TCCSĐT - Sáu tháng đầu năm nay, xâm nhập mặn, hạn hán đã ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển nông nghiệp của Vĩnh Long. Nhờ tích cực, chủ động khắc phục hậu quả, nên kinh tế - xã hội của tỉnh tăng trưởng và ổn định. Vĩnh Long đang phấn đấu đến cuối năm vẫn đạt được các chỉ tiêu chủ yếu đề ra.

Vượt qua khó khăn để đạt được nhiều kết quả tích cực

Trước bối cảnh hạn, xâm nhập mặn diễn biến phức tạp, ô nhiễm môi trường nước ngày càng nghiêm trọng đã tạo ra một số dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi phát sinh… ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của một bộ phận nhân dân, song, với quyết tâm cao của các cấp ủy đảng, sự tập trung chỉ đạo, điều hành của chính quyền, sự nỗ lực phấn đấu của các ngành, mặt trận và đoàn thể các cấp, các thành phần kinh tế và nhân dân nên kinh tế - xã hội của Vĩnh Long đạt được nhiều kết quả tích cực. Đánh giá chung, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) tăng 4,14% so với cùng kỳ. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng theo tỷ lệ: khu vực nông nghiệp - thủy sản 32,97%, khu vực công nghiệp - xây dựng 22,82%, khu vực dịch vụ 44,21%. So cùng kỳ năm 2015, tỷ lệ khu vực nông nghiệp - thủy sản giảm 2,63%, khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 1,15% và khu vực dịch vụ tăng 1,48%.

Sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng bất lợi của thời tiết nên tốc độ tăng trưởng -3,96% so với cùng kỳ. Mặc dù diện tích sản xuất lúa, màu, cây ăn trái có tăng nhẹ nhưng năng suất, sản lượng giảm. Chăn nuôi gia súc, gia cầm ổn định và phát triển theo hướng chăn nuôi trang trại, gia trại. Sản lượng thủy sản nuôi trồng và khai thác 6 tháng đạt 63.053 tấn, giảm 4,2% so với cùng kỳ năm trước.

Theo ước tính tổng thiệt hại do hạn và xâm nhập mặn gần 285 tỷ đồng, trong đó huyện Vũng Liêm thiệt hại nặng nhất, lên đến 268,9 tỷ đồng. Trước thực trạng trên, tỉnh đã nhanh chóng hỗ trợ kinh phí khắc phục với số tiền 56,6 tỷ đồng cho các địa phương. Đến nay, cơ bản các huyện đã kiểm soát và ngăn chặn được ảnh hưởng của hạn mặn đến sản xuất và sinh hoạt. Cũng từ thực trạng này, tỉnh tập trung thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp không đầu tư rộng mà chủ yếu hướng vào xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả như: cánh đồng lớn; rau màu an toàn sinh học; bưởi da xanh, cam sành, chăn nuôi trang trại an toàn sinh học; nuôi các loại thủy sản có giá trị kinh tế... theo hướng nâng cao giá trị, hiệu quả và phát triển bền vững. Hầu hết các mô hình được nông dân hưởng ứng tích cực do có hiệu quả cao.

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tiếp tục được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt. Tỉnh ủy đã ban hành các Quyết định về việc kiện toàn Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới và phân công các Tỉnh ủy viên, lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh phụ trách địa bàn 89 xã xây dựng nông thôn mới. Thành lập đoàn khảo sát tình hình triển khai kế hoạch thực hiện của các xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới năm 2016 để củng cố và phân công cụ thể cho các thành viên Ban Chỉ đạo xã. Huy động trên 361 tỷ đồng thực hiện Chương trình, trong đó đóng góp của tổ chức, doanh nghiệp và nguồn lực của cộng đồng dân cư đạt 7,6 tỷ đồng.

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 10,55% so với cùng kỳ. Phần lớn các ngành, lĩnh vực sản xuất được phục hồi, tăng trưởng, riêng ngành chế biến, bảo quản thủy sản giảm 56%. Chỉ số tiêu thụ của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6%. Tỉnh đã cấp mới Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho 126 doanh nghiệp có tổng số vốn đăng ký 393 tỷ đồng, nâng tổng số doanh nghiệp đang hoạt động lên đến 2.777 doanh nghiệp. Tính đến thời điểm hiện tại, số vốn bình quân một doanh nghiệp đăng ký thành lập mới đạt 3,12 tỷ đồng, tăng 46,48% so với cùng kỳ năm trước; đã tăng 2,44% về số doanh nghiệp và tăng 50,2% về số vốn đăng ký.

Toàn tỉnh đã huy động được 5.496 tỷ đồng cho đầu tư phát triển, tăng 6,27% so với cùng kỳ. Tiến độ thực hiện xây dựng cơ bản chậm, tổng số vốn đầu tư xây dựng cơ bản ước thực hiện được 625 tỷ đồng, đạt 27,8% kế hoạch; giải ngân 565 tỷ đồng, đạt 19,6% kế hoạch; nguyên nhân thực hiện chậm do thực hiện luật mới trình tự hồ sơ thủ tục chặt chẽ hơn, mức chỉ định thầu các công trình giảm, chủ đầu tư chuẩn bị hồ sơ thủ tục chậm.

Trong thương mại, hoạt động nội thương ổn định với mức tăng 8,3% so với cùng kỳ. Các loại hàng hoá thiết yếu đáp ứng tốt nhu cầu người tiêu dùng, không xảy ra hiện tượng khan hàng sốt giá, chỉ số giá tiêu dùng bình quân trong 6 tháng tăng 2,48% so với cùng kỳ. Tổng kim ngạch xuất khẩu là 178 triệu USD, đạt 53,8% kế hoạch năm, tăng 39% so với cùng kỳ. Tổng kim ngạch nhập khẩu là 80 triệu USD, tăng 0,7% so với cùng kỳ. Tổng lượng khách du lịch đến tỉnh ước đạt 54.000 lượt, tăng 10% so với cùng kỳ, trong đó khách quốc tế chiếm 53% tổng lượng khách.

Thu ngân sách Nhà nước ước 2.881 tỷ đồng, đạt 56,7% dự toán, tăng 17% so với cùng kỳ, trong đó thu nội địa 1.982 tỷ đồng, tăng 19%. Tổng chi ngân sách địa phương 2.766 tỷ đồng, đạt 43,8% dự toán năm; trong đó chi đầu tư phát triển 825 tỷ đồng, đạt 34% dự toán.

Tỉnh chú trọng đầu tư cho giáo dục và đào tạo nên chất lượng giáo dục được nâng lên rõ rệt, tỷ lệ học sinh khá và giỏi tăng, học sinh yếu và kém giảm. Tính đến ngày 31-5-2016, toàn tỉnh có 160/440 trường mầm non, phổ thông công lập được công nhận đạt chuẩn quốc gia, chiếm 36,36%, tăng 12 trường so cuối năm học trước. Tổ chức nghiêm túc, thành công kỳ thi tuyển sinh lớp 10 trung học phổ thông năm học 2016 - 2017 và chuẩn bị kỹ lưỡng kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia.

Về y tế, cũng do chịu ảnh hưởng bởi thời tiết nắng nóng, hạn hán kéo dài nên các loại dịch bệnh nguy hiểm tăng so cùng kỳ năm trước nhưng ngành y tế đã chữa trị kịp thời, không để xảy ra tử vong. Toàn tỉnh có 744.826 người dân đã mua, được cấp phát thẻ bảo hiểm y tế, chiếm 71,5% dân số.

Trong 6 tháng đầu năm, các cấp ủy đảng, chính quyền chỉ đạo triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách đối với người có công. Thăm, tặng quà tết cho đối tượng chính sách, người có công với tổng kinh phí trên 7,6 tỷ đồng; chi trả trợ cấp hàng tháng cho 75.506 lượt đối tượng người có công, với số tiền trên 89,6 tỷ đồng; vận động quỹ đền ơn đáp nghĩa trên 2,8 tỷ đồng, đạt 70,35% kế hoạch; xây dựng và sửa chữa 48 căn nhà tình nghĩa (trong đó xây mới 30 căn), trị giá trên 1,5 tỷ đồng.

Tỉnh đã thực hiện rất hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, vận động hỗ trợ cho các đối tượng đặc biệt khó khăn. Hỗ trợ 56.168 phần quà tết cho hộ nghèo, hộ vừa thoát nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trị giá trên 14,7 tỷ đồng. Hỗ trợ mua bảo hiểm y tế cho 100% người nghèo và người cận nghèo; hỗ trợ đột xuất và cứu tế đột xuất cho 68 trường hợp, trị giá hơn 204 triệu đồng.

Công tác giải quyết việc làm cho người lao động đạt hiệu quả tốt bằng việc thực hiện đồng bộ các giải pháp về đào tạo nghề, góp phần nâng tỷ lệ lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật. Kết quả, đã giải quyết việc làm cho 12.439 lao động, đạt 65,47% kế hoạch; trong đó đưa đi hợp tác lao động ở nước ngoài 419 lao động, đào tạo nghề cho 9.897 lao động có tính cả 1.400 lao động nông thôn đã góp phần nâng tỷ lệ lao động có chuyên môn kỹ thuật của tỉnh đạt 56,71%, trong đó qua đào tạo nghề chiếm 36,28%.

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” gắn với phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới và phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị tiếp tục được thực hiện tốt, chất lượng được nâng lên. Toàn tỉnh có 93,77% gia đình, 88,31% ấp - khóm và 97,54% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa; 1 thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị, 30/94 xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới.

Phong trào thể dục thể thao được phát triển rộng khắp trong toàn tỉnh, đã tổ chức và phối hợp tổ chức thành công 14 giải thể thao truyền thống, cấp tỉnh, khu vực và toàn quốc. Toàn tỉnh có 30% dân số tham gia tập luyện thể thao thường xuyên, 22% hộ gia đình thể thao và 1.152 câu lạc bộ, sân bãi thể thao. Thể thao thành tích cao đạt 107 huy chương các loại tại các giải thể thao trẻ, cấp khu vực, toàn quốc và quốc tế.

Vẫn còn nhiều thách thức

Thứ nhất, diễn biến bất thường của thời tiết, lốc xoáy, triều cường dâng cao gây sạt lở đê bao ở một số nơi; hạn, xâm nhập mặn với mức độ, quy mô lớn, thời gian kéo dài đã ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của nhân dân vẫn có khả năng tiếp tục xảy ra. Các mô hình sản xuất có hiệu quả được quan tâm nhưng chưa đúng mức để nhân rộng; dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi vẫn còn xảy ra. Tám xã đăng ký thực hiện đạt chuẩn nông thôn mới năm 2016, mới đạt bình quân 16 tiêu chí/xã và mới triển khai được 13/29 công trình được phân bổ vốn, còn 19 công trình chưa có nguồn vốn để phân bổ.

Thứ hai, hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp còn nhiều khó khăn bởi các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp chưa đạt hiệu quả cao. Môi trường đầu tư kinh doanh có nhiều cải thiện nhưng điểm số của Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2015 đang chững lại. Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, thủy sản chậm phục hồi. Tăng trưởng tín dụng còn thấp, tỷ lệ nợ xấu có xu hướng tăng.

Thứ ba, một số dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư triển khai còn chậm. Tiến độ triển khai thực hiện kế hoạch vốn đầu tư phát triển từ ngân sách Nhà nước chậm; một số ngành, địa phương, thiếu quyết liệt và chưa thật sâu sát trong lãnh đạo, điều hành các hoạt động đầu tư nên khối lượng thực hiện và tỷ lệ giải ngân đạt thấp so với kế hoạch đề ra.

Thứ tư, việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nghị quyết ở một số ngành, địa phương chưa tập trung, quyết liệt. Và, một số ngành, địa phương chưa chủ động điều hành, xử lý có hiệu quả một số công việc theo nhiệm vụ được phân công.

Tiếp tục phấn đấu để hoàn thành các chỉ tiêu chủ yếu

Với mục tiêu phấn đấu thực hiện đạt các chỉ tiêu chủ yếu của Nghị quyết năm 2016. Trong đó, chú ý các chỉ tiêu giảm hoặc có tiến độ thực hiện thấp như tăng trưởng GRDP, giá trị sản xuất nông, lâm, thuỷ sản, giá trị gia tăng khu vực dịch vụ; chỉ số sản xuất công nghiệp; chú trọng tổng vốn đầu tư phát triển và xây dựng xã nông thôn mới. Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp, tăng diện tích sản xuất và đàn vật nuôi để bù đắp cho sự sụt giảm của nông nghiệp trong 6 tháng đầu năm. Bên cạnh việc tiếp tục bảo đảm ổn định an ninh, chính trị trật tự an toàn xã hội và xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, Tỉnh Vĩnh Long cần nhanh chóng triển khai một số nhiệm vụ chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội như sau:

Một là, thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách Nhà nước năm 2016, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016-2017 và định hướng đến năm 2020.

Hai là, tập trung thực hiện quyết liệt Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả. Tạo mọi điều kiện thuận lợi, khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Tăng cường xúc tiến thương mại, tìm thị trường đầu ra cho sản phẩm, nhất là sản phẩm nông nghiệp. Tập trung thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả và phòng, chống hạn, mặn năm 2017 và những năm tiếp theo; Rà soát, điều chỉnh lại các quy hoạch, nhất là quy hoạch về thủy lợi để đầu tư thích đáng cho các công trình cấp thiết phòng, chống hạn, xâm nhập mặn, bảo vệ sản xuất.

Ba là, thực hiện đúng kế hoạch xây dựng nông thôn mới, phấn đấu 8 xã đạt trong năm 2016, các xã còn lại thực hiện đạt thêm ít nhất 1 tiêu chí trở lên; các xã đã được công nhận đạt xã nông thôn mới tiếp tục giữ vững và nâng chất 19 tiêu chí ở mức độ cao hơn. Đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, dự án và giải ngân các nguồn vốn đầu tư, nhất là công trình ở các xã phấn đấu đạt xã nông thôn mới năm 2016, cùng với việc thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát đánh giá đầu tư, bảo đảm công trình đầu tư đạt chất lượng, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư.

Bốn là, thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành công thương. Tiếp tục hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, nhất là khâu giải phóng mặt bằng để triển khai thực hiện và mở rộng dự án; trong công tác thanh tra, kiểm tra cần chú ý phối hợp giữa các ngành, tránh gây phiền phức và mất nhiều thời gian của doanh nghiệp. Rà soát lại các cụm công nghiệp, đưa ra khỏi quy hoạch các cụm công nghiệp không có lợi thế thu hút đầu tư.

Năm là, tăng cường xúc tiến thương mại, tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp khai thác tốt thị trường nội địa; đẩy mạnh thực hiện chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, chú trọng chất lượng hàng hóa. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, phòng chống hàng gian, hàng giả, nhất là phân bón, thuốc bảo vệ thực vật phục vụ sản xuất nông nghiệp. Tạo bước chuyển biến mạnh trong việc tổ chức thực hiện Nghị quyết về phát triển du lịch; huy động nguồn lực từ doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh đầu tư, khai thác các thế mạnh về du lịch, cải thiện chất lượng phục vụ, liên kết với các điểm du lịch ngoài tỉnh, xây dựng các tuyến du lịch liên vùng, thu hút khách du lịch quốc tế.

Sáu là, tổ chức tốt công tác tuyển sinh cao đẳng, đại học năm 2016. Chuẩn bị tốt các điều kiện cho khai giảng năm học mới 2016 - 2017; tiếp tục đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị giảng dạy và học tập; nâng tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia. Quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo nâng tỷ lệ học sinh giỏi quốc gia. Phấn đấu đến cuối năm 2016 đạt chuẩn phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi. Triển khai thực hiện tốt Chương trình hành động của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI).

Bảy là, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân; chủ động giám sát chặt chẽ các loại bệnh nguy hiểm, không để bùng phát thành dịch bệnh. Đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Phấn đấu đến cuối năm 2016, độ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 73% dân số. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng, mở rộng bệnh viện đa khoa tỉnh giai đoạn 2; đầu tư đồng bộ trang thiết bị y tế ở những cơ sở y tế mới xây dựng.

Tám là, tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo nghề. Đẩy mạnh công tác tư vấn nghề, giới thiệu việc làm, nhất là xuất khẩu lao động. Thực hiện tốt công tác đánh giá, phân loại chính xác hộ nghèo và hộ cận nghèo (theo kết quả điều tra đa chiều) để hỗ trợ thoát nghèo bền vững, chống tái nghèo, hạn chế phát sinh hộ nghèo mới, phấn đấu đến cuối năm kéo giảm 1% tỷ lệ hộ nghèo đa chiều./.