TCCSĐT - Sự gắn kết chặt chẽ, đồng bộ giữa cải cách hành chính với xây dựng chính phủ điện tử và kiểm soát thủ tục hành chính là yếu tố quyết định sự thành công của công cuộc cải cách hành chính, xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển. Để bảo đảm sự gắn kết, các nội dung trên cần đặt dưới sự chỉ đạo tập trung, thống nhất, một đầu mối đặt tại Văn phòng Chính phủ, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ.

"Xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, Chính phủ hành động, Chính phủ phục vụ, Chính phủ liêm chính” được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định ngay từ khi nhận chức và đó cũng chính là mục tiêu trọng tâm của Chính phủ nhiệm kỳ 2016 - 2021. Đây là lần đầu tiên, người đứng đầu Chính phủ xác lập như một tuyên ngôn hành động đi liền với những chỉ đạo thực tế. Tại phiên họp Chính phủ tháng 4 năm 2016, sau 01 tháng được Quốc hội bầu giữ cương vị Thủ tướng Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã cùng các thành viên của Chính phủ thống nhất ban hành Nghị quyết số 35/NQ-CP, trong đó có nội dung rất quan trọng để triển khai thực hiện ý chí trên: “Bảo đảm sự gắn kết chặt chẽ, đồng bộ giữa cải cách hành chính với xây dựng chính phủ điện tử và kiểm soát thủ tục hành chính, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ” (điểm đ, khoản 1, phần II Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16-5-2016 của Chính phủ).

Thứ nhất, phải khẳng định, đây không phải là một chủ trương mới mà là một sự kế thừa hay hiểu một cách khác là sự triển khai thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước. Bên cạnh Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16-5-2016 của Chính phủ thì chủ trương gắn kết, đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng chính phủ điện tử, kiểm soát thủ tục hành chính đã được Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tại nhiều nghị quyết, văn bản khác nhau. Nghị quyết Đại hội Đảng cộng sản Việt Nam lần thứ XII và Nghị quyết số 142/2016/QH13 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 đều xác định phải tập trung cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước và thực hiện chính phủ điện tử là một trong những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và bảo đảm quyền tự do, dân chủ của người dân; Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14-10-2015 của Chính phủ về chính phủ điện tử xác định một trong năm nhiệm vụ cụ thể là “Ứng dụng công nghệ thông tin gắn kết chặt chẽ với công cuộc cải cách hành chính và các nhiệm vụ, giải pháp về nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường kinh doanh”; Quyết định số 225/QĐ-TTg ngày 04-02-2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 cũng xác định “Kết hợp chặt chẽ với các nội dung triển khai cải cách hành chính để ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước có tác dụng thực sự thúc đẩy cải cách hành chính. Ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước nhằm tăng tốc độ xử lý công việc, giảm chi phí hoạt động”.

Thứ hai, về thực tiễn, những hạn chế, tồn tại của công tác cải cách hành chính, xây dựng chính phủ điện tử thời gian qua(1) do nhiều nguyên nhân, cả khách quan và chủ quan, nhưng nguyên nhân chủ yếu là do tổ chức bộ máy chỉ đạo, điều hành còn phân tán, chồng chéo, thiếu gắn kết, tập trung, thống nhất, không phù hợp với đặc thù của công tác này.

Cải cách hành chính với bản chất là cắt giảm, hạn chế lợi ích cục bộ nên đương nhiên phải gắn liền trực tiếp với vai trò của người đứng đầu Chính phủ(2) thì mới đủ khả năng tổ chức thực hiện. Thành công của Đề án 30 giai đoạn 2007 - 2010 đã chứng minh rõ điều này(3), nhưng sau thành công đó, khi đi vào triển khai chúng ta lại phân công, phân nhiệm theo phương pháp tản quyền, xa rời sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ, làm cho công tác này không phát huy được kết quả vốn rất tích cực trước đó. Theo Nghị quyết số 30c/NQ-CP ngày 08-11-2011 của Chính phủ, cải cách hành chính có 6 nhiệm vụ chủ yếu với các nội dung và mục tiêu đầy tham vọng, nhưng được phân công cho các bộ, cơ quan khác nhau chủ trì, thiếu sự phối hợp, gắn kết đồng bộ ở tầm vĩ mô, không có một đầu mối thống nhất, không có một trung tâm đủ mạnh để người đứng đầu Chính phủ có công cụ thực hiện ý chí cải cách. Thay đổi về thể chế, thủ tục sẽ kéo theo sự thay đổi về tổ chức bộ máy, quy trình ISO, chi tiêu tài chính, cán bộ công chức,… vì đều có mục tiêu cuối cùng là thay đổi phương thức hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước. Tương tự, việc thực hiện chính phủ điện tử khó thành công nếu không đồng thời với việc chuẩn hóa, công khai, minh bạch hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi và văn minh nhất cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận, giải quyết thủ tục hành chính. Sự thiếu hợp lý trong tổ chức thực hiện đã làm cho 5 năm qua, cải cách hành chính, xây dựng chính phủ điện tử không có bước tiến nào đáng kể. Việc phân công tản mạn như vậy chỉ làm thỏa mãn thói quen lấn sân, giành quyền giữa các cơ quan trong bộ máy, vô hình chung làm vô hiệu hóa việc triển khai Nghị quyết. Kết quả đạt được của Nghị quyết 30c/NQ-CP là rất hạn chế.

Từ thực tiễn đó, chúng tôi khẳng định cải cách hành chính, xây dựng chính phủ điện tử, kiểm soát thủ tục hành chính là nhiệm vụ thống nhất, liền mạch, mang tính chất liên ngành, đụng chạm đến lợi ích của từng ngành, từng địa phương, lực cản là sức ỳ, bản tính cục bộ muôn thuở của các cơ quan trong bộ máy hành pháp nên chỉ có thể thực hiện hiệu quả khi được tập trung gắn kết, đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ. Bài học từ các công cuộc cải cách hành chính rất thành công của Chính phủ Anh thời Thủ tướng Margaret Hilda Thatcher những năm 80, Chính phủ Nhật Bản thời Thủ tướng Koizumi Junichirō và gần đây nhất là mô hình xây dựng chính phủ điện tử của Chính phủ Pháp,… cũng chính là như vậy.

Thứ ba, xét theo các yếu tố tác động đến hiệu lực, hiệu quả của nền hành chính thì năng lực, chất lượng của nền hành chính và sự ủng hộ của nhân dân là hai trong ba nhân tố quyết định(4). Trong hoàn cảnh cụ thể của nước ta hiện nay, cải cách thủ tục hành chính, kiểm soát thủ tục hành chính với những nội dung công việc được quy định tại Nghị định số 63/2010/NĐ-CP và Nghị định số 48/2013/NĐ-CP phải được xác định là trọng tâm, đột phá. Quan hệ hành chính giữa nhà nước với công dân chủ yếu thể hiện qua hệ thống thủ tục hành chính do cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền ban hành và tổ chức thực hiện. Chất lượng quy định và thực hiện thủ tục hành chính có ảnh hưởng lớn, trực tiếp đến đời sống hàng ngày của người dân và hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp; là sự thể hiện một cách rõ nét, tập trung nhất bộ mặt của chính quyền và sự tiến bộ, văn minh, dân chủ của chính quyền và xã hội. Lực cản của sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước cũng như sự bức xúc của người dân cũng chính là do hệ thống thủ tục hành chính quá đồ sộ, rắc rối, phiền hà, tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ, công chức vốn rất đông đảo phát sinh thói quen quan liêu, nhũng lạm. Trong khi, việc thực hiện các nội dung cải cách khác cần có thời gian, đòi hỏi nguồn lực lớn thì cải cách thủ tục hành chính, kiểm soát thủ tục hành chính đã hội đủ điều kiện để thực hiện ngay. Thông qua cải cách thủ tục hành chính, chúng ta có thể xác định căn bản các công việc của cơ quan nhà nước với người dân, doanh nghiệp; qua đó chúng ta có thể xây dựng bộ máy phù hợp và từ đó có thể lựa chọn đội ngũ cán bộ, công chức hợp lý, đáp ứng được yêu cầu công việc. Như vậy, có thể coi cải cách thủ tục hành chính là tiền để để thực hiện các nội dung cải cách khác như: cải cách bộ máy; nâng cao chất lượng thể chế; nâng cao trình độ, thay đổi thói quen, cách làm, nếp nghĩ của cán bộ, công chức; chuyển từ tác phong “quan liêu hành chính, thụ động” sang tác phong “phục vụ, kiến tạo”, …

Bên cạnh đó, xây dựng chính phủ điện tử gắn trực tiếp với công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Chính phủ; là cầu nối gắn kết giữa Chính phủ với người dân, doanh nghiệp. Xây dựng chính phủ điện tử giúp đổi mới hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước, đưa Chính phủ tới gần dân, minh bạch hóa hoạt động của Chính phủ, giúp Chính phủ hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn(5). Tuy nhiên, việc xây dựng chính phủ điện tử ở nước ta chưa đạt được kết quả như mong muốn, trong đó có nguyên nhân do chưa tìm được tiếng nói chung giữa ý chí của người đứng đầu Chính phủ với các cán bộ, công chức, viên chức dưới quyền; giữa người làm cải cách và các nhà công nghệ; giữa thế mạnh của việc ứng dụng công nghệ với tính minh bạch của thủ tục hành chính. Thực tế, muốn xây dựng chính phủ điện tử thành công thì phải có “đề bài” cụ thể, rõ ràng trên nền tảng các nội dung cải cách (quy trình, thủ tục được chuẩn hóa; đổi mới phương thức giải quyết,…); đồng thời, chính phủ điện tử phát triển chính là hệ quả của cải cách và trở lại có vai trò thúc đẩy cải cách. Đây chính là mối quan hệ gắn kết có tính biện chứng, đòi hỏi phải có sự phối hợp đồng bộ. Ngoài ra, quá trình xây dựng chính phủ điện tử hiện nay cũng cho thấy chưa có sự đồng bộ giữa việc triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin và việc ban hành các văn bản pháp lý (thể chế) quy định về trách nhiệm sử dụng, khai thác, quản lý các chương trình ứng dụng công nghệ thông tin; thiếu quy hoạch, điều phối tổng thể để giảm thiểu sự lãng phí trong quá trình ứng dụng công nghệ thông tin của các bộ, ngành, địa phương.

Từ sự phân tích trên có thể khẳng định, yêu cầu của Chính phủ trong việc bảo đảm sự gắn kết chặt chẽ, đồng bộ giữa cải cách hành chính với xây dựng chính phủ điện tử và kiểm soát thủ tục hành chính theo hướng thống nhất một đầu mối đặt tại Văn phòng Chính phủ, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ tại Nghị quyết số 35/NQ-CP là hoàn toàn đúng đắn, cần thiết, phù hợp với thẩm quyền của Chính phủ(6), cũng như chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Văn phòng Chính phủ(7) tại Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015. Việc thực hiện không chỉ giúp khắc phục những tồn tại, hạn chế trên, mà còn giúp tinh gọn, giảm tổ chức bộ máy; giải quyết chồng chéo trong theo dõi, tham mưu, tổ chức, kiểm tra, đôn đốc thực hiện; giảm gánh nặng về chế độ thông tin báo cáo và quan trọng hơn là nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính, xây dựng chính phủ điện tử, kiểm soát thủ tục hành chính, đáp ứng yêu cầu quản lý đất nước trong giai đoạn hiện nay./.

---------------------------------------------------

(1) Các hạn chế này đã được xác định, đánh giá tại các văn bản như: Nghị quyết số 17-NQ/TW ngày 01-8-2007 của Ban Chấp hành Trung ương khóa X về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước nhận định “Sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và chính quyền các cấp đối với việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính còn thiếu kiên quyết và chưa được tập trung cao”; Nghị quyết số 57/2010/QH12 của Quốc hội khóa XII về kết quả giám sát việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính; Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14-10-2015 của Chính phủ về chính phủ điện tử gồm nhiều đánh giá liên quan đến xây dựng chính phủ điện tử, gắn kết cải cách hành chính, cải cách thủ tục hành chính với xây dựng chính phủ điện tử như: “Công nghệ thông tin được ứng dụng nhiều trong các cơ quan nhà nước nhưng mang tính rời rạc, không liên kết thành một hệ thống”, “việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ về ứng dụng công nghệ thông tin còn chậm, thiếu quyết liệt; chưa hình thành được cổng thông tin điện tử thống nhất và duy nhất để cung cấp dịch vụ công trực tuyến”; Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP ngày 28-4-2016 của Chính phủ nhận định “người đứng đầu một số bộ, ngành và địa phương còn coi Nghị quyết 19 như là phong trào”;…

(2) Điểm h, khoản 2, Điều 28 Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015.

(3) Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) khi đánh giá độc lập về Đề án 30 đã khẳng định kết quả của cải cách tại Việt Nam có thể được coi là điển hình đối với các quốc gia khác có trình độ phát triển tương tự nhưng cần tiếp tục duy trì những nỗ lực này để mang lại những cải thiện thực sự cho nền kinh tế và xã hội Việt Nam.

(4) Yếu tố tác động thứ ba là đặc điểm tổ chức, vận hành của hệ thống chính trị.

(5) Theo báo cáo đánh giá tình hình thực hiện tại Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14-10-2015 của Chính phủ, công nghệ thông tin đã góp phần không nhỏ vào công tác quản lý nhà nước của các bộ, ngành, địa phương, nhất là trong xử lý hồ sơ hành chính, quản lý ngân sách, thuế, kho bạc, hải quan, bảo hiểm xã hội, thành lập doanh nghiệp... như: năm 2015, tỷ lệ doanh nghiệp thực hiện kê khai thuế điện tử đã tăng từ 65% lên 98%; thời gian nộp thuế của doanh nghiệp giảm từ 537 giờ/năm xuống còn 167 giờ/năm; việc thực hiện thủ tục hải quan điện tử theo Hệ thống thông quan tự động (VNACCS/VCIS) và Cơ chế một cửa quốc gia tại cảng biển quốc tế đã giảm thời gian thông quan hàng hóa bình quân từ 21 ngày xuống còn 14 ngày đối với xuất khẩu, 13 ngày đối với nhập khẩu, giảm được 10 - 20% chi phí và 30% thời gian thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu cho doanh nghiệp,…

(6) Khoản 3, Điều 23 Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015.

(7) Chương IV và Điều 39, 40, 41 Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015.