Việt Bắc: Cái nôi của truyền thống cách mạng
TCCSĐT - Việt Bắc là tên gọi để chỉ một vùng của một số địa phương ở miền Bắc, gần biên giới giáp với Trung Quốc gồm Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, đây là quê hương cách mạng, là chiến khu, là nơi ghi dấu bao chiến công anh hùng của quân và dân ta như bài thơ “Việt Bắc” của Tố Hữu đã mô tả.
Kể từ khi Đảng Cộng sản Đông Dương ra đời (ngày 03-02-1930) sau đổi tên là Đảng Cộng sản Việt Nam, phong trào cách mạng ở nước ta đã được nhen nhóm, khởi nguồn từ nhiều vùng, miền để tập hợp sức mạnh dưới lá cờ Đảng, trở thành một lực lượng cách mạng thống nhất, đủ sức đáp ứng nhu cầu giải phóng dân tộc khỏi ách áp bức của thực dân cùng bè lũ tay sai phong kiến. Trong những năm tháng cách mạng còn non trẻ, vùng biên giới phía Bắc của Tổ quốc chính là mảnh đất “màu mỡ” về nhân lực, về địa hình địa lý, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà cách mạng Việt Nam từ Trung Quốc về gây dựng lực lượng. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, chiến khu Cao - Bắc - Lạng đã được thành lập (năm 1941) và trở thành cái nôi cách mạng, nơi khởi nguồn cho sự lan tỏa sức mạnh giải phóng dân tộc, tập trung đầu não lãnh đạo kháng chiến để dẫn đến Cách mạng Tháng Tám năm 1945 trên phạm vi cả nước sau này. Đồng bào các dân tộc anh em tại các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn đã là những cộng đồng người Việt Nam đầu tiên vinh dự được nhận sứ mệnh vẻ vang của Đảng và nhân dân cả nước giao phó xây dựng vùng đất này trở thành căn cứ địa cách mạng và kháng chiến.
Từ sau Cách mạng Tháng Tám, liên tỉnh Cao - Bắc - Lạng được mang tên Khu giải phóng và mở rộng ra thêm các tỉnh Thái Nguyên, Tuyên Quang và Hà Giang để xây dựng Liên khu Một (1946 - 1947). Do nhu cầu phục vụ cho sự phát triển của cách mạng, khi Việt Nam đã là một thể chế nhà nước độc lập, tự chủ và quyết chống Pháp tại tử huyệt Điện Biên, Liên khu Một được đổi tên thành Liên khu Việt Bắc. Từ năm 1950 đến năm 1955, Liên khu Việt Bắc hay còn gọi là Chiến khu Việt Bắc đã hoàn thành xứ mệnh lịch sử cao cả của mình, là căn cứ địa cách mạng vững chắc, tạo bàn đạp cho chiến cuộc giải phóng Điện Biên và giải phóng hoàn toàn miền Bắc, tạo ra tiếng vang chấn động địa cầu.
Tháng 8-1956, khu tự trị Việt Bắc được thành lập trên cơ sở của vùng đất Liên khu Việt Bắc. Và cũng từ đây, một đơn vị hành chính mới xuất hiện cùng với việc thành lập các ngành kinh tế và sự nghiệp, trong đó có ngành quản lý các công tác gắn với đời sống văn hóa của đồng bào các dân tộc thuộc 6 tỉnh Cao - Bắc - Lạng - Thái - Tuyên - Hà.
Trước khi vùng đất Cao - Bắc - Lạng, Thái - Tuyên - Hà được mang danh Chiến khu Việt Bắc và trở thành địa vực hành chính là khu tự trị Việt Bắc (cũng như khu tự trị Tây Bắc), trực thuộc sự quản lý hành chính của Nhà nước ta, đồng bào các dân tộc anh em sống trên mảnh đất này đã tự hào về cội nguồn, về truyền thống dựng nước và giữ nước của ông cha từ thời đại Hùng Vương, qua nghìn năm Bắc thuộc và ngót mười thế kỷ cùng các triều đại phong kiến Việt Nam đứng lên chống ngoại xâm, bảo vệ quyền độc lập tự chủ của quốc gia đa dân tộc Việt Nam.
Kể từ khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, nhiều chiến dịch tấn công bình định của Pháp lên các tỉnh biên giới phía Bắc đã liên tục bị đồng bào các dân tộc đứng lên đấu tranh vũ trang chống lại. Từ năm 1930 đến năm 1945, phong trào cách mạng ở hầu khắp các tỉnh của vùng Việt Bắc vừa lan tỏa rộng vừa bám rễ sâu trong lòng cộng đồng các tộc người. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, phong trào công nhân tại mỏ thiếc Tĩnh Túc - Cao Bằng đã có các chi bộ lãnh đạo đấu tranh chống Pháp. Nhiều đảng viên là người Tày, người Nùng đã trực tiếp xây dựng phong trào đấu tranh của công nhân và gây dựng cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn cũng như nhiều cuộc chống phá ở những nơi có đồn bốt Pháp. Khu căn cứ Bắc Sơn - Võ Nhai đã trở thành cái nôi đầu tiên được lựa chọn để thành lập các đội cứu quốc quân, lực lượng vũ trang nòng cốt của cách mạng thời kỳ từ năm 1941 đến sau này.
Năm 1941, Cao Bằng là mảnh đất vinh dự được đón Bác Hồ về nước và được chọn là nơi tổ chức Hội nghị Trung ương lần thứ tám. Cũng từ nơi đây, các vị lãnh tụ của Đảng ta đã cùng Bác Hồ trực tiếp chỉ đạo phong trào cách mạng thời kỳ tiền khởi nghĩa. Trong giai đoạn lịch sử này, khu căn cứ Cao Bằng ra đời và mở rộng ra thành Liên khu Cao - Bắc - Lạng, tạo ra phong trào cách mạng sôi nổi khắp các miền rừng núi. Từ những cánh rừng của Cao Bằng, Bắc Kạn, nhiều lớp tập huấn chính trị và luyện tập quân sự đã diễn ra. Chiến thắng Phay Khắt - Nà Ngần như hiệu lệnh báo hiệu cao trào cách mạng đã đủ sức khởi đầu cho một làn sóng vĩ đại, hợp sức với phong trào cách mạng khắp cả nước đi tới Cách mạng Tháng Tám thành công.
Trong cuộc kháng chiến 9 năm, Việt Bắc thực sự từ cái nôi truyền thống của cách mạng Việt Nam đến căn cứ đại thành đồng của cuộc kháng Pháp oanh liệt của cả dân tộc. Với các lợi thế về địa hình và truyền thống cách mạng của đồng bào các dân tộc, 6 tỉnh Việt Bắc vinh dự được Bác Hồ và Trung ương Đảng giao cho sứ mệnh lịch sử đặc biệt, đảm nhận vai trò hậu phương cho cuộc kháng chiến trường kỳ, là An toàn khu cho đầu não cách mạng.
Hàng loạt chiến dịch kháng Pháp đã diễn ra trên mảnh đất lịch sử Việt Bắc (Thu Đông năm 1947, Biên giới năm 1950,...) đã ghi nhận sự hy sinh cao cả của biết bao người con các dân tộc trực tiếp tham gia, lập nên kỳ tích cho cách mạng Việt Nam, tạo ra tương quan mới về lượng và chất của cách mạng so với thực dân xâm lược. Bên cạnh các thành tích vẻ vang về quân sự, Việt Bắc còn là căn cứ an toàn để Đảng ta tổ chức các sự kiện chính trị mang ý nghĩa lịch sử gắn liền với vận mệnh của toàn dân tộc: Đó là Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ hai; là Đại hội thống nhất Việt Minh - Liên Việt; là phong trào phát động quần chúng giảm tô và thí điểm cải cách ruộng đất; là phong trào tòng quân lên đường giết giặc và chi viện sức người, sức của cho chiến dịch Điện Biên Phủ,... Hàng loạt anh hùng và chiến sĩ thi đua trong quân đội - những người con ưu tú của nhân dân các dân tộc Việt Bắc đã được tôi luyện trong lửa đạn và trở thành lực lượng nòng cốt cho các cơ sở cách mạng, các đơn vị quân đội chủ lực và địa phương.
Có thể nói, gắn với cuộc kháng Pháp trường kỳ ngót trăm năm, nhất là từ khi có Đảng lãnh đạo, Việt Bắc là vùng đất có nhiều di tích lịch sử, di tích cách mạng nhất so với các vùng đất khác của miền Bắc nước ta. Cho đến nay, những di tích lịch sử này đã được khắc ghi trong không gian sinh hoạt văn hóa sinh động và hấp dẫn của đồng bào các dân tộc Tày - Nùng, Mông, Sán Chay,... ở các tỉnh Việt Bắc. Truyền thống văn hóa hàng nghìn năm của các tộc người đã được tiếp thêm sinh lực bởi truyền thống cách mạng kháng Pháp, ngày càng làm cho bộ mặt văn hóa Việt Bắc thêm sắc nét, đa dạng, nhân lên trong lòng người dân niềm tự hào về một vùng đất lịch sử của dân tộc Việt Nam.
Từ sau năm 1975, Việt Bắc nằm trong hệ thống chung của nước Việt Nam thống nhất. Làm tròn nhiệm vụ lịch sử trong một giai đoạn cách mạng nhất định, Việt Bắc không còn là một khu vực hành chính tự trị. Tuy nhiên, sự vận hành về các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội của vùng Việt Bắc vẫn theo hướng đi lên chủ nghĩa xã hội và gắn với các tỉnh, thành cụ thể.
Cùng với khí thế đi lên của cả nước thời kỳ mở cửa, các tỉnh vùng Việt Bắc đã có sự vận động mạnh mẽ và toàn diện trong quá trình xây dựng, phát triển kinh tế và văn hóa xã hội. Từ một mảnh đất mà diện tích chủ yếu là đồi núi cao, đường giao thông đi lại khó khăn, thời tiết khí hậu đa dạng và khắc nghiệt, 6 tỉnh Việt Bắc đã biết khai thác các thế mạnh của địa hình, địa vật để làm giàu cho quê hương mình. Hầu như ở tất cả các địa phương đã biết tận dụng sức mạnh của công việc chăn nuôi gia súc, trồng cây công nghiệp và sản xuất lương thực đáp ứng nhu cầu tại chỗ và xuất khẩu trao đổi hàng hóa. Ở một số địa phương như Thái Nguyên, Tuyên Quang, Lạng Sơn đã đi đầu trong phát triển công nghiệp và dịch vụ xã hội. Từ một vùng đất giàu truyền thống cách mạng nhưng nghèo khó, quen sống du canh du cư và kỹ thuật canh tác lạc hậu với nền văn hóa bản địa khép kín, đến nay, các tỉnh vùng Việt Bắc đã mở rộng giao lưu với các vùng, miền trong cả nước về các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế,… xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ cho công cuộc phát triển toàn diện bộ mặt địa phương và từng bước nâng cao đời sống người dân. Nhiều công trình thủy điện vừa và nhỏ đã được xây dựng, đem lại nguồn điện phục vụ đời sống lao động và sinh hoạt, góp phần đắc lực nâng cao trình độ văn minh cho cư dân bản địa. Đường lối, chính sách hỗ trợ các dân tộc miền núi qua các giai đoạn lịch sử của Đảng và Nhà nước đã tạo cơ sở vững chắc cho các địa phương đi lên trong quá trình xây dựng đời sống văn hóa cơ sở vững chắc cho các địa phương. Bên cạnh việc tập trung khai thác và phát triển các thế mạnh của từng khu vực kinh tế về nông, lâm, ngư nghiệp, về công nghiệp và dịch vụ, các tỉnh Việt Bắc đã đồng thời dồn sức người, sức của để mở rộng, nâng cao các lĩnh vực văn hóa, giáo dục và y tế cộng đồng. Nền kinh tế vốn phụ thuộc tự nhiên đã chuyển sang nền kinh tế do con người làm chủ với các kỹ thuật và công nghệ cải tiến theo hướng hiện đại, đáp ứng nhu cầu dân sinh.
So sánh mặt bằng văn hóa của các tỉnh Việt Bắc thời kỳ quen với nền sản xuất lạc hậu, xoay quanh kinh tế nương rẫy, trồng lúa nước và kỹ thuật chủ yếu là thủ công với hoàn cảnh không có trường học, bệnh xá với thời kỳ phát triển đương đại, chúng ta thấy những bước nhảy vọt của một vùng đất đã bước đầu tiếp cận được với nhịp sống của thời đại. Trình độ nhận thức của người dân miền núi Việt Bắc cũng từ đó được nâng lên. Từ những nhóm tộc người quen du canh, du cư, đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Mông, Sán Chay,... tại các tỉnh Việt Bắc đã và đang định cư tại các địa bàn có nền kinh tế phát triển và hấp thụ nền văn hóa đô thị, hội nhập với cuộc sống văn minh của cả cộng đồng dân tộc. Tại địa bàn các tỉnh, sự hình thành nên các thị trấn, thị tứ, thị xã và một số thành phố đã làm cho bộ mặt vùng đất Việt Bắc khởi sắc theo trình độ và mức sống của thời hiện đại. Đó là dấu ấn đổi thay sâu sắc nhất, làm cơ sở hạt nhân chuyển tải văn hóa, văn minh đến các bản làng, vào các vùng sâu, vùng xa của miền núi cao và tác động toàn diện đến sự thay đổi của bộ mặt xã hội đồng bào các dân tộc thiểu số.
Nhìn lại tiến trình lịch sử hình thành tộc người, tồn tại và phát triển của hơn 20 dân tộc thiểu số anh em, trong đó chiếm số lượng lớn và có vai trò nòng cốt là các dân tộc Tày, Nùng, Mông, Sán Chay của vùng Việt Bắc, chúng ta có thể nhận ra sức sống trường kỳ qua các giai đoạn chống trả ngoại xâm và ứng xử với môi trường tự nhiên của con người miền núi cao từ nhiều nghìn năm nay. Ý thức cộng đồng và truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng của các dân tộc thiểu số là tài sản văn hóa vô giá do con người sáng tạo và hun đúc nên, tạo ra bản lĩnh tồn tại lâu bền cho các tộc người, góp phần tạo nên sức sống mãnh liệt của một quốc gia đa dân tộc. Mảnh đất giàu truyền thống và có vị thế địa lý - chính trị - văn hóa đó, khi gặp dòng thác cách mạng do Đảng lãnh đạo, đã và đang được phát huy tối đa nội lực bản địa, chuyển mình sáng tạo và mạnh mẽ cùng với đời sống sôi động và phát triển của đất nước Việt Nam trong hiện tại. Giữa cái nôi của truyền thống yêu nước - cách mạng đó, đồng bào các dân tộc với trình độ nhận thức đã và đang được nâng cao của mình, đã biết gìn giữ và bảo lưu truyền thống văn hóa mang bản sắc tộc người qua hàng nghìn năm và hiện tại đã và đang ý thức đến sự hội nhập, phát triển cùng với sự định hình và khởi sắc của nền văn hóa tiên tiến trên toàn cõi Việt Nam. Biết giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa độc đáo và giàu có của mình vốn đã định hình rõ nét trong lịch sử, chúng ta tin rằng, đồng bào các dân tộc thiểu số Việt Bắc nói chung và đồng bào các dân tộc Tày - Nùng - Mông - Sán Chay nói riêng sẽ đủ sức mạnh làm chủ vận mệnh cuộc sống của mình, góp phần bảo tồn, bồi đắp và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong thời đại ngày nay./.
Tư tưởng “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” - Khát vọng của dân tộc Việt Nam và chân lý thời đại  (30/06/2016)
Vì sao G7 chưa đồng thuận về giải pháp tổng thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu?  (30/06/2016)
Ban hành quy chế quản lý hoạt động Cảng quốc tế Cam Ranh  (30/06/2016)
Hồ Tùng Mậu - nhân cách mẫu mực và lý tưởng cao cả của người cộng sản  (30/06/2016)
“Đồng bằng sông Cửu Long - Chủ động hội nhập và phát triển bền vững”  (30/06/2016)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm