Văn hóa dân gian với vấn đề xây dựng sản phẩm du lịch biển, đảo đặc thù ở tỉnh Quảng Ngãi
TCCSĐT - Với nhiều lợi thế so sánh, du lịch biển, đảo hiện nay đang ngày càng phát triển mạnh mẽ và trở thành sản phẩm đặc trưng cho các tỉnh miền Trung, trong đó có Quảng Ngãi. Tuy nhiên, muốn thu hút được du khách và phát triển du lịch bền vững, Quảng Ngãi cần có chiến lược khai thác các tài nguyên du lịch xây dựng thành các sản phẩm du lịch đặc thù, trong đó có việc phát huy tài nguyên văn hóa dân gian.
Yêu cầu xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù
Quảng Ngãi là một tỉnh duyên hải miền Trung có nhiều tiềm năng về tài nguyên du lịch. Bên cạnh 150 km đường bờ biển kéo dài từ An Tân đến Sa Huỳnh cùng nhiều bãi biển đẹp và nổi tiếng, như Sa Huỳnh, Mỹ Khê, Lệ Thủy, Minh Tân..., Quảng Ngãi còn nổi tiếng với đảo Lý Sơn - nơi có nhiều tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn, xứng đáng trở thành một trung tâm du lịch đảo hấp dẫn trong toàn quốc. Về vị trí địa - kinh tế, Quảng Ngãi nằm trong khu vực có sự phát triển du lịch năng động nhất ở Nam Trung Bộ với các trung tâm du lịch nổi tiếng như Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa), Đà Nẵng, Hội An (tỉnh Quảng Nam)... Cùng với sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy và chính quyền địa phương trong phát triển du lịch, Quảng Ngãi có nhiều lợi thế để có thể đưa du lịch phát triển và được kỳ vọng trở thành một trong những trung tâm du lịch mới của cả nước.
Tính đến năm 2013, toàn tỉnh Quảng Ngãi có 29 di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, 76 di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh được xếp hạng. Đây là nguồn tài nguyên phong phú, là tiền đề cho du lịch Quảng Ngãi có hướng phát triển du lịch văn hóa bên cạnh việc phát triển du lịch sinh thái dựa trên thế mạnh biển, đảo. Đã có nhiều nghiên cứu về du lịch Quảng Ngãi, song các tác giả chưa đề cập đến vai trò, tầm quan trọng của văn hóa dân gian trong việc phát triển sản phẩm du lịch của địa phương. Như vậy, hoạt động “chưng cất” từ tài nguyên du lịch nhân văn (có tài nguyên văn hóa dân gian) tạo thành sản phẩm du lịch đặc thù vẫn là khoảng trống trong nghiên cứu văn hóa dân gian ứng dụng ở vùng biển, đảo Quảng Ngãi.
Sản phẩm du lịch là tổng thể các dịch vụ, hàng hóa do người kinh doanh du lịch cung cấp cho du khách, đáp ứng nhu cầu nhiều mặt của du khách. Sản phẩm du lịch bao gồm các thành phần không đồng nhất, như đồ lưu niệm, các món ăn, không khí du lịch, thái độ ân cần, niềm nở, cử chỉ văn minh của người dân... Đó có thể là bầu không khí náo nhiệt, sôi động của hội đua thuyền Lý Sơn, hoặc cũng có thể là sự vui vẻ, tưng bừng trong những ngày hội ẩm thực biển Mỹ Khê. Sản phẩm du lịch bắt nguồn từ tài nguyên du lịch nhân văn và tài nguyên du lịch tự nhiên, đồng thời sản phẩm du lịch cũng bắt nguồn từ nụ cười, vẻ đẹp tâm hồn, lòng mến khách của cư dân và người làm du lịch. Do đó, muốn xây dựng sản phẩm du lịch cần nghiên cứu, khảo sát tài nguyên du lịch, trong đó có tài nguyên văn hóa dân gian.
Sản phẩm du lịch văn hóa dân gian ở biển, đảo Quảng Ngãi hiện nay vẫn mang dáng dấp chung của biển, đảo miền Trung. Để phát triển du lịch Quảng Ngãi hơn nữa trong tương lai, phải tạo ra vẻ đẹp và sức hút riêng từ sản phẩm du lịch của địa phương. Vì vậy, cần nghiên cứu tính riêng trong văn hóa dân gian Quảng Ngãi cùng với tài nguyên du lịch khác để “chưng cất” thành các sản phẩm du lịch đặc thù nhưng hấp dẫn. Sản phẩm du lịch đặc thù là sản phẩm xuất phát từ tính riêng trong tài nguyên, điều kiện du lịch Quảng Ngãi, là hồn cốt của du lịch Quảng Ngãi, có sự khác biệt với các sản phẩm du lịch biển chung chung. Sản phẩm đặc thù mang được vẻ đẹp hấp dẫn của Quảng Ngãi cũng trở thành những sản phẩm du lịch đặc trưng cho địa phương mà không nơi nào có được. Sản phẩm du lịch đặc thù được thổi hồn của văn hóa dân gian sẽ có sức hấp dẫn riêng, có khả năng thúc đẩy toàn bộ sự phát triển du lịch của Quảng Ngãi, mang thương hiệu Quảng Ngãi. Tính đặc thù, tính chất hấp dẫn sẽ tạo ra khả năng có nguồn thu lớn, tạo khâu đột phá trong phát triển du lịch của địa phương.
Nguyên tắc xây dựng sản phẩm du lịch văn hóa dân gian mang tính đặc thù
Thiết kế, xây dựng sản phẩm du lịch đòi hỏi phải tuân theo một quy trình cụ thể. Trước hết, cần phải nghiên cứu tài nguyên du lịch và đặc trưng văn hóa dân gian ở địa phương; tìm hiểu các điểm, khu du lịch, căn cứ vào nhu cầu du khách, tiềm năng mở rộng thị trường để xây dựng ý tưởng. Từ ý tưởng, doanh nghiệp và nhà tư vấn sẽ thiết kế các sản phẩm du lịch mang tính văn hóa dân gian. Các sản phẩm này phải đạt được yêu cầu mới và phải hấp dẫn, có khả năng được du khách chấp nhận. Nhưng điều quan trọng hơn đó phải là các sản phẩm đặc thù của Quảng Ngãi. Cũng là sản phẩm du lịch biển, nhưng du lịch biển ở Quảng Ngãi khác với ở Bình Định, Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa). Điểm khác đó do nhiều yếu tố quyết định, nhưng yếu tố hàng đầu phải là tài nguyên du lịch và “hồn cốt” văn hóa dân gian. Để thiết kế được các sản phẩm, đòi hỏi người sản xuất phải tiến hành sản xuất thử nghiệm, thăm dò nhu cầu du khách. Sau đó, người sản xuất tiến hành quảng cáo và bán sản phẩm. Cả một quy trình xây dựng sản phẩm đòi hỏi có sự tham gia, phối hợp chặt chẽ giữa nhà tư vấn (có thể là nhà nghiên cứu văn hóa dân gian), các nghệ nhân và doanh nghiệp du lịch. Tất nhiên, muốn xây dựng, thiết kế sản phẩm du lịch đặc thù đòi hỏi phải tuân theo hệ thống nguyên tắc quan trọng, cụ thể như sau:
Thứ nhất, sản phẩm du lịch mang tính văn hóa dân gian đặc thù phải chứa đựng cái hồn của văn hóa dân gian. Hồn của văn hóa dân gian phải trở thành cốt lõi của sản phẩm, tạo nên tính đặc thù riêng của từng vùng, miền khác nhau.
Thứ hai, khi thiết kế xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù là cần nghiên cứu xây dựng thành các chuỗi sản phẩm, trong đó có sản phẩm cốt lõi. Đây là loại sản phẩm đặc trưng, tinh túy nhất phản ánh vẻ đẹp đặc sắc, có sức hấp dẫn đối với du khách. Sản phẩm cốt lõi giữ vị trí trung tâm, hạt nhân của sản phẩm. Bên cạnh sản phẩm cốt lõi cần phải xây dựng các sản phẩm bổ trợ. Các sản phẩm này có khả năng kết nối với sản phẩm cốt lõi, bổ sung thêm tính đặc thù, đặc sắc của sản phẩm cốt lõi, có điều kiện thuận lợi cho du khách tham gia. Trong sản phẩm bổ trợ, cần xây dựng loại sản phẩm hoàn thiện. Sản phẩm hoàn thiện là những dịch vụ, hàng hóa cung cấp những tính năng, lợi ích vượt quá sự mong đợi của khách hàng, giúp cho sản phẩm đó hấp dẫn hơn các sản phẩm khác. Ví dụ, bên cạnh dịch vụ tắm biển ở Lý Sơn, còn có sản phẩm trải nghiệm, hướng dẫn khám phá các dải san hô bằng dịch vụ lặn biển, ngắm san hô bằng thuyền đáy kính.
Thứ ba, khi xây dựng sản phẩm du lịch văn hóa dân gian biển, đảo đặc thù cần hướng tới thị trường. Các sản phẩm này đều do nhu cầu của du khách và thị trường định hướng quyết định. Hiện nay, các sản phẩm đặc thù này cần phải nghiên cứu phù hợp với tâm lý các loại du khách như du khách nội địa, du khách đại trà Trung Quốc và du khách chất lượng cao của châu Âu. Thời gian gần đây, nhu cầu về sản phẩm du lịch đang có xu hướng biến đổi, khách du lịch ngày càng có nhu cầu khám phá những điều thú vị ở các điểm đến, trong đó có biển, đảo, như khám phá các làng chài ven biển, khám phá văn hóa chủ nhân các bãi biển. Từ du lịch mang tính chất thụ động (xem, ăn, nghỉ) chuyển sang loại hình du lịch chủ động, du khách đòi hỏi phải được thưởng thức, khám phá và trải nghiệm. Vì vậy, bãi biển Mỹ Khê, bãi biển ở Lý Sơn và các bãi biển khác của Quảng Ngãi không chỉ có các dịch vụ tắm biển, thưởng thức ẩm thực biển, nghỉ dưỡng ven biển mà cần phải có các dịch vụ khám phá tri thức dân gian biển, trải nghiệm cuộc sống của cư dân các làng chài. Chính nhu cầu trải nghiệm, khám phá của du khách đã trở thành mảnh đất màu mỡ cho các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian ứng dụng, xây dựng các sản phẩm du lịch mới.
Thứ tư, sản phẩm du lịch văn hóa dân gian đặc thù cần hướng tới mục tiêu phát triển du lịch bền vững. Các sản phẩm, dịch vụ phải bảo đảm các tiêu chí về bảo vệ môi trường, bảo vệ di sản văn hóa, bảo vệ quyền lợi của cộng đồng, bảo vệ an ninh, chủ quyền biển đảo. Nguyên tắc này sẽ xóa bỏ những “tư duy nhiệm kỳ”, xóa bỏ “lợi ích nhóm”, ngăn chặn được những vụ lộn xộn như tình trạng kinh doanh du lịch theo kiểu chộp giật vì lợi ích trước mắt, quên mất lợi ích lâu dài, bỏ qua lợi ích của thế hệ mai sau. Nguyên tắc phát triển bền vững cũng đòi hỏi những nhà hoạch định chính sách, quy hoạch hạ tầng du lịch phải thận trọng, dày công nghiên cứu. Mọi dự án về du lịch ở biển đảo, đòi hỏi phải có sự tham gia của các nhà khoa học, trong đó có các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian.
Thứ năm, cần kiên quyết chống tệ nạn làm sản phẩm giả, “hàng nhái” sản phẩm du lịch văn hóa dân gian. Vì thế, không thể đóng giả lễ hội, không thể làm giả các nghi lễ linh thiêng để thu hút khách dẫn đến tình trạng giải thiêng.
Các nguyên tắc xây dựng sản phẩm du lịch mang tính văn hóa dân gian đặc thù cần được xem xét trong tính hệ thống, tổng thể của chiến lược phát triển sản phẩm du lịch.
Thực trạng và giải pháp xây dựng sản phẩm du lịch ở Quảng Ngãi
Dù có nhiều lợi thế so sánh trong phát triển du lịch, đồng thời những năm gần đây đã có nhiều bước “bứt phá”, nhưng du lịch Quảng Ngãi hiện nay vẫn chưa thực sự phát triển mạnh (so với các địa phương khác trong vùng). Một nguyên nhân quan trọng là các sản phẩm du lịch của Quảng Ngãi còn đơn điệu, chưa có tính đặc thù và chưa thực sự phong phú. Trước hết, các sản phẩm du lịch về biển của Quảng Ngãi “na ná” giống như các tỉnh khác trong vùng. Các sản phẩm mới chỉ dừng lại ở mức độ đáp ứng nhu cầu thăm quan, ngắm cảnh, chứ chưa xây dựng thành các chuỗi sản phẩm trải nghiệm, khám phá. Bãi biển Mỹ Khê cũng giống như các bãi biển ở Bình Định, Phú Yên, Đà Nẵng... Nàng tiên cá xinh đẹp của du lịch Quảng Ngãi chưa có vẻ đẹp quyến rũ riêng, chưa mặn mà và có nét duyên riêng nên lẫn vào hàng trăm, hàng nghìn các nàng tiên cá khác.
Khảo sát các sản phẩm du lịch của Công ty Cổ phần Du lịch Quảng Ngãi và các hãng lữ hành khác cho thấy du lịch Quảng Ngãi chủ yếu xây dựng sản phẩm trên hai tour chính là “Lý Sơn - biển đảo quê hương” và “Theo dòng nhật ký Đặng Thùy Trâm”. Trong 5 tour du lịch được Công ty Cổ phần Du lịch Quảng Ngãi quảng bá thì có tới 3 tour có điểm đến là bãi biển Mỹ Khê và nội dung hoạt động của điểm đến này chỉ là tắm biển. Một số tour du lịch khác có tên gọi khác nhưng nội dung của sản phẩm cũng giống như 2 tour trên. Điểm nổi bật trong việc xây dựng sản phẩm du lịch ở các tour này là thiếu các sản phẩm văn hóa dân gian. Ngoài chương trình du lịch ở đảo Lý Sơn có giới thiệu nhiều về các di sản văn hóa phi vật thể, như lễ hội “Khao lề thế lính Hoàng Sa”; còn các di sản văn hóa dân gian khác, như nghệ thuật hát bài chòi, các ngành nghề thủ công nổi tiếng, văn hóa của các làng chài... ít được các doanh nghiệp xây dựng thành các sản phẩm du lịch. Đặc biệt, trong các điểm du lịch của Quảng Ngãi còn ít loại hình du lịch trải nghiệm, du lịch khám phá...
Trước thực trạng trên, du lịch Quảng Ngãi muốn cất cánh thì cần phải thoát ra cái chung và tạo được vẻ đẹp riêng biệt. Du lịch Quảng Ngãi cần căn cứ vào tính riêng của tài nguyên du lịch nhân văn, tài nguyên du lịch tự nhiên để xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù. Ở đảo Lý Sơn, bên cạnh chương trình du lịch “Lý Sơn - biển đảo quê hương”, cần nghiên cứu bổ sung chương trình riêng mang tính khám phá, như chương trình “Tiếng gọi Hoàng Sa”, “Lý Sơn - mùa tỏi”, “Khám phá núi lửa xưa”, “Hành trình của các thần linh”... Ở các chương trình này, vừa lựa chọn các di tích làm điểm nhấn, vừa khai thác các di sản văn hóa dân gian phi vật thể (lễ hội, phong tục, nghề thủ công, ẩm thực...) tạo thành các sản phẩm bổ trợ. Ví dụ chương trình “Hành trình của các thần linh” sử dụng các chất liệu từ nghi lễ thờ cúng âm hồn, làm mộ gió, thờ cá ông, tưởng nhớ các chiến sỹ bảo vệ Hoàng Sa... để xây dựng thành sản phẩm du lịch. Sản phẩm này kết hợp với việc chế tác các đồ thủ công mỹ nghệ theo chủ đề, như mô hình con thuyền của các chiến sỹ Hoàng Sa xưa, mô hình của các người lính trở thành những sản phẩm thiêng nhưng mang tính đồ lưu niệm... Hoặc bổ sung các trải nghiệm về khám phá biển, khám phá san hô, khám phá tri thức dân gian về văn hóa tỏi cùng những sản phẩm mang tính đặc sản của tỏi, của đảo Lý Sơn... Các chương trình du lịch khác về bãi biển đẹp Mỹ Khê, về cửa biển, cửa sông, các khu chứng tích Sơn Mỹ, khu di tích Sa Huỳnh, các danh thắng núi Ấn, sông Trà... cần gắn với việc khai thác các di sản nghề thủ công, ẩm thực, tri thức dân gian trong sinh hoạt đời thường nhằm tạo thành các sản phẩm du lịch đặc thù, mang đậm văn hóa dân gian của từng vùng ở Quảng Ngãi. Một số điểm du lịch đã được khai thác, như bãi biển Mỹ Khê, khu chứng tích Sơn Mỹ cần nghiên cứu, kết nối, khám phá sinh hoạt văn hóa dân gian các ngôi làng chài, làng nông nghiệp... Mặt khác, nghiên cứu một số nghề thủ công được khai thác thành sản phẩm du lịch vừa đáp ứng nhu cầu trải nghiệm (tham gia vào một số công đoạn tự sản xuất đồ thủ công), mua các sản phẩm thủ công, sản phẩm đặc sản với hình thức đồ lưu niệm, hàng đặc sản...
Linh hồn của các sản phẩm du lịch đặc thù là các bài thuyết minh của hướng dẫn viên, các tài liệu giới thiệu về các di sản văn hóa, các địa danh, đặc trưng ẩm thực... Vì vậy, Hội Văn nghệ dân gian Quảng Ngãi cần tích cực nghiên cứu và cung cấp các kiến thức chuẩn, khoa học cho các hướng dẫn viên, thuyết minh viên ở địa phương và toàn quốc về du lịch Quảng Ngãi; tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn hướng dẫn viên, thuyết minh viên.
Bản thân của ngành du lịch là ngành kinh tế liên kết tổng hợp, vì vậy, cần có giải pháp liên kết du lịch hấp dẫn. Bên cạnh việc liên kết phát triển du lịch giữa các tỉnh ven biển miền Trung, cần liên kết theo hướng văn hóa “biển và rừng”, trong đó, chú trọng liên kết với các tỉnh Tây Nguyên nhằm kết nối văn hóa biển ở Quảng Ngãi với văn hóa rừng ở Tây Nguyên. Các yếu tố văn hóa rừng sẽ bổ sung cho sản phẩm du lịch biển và tạo thành tour du lịch liên thông giữa cửa biển với đầu nguồn sông; giữa văn hóa dân gian miền biển với văn hóa dân gian miền rừng.
Như vậy, dựa vào yếu tố văn hóa dân gian để xây dựng các sản phẩm du lịch mang tính đặc thù sẽ góp phần cho Quảng Ngãi có vẻ đẹp riêng, sức hấp dẫn riêng. Sản phẩm du lịch đặc thù sẽ làm cho du lịch Quảng Ngãi cất cánh. Phát triển sản phẩm du lịch đặc thù đòi hỏi phải có những giải pháp mang tính chất tổng thể, trong đó có sự liên kết chặt chẽ giữa nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, nghệ nhân dân gian với doanh nghiệp du lịch. Văn hóa dân gian không chỉ đi tìm các vẻ đẹp cổ xưa hay ca ngợi cái hay, cái đẹp của ca dao Quảng Ngãi mà văn hóa dân gian thực sự là nguồn lực để phát triển du lịch. Từ di sản, văn hóa dân gian sẽ trở thành tài sản của du lịch./.
Hội nghị quốc tế về Du lịch và Thể thao Đà Nẵng 2016  (20/09/2016)
Tai biến môi trường - Một mặt trận an ninh phi truyền thống nóng bỏng  (20/09/2016)
Sự kiện trong nước nổi bật tuần qua (từ 12 đến 18-9-2016)  (20/09/2016)
Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phát hiện vụ, việc tham nhũng, lãng phí thông qua kiểm toán  (20/09/2016)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm