quyền lợi của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam hiện nay

Loan Anh Đại học Văn hóa Hà Nội
21:43, ngày 14-12-2016

TCCSĐT - Đại hội XII của Đảng (tháng 01-2016) đề ra chủ trương: Tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách, tạo chuyển biến rõ rệt trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội vùng dân tộc thiểu số, nhất là các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, Tây duyên hải miền Trung, nhằm nâng cao đời sống cho đồng bào các dân tộc thiểu số; chống kỳ thị dân tộc; nghiêm trị những âm mưu, hành động chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc.

Thực trạng bảo đảm quyền lợi của các dân tộc thiểu số

Trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, việc ban hành và thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật, chương trình, dự án nhằm bảo đảm thực hiện quyền lợi của đồng bào dân tộc thiểu số luôn phải giữ vững nguyên tắc bình đẳng giữa các dân tộc. Mọi công dân, không phân biệt về giới tính nam - nữ, dân tộc, văn hoá, nghề nghiệp, nơi cư trú,… đều được hưởng giá trị như nhau và đóng góp như nhau cho sự phát triển của đất nước.

Theo Điều 2, Luật Hôn nhân và gia đình (năm 2000), hôn nhân giữa công dân Việt Nam thuộc các dân tộc, giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài, được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ. Trong quan hệ hôn nhân và gia đình, những phong tục tập quán thể hiện bản sắc của mỗi dân tộc mà không trái với những nguyên tắc quy định pháp luật thì được tôn trọng và phát huy. Trong quan hệ dân sự, các bên đều bình đẳng, không được lấy lý do khác biệt về dân tộc, giới tính, thành phần xã hội, hoàn cảnh kinh tế, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ văn hóa, nghề nghiệp để đối xử không bình đẳng (theo Điều 5, Bộ luật Dân sự, 2015). Mọi người đều có quyền làm việc, tự do lựa chọn việc làm và nghề nghiệp, học nghề và nâng cao trình độ nghề nghiệp, không bị phân biệt đối xử về giới tính, dân tộc, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo (theo Điều 5, Bộ luật Lao động sửa đổi, bổ sung năm 2004).

Việc tuân thủ các quy định pháp luật kể trên là để việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của công dân của đồng bào dân tộc thiểu số có cơ sở thực hiện được một cách bình đẳng trong thực tế cuộc sống; tránh những quy định tạo ra sự không phù hợp, thiếu tính khả thi khiến cho công dân người dân tộc thiểu số không thể thực hiện được, hay không tuân thủ, nghi ngờ hoặc đôi khi vi phạm nó.

Cho đến nay, Nhà nước đã thực hiện nhiều chương trình phát triển kinh tế - xã hội nhằm bảo đảm thực hiện quyền lợi của đồng bào dân tộc thiểu số. Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi, biên giới, vùng sâu, vùng xa (Chương trình 135) gồm 3 giai đoạn (giai đoạn 1: 2001 - 2005; giai đoạn 2: 2006-2010; giai đoạn 3: 2011 - 2015); Chương trình hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, có đời sống khó khăn (Chương trình 134); Quyết định số 54 (2012) của Thủ tướng Chính phủ về Chính sách cho vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn giai đoạn 2012 - 2015;...

Kết quả là đa số đồng bào dân tộc thiểu số đã được bảo đảm những quyền lợi cơ bản, như thoát nghèo và được cải thiện đời sống; được tiếp cận khá thuận lợi với các nguồn lực sản xuất, phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt ở những xã đặc biệt khó khăn, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống; được tiếp cận với cơ hội việc làm; được tiếp cận với giáo dục, đào tạo và tiến bộ khoa học và công nghệ, thông qua việc xây dựng các trường tiểu học, nhà mẫu giáo, trường trung học, các trường dân tộc nội trú; hỗ trợ kinh phí cho nhiều hộ nghèo người dân tộc trong giáo dục, đào tạo,...; được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại xã và một phần tại ngay thôn, bản, buôn, ấp; được trợ giúp pháp lý; được tham gia vào đời sống văn hóa (mạng lưới dịch vụ bưu chính viễn thông, xây dựng giáo trình các thứ tiếng dân tộc, phát thanh, truyền hình bằng nhiều thứ tiếng dân tộc);...

Tuy nhiên, trước những thách thức mới của quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa,... tại những vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, đặc biệt tại vùng núi cao, biên giới, bộc lộ không ít hạn chế, thiếu sót, bất cập trong việc bảo đảm thực hiện quyền lợi cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Trước hết, đó là nhận thức về các quyền của người dân tộc thiểu số của các cơ quan Đảng, Nhà nước thiếu cụ thể, chưa sâu sắc, cả ở cấp trung ương và địa phương. Một số chính sách còn mang tính nhiệm kỳ, vụ việc, chồng chéo về đối tượng và địa bàn thụ hưởng; thiếu chính sách đầu tư trọng điểm, hiệu quả chưa cao, chưa bền vững, chưa mang tính khuyến khích hoặc lôi cuốn người dân tộc thiểu số tích cực, chủ động hoặc được tham gia phát triển sản xuất và tổ chức đời sống, đặc biệt trong các dự án, chương trình phát triển tại vùng dân tộc thiểu số.

Tiếp đó, chính sách, pháp luật chưa thiết lập được những tiêu chuẩn rõ ràng, phù hợp về các quyền của người dân tộc thiểu số trên các lĩnh vực chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội; sự phối hợp giữa các cơ quan, ban ngành thiếu đồng bộ; thiếu cơ chế kiểm tra, giám sát thường xuyên việc thực hiện các quyền của người dân tộc thiểu số. Năng lực của một số cơ quan trong việc thực thi chính sách, pháp luật còn hạn chế.

Thực trạng này bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân. Về khách quan, điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý và địa hình các xã đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa và biên giới hết sức khó khăn cho sản xuất và đời sống. Kết cấu hạ tầng, mặc dù đã được Nhà nước đầu tư nhiều trong thời gian qua nhưng vẫn bị chia cắt mạnh bởi đồi núi, sông suối, địa hình hiểm trở, giao thông đi lại nhiều khó khăn, gây cản trở cho việc tiếp cận với các dịch vụ công cộng, như y tế, giáo dục, thông tin, cập nhật tiến bộ của khoa học, công nghệ, giao lưu văn hóa.

Các xã đặc biệt khó khăn, các xã biên giới, miền núi, vùng sâu, vùng xa,... có diện tích đất tự nhiên rộng lớn nhưng chủ yếu là đồi núi, diện tích đất sản xuất nông nghiệp ít, địa hình dốc rất khó khăn cho sản xuất nông nghiệp. Thời tiết, khí hậu của miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới khắc nghiệt và thường xuyên xuất hiện những hiện tượng thời tiết cực đoan ảnh hưởng lớn đến đời sống, sản xuất và triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ. Mùa mưa với lượng mưa lớn kết hợp với gò đồi miền núi độ dốc cao nên gây ra hiện tượng rửa trôi, xói mòn lớn, lũ quét, lũ ống, nhiều vùng thường hay xảy ra hiện tượng mưa đá, lốc xoáy. Mùa khô thì thiếu nước trầm trọng, hạn hán, có nhiều vùng còn thiếu nước sinh hoạt, thiếu nước sản xuất. Những bất lợi này ảnh hưởng rất lớn đến đời sống sinh hoạt, ảnh hưởng sản xuất của đồng bào dân tộc.

Về chủ quan, các cơ quan quản lý và cán bộ công chức phụ trách các vấn đề liên quan đến công tác dân tộc từ trung ương đến địa phương trong nhiều năm qua đã nỗ lực trong việc xây dựng và thực thi các văn bản pháp luật bảo đảm các quyền của các dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, việc tham mưu soạn thảo, xây dựng và ban hành pháp luật có khi còn chủ quan, chưa phù hợp với thực tiễn, không phù hợp với điều kiện tự nhiên, bản sắc văn hóa vùng dân tộc.

Các cơ quan nhà nước và cán bộ, công chức quản lý các vấn đề dân tộc ở các cấp huyện, cấp tỉnh, cấp bộ, ngành trung ương thường có cái nhìn tổng quát về vấn đề dân tộc thiểu số thông qua báo cáo, mà ít nắm được tình hình thực tiễn, thường nhìn nhận công tác dân tộc với quy mô cả nước, cả khu vực chứ chưa có cái nhìn riêng đối với đặc điểm của từng địa bàn, địa phương cụ thể, vì vậy không thể nắm rõ được những thuận lợi, thế mạnh hay những hạn chế, yếu kém của từng khu vực, địa phương. Điều này dẫn đến tình trạng khi tiến hành xây dựng và thực thi các văn bản pháp luật về vấn đề dân tộc thiểu số thường không phù hợp với điều kiện thực tiễn, hoặc phù hợp với khu vực này mà không phù hợp với khu vực khác.

Sự phối hợp, phân công công việc trong xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật về công tác dân tộc giữa các cơ quan nhà nước ở trung ương và giữa các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương vẫn còn nhiều hạn chế. Hệ quả dẫn đến việc xây dựng và thực thi các văn bản pháp luật về dân tộc thiểu số thường chồng chéo nhau, gây khó khăn cho các địa phương khi triển khai, thi hành cũng như báo cáo kết quả thực hiện.

Trình độ quản lý, năng lực tổ chức thực thi các văn bản chính sách, pháp luật của cơ quan và cán bộ, công chức của các địa phương miền núi, vùng sâu, vùng xa, nhất là ở cấp xã khá hạn chế, còn sai phạm. Một số cơ quan và cán bộ nhà nước khi triển khai các văn bản pháp luật còn thiếu chủ động; chưa minh bạch trong việc rà soát các đối tượng được thụ hưởng chính sách; chậm trễ trong công tác thông tin, báo cáo tình hình triển khai văn bản pháp luật, quá trình thực hiện, những thuận lợi, khó khăn với các cơ quan quản lý cấp trên; chưa thực hiện đúng chế độ công tác quản lý, chưa giám sát chặt chẽ việc thực hiện các chế độ cho đối tượng được hưởng chế độ;… Cơ chế kế hoạch hóa tập trung còn ảnh hưởng đến tư tưởng, tâm lý của nhiều cán bộ lãnh đạo nên vẫn còn hiện tượng “quan liêu, ỷ lại và chờ bao cấp”. Những nguyên nhân này dẫn đến tình trạng các văn bản pháp luật của Nhà nước được xây dựng, ban hành là phù hợp, đúng đắn, hướng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đồng bào dân tộc thiểu số nhưng khi triển khai tại địa phương, cơ sở không đạt được hiệu quả mong muốn.

Ở nhiều địa phương, tỷ lệ cán bộ qua đào tạo chuyên môn thấp, trình độ văn hóa không cao, chưa nghiêm túc và còn sai phạm trong thực hiện Quy chế thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan. Nhiều cán bộ còn chưa chủ động trong công tác nắm tình hình thực tiễn tại cơ sở, không nắm rõ được tình hình thực tiễn đang diễn ra tại địa phương mình, chưa thực hiện tốt chế độ thông tin, báo cáo, đề xuất, kiến nghị kịp thời.
Hiện nay, do có nhiều quy định về chính sách, pháp luật liên quan đến quyền lợi của đồng bào dân tộc thiểu số, nên gây ra sự đan xen, chồng chéo, đặc biệt là sự chồng chéo về đối tượng thụ hưởng, cách thức bầu chọn đối tượng thụ hưởng ở địa phương, định mức hỗ trợ,... Mỗi chính sách là do một cơ quan, ban, ngành có nhiệm vụ chủ trì triển khai, ví dụ: Bộ Kế hoạch Đầu tư được giao phụ trách Chương trình 134; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được giao Chương trình 135 giai đoạn I và II; Ủy ban Dân tộc được giao phụ trách Dự án đào tạo nâng cao năng lực cán bộ và cộng đồng thuộc Chương trình 135 giai đoạn II; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội được giao phụ trách Nghị quyết 30a;... Tình trạng nhiều cơ quan chủ trì trong một chính sách, chương trình đã gây ra sự khác biệt nhau trong chỉ đạo thực hiện và cách thức triển khai; từ đó gây khó khăn cho chính quyền địa phương, cơ sở trong tổ chức triển khai, thực hiện và báo cáo.

Phần lớn các quy định chính sách, pháp luật hỗ trợ đều tập trung vào một đối tượng thụ hưởng chủ yếu là hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số tại các xã đặc biệt khó khăn, miền núi và biên giới. Hệ quả là chính quyền nhiều địa phương đã nhầm lẫn trong việc áp dụng chế độ của chính sách, chương trình này sang chính sách, chương trình khác.

Trong khi đó, phần lớn văn bản hướng dẫn thực hiện các quy định chính sách, pháp luật ở cấp trung ương lại rất chậm được triển khai đến địa phương, cơ sở. Nguồn vốn từ ngân sách trung ương và vốn đối ứng của các địa phương trong một số chương trình, dự án, chậm được phân bổ, hay phân bổ nhỏ giọt, do đó, cơ sở không thể tổ chức triển khai, thực hiện, vì phải chờ vốn, mà rốt cuộc, là gây thiệt thòi cho các đối tượng thụ hưởng.

Một số chính sách về hỗ trợ xóa đói, giảm nghèo, cấp đất sản xuất, hỗ trợ nhà ở còn mang nặng tính hỗ trợ bằng hiện vật, hỗ trợ trực tiếp bằng tiền, hỗ trợ bằng hình thức cho vay lãi suất thấp,… mà chưa chú trọng đến khâu đào tạo, hướng dẫn sử dụng sự hỗ trợ của Nhà nước một cách hợp lý. Hậu quả là khi hết sự hỗ trợ, người dân tiếp tục rơi vào nghèo đói. Tình hình này làm gia tăng tâm lý ỷ lại, trông chờ sự giúp đỡ của Nhà nước, không muốn thoát nghèo để hưởng chế độ hỗ trợ cho hộ nghèo của một bộ phận không nhỏ đồng bào các dân tộc thiểu số.

Phương hướng, nhiệm vụ tiếp tục bảo đảm thực hiện quyền lợi của đồng bào dân tộc thiểu số

Về phương hướng: Cần tiếp tục thực hiện chính sách, pháp luật về bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ lẫn nhau giữa các dân tộc, nhằm tạo mọi điều kiện để các dân tộc thiểu số cùng phát triển, gắn bó mật thiết với sự phát triển chung của cộng đồng các dân tộc Việt Nam; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, ngôn ngữ, truyền thống tốt đẹp của các dân tộc; chống tư tưởng kỳ thị và chia rẽ dân tộc; và xây dựng, thực hiện các chính sách kinh tế, xã hội phù hợp với đặc thù của các vùng và các dân tộc thiểu số.

Về nhiệm vụ:

Trước tiên, về nhận thức, cần quán triệt các tư tưởng chỉ đạo được nêu trong Chiến lược Công tác dân tộc đến năm 2020 (do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào đầu năm 2013) là:

1/ Kiên trì, nhất quán thực hiện chính sách các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng giúp nhau cùng tiến bộ, bảo đảm ổn định, phát triển và hội nhập.

2/ Phát triển toàn diện kinh tế - xã hội, ưu tiên phát triển kết cấu hạ tầng, giảm nghèo và phát triển nguồn nhân lực ở vùng dân tộc thiểu số; từng bước hình thành các trung tâm kinh tế tại các vùng dân tộc thiểu số.

3/ Đầu tư phát triển đi đôi với thực hiện chính sách an sinh xã hội, giải quyết hài hòa lợi ích của người dân. Phát triển vùng dân tộc thiểu số bền vững, góp phần ổn định chính trị, bảo đảm an ninh, quốc phòng của đất nước.

4/ Huy động mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, trong đó ngân sách nhà nước là chủ yếu.

Tiếp đó, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật nhằm bảo đảm thực hiện quyền không bị phân biệt đối xử đối với các dân tộc thiểu số. Chính sách, pháp luật Việt Nam trong thời gian tới vẫn phải kiên trì, nhất quán nguyên tắc bình đẳng và nghiêm cấm phân biệt đối xử, kỳ thị với các dân tộc thiểu số; và chú ý bổ sung nguyên tắc “phân biệt đối xử mang tính tích cực” nhằm bù đắp những khó khăn, thiệt thòi do đặc điểm riêng của các dân tộc thiểu số đem lại.

Chính phủ cần khẩn trương xây dựng văn bản pháp luật về xử phạt vi phạm đối với những hành vi phân biệt đối xử, kỳ thị với người dân tộc thiểu số, xử phạt nghiêm khắc những đối tượng lợi dụng vấn đề dân tộc để gây thù hằn, chia rẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc thực hiện chính sách “Đại đoàn kết toàn dân” của Đảng và Nhà nước, xử phạt nghiêm minh các tổ chức, cá nhân lợi dụng các quy định về hỗ trợ phát triển vùng dân tộc thiểu số của Nhà nước gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của đồng bào các dân tộc thiểu số, gây bất bình đẳng giữa các dân tộc.

Hiện nay, văn bản cao nhất quy định riêng về công tác dân tộc chỉ dừng ở hình thức Nghị định (Nghị định 05/2011/NĐ-CP, ngày 14-01-2011, của Chính phủ, về Công tác dân tộc), chưa có Luật về Công tác dân tộc, vì vậy trong thời gian tới Nhà nước cần tiến hành soạn thảo và ban hành Luật về công tác dân tộc để bảo đảm hơn nữa quyền bình đẳng cho các dân tộc thiểu số về mặt pháp lý.

Tiếp đó, tập trung hoàn thiện quy định chính sách, pháp luật nhằm bảo đảm mức sống thích đáng cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Tiếp tục xây dựng và thực thi các văn bản pháp luật về phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững đã đem lại những tiến bộ vượt bậc cho vùng dân tộc thiểu số trong thời gian qua. Giải pháp chủ yếu là đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp kết hợp phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, thương mại, nghề truyền thống gắn với bảo vệ môi trường sinh thái; và phải bảo đảm nguồn vốn phân bổ có trọng tâm, trọng điểm, tránh phân bổ dàn trải, nhỏ giọt.

Chính phủ cần có những sửa đổi, bổ sung các chính sách về giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội vùng đặc biệt khó khăn hiện nay theo hướng khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của từng vùng dân tộc thiểu số, tăng cường ứng dụng khoa học - kỹ thuật, gắn sản xuất với bao tiêu sản phẩm, giảm hỗ trợ về tiền, tăng hỗ trợ về con giống, cây giống, vật tư nông nghiệp, chuyển giao kỹ thuật, khuyến nông, khuyến lâm. Bên cạnh đó, cần chú trọng đào tạo, hỗ trợ phát triển đội ngũ doanh nhân là người dân tộc thiểu số, hỗ trợ vốn, trang thiết bị và kỹ thuật cho những cơ sở sản xuất kinh doanh của người dân tộc thiểu số.

Các cơ quan nhà nước quản lý vấn đề dân tộc ở địa phương, như Ban Dân tộc, Phòng Dân tộc, Ủy ban nhân dân cấp xã, cần nâng cao trách nhiệm trong việc thi hành các văn bản pháp luật về phân bổ, quản lý, giám sát nguồn vốn; nâng cao trách nhiệm trong việc rà soát, công khai, minh bạch trong quá trình xét duyệt, công nhận các đối tượng đủ tiêu chuẩn hưởng sự hỗ trợ của Nhà nước. Trong thời gian tới, cần thực thi tốt hơn nữa trách nhiệm về quản lý nhà nước, trách nhiệm giám sát và trách nhiệm báo cáo tình hình triển khai văn bản pháp luật để kịp thời đưa ra những đề nghị, đề xuất với các cơ quan quản lý nhà nước cấp trên, nhằm thực hiện những điều chỉnh hay thay đổi phù hợp với từng thời điểm, từng vùng dân tộc thiểu số./.