Tai biến môi trường - Một mặt trận an ninh phi truyền thống nóng bỏng
TCCS - Tai biến môi trường là khái niệm được nhắc đến nhiều trong những năm gần đây. Tai biến môi trường đã và đang gây ra những quan ngại lớn cho tất cả các quốc gia trên thế giới, đe dọa nghiêm trọng đến sự tồn tại, phát triển của con người và đã trở thành mặt trận an ninh phi truyền thống nóng bỏng. Báo cáo Phát triển con người của Liên hợp quốc năm 2004(1) cũng đã khẳng định an ninh phi truyền thống gồm an ninh con người, an ninh cộng đồng và bao hàm 7 lĩnh vực chính là kinh tế, lương thực, sức khỏe, môi trường, con người, cộng đồng và chính trị.
Tai biến môi trường
Tai biến môi trường là điều kiện, yếu tố, hiện tượng, quá trình xảy ra trong môi trường sống, gây nguy hiểm và tổn hại cho tính mạng, sức khỏe, tài sản, hoạt động của con người, dẫn đến rối loạn và mất cân bằng trong phát triển kinh tế - xã hội và có thể gây hậu quả nguy hiểm cho tính mạng, tài sản của con người cũng như ảnh hưởng xấu tới môi trường tự nhiên.
Tùy vào mức độ thiệt hại do tai biến gây ra mà người ta phân biệt giữa sự cố môi trường, hiểm họa môi trường và thảm họa môi trường. Sự cố môi trường thường xảy ra trong phạm vi hẹp, gây thiệt hại không lớn. Hiểm họa môi trường gây tác hại tương đối lớn về tính mạng, tài sản của con người trong phạm vi một bộ phận của môi trường. Thảm họa môi trường gây thiệt hại rất lớn về tính mạng, tài sản của con người, trên diện rộng, phá vỡ cân bằng từng khu vực lớn của môi trường.
Dựa vào tác nhân gây tai biến, có thể phân biệt tai biến môi trường thành ba nhóm: tai biến tự nhiên, tai biến nhân sinh và tai biến hỗn hợp. Dựa vào bản chất, có thể chia thành ba nhóm: tai biến vật lý (địa vật lý); tai biến hóa học (địa hóa); tai biến sinh học. Dựa vào tốc độ, trường độ, có ba nhóm: Tai biến đột khởi là những tai biến xảy ra nhanh, kết thúc nhanh, khó cảm nhận được; tai biến trường diễn xảy ra từ từ và kéo dài; tai biến lúc trường diễn, lúc đột khởi.
Giáo sư Đa-vít A-lê-xan-đơ (David Alexander) phân loại tai biến môi trường dựa vào tần suất hoặc kiểu xuất hiện, như tai biến xảy ra theo mùa (bão, gió xoáy, lũ lụt, hỏa hoạn, trượt lở đất, đá đổ, xói mòn,...); tai biến xảy ra không theo mùa (sét đánh, sóng thần, hỏa hoạn,...); tai biến xảy ra không định kỳ (núi lửa, động đất, sụt lún đất,...).
Hậu quả của tai biến phụ thuộc vào các nhóm yếu tố, như đặc điểm tai biến, độ nhạy cảm tai biến và khả năng chống chịu tai biến của môi trường, độ nhạy cảm tai biến và mức độ tổn thương của các thành tạo nhân sinh, khả năng ứng xử tai biến của con người. Những đặc trưng của tai biến quyết định khả năng tàn phá của nó là cường độ, trường độ, ngưỡng, tần suất, cơ chế vận hành, khả năng bị chế ngự.
Khả năng ứng xử tai biến của con người phụ thuộc tuyến tính vào trình độ phát triển kinh tế - xã hội, khoa học kỹ thuật, kết cấu hạ tầng, dân trí, khả năng dự báo, nhận biết và cảnh báo tai biến, kinh nghiệm, chiến lược và chính sách phòng, chống tai biến.
Ngày nay, con người vừa là nạn nhân, vừa là nguyên nhân gây ra tai biến môi trường. Nhiều hoạt động nhân sinh góp phần làm tăng tính nặng của tai biến môi trường. Bùng nổ dân số làm tăng các tai biến kinh tế - xã hội, bệnh tật, tai biến liên quan đến ô nhiễm môi trường, cường hóa các tai biến ngoại sinh, làm tăng tính nhạy cảm tai biến môi trường.
Mức độ thiệt hại do tai biến gây ra còn phụ thuộc vào khả năng của hệ thống nói chung, cá nhân cộng đồng nói riêng trong việc đối phó, chống đỡ, tự phục hồi trước tác động của tai biến. Khả năng đó được gọi là tính dễ bị tổn thương. Tác hại của tai biến tỷ lệ thuận với khả năng dễ bị tổn thương hệ thống của cá nhân trong cộng đồng và các thành tạo nhân sinh. Nếu trình độ phát triển kinh tế - xã hội, khoa học - công nghệ, kết cấu hạ tầng, chính sách, tri thức và kinh nghiệm cảnh báo, phòng, chống tai biến và quỹ bảo hiểm tai biến càng thấp thì tính dễ bị tổn thương càng cao. Nghèo đói và chạy đua vũ trang, chế độ chính sách phòng, chống tai biến thiếu và không hợp lý cũng có thể làm tăng tính dễ bị tổn thương của cá nhân và cộng đồng nói riêng, và của một hệ thống nói chung.
Tai biến tác động mạnh và sâu sắc tới con người, gây tử vong và thương tích, tổn thất tài sản, hoảng loạn, thất vọng, thúc đẩy khủng hoảng kinh tế - xã hội, phá hủy kết cấu hạ tầng; môi trường bị ô nhiễm làm mất vẻ đẹp và hài hòa của không gian sống; cảnh quan bị biến dạng, bị tàn phá, thảm thực vật bị phá hủy, tài nguyên suy giảm cả chất lượng và số lượng...
Tai biến môi trường - mặt trận an ninh phi truyền thống
Hầu hết các nước tham gia các công ước về môi trường của Liên hợp quốc đều xác định biến đổi khí hậu, các thảm hoạ môi trường là vấn đề an ninh phi truyền thống đang đe dọa nghiêm trọng sự ổn định an ninh chính trị của tất cả các nước trên thế giới.
Để gây chú ý với thế giới, ngày 18-10-2009, tại cuộc họp ở độ sâu 4m dưới đại dương, Tổng thống Man-đi-vơ đã ký một văn bản để đệ trình Hội nghị Thượng đỉnh về khí hậu của Liên hợp quốc diễn ra vào tháng 12-2009. Văn bản đưa ra cảnh báo toàn cầu về những việc đang và sẽ diễn ra ở quốc đảo này nếu nhân loại không quan tâm đến việc ứng phó với biến đổi khí hậu, rằng “Man-đi-vơ là quốc gia đứng ở tuyến đầu. Đây không phải là vấn đề của riêng Man-đi-vơ mà là của cả thế giới. Nếu chúng ta không thể cứu Man-đi-vơ ngày nay, các vị không thể cứu cả thế giới về sau. Biến đổi khí hậu đang diễn ra và nó đe dọa quyền lợi cũng như an ninh của thế giới và của tất cả mọi người trên trái đất”(2).
Cách đây khoảng 40 năm, thế giới nhận ra rằng, môi trường toàn cầu đã bị hủy hoại nghiêm trọng, đứng trên bờ một quá trình không thuận nghịch dẫn tới thảm họa diệt sinh cho cả hành tinh của chúng ta. Với nhận thức chung như vậy, từ đó đến nay, đã có tới 300 công ước quốc tế về môi trường được ký kết. Trên thực tế, nước biển đang ngày càng dâng cao đã khiến một số thành phố lớn trên thế giới, như Đắc-ca (Băng-la-đét), Bu-ê-nốt Ai-rét (Ác-hen-ti-na), Ri-ô đờ Gia-nê-rô (Bra-xin), Thượng Hải, Thiên Tân (Trung Quốc), A-lếch-xan-đri-a, Cai-rô (Ai Cập), Mum-bai, Can-cút-ta (Ấn Độ), Gia-các-ta (In-đô-nê-xi-a), Tô-ky-ô, Ô-xa-ca (Nhật Bản), La-gốt (Ni-giê-ri-a), Băng-cốc (Thái Lan), Niu Oóc, Lốt An-giơ-lét (Hoa Kỳ), Thành phố Hồ Chí Minh (Việt Nam),... chịu ảnh hưởng trực tiếp, buộc con người phải có các hình thức đối phó hoặc các hình thức di cư khác ra khỏi nơi cư trú(3). Thủ đô Ma-lê, nơi tập trung tới 35% dân số của Man-đi-vơ - quốc đảo nằm ở vị trí thấp nhất trên thế giới, được bao quanh bởi một bức tường biển cao 3,5m. Bức tường này đã cứu thành phố khỏi thảm họa sóng thần năm 2004(4). Các chuyên gia cảnh báo rằng, nếu mực nước biển vẫn gia tăng với tốc độ như hiện tại thì Man-đi-vơ sẽ chìm hoàn toàn dưới biển vào năm 2100. Hơn 80% diện tích quốc gia ở Ấn Độ Dương này chỉ cao hơn mực nước biển chưa tới 1m.
Hội nghị về Biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc 2015 (COP 21 hoặc CMP 11) được tổ chức ở Pa-ri (Pháp) lần đầu tiên đạt được một thỏa thuận toàn cầu về ứng phó với biến đổi khí hậu trong các Thỏa thuận chung Pa-ri - Thỏa thuận được thông qua với sự tán thành của hầu hết các quốc gia tham gia Hội nghị. Những cam kết đề nghị đã được ước lượng để hạn chế sự nóng lên toàn cầu đạt 2,7 độ C vào năm 2100. Đây là một thắng lợi chưa có tiền lệ, cho thấy các quốc gia đã sẵn sàng hành động vì sự tồn vong môi trường sống của nhân loại.
Đặc biệt, ngày 6-5-2016, Hội thảo về An ninh môi trường trên Biển Đông đã được Trung tâm Đông - Tây tổ chức tại Thủ đô Oa-sinh-tơn (Hoa Kỳ). Những con số ấn tượng đã được đưa ra tại Hội thảo, như 80% các rạn san hô ở vùng biển này bị suy giảm, dẫn đến suy giảm nguồn cá, vì san hô chính là môi trường sinh thái để các loài cá biển phát triển. Từ những năm 60 của thế kỷ XX tới nay, số lượng các loài cá tại Biển Đông đã suy giảm khoảng một nửa.
Theo đánh giá của các chuyên gia, thời gian gần đây, việc Trung Quốc tiến hành hàng loạt các hoạt động tôn tạo, xây dựng trái phép một loạt các bãi đá nhân tạo với quy mô lớn tại Biển Đông là một trong những nguyên nhân dẫn tới những tác động tiêu cực về môi trường tại vùng biển này. Theo Giáo sư Giêm W. Bô-tơn (Đại học South Carolina), “Những gì Trung Quốc làm đang hủy hoại tương lai của Biển Đông, hủy hoại môi trường biển tại đây”. Hội thảo về An ninh môi trường trên Biển Đông cũng đề cập tới các giải pháp nhằm gìn giữ môi trường và nguồn tài nguyên tại khu vực quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Vấn đề đặt ra với Việt Nam
Cũng như một số nước dễ bị tổn thương khác, nước ta đã và sẽ tiếp tục phải chịu nhiều tai biến môi trường khách quan, bất khả kháng, khó lường, như bão tố, dông, lốc, lở đất, động đất, nước biển dâng, hạn hán,... Đồng thời, những tai biến do con người đang gây ra hằng ngày là đặc biệt hiểm họa. Chúng ta cần nhận diện và xác định những tai biến về môi trường do con người gây ra đã và đang ngày một nghiêm trọng, là vấn đề “An ninh quốc gia” dưới góc nhìn của mặt trận an ninh phi truyền thống. Hiện là nước nghèo nhưng Việt Nam đã tích cực tham gia ký 23 công ước quốc tế về môi trường. Quan điểm của chúng ta luôn rõ ràng và nhất quán, đó là: không đánh đổi môi trường lấy lợi ích kinh tế thuần túy.
Tuy nhiên, thực tế trên đất nước ta, con người đã và đang là tác nhân gây ra những tai biến nghiêm trọng dẫn đến những hệ lụy có thể đe dọa an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Nạn cháy rừng, chặt phá rừng bừa bãi kéo dài, sự phát triển ồ ạt của các khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp cùng cuộc chạy đua thu hút đầu tư “bằng mọi giá” ở một số tỉnh, thành phố, mà không có đủ giải pháp khắc phục ô nhiễm môi trường, đang đe dọa đến sức khỏe cộng đồng.
Theo báo cáo giám sát của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, tỷ lệ các khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung ở một số địa phương rất thấp, có nơi chỉ đạt khoảng 15% - 20%. Một số khu công nghiệp có xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung nhưng hầu như không vận hành vì để giảm chi phí. Đến nay, mới có 60 khu công nghiệp đã hoạt động có trạm xử lý nước thải tập trung (chiếm 42% số khu công nghiệp đã vận hành) và 20 khu công nghiệp đang xây dựng trạm xử lý nước thải. Bình quân mỗi ngày, các khu, cụm, điểm công nghiệp thải ra khoảng 30.000 tấn chất thải rắn, lỏng, khí và chất thải độc hại khác. Dọc lưu vực sông Đồng Nai, có 56 khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động nhưng chỉ 21 khu có hệ thống xử lý nước thải tập trung, số còn lại đều xả trực tiếp vào nguồn nước, gây tác động xấu đến chất lượng nước của các nguồn tiếp nhận... Có nơi, hoạt động của các nhà máy trong khu công nghiệp đã phá vỡ hệ thống thủy lợi, khiến cho những cánh đồng có nơi bị hạn hán, có nơi bị ngập úng và ô nhiễm nguồn nước tưới, gây thiệt hại rất lớn cho sản xuất nông nghiệp.
Nhìn chung, đại đa số các khu, cụm, điểm công nghiệp trên cả nước chưa đáp ứng được những tiêu chuẩn về môi trường theo quy định. Thực trạng này làm cho môi trường sinh thái ở các khu, cụm, điểm công nghiệp đó và nhiều địa phương lân cận bị ô nhiễm nghiêm trọng. Theo thống kê của Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, hiện nay cả nước có 2.790 làng nghề, trong đó có 240 làng nghề truyền thống, đang giải quyết việc làm cho khoảng 11 triệu lao động, bao gồm cả lao động thường xuyên và lao động không thường xuyên. Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm môi trường sinh thái tại các làng nghề, chủ yếu là do than, lượng bụi và khí CO, CO2, SO2 thải ra trong quá trình sản xuất khá cao, ảnh hưởng không chỉ trực tiếp đến cuộc sống, sinh hoạt và sức khỏe của những người dân làng nghề mà còn đến cả những người dân sống ở vùng lân cận. Đây cũng là nguyên nhân dễ làm nảy sinh các xung đột xã hội gay gắt.
Tại các đô thị lớn, tình trạng ô nhiễm cũng ở mức báo động nguy hiểm. Đó là các sự ô nhiễm về nước thải, rác thải sinh hoạt, rác thải y tế, không khí, tiếng ồn,... Nước thải, rác thải sinh hoạt ở đô thị hầu hết đều trực tiếp xả ra môi trường mà không có bất kỳ một biện pháp xử lý môi trường nào, ngoài việc vận chuyển đến bãi chôn lấp. Theo thống kê của cơ quan chức năng, mỗi ngày người dân ở các thành phố lớn thải ra hàng nghìn tấn rác; các cơ sở sản xuất thải ra hàng trăm nghìn mét khối nước thải độc hại; các phương tiện giao thông thải ra hàng trăm tấn bụi, khí độc. Trong tổng số khoảng 34 tấn rác thải rắn y tế mỗi ngày, Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh chiếm đến 1/3; bầu khí quyển của Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh có hàm lượng benzen và SO2 ở mức đáng báo động. Theo một kết quả nghiên cứu được công bố trong năm 2008 của Ngân hàng Thế giới (WB), trên 10 tỉnh, thành phố Việt Nam, xếp theo thứ hạng về ô nhiễm đất, nước, không khí, Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội là những địa bàn bị ô nhiễm đất nặng nhất. Theo báo cáo của Chương trình môi trường của Liên hợp quốc, thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đứng đầu châu Á về mức độ ô nhiễm bụi.
Trong tháng 4-2016, khu tổ hợp sản xuất thép Formosa (Đài Loan) đã gây ra thảm họa môi trường nghiêm trọng trên diện rộng tại 4 tỉnh ven biển miền Trung nước ta với nhiều hậu quả vô cùng nặng nề.
Với 54 trang báo cáo khoa học của 20 viện nghiên cứu chuyên ngành thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã có đủ thông tin, bằng chứng khoa học xác đáng để có thể kết luận nguyên nhân và thủ phạm gây ra thảm hoạ môi trường nghiêm trọng này.
Formosa Hà Tĩnh là khu tổ hợp sản xuất thép quy mô lớn có tổng vốn đầu tư dự kiến lên tới 28 tỷ USD (Giai đoạn 1 có mức đầu tư 10 tỷ USD), gồm một khu liên hợp gang thép có công suất 22,5 triệu tấn/năm, một cảng nước sâu và các tổ hợp năng lượng nhiệt điện 5 tổ máy x 150MW cung cấp điện năng cần thiết cho toàn bộ khu liên hợp. Dự án có tổng mức quỹ đất và mặt nước tới 3.300ha, giấy phép cấp 70 năm nhưng giá trị đầu tư cho giải pháp bảo vệ môi trường rất thấp.
Theo ý kiến của các chuyên gia, đối với loại hình sản xuất thép quy mô lớn như Formosa sử dụng than nghèo luyện cốc thì chi phí đầu tư trang bị cho hệ thống xử lý môi trường phải đạt 15% - 20% tổng giá trị dự án. Tuy nhiên, trên thực tế Formosa đã đầu tư chi phí bảo đảm môi trường quá thấp. Hơn thế nữa, Dự án Formosa cam kết sử dụng công nghệ “dập cốc khô” nhưng khi thi công lại tự đánh tráo thay đổi bằng công nghệ “dập cốc ướt” nên đã xả thải ra biển một lượng Cyanua, Phenol vô cùng lớn và những độc tố này khi kết tủa tạo nên các hợp chất sắt như những “ổ độc” di động theo dòng hải lưu gây nên sự hủy diệt hải sản, san hô và các loài thủy sinh khác trên một diện rộng kéo dài dọc bờ biển từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế. Hệ lụy của thảm hoạ tai biến môi trường thảm khốc này phải còn rất lâu mới phục hồi được các rạn san hô để cá về sinh sống.
Để bảo vệ môi trường Việt Nam cần những giải pháp căn cơ từ chiến lược, chính sách quốc gia, cùng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; càng đòi hỏi hơn sự công tâm, minh bạch và quyết liệt của bộ, ngành quản lý về môi trường; sự sáng suốt, không chạy đua thu hút đầu tư “bằng mọi giá” mà không đánh giá đúng tác động đến môi trường. Đặc biệt, cần thực hiện tốt trong thực tiễn quan điểm “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra” về vấn đề môi trường. Theo đó phải thực hiện tốt nhất chức năng giám sát của Quốc hội đối với các dự án nhạy cảm về môi trường. Công khai toàn bộ báo cáo đánh giá tác động môi trường trước công luận. Cho phép rộng rãi các nhà khoa học tiếp cận đầy đủ tài liệu để tham gia đóng góp ý kiến, phản biện. Khuyến khích không hạn chế quyền của các nhà báo tác nghiệp toàn diện đối với tất cả các dự án có vấn đề về môi trường (chỉ ngoại trừ dự án về an ninh, quốc phòng hay các dự án cơ mật quốc gia). Có như vậy chúng ta mới dần khắc phục được diễn biến ô nhiễm môi trường phức tạp và nan giải như hiện nay để góp phần xây dựng một Việt Nam thực sự là điểm đến an toàn trong con mắt của bạn bè quốc tế./.
---------------------------------------
(1) UN Human Development Report 2004 (http://hdr.undp.org/en/content/human-development-report-2004)
(2) http://www.dailymail.co.uk/news/article- 1221021/Maldives-underwater-cabinet meeting-held-highlight-impact-climate-change.html
(3) McGranahan, G.D. Ball và B. Anderson (2007): The rising tide: Asessing the risks of climate change an human settlements in low elevation coastal zones. Environment & Urbanizaiton
(4) Bristish Broadcasting Corporation (BBC) (2005): Sea wall “saves Maldives capital”, http://news.bcc.co.uk/go/pr/fr/-/2/hi/south_asia/4161491.stm
Sự kiện trong nước nổi bật tuần qua (từ 12 đến 18-9-2016)  (20/09/2016)
Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phát hiện vụ, việc tham nhũng, lãng phí thông qua kiểm toán  (20/09/2016)
Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phát hiện vụ, việc tham nhũng, lãng phí thông qua kiểm toán  (20/09/2016)
- Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Thành phố Hồ Chí Minh qua gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng
- Hoàn thiện hệ thống chính sách hỗ trợ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo đối với doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội
- Một số vấn đề cơ bản về phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước trong xây dựng nhà nước pháp quyền
- Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thúc đẩy đối ngoại quốc phòng, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng các biện pháp hòa bình
- Tỉnh Quảng Nam tích cực chuẩn bị tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2025 - 2030
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên