Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 12-9 đến ngày 18-9-2016)
Đại hội đồng Liên hợp quốc khai mạc khóa họp thứ 71
Chủ
tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 71 Peter Thompson cam kết sẽ
khuyến khích Đại hội đồng chú trọng các vấn đề nhân quyền. Ảnh:
unmultimedia.or
Ngày 14-9-2016, khóa họp thứ 71 của Đại hội đồng Liên hợp quốc đã khai mạc với sự tham dự của đại diện đến từ 193 quốc gia thành viên và các tổ chức quốc tế, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 71 Peter Thompson, và Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon. Trong bài phát biểu khai mạc, ông Thompson, nhà ngoại giao kỳ cựu của Fiji, đã dành phần lớn bài phát biểu để nhấn mạnh tầm quan trọng và ý nghĩa của Chương trình nghị sự phát triển bền vững 2030 và Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu. Ông Thompson nhấn mạnh rằng giữa phát triển bền vững, hòa bình và an ninh, và nhân quyền chưa khi nào có mối liên hệ chặt chẽ như hiện tại. Do đó, ông cam kết sẽ khuyến khích Đại hội đồng chú trọng các vấn đề nhân quyền trong suốt khóa họp thứ 71.
Tại lễ khai mạc, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon thông báo những thách thức toàn cầu liên quan đến người nhập cư, tình trạng biến đổi khí hậu, và cuộc chiến ở Syria là những vấn đề chính dự kiến được nêu bật tại phiên họp cấp cao này. Theo kế hoạch, các nhà lãnh đạo sẽ đánh giá những tiến triển trong tiến trình giải quyết các cuộc xung đột kéo dài và tình trạng căng thẳng leo thang tại châu Phi, châu Á, châu Âu và Trung Đông. Ngoài ra, hội nghị cũng sẽ nhấn mạnh đến nỗ lực duy trì đà thực thi những mục tiêu phát triển bền vững. Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo trong bối cảnh thế giới hiện nay, các quốc gia thành viên Liên hợp quốc đang đứng trước ba thách thức chủ chốt: chia sẻ trách nhiệm đối với dòng người nhập cư trên thế giới; phê chuẩn để Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu có hiệu lực vào cuối năm nay; diễn biến tồi tệ của cuộc chiến Syria.
Bảo vệ hệ sinh thái biển, ngăn ngừa ô nhiễm, đối phó tác động của biến đổi khí hậu
Ngoại
trưởng Mỹ John Kerry nhấn mạnh đến tầm quan trọng của các đại dương
trên thế giới đối với an ninh quốc gia và ổn định toàn cầu. Ảnh:
Reuters
Trong 2 ngày 15 và 16-9-2016, trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh “Đại dương của chúng ta” do Mỹ tổ chức tại Washington, hơn 90 quốc gia tham dự đã trình bày hơn 136 sáng kiến mới và đưa vào diện quy hoạch bảo vệ hơn 3,4 triệu km² diện tích đại dương. Phát biểu kết thúc Hội nghị, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho biết, mục tiêu của hội nghị cấp cao này là nhằm bảo vệ các hệ sinh thái biển, ngăn ngừa ô nhiễm và đối phó các tác động của biến đổi khí hậu. Hội nghị đã cam kết hơn 5,3 tỷ USD và đóng góp hàng loạt sáng kiến nhằm đạt được những mục tiêu trên. Ngày 15-9, Mỹ và hơn 20 quốc gia đã cam kết thành lập 40 khu bảo tồn biển trên toàn thế giới để bảo vệ các đại dương khỏi sự đe dọa của biến đổi khí hậu và ô nhiễm. Đây là các khu vực hạn chế đánh bắt cá thương mại, khai thác dầu khí và các hoạt động khác ảnh hưởng đến hệ sinh thái biển. Tổng thống Mỹ Barack Obama công bố thành lập một Khu Bảo tồn biển mới có diện tích 12.725km² ở Đại Tây Dương.
Hội nghị “Đại dương của chúng ta” do Ngoại trưởng Kerry chủ trì, nhằm trao đổi kinh nghiệm về các biện pháp bảo tồn, cũng như trình bày kế hoạch bảo vệ môi trường biển khỏi sự ô nhiễm, đánh bắt cá quá mức và ảnh hưởng của tình trạng biến đổi khí hậu. Phát biểu tại Đại học Georgetown trong khuôn khổ Hội nghị, ông Kerry đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của các đại dương trên thế giới đối với an ninh quốc gia và ổn định toàn cầu. Gần 50% thế giới phụ thuộc vào nguồn thức ăn từ đại dương và 12% lực lượng lao động toàn cầu dựa vào các đại dương để có kế sinh nhai. Hội nghị lần đầu tiên được tổ chức tại Washington năm 2014, sau khi được tổ chức tại Chile hồi năm ngoái. Dự kiến, hội nghị tiếp theo sẽ do Liên minh châu Âu (EU) tổ chức, theo sau là Indonesia vào năm 2018 và Na Uy vào năm 2019.
IMF: Xung đột xóa sổ thành tựu phát triển của một thế hệ tại Trung Đông
Xung
đột đã đẩy các nước như Iraq, Libya, Syria và Yemen rơi vào chiến
tranh, “xoá bỏ thành tựu phát triển của cả một thế hệ trước đó”. Ảnh:
businessinsider.com
Bình luận nhân sự kiện ngày 16-9-2016 IMF công bố báo cáo về thiệt hại kinh tế do các cuộc xung đột ở Trung Đông gây ra, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde nhấn mạnh xung đột đã đẩy các nước như Iraq, Libya, Syria và Yemen rơi vào chiến tranh, “xoá bỏ thành tựu phát triển của cả một thế hệ trước đó”. Báo cáo nêu rõ trong năm 2015, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Syria ước tính chỉ bằng 50% của năm 2010, thời điểm trước khi nổ ra cuộc xung đột. Trong khi đó, lạm phát đã tăng gần 300% vào tháng 5-2015. Yemen cũng thiệt hại từ 25% - 35% GDP trong năm 2015.
Tổng Giám đốc IMF kêu gọi cộng đồng quốc tế mở rộng quy mô viện trợ phát triển dài hạn cho khu vực này để xây dựng lại kết cấu hạ tầng và các thể chế nhà nước. Theo bà, các nhà tài trợ quốc tế đã cam kết giải ngân hơn 11 tỷ USD cho Syria và các nước trong khu vực từ nay tới năm 2020. Tuy nhiên, trên thực tế con số này sẽ không thể bù đắp được những thiệt hại to lớn mà các cuộc khủng hoảng gây ra. Lãnh đạo IMF khẳng định các khoản viện trợ nên được triển khai dưới hình thức tài trợ và vốn vay ưu đãi để giảm bớt gánh nặng tài chính đối với các nước nhận hỗ trợ. IMF cho biết từ giữa thế kỷ XX, khu vực Trung Đông và Bắc Phi đã phải đối mặt với các cuộc xung đột thường xuyên và nghiêm trọng hơn bất kỳ nơi nào khác trên thế giới. Bà Lagarde lưu ý rằng hơn 20 triệu người trong khu vực đã phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn, 10 triệu người sang tị nạn tại các quốc gia láng giềng. Đây con số đáng báo động và nghiêm trọng nhất kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai.
Thế giới cam kết chi hơn 10 tỷ USD cho cuộc chiến chống AIDS, lao và sốt rét
Thủ tướng Canada Justin Trudeau (phải) và Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon tại Hội nghị ngày 17-9. Ảnh: AFP/TTXVN
Trong 2 ngày 16 và 17-9-2016, Hội nghị quốc tế về phòng chống AIDS, lao và sốt rét đã diễn ra tại thành phố Montreal của Canada. Tại Hội nghị, các nước cam kết sẽ chi hơn 10,2 tỷ USD cho việc loại trừ 3 căn bệnh truyền nhiễm này vào năm 2030. Canada - với vai trò là nước chủ nhà Hội nghị - ngoài đóng góp tài chính cũng cam kết sẽ tạo ra một thế giới công bằng hơn, nhất là cho phụ nữ và trẻ em, đồng thời sẽ tiếp tục hối thúc các nhà lãnh đạo thế giới đóng góp nhiều hơn cho Quỹ Toàn cầu, góp phần giải quyết các vấn đề về bất bình đẳng giới vốn là căn nguyên dẫn đến tình trạng lây nhiễm các căn bệnh truyền nhiễm nói trên. Trong bài phát biểu kết thúc Hội nghị, Thủ tướng Canada Justin Trudeau khẳng định Canada sẽ tiếp tục chứng minh cho thế giới thấy rằng đoàn kết là chìa khóa giúp tất cả các nước đạt được mục tiêu lớn hơn. Ông cũng cho biết tác động của AIDS, lao và sốt rét đã đi quá xa và gây ảnh hưởng nhiều nhất đến nhóm người nghèo và các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong xã hội.
Trong khi đó, Giám đốc điều hành Quỹ Toàn cầu, ông Mark Dybul cho biết hiện thế giới có đủ tri thức và công cụ để ngăn ngừa nguy cơ xảy ra đại dịch AIDS, lao và sốt rét vào năm 2030, tuy nhiên điều quan trọng nhất là phải đầu tư tập trung và đúng cách. Quỹ Toàn cầu được thành lập năm 2002 và là tổ chức quốc tế tài trợ chính cho việc chữa trị, ngăn chặn lây lan dịch bệnh AIDS, lao và sốt rét. Hiện tại, tổ chức này đang hỗ trợ các chương trình phòng, chống những căn bệnh trên tại hơn 100 nước, giúp cứu sống 20 triệu người, chủ yếu là ở châu Phi. Quỹ Toàn cầu tổ chức hội nghị 3 năm một lần và đây là hội nghị lần thứ năm của tổ chức này.
Kết quả sơ bộ bầu cử Đuma quốc gia Nga: Đảng cầm quyền giành 51% phiếu bầu
Tổng
thống Nga Vladimir Putin (phải, phía sau) và Chủ tịch Đảng Nước Nga
Thống nhất - Thủ tướng Dmitry Medvedev (thứ hai, phải, phía sau) tại trụ
sở cơ quan bầu cử ở Thủ đô Moskva ngày 18-9. AFP/TTXVN
Ngày 18-9-2016, hơn 110 triệu cử tri trên cả nước Nga đi bỏ phiếu bầu ra Đuma quốc gia, tức Hạ viện Nga khóa VII với tổng cộng 450 ghế quốc hội. Khoảng 95.000 điểm bỏ phiếu mở cửa từ 8 giờ đến 20 giờ (12 giờ đến 24 giờ theo giờ Hà Nội), bảo đảm sẵn sàng mọi điều kiện an ninh và trật tự để cử tri thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân của mình, trừ tại một số vùng như Kamchatka và Chukotka các điểm bỏ phiếu đã hoạt động từ 23 giờ ngày 17-9. Sau 13 năm, bầu cử Quốc hội Nga 2016 quay lại tiến hành theo hệ thống hỗn hợp, một nửa (225 đại biểu) được bầu theo danh sách của 14 chính đảng đăng ký, một nửa được bầu theo danh sách phổ thông đầu phiếu tại các khu vực một đại biểu. Các chính đảng phải giành được 5% phiếu ủng hộ mới có ghế trong Đuma. Cũng trong ngày này, cử tri còn bầu ra thống đốc của 9 khu vực, đại biểu hội đồng lập pháp của 39 chủ thể, khoảng 5.000 thành phố cũng bỏ phiếu bầu người đứng đầu.
Theo Ủy ban Bầu cử Trung ương Nga, Đảng Nước Nga Thống nhất cầm quyền đã giành được 51% phiếu bầu sau khi 1/4 tổng số phiếu được kiểm ngày 19-9 trong cuộc bầu cử Duma Quốc gia (Hạ viện) Liên bang Nga. Theo kết quả kiểm phiếu sơ bộ trên, Đảng Dân chủ - Tự do Nga (LDPR) đứng ở vị trí thứ hai với 15,1% số phiếu được kiểm, tiếp theo là Đảng Cộng sản Liên bang Nga với 14,9% và Đảng Nước Nga Công bằng (SR) với 6,4%. Ủy ban Bầu cử Trung ương Nga đánh giá, đây là đợt bầu cử quy mô lớn nhất trong lịch sử nước Nga hiện đại. Cuộc bầu cử diễn ra trong bối cảnh kinh tế Nga gặp nhiều khó khăn do các biện pháp trừng phạt của phương Tây về vấn đề Crimea./.
Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo  (19/09/2016)
Công bố quyết định kiểm tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội  (19/09/2016)
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh hội kiến Tổng thống Venezuela  (19/09/2016)
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng thăm Công ty Dầu khí Zarubezhneft  (19/09/2016)
- Một số vấn đề về chuyển đổi nội dung số trong các tạp chí của Việt Nam hiện nay
- Mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Pháp: Nền tảng góp phần phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Pháp
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm