Việt Nam - Thái Lan: Hướng tới quan hệ đối tác chiến lược tăng cường

Đỗ Thùy Dương ThS, Ban Đối ngoại Trung ương
22:00, ngày 19-09-2016

TCCS - Ngày 06-8-1976, Việt Nam và Thái Lan chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Nhìn lại 40 năm qua, có thể khẳng định quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước liên tục được duy trì và phát triển mạnh mẽ cả về bề rộng lẫn chiều sâu, trên nhiều lĩnh vực, từ chính trị, kinh tế, thương mại, đầu tư, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh, giáo dục - đào tạo... Hiện nay, cả hai bên đang nỗ lực, làm sâu sắc thêm quan hệ đối tác chiến lược, hướng tới quan hệ đối tác chiến lược tăng cường trong thời gian tới.

Tăng cường sự hiểu biết và tin cậy

Quan hệ Việt Nam - Thái Lan là mối quan hệ có ảnh hưởng trên bán đảo Đông Dương trong thời kỳ nằm dưới ách thống trị của chủ nghĩa thực dân, là trục chính của mối quan hệ Đông Dương - Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, nhưng cũng là lực đẩy cho sự hợp tác và hội nhập ở Đông Nam Á trong thời gian gần đây.

Thiết lập quan hệ ngoại giao từ năm 1976, song quan hệ Việt Nam - Thái Lan chỉ bắt đầu khởi sắc từ sau chuyến thăm chính thức Thái Lan của Thủ tướng Việt Nam Phạm Văn Đồng (tháng 9-1978). Từ năm 1993 đến nay, quan hệ giữa hai nước dần được cải thiện và phát triển mạnh, đánh dấu bằng chuyến thăm chính thức Thái Lan của Tổng Bí thư Đỗ Mười (tháng 10-1993). Năm 1995, sau khi Việt Nam gia nhập ASEAN, quan hệ Việt Nam - Thái Lan đã vượt qua nhiều thách thức, không ngừng được củng cố và ngày càng phát triển, nhất là kể từ khi hai nước ra Tuyên bố chung về Khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Thái Lan trong thập niên đầu của thế kỷ XXI (tháng 2-2004).

Đặc biệt, nhân chuyến thăm Thái Lan của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (tháng 6-2013), Việt Nam và Thái Lan đã chính thức nâng cấp quan hệ lên “Đối tác chiến lược” và trở thành hai nước trong khối ASEAN đầu tiên thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với nhau. Tiếp đó, hai bên đã ký Chương trình hành động triển khai quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Thái Lan giai đoạn 2014 - 2018, nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Thái Lan Pray-út Chan-o-cha (tháng 11-2014).

Để tăng cường tình hữu nghị và quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa hai nước, hai bên cũng thường xuyên trao đổi các đoàn cấp cao sang thăm lẫn nhau. Thông qua các chuyến thăm, nhiều cơ chế hợp tác song phương đã được hai nước thông qua và hoạt động rất hiệu quả. Nổi bật là các cơ chế: 1- Họp nội các chung Việt Nam - Thái Lan do hai thủ tướng của hai nước chủ trì; 2- Ủy ban Hỗn hợp về hợp tác song phương Việt Nam - Thái Lan; 3- Tham khảo chính trị cấp thứ trưởng giữa Bộ Ngoại giao hai nước.

Cho đến nay, hai nước đã ký hơn 50 hiệp định, thỏa thuận hợp tác, tạo cơ sở pháp lý thúc đẩy quan hệ song phương trên nhiều lĩnh vực. Đặc biệt, lãnh đạo cấp cao hai nước chỉ đạo rất sát sao việc thực hiện tất cả 21 lĩnh vực hợp tác đã được thỏa thuận trong Chương trình hành động triển khai quan hệ Đối tác chiến lược giai đoạn 2014 - 2018. Đầu năm 2015, hai bên nhất trí mở kênh hợp tác lao động - một lĩnh vực mới mà hai nước đang phối hợp chặt chẽ để triển khai.

Hai nước tăng cường hợp tác chặt chẽ và luôn hỗ trợ nhau trong các khuôn khổ hợp tác tiểu khu vực, khu vực, như Hợp tác tiểu vùng sông Mê Công mở rộng (GMS), Hành lang kinh tế Đông - Tây (EWEC),... và trong quan hệ đa phương tại các diễn đàn quốc tế, như Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS), Diễn đàn hợp tác Á - Âu (ASEM), Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) và Liên hợp quốc,... Đặc biệt, trong bối cảnh Cộng đồng ASEAN chính thức được thành lập từ ngày 31-12-2015, lãnh đạo hai nước đã nhất trí thúc đẩy sự phối hợp để phát huy hiệu quả vai trò của Cộng đồng, đồng thời củng cố sự đoàn kết và phát huy vai trò trung tâm của ASEAN trong việc xử lý các vấn đề khu vực cũng như quốc tế.

Hợp tác kinh tế hiệu quả

Trong lĩnh vực thương mại, Thái Lan là một đối tác quan trọng của Việt Nam cũng như Việt Nam là một trong các đối tác thương mại chủ yếu của Thái Lan ở châu Á. Kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Thái Lan trong nhiều năm qua không ngừng gia tăng, từ 5,78 tỷ USD (năm 2009) tăng lên 9,41 tỷ USD (năm 2013). Năm 2014, kim ngạch xuất - nhập khẩu của hai nước đạt 10,59 tỷ USD (tăng 12,5% so với năm 2013), trong đó xuất khẩu của Việt Nam đạt 3,48 tỷ USD và nhập khẩu đạt 7,11 tỷ USD(1); năm 2015, kim ngạch xuất - nhập khẩu hai chiều đạt 11,5 tỷ USD (tăng 8,6% so với năm 2014), trong đó xuất khẩu của Việt Nam đạt 3,2 tỷ USD và nhập khẩu đạt 8,3 tỷ USD(2). Hai bên hiện đang đặt mục tiêu nâng kim ngạch thương mại hai chiều lên mức 20 tỷ USD vào năm 2020.

Các số liệu nêu trên cho thấy những bước phát triển mạnh mẽ và nhanh chóng trong quan hệ hợp tác thương mại Việt Nam - Thái Lan. Hai bên đã trở thành đối tác kinh tế quan trọng của nhau, khi Việt Nam trở thành bạn hàng nhập khẩu thứ 9 và đối tác xuất khẩu thứ 17 của Thái Lan, là đối tác thương mại quan trọng thứ 4 trong nhóm các nước ASEAN; và, Thái Lan đang ở vị trí thứ 3 trong số các nước ASEAN có quan hệ thương mại với Việt Nam.

Trong quan hệ thương mại hai chiều, Việt Nam là nước nhập siêu. Nguyên nhân của tình trạng này là do cơ cấu mặt hàng của hai nước tương đối giống nhau, trong khi đó một số mặt hàng của Thái Lan có tính cạnh tranh cao hơn, thậm chí ngay tại thị trường nội địa Việt Nam; nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu đầu vào từ Thái Lan của các nhà đầu tư nước ngoài, bao gồm cả các nhà đầu tư Thái Lan tăng cao; Thái Lan thực hiện hoạt động xúc tiến thương mại rất mạnh và hiệu quả, có chiến lược kinh doanh rõ ràng.

Về hợp tác đầu tư, tính đến cuối tháng 3-2016, Thái Lan đứng thứ 11 trong số 112 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, với 428 dự án đầu tư còn hiệu lực, có tổng số vốn đầu tư đăng ký là 7,88 tỷ USD. Công nghiệp chế biến, chế tạo, bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô-tô, mô-tô, nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, xây dựng, dịch vụ, lưu trú, ăn uống là những lĩnh vực mà các nhà đầu tư Thái Lan đầu tư nhiều nhất tại Việt Nam. Các dự án đầu tư của Thái Lan đã có mặt tại 41/63 tỉnh, thành của Việt Nam. Có thể kể đến một số dự án đầu tư lớn của Thái Lan vào Việt Nam, như Công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) Hóa dầu Long Sơn với tổng số vốn đăng ký đạt 3,77 tỷ USD, Công ty TNHH Chăn nuôi CP Việt Nam: 328 triệu USD và Công ty TNHH Giấy Kraft Vina: 193 triệu USD.

Việt Nam có 10 dự án đầu tư sang Thái Lan với tổng số vốn đầu tư cấp mới và tăng vốn là 25,79 triệu USD, đứng thứ 22 trên tổng số 55 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Thái Lan; trong đó phải kể tới Dự án Hoàng Anh Gia Lai Co.Ltd với tổng số vốn đầu tư đạt 10 triệu USD, Dự án NAGATA Automotive Pacific Co.Ltd có tổng số vốn đầu tư 780 nghìn USD, Dự án Buffalo Tours Ltd có số vốn đầu tư đạt 300 nghìn USD. Tuy nhiên, có thể dễ dàng nhận thấy số lượng dự án cũng như số vốn đầu tư của Thái Lan sang Việt Nam cao hơn nhiều so với chiều ngược lại.

Hợp tác được mở rộng trên nhiều lĩnh vực

Cùng với việc đẩy mạnh quan hệ hợp tác thương mại, đầu tư, Việt Nam và Thái Lan còn tích cực triển khai mạnh mẽ các hoạt động hợp tác rộng rãi trên nhiều lĩnh vực khác, như an ninh - quốc phòng, giao thông vận tải, nông nghiệp, giáo dục - đào tạo, văn hóa, du lịch.

Hợp tác an ninh - quốc phòng song phương không ngừng được thúc đẩy, trên cơ sở các nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau; giải quyết mọi tranh chấp bằng biện pháp hòa bình; không đe dọa vũ lực hoặc sử dụng vũ lực, không can thiệp công việc nội bộ của nhau; hợp tác trao đổi kinh nghiệm, phối hợp tuần tra chung trên biển, các chuyến thăm của các đoàn quân sự, an ninh hai nước diễn ra thường kỳ và ngày càng đạt hiệu quả cao.

Hợp tác đấu tranh phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia - an ninh - tình báo có những bước tiến triển tốt. Hai bên phối hợp tốt trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm ma túy, tội phạm lợi dụng công nghệ cao, tội phạm mua bán người,...; cam kết ngăn chặn bất kỳ tổ chức hoặc cá nhân nào sử dụng lãnh thổ nước này hoạt động chống lại nước kia, đồng thời thực hiện chức năng tham mưu cho chính phủ mỗi nước trong giải quyết vấn đề ASEAN và Mê Công. Từ năm 2005 đến nay, hai bên thường xuyên duy trì trao đổi các chuyến thăm giữa quân đội hai nước. Năm 2012, hai bên ký Bản Ghi nhớ về hợp tác quốc phòng nhân chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan, tạo cơ sở thiết lập cơ chế hợp tác trong lĩnh vực quân sự và đưa quan hệ quốc phòng hai bên đi vào chiều sâu...

Trong lĩnh vực văn hóa, sự tương đồng về văn hóa, xã hội là cơ sở thuận lợi để Việt Nam và Thái Lan tăng cường xây dựng mối quan hệ giao lưu giữa nhân dân hai nước. Trong những năm gần đây, hai bên tích cực mở rộng hợp tác trong lĩnh vực văn hóa, như các hoạt động giao lưu nghệ thuật biểu diễn, trại sáng tác mỹ thuật, trưng bày triển lãm, tham gia các hội thảo về văn hóa nghệ thuật tại mỗi nước. Hằng năm, Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch Việt Nam phối hợp với Đại sứ quán Thái Lan tại Việt Nam tổ chức các chương trình biểu diễn nghệ thuật trong khuôn khổ “Ngày Thái Lan tại Việt Nam” và “Hội chợ triển lãm thương mại Thái Lan tại Việt Nam”. Thái Lan cũng triển khai, phối hợp và tạo điều kiện thuận lợi trong việc xây dựng, quản lý, phát huy hiệu quả Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại tỉnh U-đông Tha-ni và tỉnh Na-khon Pha-nom. Hai bên cũng tích cực ủng hỗ lẫn nhau trong các hoạt động, dự án hợp tác văn hóa, nghệ thuật trong khuôn khổ hợp tác đa phương của Ủy ban Văn hóa Thông tin ASEAN.

Đặc biệt, ngày 19-5-2016, Việt Nam và Thái Lan đã long trọng tổ chức Lễ khánh thành Khu Tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại tỉnh Na-khom Pha-nom. Công trình được khánh thành đúng vào dịp kỷ niệm 126 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 3 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Thái Lan, góp phần làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác giao lưu nhân dân, hiểu biết lẫn nhau giữa Chính phủ và nhân dân hai nước.

Hợp tác du lịch Việt Nam - Thái Lan thời gian qua được chú trọng trong cả khuôn khổ song phương và đa phương. Với nhiều lợi thế, như miễn thị thực song phương, vị trí địa lý gần, đường bay thuận tiện, Thái Lan và Việt Nam nằm trong nhóm 12 thị trường gửi khách hàng đầu của nhau. Lượng khách du lịch Thái Lan đến Việt Nam đứng thứ 10 trong số khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam và đứng thứ 4 trong nhóm các nước ASEAN. Khách du lịch Việt Nam cũng chọn Thái Lan là một trong những điểm đến ưa thích. Hằng năm, cơ quan du lịch quốc gia và doanh nghiệp hai nước thường xuyên tham gia các hội chợ, hội thảo, sự kiện, được tổ chức tại hai nước nhằm thúc đẩy lượng khách trao đổi...

Về khoa học - công nghệ, Việt Nam và Thái Lan thiết lập quan hệ hợp tác khoa học - công nghệ từ năm 1997 thông qua việc ký kết Hiệp định hợp tác về khoa học - công nghệ giữa Chính phủ hai nước. Trên cơ sở Hiệp định, hai bên tiến hành các khóa họp thường niên hai năm một lần ở cấp bộ trưởng, và đến nay đã tổ chức được 6 khóa họp luân phiên ở hai nước. Trong những năm qua, hai bên đã tăng cường xây dựng và triển khai nhiều dự án hợp tác nghiên cứu chung có sự hỗ trợ từ Bộ Khoa học và Công nghệ hai nước; trao đổi chuyên gia, các nhà khoa học để nghiên cứu, khảo sát, đào tạo về một số lĩnh vực, đặc biệt là các lĩnh vực hiện đang là thế mạnh của Thái Lan, như công nghệ sinh học, công nghệ na-nô, công nghệ vật liệu mới, công nghệ sau thu hoạch... Hiện hai nước đang chuẩn bị ký kết Thỏa thuận hợp tác về khoa học - công nghệ để phù hợp với điều kiện tình hình mới.

Về hợp tác giáo dục - đào tạo, hằng năm, Chính phủ Thái Lan cấp một số lượng đáng kể học bổng để đào tạo đại học và sau đại học cho các sinh viên Việt Nam. Ngoài ra, các cơ sở giáo dục của Thái Lan cũng cấp một số chương trình học bổng ngắn hạn cho các sinh viên Việt Nam. Song song với đó, Chính phủ Thái Lan hiện đang hỗ trợ dạy tiếng Thái cho 5 trường đại học của Việt Nam(3), nhằm hỗ trợ đáp ứng nhu cầu học tiếng Thái của học sinh, sinh viên Việt Nam và góp phần cung cấp nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp, công ty của Thái Lan muốn triển khai hoạt động kinh doanh tại Việt Nam và ngược lại. Bộ Giáo dục và Đào tạo hai nước cũng thống nhất mở các khóa bồi dưỡng về phương pháp giảng dạy tiếng Việt cho giáo viên người Thái Lan và người Việt Nam đang dạy tiếng Việt trong các trường học ở Thái Lan hoặc trong cộng đồng người Việt Nam tại Thái Lan. Ngoài ra, hai nước còn hợp tác tổ chức Chương trình giao lưu thanh niên luân phiên tại Thái Lan và Việt Nam từ năm 2009 đến nay. Đặc biệt, ngày 8-6-2012, Việt Nam đã phê chuẩn Hiến chương AIT do Viện Công nghệ châu Á (AIT) của Thái Lan khởi xướng nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc hợp tác trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo giữa Việt Nam và Thái Lan cũng như với các nước tham gia Hiến chương.

Về hợp tác nông nghiệp, Việt Nam và Thái Lan đã ký thỏa thuận tăng cường hợp tác về thủy hải sản. Theo thỏa thuận này, hai bên nhất trí hợp tác ngăn chặn và giải quyết tình trạng tàu cá hai nước vi phạm lãnh hải của nhau, tăng cường trao đổi thông tin và kinh nghiệm về nuôi trồng, phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh thủy sản, quản lý chất lượng hàng thủy sản và thúc đẩy thương mại thủy sản giữa hai nước. Hai bên cũng nhất trí xúc tiến công tác chuẩn bị và đi tới ký kết Hiệp định công nhận lẫn nhau (MRA) về công tác kiểm tra, giám sát chất lượng an toàn vệ sinh hàng hóa thủy sản; thúc đẩy đầu tư liên doanh, hợp tác trong lĩnh vực khai thác và nuôi trồng thủy sản; tăng cường hợp tác nghiên cứu, giáo dục đào tạo cán bộ kỹ thuật, quản lý trong lĩnh vực này; thúc đẩy đàm phán với các đối tác khác trong ASEAN về quản lý bền vững nguồn lợi thủy sản trong khu vực. Bên cạnh đó, hai nước tiếp tục thực hiện thỏa thuận ngày 15-5-2009 về hợp tác gạo, mở rộng hợp tác giữa 5 nước thành viên của ACMECS (Tổ chức Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyarwady - Chao Phraya - Mê Công); thiết lập “đường dây nóng” để giải quyết kịp thời các vướng mắc....

Về giao thông vận tải, trong khuôn khổ hợp tác ASEAN, Việt Nam và Thái Lan đều tích cực tham gia xây dựng, ký kết và phê duyệt 3 Hiệp định Đa biên ASEAN về tự do hóa hoàn toàn vận tải hàng hóa, tự do hóa hoàn toàn vận tải hàng không cùng các nghị định thư thực hiện. Như vậy, cho đến nay thị trường vận tải hàng không Việt Nam - Thái Lan đã tự do hóa toàn bộ (cả trên cơ sở thỏa thuận song phương và trong khuôn khổ ASEAN). Hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực đường bộ hiện nằm trong khuôn khổ hợp tác khu vực ASEAN, GMS và Hiệp định liên chính phủ về đường bộ châu Á.

Nâng tầm quan hệ đối tác chiến lược tăng cường trong tương lai

Việt Nam và Thái Lan có khá nhiều nét tương đồng về văn hóa, gần gũi với nhau về mặt địa lý. Thực tế 40 năm quan hệ hợp tác đã minh chứng, Việt Nam và Thái Lan là những đối tác quan trọng, giàu tiềm năng của nhau. Hướng tới thiết lập quan hệ đối tác chiến lược tăng cường trong tương lai và kỷ niệm 40 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao, hai bên nhất trí đẩy mạnh quan hệ hợp tác với những trọng tâm như:

Thứ nhất, tích cực thực hiện hiệu quả Chương trình hành động triển khai quan hệ Đối tác chiến lược giai đoạn 2014 - 2018, nâng cao chất lượng của các cơ chế hợp tác. Xây dựng mối quan hệ Việt Nam - Thái Lan trở thành biểu tượng của sự phát triển mối quan hệ giữa các nước láng giềng, không chỉ vì lợi ích chung của hai nước mà còn vì sự ổn định, phát triển và thịnh vượng chung của người dân trong khu vực. Trong Cộng đồng ASEAN, hai nước tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các nước thành viên ASEAN nói chung và với nhau nói riêng để phát huy hiệu quả vai trò của Cộng đồng, duy trì vai trò trung tâm và dẫn dắt của ASEAN trong giải quyết các vấn đề chiến lược ở khu vực.

Thứ hai, tăng cường các hoạt động ngoại giao kinh tế, xúc tiến thương mại, đầu tư, trao đổi, tiếp xúc nhằm thúc đẩy hoạt động thương mại; tiếp tục khuyến khích doanh nghiệp Thái Lan đầu tư vào các ngành thế mạnh của mình và Việt Nam có tiềm năng, như du lịch, công nghiệp dệt may, hóa mỹ phẩm, thực phẩm, máy móc, thiết bị...; tăng cường khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam mở rộng sang thị trường Thái Lan với các hình thức hội thảo, trao đổi thông tin doanh nghiệp hoặc tổ chức các đoàn khảo sát thị trường lẫn nhau; tăng cường công tác thông tin, quảng bá hình ảnh về một đất nước Việt Nam đổi mới, mở cửa, có những thế mạnh về những mặt hàng tiềm năng để thu hút hơn nữa sự chú ý của các doanh nghiệp và người dân Thái Lan.

Thứ ba, tích cực hợp tác trong nhiều lĩnh vực khác, như đẩy mạnh hoạt động hợp tác hai bên và nhiều bên trên GMS, EWEC, đường bộ xuyên Á, ACMECS; gia tăng hợp tác trên lĩnh vực y tế cộng đồng, tiếp tục hợp tác trong việc phòng, chống các bệnh lây nhiễm, như SARS, cúm gia cầm, HIV/AIDS; chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực quản lý, bảo tồn nguồn tài nguyên thiên nhiên; thúc đẩy nhanh việc thương lượng và ký kết Hiệp định hợp tác lao động song phương; tạo điều kiện cho các lĩnh vực hợp tác khác, như văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ, lao động,... phát triển.

Có thể nói, những thành tựu đạt được trong 40 năm qua tạo nền tảng vững chắc để quan hệ giữa hai nước Việt Nam - Thái Lan ngày càng phát triển tốt đẹp. Với sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau, với nhu cầu hợp tác để cùng phát triển của hai quốc gia cũng như với tiềm năng phát triển của hai nước, quan hệ Việt Nam - Thái Lan sẽ có nhiều động lực mới để phát triển toàn diện và vững chắc hơn nữa trong tương lai, vì lợi ích của nhân dân hai nước, góp phần vào hòa bình, ổn định và phát triển thịnh vượng ở châu Á cũng như trên thế giới./.

------------------------------------------

(1) Xem: http://www.trungtamwto.vn/sites/default/files/hiepdinhkhac/hstt-thailand.pdf

(2) Xem: http://kinhtevadubao.vn/chi-tiet/2-5579-quan-he-viet-nam-thai-lan-da-co-40-nam-gan-bo-va-khong-ngung-phat-trien.html

(3) Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Ngoại ngữ thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội; Đại học Hà Nội; Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh; Đại học Đà Nẵng