Hậu Giang: Nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm chủ lực từ góc nhìn so sánh và tiếp cận theo vùng
TCCSĐT - Tình trạng sản xuất thiếu liên kết, quy mô nhỏ lẻ, đầu tư dàn trải, thiếu tập trung, mỗi tỉnh, thành phát triển sản phẩm chủ lực theo kiểu “mạnh ai nấy làm” hoặc mô phỏng lẫn nhau thường dẫn đến cạnh tranh cục bộ, triệt tiêu nguồn lực. Trong bối cảnh đó, việc tỉnh Hậu Giang xác định các mặt hàng nông sản chủ lực để tập trung đầu tư phát triển sản xuất và tiêu thụ là hướng đi đúng, căn cơ. Vấn đề đang đặt ra là cần đặt những nỗ lực mang tính đột phá của Hậu Giang trong mối liên kết vùng đồng bằng sông Cửu Long và lợi thế so sánh để phát triển bền vững.
Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về sản phẩm chủ lực
Sản phẩm chủ lực là khái niệm để chỉ những sản phẩm có ưu thế cạnh tranh vượt trội, quy mô lớn, tính đồng nhất cao, có sức lan tỏa và chi phối, có vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế của một địa phương, một vùng lãnh thổ, một quốc gia. Một số quốc gia còn xác định những sản phẩm chủ lực nhằm hoạch định các cơ chế, chính sách và tổ chức sử dụng hợp lý tài nguyên, nguồn lực trong nền kinh tế cạnh tranh.
Thực tế cho thấy, có những sản phẩm nhờ lợi thế đặc thù của vùng, địa phương và tính vượt trội của nó đã trở thành sản phẩm chủ lực một cách tự nhiên, được nhiều người tiêu dùng trong và ngoài nước biết đến như là một sản phẩm đặc trưng của vùng và địa phương đó. Một cách khái quát, sản phẩm chủ lực được thừa nhận với 5 đặc tính căn bản là: (1) Có quy mô lớn và tính đồng nhất cao, (2) Có năng lực cạnh tranh quốc gia hoặc tầm quốc tế, (3) Có sức lan tỏa mạnh, (4) Mang tính độc đáo của địa phương, vùng lãnh thổ hay quốc gia (5), Sản phẩm có tính an toàn và thân thiện với môi trường.
Vùng đồng bằng sông Cửu Long không chỉ là vựa lúa gạo, trái cây, thủy sản mà còn là nơi bảo đảm “sức khỏe”cho nền nông nghiệp cả nước. Thực tế cho thấy, các sản phẩm chủ lực của đồng bằng sông Cửu Long như lúa gạo, tôm, cá tra và trái cây đã có nhiều đóng góp to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội vùng và cả nước. Thời gian qua, một số tỉnh, thành trong vùng dựa vào lợi thế, tiềm năng và yêu cầu phát triển đã xác định một số sản phẩm chủ lực của mình. Tỉnh Tiền Giang phát triển các sản phẩm chủ lực như: vú sữa Vĩnh Kim, thanh long Chợ Gạo, sầu riêng Ngũ Hiệp, sơ ri Gò Công, khóm Tân Lập, bưởi lông Cổ Cò, xoài cát Hoà Lộc, nếp bè Chợ Gạo, lúa chất lượng cao, rau an toàn, các sản phẩm nuôi trồng thủy sản (cá tra, tôm, nghêu), giống thuỷ sản, giống lúa và các giống cây khác,... Tỉnh Vĩnh Long chọn các sản phẩm lúa gạo, trái cây, thủy sản, gốm mỹ nghệ, du lịch sinh thái miệt vườn,... Tỉnh Bến Tre ưu tiên “công nghiệp mũi nhọn” dệt may, da giày, chế biến nông, lâm, thủy hải sản, các sản phẩm từ dừa,… Thành phố Cần Thơ chọn các sản phẩm thuộc 3 lĩnh vực nông nghiệp - thủy sản, công nghiệp chế biến và thương mại - dịch vụ như: lúa gạo, trái cây, cá nuôi nước ngọt, thực phẩm đồ uống, hóa chất, dược phẩm, thương mại, nhà hàng - khách sạn, du lịch, vận tải, dịch vụ tài chính, y tế, đào tạo, logistics ...
Ở cấp độ vùng, Thủ tướng Chính phủ đã giao Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ cùng với Trường Đại học Cần Thơ, Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long, Viện Nghiên cứu cây ăn quả Miền Nam phối hợp với các bộ, ngành liên quan và 13 tỉnh, thành trong vùng đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù cho các sản phẩm chủ lực của vùng. Theo đó, Đề án liên kết vùng đồng bằng sông Cửu Long trong nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã được xây dựng với 5 dự án sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm chủ lực của vùng là: lúa gạo, cây ăn trái, thủy sản (tôm, cá tra). Thực tế nhiều năm qua cho thấy, các mặt hàng lúa gạo, cây ăn trái, thủy sản với những ưu thế cạnh tranh vượt trội, sản lượng lớn, giá trị kim ngạch xuất khẩu và tiêu dùng nội địa cao, có sức lan tỏa và chi phối đã trở thành các sản phẩm chủ lực của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Trong đó, lúa gạo, tôm, cá tra còn là sản phẩm chủ lực quốc gia với sản lượng và giá trị kim ngạch xuất khẩu hàng đầu trong nhóm hàng nông sản của Việt Nam. Ngày 06-4-2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 593/QĐ-TTg “Về việc thực hiện cơ chế thí điểm liên kết vùng đồng bằng sông Cửu Long” mà nội dung trọng tâm là liên kết phát triển chuỗi giá trị các sản phẩm chủ lực vùng là lúa gạo, thủy sản và trái cây. Như vậy, các sản phẩm chủ lực ở nước ta đang được nhìn nhận theo 3 cấp độ: địa phương, cấp vùng và quốc gia.
Thực trạng và định hướng phát triển các nông sản chủ lực Hậu Giang từ góc nhìn lợi thế so sánh vùng
Hậu Giang là tỉnh được thành lập sau cùng trong vùng đồng bằng sông Cửu Long (năm 2004) với xuất phát điểm thấp của nền kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp. Theo Báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang, sau 10 năm thành lập tỉnh, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất khu vực nông nghiệp đạt 7,79%/năm. Đây là mức tăng trưởng khá cao. Tỉnh đã xây dựng được các vùng nguyên liệu nông sản chuyên canh với quy mô khá lớn, đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng nội địa và chế biến xuất khẩu như: vùng lúa chất lượng cao 32.000 ha, vùng nguyên liệu mía 10.300 ha, vùng khóm 1.500 ha, vùng cây ăn trái đặc sản 2.500 ha, vùng nuôi trồng thủy sản tập trung 1.500 ha. Nông sản hàng hóa của tỉnh ngày càng đa dạng và đi vào chất lượng, hiệu quả. Một số mặt hàng nông sản bước đầu hình thành mối liên kết “bốn nhà”, hoạt động ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất ngày càng phát huy hiệu quả, tăng tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản.
Qua 12 năm xây dựng và phát triển, trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng như hiện nay, một trong những vấn đề có tính cấp thiết đã và đang đặt ra là Hậu Giang cần tiếp tục gắn kết chặt chẽ với mối quan hệ nội vùng, đồng thời phải tìm ra những lợi thế so sánh để tăng cường năng lực cạnh tranh của tỉnh từ những sản phẩm chủ lực.
Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hậu Giang đến năm 2020 nêu rõ: Nông - lâm - ngư nghiệp có vị trí rất quan trọng trong quá trình phát triển. Từ định hướng đó, tỉnh đã có chủ trương chọn sản phẩm chủ lực là “5 cây”: lúa, mía, cây ăn trái, khóm, rau màu và “5 con”: trâu, bò, heo, gia cầm, thủy sản để phát triển theo chiều sâu và tập trung, nhằm tạo bước đột phá mới cho ngành nông nghiệp. Trong đó, một số loại đặc sản nông nghiệp của tỉnh đã được xây dựng thương hiệu, được thị trường cả nước biết đến như: bưởi Năm Roi Phú Hữu, khóm Cầu Đúc, cá thát lát, lúa Hậu Giang 1(HG1), lúa Hậu Giang 2 (HG2),…
Việc Hậu Giang xác định “5 cây, 5 con” chủ lực của tỉnh, trong đó có một số sản phẩm chủ lực của vùng và quốc gia là định hướng đúng. Tuy nhiên, để những sản phẩm được lựa chọn thực sự là chủ lực, có sức cạnh tranh cao trên thị trường, một yêu cầu lớn đang đặt ra là tỉnh cần phải có một “chiến lược sản phẩm” với hệ thống giải pháp đồng bộ từ qui hoạch, đầu tư, tổ chức sản xuất - liên kết, thị trường, nguồn nhân lực trên cơ sở phát huy tối đa những lợi thế so sánh và phải gắn với liên kết vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Điều đáng quan tâm là trong các sản phẩm chủ lực của Hậu Giang có nhiều sản phẩm mà các địa phương khác cũng chọn làm sản phẩm chủ lực; trong đó, lúa gạo, thủy sản, trái cây còn là sản phẩm chủ lực của vùng và của quốc gia. Thực tiễn cho thấy, một số sản phẩm mà Hậu Giang chọn làm sản phẩm chủ lực chưa thực sự có “lợi thế cạnh tranh” mạnh về quy mô, sản lượng, nếu xét dưới góc nhìn so sánh vùng. Vấn đề cần lưu ý là hiện nay vùng nguyên liệu không đóng khung trong ranh giới hành chính tỉnh. Nhiều doanh nghiệp (lúa gạo, thủy sản, mía đường, trái cây) tuy đặt trụ sở tại một tỉnh nhưng luôn quan tâm xây dựng vùng nguyên liệu hoặc tổ chức thu mua nguyên liệu ở nhiều tỉnh khác. Thực tế đó đòi hỏi phải tăng cường phối hợp liên tỉnh, liên kết vùng.
Những lợi thế, tiềm năng sẵn có của Hậu Giang muốn phát huy tốt đòi hỏi và phụ thuộc rất nhiều vào hiệu quả đầu tư phát triển sắp tới. Để đi từ lợi thế so sánh đến lợi thế cạnh tranh là một quá trình, phụ thuộc nhiều vào hiệu quả đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Điều đó đặt ra yêu cầu cho Hậu Giang là phải vừa nâng cao năng lực cạnh tranh từ “thế yếu” (nhỏ về quy mô, sản lượng) sang đầu tư chiều sâu để nâng cao chất lượng bằng hàm lượng chất xám, quy hoạch kết nối sản xuất - thị trường, tổ chức sản xuất, cải cách thể chế; đồng thời phải tăng cường liên kết với các tỉnh, thành khác trong vùng đồng bằng sông Cửu Long, tạo ra thế “cạnh tranh trong liên kết” chứ không phải “cạnh tranh đối đầu”. Đặc biệt, Hậu Giang cần nhanh chóng xây dựng, phát huy vai trò của Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập; hình thành Trung tâm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với nòng cốt là các doanh nghiệp tham gia đầu tư. Đây là những hạt nhân để tạo ra công nghệ cao phục vụ nông nghiệp hoặc ứng dụng công nghệ cao sản xuất ra các sản phẩm nông nghiệp có giá trị cao trong trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, chuyển giao công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp cho Hậu Giang và các địa phương khác trong vùng.
Đề xuất một số nhóm giải pháp
Từ những vấn đề mang tính lý luận và thực tiễn phát triển các sản phẩm chủ lực của tỉnh Hậu Giang, cũng như định hướng trong thời gian tới, xét trong góc nhìn liên kết vùng và lợi thế so sánh của tỉnh, để nâng cao sức cạnh tranh của các sản phẩm chủ lực này trên thị trường, trong thời gian tới tỉnh Hậu Giang cần tập trung thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp sau:
Nhóm giải pháp về quy hoạch - đầu tư
Rà soát, hoàn chỉnh quy hoạch theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, dựa trên lợi thế cạnh tranh của các sản phẩm chủ lực được lựa chọn, tránh dàn trải để tập trung đầu tư chiều sâu. Khẩn trương triển khai Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tăng cường liên kết vùng phát triển sản xuất và tiêu thụ, xây dựng các “Cluster (cụm ngành) lúa gạo, trái cây, thuỷ sản” của vùng. Trong đó, nên lựa chọn lợi thế cạnh tranh từ những sản phẩm chủ lực như lợi thế về chế biến, xuất khẩu tôm đã được đầu tư từ Công ty Minh Phú - Hậu Giang, Công ty Cafatex,…
Đổi mới tư duy về phương pháp đầu tư, chuyển từ đầu tư theo “đoạn” sang đầu tư theo “chuỗi” sản xuất. Đầu tư theo chuỗi sẽ giúp tỉnh tránh trường hợp tập trung đầu tư không cân đối trong chuỗi, có đoạn phình to nhưng có đoạn lại teo tóp, gây ra tình trạng mất ổn định trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Muốn vậy, trước tiên cần xác định sản phẩm phải trải qua những công đoạn nào trong chuỗi sản xuất để quy hoạch và xây dựng chính sách thu hút đầu tư phù hợp.
Nhóm giải pháp về khoa học và công nghệ
Để khắc phục tình trạng sản xuất theo kinh nghiệm truyền thống, công nghệ lạc hậu, dẫn đến chất lượng sản phẩm kém, không đồng bộ cần áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến một cách đồng bộ tại các khâu giống, nuôi trồng và chế biến như: phát triển công nghệ sinh học, áp dụng rộng rãi VietGap, GlobalGap trong sản xuất nông nghiệp, phát triển công nghệ thu hoạch và sau thu hoạch để giảm thất thoát, nâng cao chất lượng và gia tăng giá trị của sản phẩm nông, lâm, thuỷ sản …
Nhóm giải pháp về thị trường và liên kết
Tỉnh cần tăng cường đầu tư cho công tác điều tra, nghiên cứu, dự báo thị trường; tổ chức hội chợ triển lãm trong nước và nước ngoài để các doanh nghiệp tham gia giới thiệu, quảng bá các sản phẩm chủ lực của địa phương. Tăng cường liên kết vùng chuyên canh và tập trung sản xuất, liên kết chuỗi sản xuất, liên kết thị trường - doanh nghiệp và liên kết vùng đồng bằng sông Cửu Long; tiếp tục tổ chức mạng lưới liên kết theo mô hình các “Cluster cây ăn trái” làm hạt nhân liên kết chặt chẽ hơn so với các hình thức hợp đồng tiêu thụ nông sản lỏng lẻo, thường bị phá vỡ hợp đồng do những biến động về giá cả như thời gian qua.
Nhóm giải pháp về nguồn nhân lực
Hiện nay, phần lớn lao động của tỉnh Hậu Giang chưa được đào tạo chuyên môn kỹ thuật một cách căn bản vì đa số xuất thân từ nông thôn, hoạt động sản xuất - kinh doanh chủ yếu bằng khả năng và kinh nghiệm mang tính truyền thống. Vì thế, việc chuyển giao, ứng dụng các tiến bộ khoa học - công nghệ mới gặp nhiều khó khăn. Đội ngũ cán bộ quản lý còn thiếu kiến thức và kỹ năng, dẫn đến quản lý điều hành mang tính tự phát, cảm tính và thiếu tầm nhìn. Vì vậy, tỉnh cần có quy hoạch, phân luồng đào tạo chuyên môn và dạy nghề, đặc biệt chú trọng phát triển nguồn nhân lực có trình độ tay nghề cao, phù hợp, cán bộ quản lý có năng lực để cung cấp cho các doanh nghiệp, nhà sản xuất hay khu công nghiệp sản xuất hàng hóa chủ lực của tỉnh và của vùng đồng bằng sông Cửu Long.
*
* *
Phát triển sản phẩm chủ lực là một yêu cầu tất yếu, khách quan nhằm tăng cường năng lực cạnh tranh của hàng hóa và khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế vượt trội của từng tỉnh, thành và cả vùng đồng bằng sông Cửu Long. Vì thế, cần triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc, bảo đảm cho sản phẩm chủ lực phát triển một cách ổn định và bền vững.
Song song với việc khẩn trương triển khai xây dựng Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang lồng ghép với phát triển các sản phẩm chủ lực của tỉnh và của vùng, Hậu Giang cần có cơ chế, chính sách tốt nhằm phát huy mạnh mẽ các nguồn vốn sáng tạo thúc đẩy khởi nghiệp, khoa học - công nghệ; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp - nông thôn, khuyến khích nông dân khởi nghiệp, khuyến khích các mô hình nông nghiệp sáng tạo.
Đề nghị Chính phủ xem xét, ban hành cơ chế, chính sách đặc thù thu hút đầu tư vào các sản phẩm chủ lực của vùng đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có một số sản phẩm chủ lực của tỉnh. Đồng thời, tập trung hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế, khai thông các kênh tín dụng (vốn ngân sách, vốn ODA, vốn FDI, vốn doanh nghiệp tham gia, vốn tín dụng ngân hàng).
Từ các hình thức “liên kết nhà nước” giữa các chính quyền các tỉnh, thành trong vùng với nhau và với thành phố Hồ Chí Minh, với các bộ, ngành trung ương như thời gian qua, cần mở rộng và tăng cường liên kết với doanh nghiệp, liên kết thị trường dựa trên nền tảng lợi ích. Trên cơ sở đó tổ chức nghiên cứu, ứng dụng, tập huấn, chuyển giao khoa học - công nghệ gắn với từng Cluster chuyên ngành để tạo ra các sản phẩm chủ lực có giá trị gia tăng và sức cạnh tranh cao trên thị trường./.
Đổi mới công tác xây dựng Đảng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XII của Đảng  (12/08/2016)
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tiếp đoàn người có công tỉnh Đắk Nông  (11/08/2016)
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thăm chính thức Vương quốc Thái Lan  (11/08/2016)
Đẩy nhanh tiến độ biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam  (11/08/2016)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên