TCCSĐT - Ngày 11-8-2016, tại thành phố Cần Thơ, Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ tổ chức Hội thảo quốc gia về khoa học cây trồng lần thứ hai với chủ đề “Nông nghiệp công nghệ cao ứng phó với biến đổi khí hậu”.

Tham dự hội thảo có hơn 500 đại biểu đại diện lãnh đạo và các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ, các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhiều doanh nghiệp trong ngành nông nghiệp, các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh nhấn mạnh: Trong những năm gần đây, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước và các bộ ngành trung ương, nhiều chính sách mới về nông nghiệp đã được ban hành và triển khai, giúp các địa phương thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; nhiều tiến bộ khoa học - kỹ thuật đã được nghiên cứu, hoàn chỉnh và chuyển giao có hiệu quả vào sản xuất. Nhờ đó, nông nghiệp nước ta tiếp tục có bước phát triển. Đến nay, có 10 ngành hàng trong nông nghiệp đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1tỷ USD/năm, trong đó lĩnh vực trồng trọt có 7 ngành hàng là: lúa gạo, cà phê, cao su, điều, hồ tiêu, rau quả và sắn.

Tuy nhiên, ngành nông nghiệp nước ta nói chung và ngành trồng trọt nói riêng đang đối mặt với nhiều hạn chế, thách thức trong bối cảnh hội nhập quốc tế và chịu nhiều tác động bất lợi của tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu. Trong ngành trồng trọt, hạn chế lớn nhất là chưa có những giống cây trồng có đẳng cấp khu vực và quốc tế, phần lớn các loại giống cây trồng còn phải nhập từ nước ngoài; kỹ thuật sản xuất chưa cao, nên chưa tạo ra giá trị gia tăng cao trong ngành trồng trọt; khâu bảo quản sau thu hoạch và vệ sinh an toàn thực phẩm còn nhiều bất cập;… Đặc biệt, tình trạng thiên tai và biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng gay gắt trong những năm gần đây ở tất cả các vùng miền trên cả nước đã gây nhiều tác hại đối với sản xuất nông nghiệp. 6 tháng đầu năm 2016, lần đầu tiên trong vòng 20 năm gần đây, nông nghiệp Việt Nam tăng trưởng âm 0,18%, sản lượng lương thực có thể giảm trên 1 triệu tấn. Trong bối cảnh đó, việc tăng cường nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất và tổ chức lại sản xuất nông nghiệp hợp lý theo hướng tăng cường nông nghiệp công nghệ cao được xác định là 2 trụ cột quan trọng để thực hiện thành công Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, giúp ngành nông nghiệp ứng phó hữu hiệu với biến đổi khí hậu.

Theo PGS, TS. Trịnh Khắc Quang, Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, có 3 động lực cơ bản để phát triển ngành trồng trọt. Đó là: tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ; đầu tư, cải thiện kết cấu hạ tầng và đổi mới chính sách. Trong bối cảnh nợ công tăng cao, nhiều chính sách hiện hành chưa đáp ứng được yêu cầu của nền sản xuất hàng hóa cạnh tranh ngày càng gay gắt trong thời kỳ hội nhập quốc tế thì giải pháp khoa học - công nghệ cần được xác định là ưu tiên hàng đầu. Theo đó, ngành khoa học cây trồng cần điều chỉnh lại chiến lược nghiên cứu theo định hướng thị trường, lấy thu nhập của người sản xuất làm trung tâm, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu và nhất thiết phải có sự tham gia của doanh nghiệp. Vì thế, hội thảo này còn được xem là cơ hội để các địa phương, các doanh nghiệp trong cả nước phản hồi về các kết quả nghiên cứu thuộc lĩnh vực khoa học cây trồng và đặt hàng cho các nhà khoa học, các đơn vị nghiên cứu những công trình mới đáp ứng những đòi hỏi của thực tế sản xuất, kinh doanh theo cơ chế thị trường.

Tại hội thảo, 169 công trình nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ trong những năm gần đây của các cơ quan khoa học nông nghiệp, các trường đại học, các doanh nghiệp, các chuyên gia nông nghiệp trong những năm gần đây đã được Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam tập hợp, giới thiệu. Hội thảo tập trung trao đổi về các công trình, các kết quả nghiên cứu hướng đến việc triển khai, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật thuộc các lĩnh vực di truyền giống cây trồng và công nghệ sinh học, kỹ thuật trồng trọt và bảo vệ thực vật; cải tạo đất, sử dụng phân bón, bảo vệ môi trường và hệ thống nông nghiệp phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và các hiện tượng cực đoan của thời tiết trong giai đoạn 2016-2020./.