Thực trạng phát triển công nghệ cao có khả năng ứng dụng vào thực tiễn để phát triển các sản phẩm với lợi thế cạnh tranh của tỉnh Quảng Ninh
TCCS - Nghị quyết số 01-NQ/TU, ngày 16-11-2020, của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, “Về phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030” nêu rõ, về mục tiêu phát triển đòi hỏi đáp ứng nhu cầu thực tiễn phù hợp với xu thế phát triển phải đặt ra nhiệm vụ ứng dụng khoa học - công nghệ đặc biệt là công nghệ cao, đồng thời cũng xác định công nghiệp chế biến chế tạo là nội dung cơ bản phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ninh.
Triển khai thực hiện nghị quyết, Ủy ban nhân dân tỉnh đã căn cứ các định hướng tập trung thúc đẩy phát triển công nghệ cao tại Việt Nam trong giai đoạn tới, Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2030 (Quyết định số 130/QĐ-TTg ngày 27-1-2021) với mục tiêu nghiên cứu, làm chủ, phát triển công nghệ cao, ứng dụng hiệu quả công nghệ cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, sản xuất sản phẩm, cung cấp dịch vụ; hình thành, phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực này. Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2030 bao gồm 3 chương trình thành phần: 1- Chương trình nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ cao, phát triển sản phẩm và dịch vụ công nghệ cao do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì; 2- Chương trình phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao do Bộ Công thương chủ trì; 3- Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì. Bên cạnh đó, Chương trình cũng đề ra những nhiệm vụ và giải pháp chính thực hiện chương trình: Hoàn thiện thể chế; hỗ trợ hoạt động nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, quyền sở hữu trí tuệ sử dụng kết quả nghiên cứu, thúc đẩy liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp và tổ chức khoa học và công nghệ; hỗ trợ và tạo điều kiện cho ứng dụng, sản xuất sản phẩm, cung ứng dịch vụ công nghệ cao; đẩy mạnh hợp tác quốc tế về công nghệ cao; nâng cao nhận thức xã hội về vai trò và tác động của công nghệ cao.
Như vậy, từ định hướng mục tiêu cho thấy, giai đoạn tới, Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao tiếp tục tập trung chính vào đối tượng doanh nghiệp, song hành với đó là các viện nghiên cứu, trường đại học (nghiên cứu, ứng dụng, phát triển, làm chủ công nghệ, ứng dụng công nghệ cao vào hoạt động sản xuất kinh doanh sản phẩm của doanh nghiệp); khuyến khích mô hình doanh nghiệp chủ trì thực hiện nhiệm vụ, viện nghiên cứu, trường đại học và nhà nước phối hợp, hỗ trợ khoa học - công nghệ trong đó hỗ trợ của Nhà nước chủ yếu tập trung vào hỗ trợ các công đoạn nghiên cứu, hoàn thiện, làm chủ công nghệ, hỗ trợ sản xuất thử nghiệm và sản xuất công nghiệp với quy mô lớn.
Mục tiêu trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh khóa XV nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định rõ, xây dựng tỉnh Quảng Ninh trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện của phía Bắc. Với mục tiêu như vậy, ngành khoa học - công nghệ sẽ tập trung vào 3 điểm đột phá để tăng cường hơn nữa vai trò của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, đó là xây dựng cơ chế; tạo sự đột phá về hạ tầng công nghệ; và nguồn nhân lực khoa học công nghệ, từ đó áp dụng, chuyển giao công nghệ mới vào sản xuất.
Để khoa học - công nghệ lan tỏa đến khắp các ngành, lĩnh vực và thể hiện được tính ưu việt là cả một chặng đường dài mà trong đó không thể không kể đến sự đổi mới quan điểm, tư duy nhất là của cả một bộ máy chính quyền, người dân và cộng đồng doanh nghiệp về vai trò của khoa học - công nghệ. Song song với đó là vấn đề cơ chế, thời gian qua tỉnh Quảng Ninh đã ban hành hàng loạt quyết sách để hỗ trợ, tiếp sức cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong hoạt động khoa học - công nghệ, qua đó, tạo môi trường và động lực để khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo bứt phá, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Công tác quản lý nhà nước liên quan đến khoa học - công nghệ cũng được tăng cường. Cải cách thủ tục hành chính được quan tâm, tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình sản xuất kinh doanh, chuyển giao, ứng dụng, đổi mới công nghệ; hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được phát triển; kết nối cung - cầu công nghệ, phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học công nghệ; nâng cao năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư...”.
Trong 2 nhiệm kỳ gần đây, với quan điểm chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”, theo hướng bền vững thì lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh xác định khoa học công nghệ ngày càng đóng vai trò hết sức quan trọng. Khoa học - công nghệ đã hiện diện sâu sắc, đậm nét trên khắp các lĩnh vực tạo nên những thành tựu bứt phá trong nhiều lĩnh vực như nông nghiệp công nghệ cao, y tế thông minh, giáo dục thông minh, giao thông thông minh, chính quyền điện tử… Nhiều công nghệ cao, công nghệ mới, hiện đại đã được các doanh nghiệp lựa chọn áp dụng vào quá trình sản xuất kinh doanh để nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh. Chất lượng tăng trưởng của tỉnh được cải thiện, năng suất lao động nâng lên rõ rệt với mức tăng bình quân trên 11%, cao hơn mức tăng bình quân chung của cả nước (dự kiến 6,5 %). Tỷ trọng sản phẩm công nghệ cao của tỉnh tăng lên 45,2%. Với một địa phương phát triển năng động như tỉnh Quảng Ninh thì đây cũng là xu hướng tất yếu. Thực tế trong những năm gần đây, một luồng vốn lớn đầu tư vào tỉnh Quảng Ninh từ các tập đoàn lớn, sản xuất sản phẩm sử dụng công nghệ cao nằm trong chuỗi cung ứng toàn cầu đã mang lại doanh thu xuất khẩu cao và sử dụng số lao động lớn, tiêu biểu như: dự án đầu tư xây dựng của Công ty Cổ phần Khu công nghiệp tổ hợp công nghệ Thành Công Việt Hưng đã tiếp nhận công nghệ sản xuất lắp ráp sản phẩm ô-tô từ MIHAUD VIETNAM PTELTD với tổng giá trị của hợp đồng chuyển giao công nghệ gần 2 triệu USD. Đây sẽ là điểm khởi đầu để tỉnh Quảng Ninh tiếp tục thực hiện mạnh mẽ hơn nữa chủ trương thu hút các dự án công nghiệp chế biến, chế tạo, sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường và phát triển kinh tế theo hướng bền vững;...
Bên cạnh đó, triển khai thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/TU trong thời gian qua, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo xây dựng các kế hoạch, đề án, chương trình với các mục tiêu cụ thể nhằm thúc đẩy hoạt động khoa học - công nghệ nói chung và lĩnh vực chế biến, chế tạo nói riêng đã mang lại nhiều kết quả tích cực. Tính đến nay, tỉnh Quảng Ninh có 24 doanh nghiệp khoa học - công nghệ, đứng thứ 4 toàn quốc sau Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và Thanh Hóa, trong đó, có 11 doanh nghiệp thuộc ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Các doanh nghiệp khoa học - công nghệ đã mạnh dạn đầu tư đổi mới công nghệ nâng cao năng suất chất lượng và giá trị của các sản phẩm khoa học - công nghệ; chủ động đầu tư nghiên cứu để tạo ra các sản phẩm mới có giá trị gia tăng cao, điển hình như: Công ty Cổ phần Gốm Đất Việt luôn coi trọng, lấy “Khoa học kỹ thuật và công nghệ làm then chốt”, làm tiền đề nghiên cứu và sáng tạo, tạo bước đột phá trong hoạt động sản xuất, lập nên những kỳ tích và thành tựu vượt bậc như: “Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ đầu tiên trong ngành gạch ngói đất sét nung Việt Nam”, giành 2 giải nhất, 1 giải nhì Giải thưởng sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam, Huy chương vàng của Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới, 3 lần nhận giải thưởng Sao Vàng Đất Việt, 2 giải bạc, 1 giải vàng Chất lượng Quốc gia, nhận 27 Kỷ lục Việt Nam, 2 Kỷ lục thế giới, 5 bằng sáng chế độc quyền giải pháp hữu ích và nhiều phần thưởng cao quý khác; Công ty Cổ phần thiết bị điện Cẩm Phả tiếp nhận chuyển giao công nghệ sản xuất máy biến áp truyền tải 250MVA - 220kV đáp ứng các tiêu chuẩn của Công ty Siemens về máy biến thế tự động với tổng giá trị gần 20 tỷ đồng. Ngày 25-10-2022, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Ninh đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký chuyển giao công nghệ cho Công ty Cổ phần Stavian Quảng Yên gồm Công nghệ sản xuất Propylene bằng phương pháp khử hydro (OLEFLEX) do Nhà bản quyền UOP (Mỹ) cung cấp và Công nghệ sản xuất PP (PolyPropylene) sử dụng công nghệ SPHERIPOL do Nhà bản quyền Basell Poliolefine Italia S.r.1 (Ý) cung cấp với tổng giá trị 27 triệu USD.
Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động Ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo còn nhiều hạn chế:
- Công tác lãnh đạo, chỉ đạo về khoa học và công nghệ còn chưa tập trung, quyết liệt, thường xuyên, cụ thể: 1- Hoạt động của Ban Chỉ đạo phát triển khoa học và công nghệ tại một số địa phương còn chưa hiệu quả, chưa rõ nét, chưa có nội dung riêng biệt của ngành, địa phương. Tính chủ động trong công tác chỉ đạo, điều hành, triển khai các hoạt động trong lĩnh vực khoa học và công nghệ tại một số đơn vị còn chưa được thường xuyên; chủ yếu lồng ghép trong công tác chỉ đạo điều hành hoạt động chung của cấp ủy, chính quyền; vai trò của khoa học và công nghệ trong phát triển kinh tế - xã hội tại một số địa phương, đơn vị chưa được xem là then chốt, là động lực phát triển. 2- Công tác tuyên truyền, phổ biến về các cơ chế, chính sách liên quan đến khoa học và công nghệ cho các doanh nghiệp còn chưa chủ động, kịp thời, hiệu quả nên một số doanh nghiệp chưa rõ, thiếu thông tin để tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ;
- Cơ chế quản lý, tổ chức, hoạt động trong khoa học và công nghệ vẫn còn một số hạn chế, bất cập: 1- Một số cơ chế chính sách đã ban hành nhưng còn bất cập trong quá trình triển khai thực hiện. Một số tổ chức khoa học và công nghệ hoạt động chưa hiệu quả, chưa đáp ứng được yêu cầu. 2- Cơ chế quản lý các hoạt động khoa học và công nghệ mặc dù đã được cải tiến nhưng nhìn chung vẫn còn mang tính hành chính chủ quan (thời gian đăng ký, đề xuất nhiệm vụ khoa học và công nghệ, việc kiểm tra nhiệm vụ khoa học và công nghệ); Cơ chế khoán trong hoạt động khoa học và công nghệ, cơ chế quản lý tài chính bằng hình thức Quỹ hỗ trợ hoặc tài khoản tiền gửi chưa được triển khai. 3- Chưa có chính sách đột phá để thu hút, đào tạo đãi ngộ nguồn nhân lực chất lượng cao về khoa học và công nghệ. Đội ngũ cán bộ làm việc trong lĩnh vực khoa học và công nghệ còn thiếu và yếu, chưa có cán bộ chuyên trách về khoa học và công nghệ. Vì vậy công tác quản lý nhà nước ở cơ sở còn khó khăn. 4- Kinh phí đầu tư cho khoa học và công nghệ,công nghệ thông tin và chính quyền điện tử ở mức cao (2.261 tỷ đồng, tương đương 5,3% tổng chi thường xuyên ngân sách), tuy nhiên, phân bổ kinh phí cho sự nghiệp khoa học và công nghệ chưa hợp lý, chỉ chiếm 7,8% Vì vậy, nhiều năm xảy ra tình trạng kinh phí không đủ để chi thực hiện các nhiệm vụ, hoạt động khoa học và công nghệ. Một số địa phương, mức đầu tư cho khoa học và công nghệ từ ngân sách còn mức độ. 5- Quá trình đổi mới công nghệ trong các doanh nghiệp còn chậm; chưa chú trọng đầu tư công nghệ, máy móc thiết bị hiện đại để sản xuất các sản phẩm tinh chế đáp ứng yêu cầu thị trường; trình độ công nghệ đa số còn ở mức trung bình dẫn đến chất lượng và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm trên thị trường chưa cao. 6- Việc thực hiện cơ chế đặt hàng trong nghiên cứu khoa học chưa đáp ứng nhu cầu; các nhiệm vụ khoa học và công nghệ được duy trì với tỷ lệ cao, tuy nhiên hiệu quả ứng dụng chưa rõ nét.
- Hoạt động phát triển công nghiệp công nghệ cao: 1- nền kinh tế chưa nhận được các giá trị công nghệ thật sự bởi nguồn vốn này chủ yếu đầu tư vào khâu gia công lắp ráp và kiểm tra sản phẩm, giá trị gia tăng mang lại còn rất thấp. Trung bình một doanh nghiệp FDI thu hút khoảng 500 - 800 lao động nhưng với lực lượng lao động phổ thông chiếm 70 - 80% như hiện nay thì khó có thể có giá trị gia tăng theo đúng tiêu chí công nghệ cao. Hầu hết các doanh nghiệp chủ yếu lắp ráp và kiểm tra sản phẩm, đóng gói, việc chuyển giao công nghệ trong các công đoạn cuối chỉ hạn chế ở mức độ vận hành, bảo trì kỹ thuật trang bị kỹ năng đảm bảo chất lượng lắp ráp, kiểm định và chỉ trong phạm vi nội bộ. 2- Tỉnh Quảng Ninh hiện chưa có doanh nghiệp nào được coi là doanh nghiệp công nghệ cao do phải đối mặt với các yêu cầu khắt khe hơn theo Quyết định số 10/2021/QĐ-TTg, ngày 16-3-2021, của Thủ tướng Chính phủ quy định tiêu chí xác định doanh nghiệp công nghệ cao. Các tiêu chí không thay đổi so với quy định cũ: Doanh nghiệp phải sản xuất sản phẩm công nghệ cao thuộc Danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển theo quy định pháp luật; áp dụng các biện pháp thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng trong sản xuất; doanh thu từ sản phẩm công nghệ cao phải đạt ít nhất 70% trong tổng doanh thu thuần hằng năm. Các tiêu chí mới theo Quyết định số 10/2021/QĐ-TTg: Tỷ lệ tổng chi cho hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) của doanh nghiệp trên giá trị của tổng doanh thu thuần trừ đi giá trị đầu vào đã có sự thay đổi lớn; Quyết định 10 đã thay đổi tiêu chí liên quan đến chất lượng nhân sự. Cụ thể, trước đây quy định số lượng lao động trực tiếp thực hiện R&D có trình độ từ đại học trở lên trên tổng số lao động của doanh nghiệp phải đạt ít nhất 5% đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ và 2,5% đối với doanh nghiệp có nguồn vốn trên 100 tỷ đồng và tổng số lao động trên 300 người.
Để thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng tỉnh Quảng Ninh trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện của phía Bắc. trong đó, tập trung phát triển các công nghệ cao có khả năng ứng dụng vào thực tiễn. Trong thời gian tới, cần tập trung triển khai một số giải pháp cụ thể sau:
(1) Giải pháp tổng thể:
- Xây dựng các chính sách quản lý vĩ mô để nâng cao tỷ trọng sản phẩm công nghệ cao, sản phẩm ứng dụng công nghệ cao trong giá trị sản xuất công nghiệp;
- Đầu tư cho nghiên cứu và triển khai ứng dụng khoa học - công nghệ;
- Xây dựng các chương trình của tỉnh nhằm ứng dụng khoa học công nghệ vào hoạt động sản xuất kinh doanh để tăng năng suất chất lượng sản phẩm;
(2) Các giải pháp cụ thể:
- Gia tăng giá trị sản phẩm công nghệ cao và ứng dụng công nghệ cao trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh:
Thứ nhất, cần xác định rõ ràng cơ cấu giá trị sản phẩm công nghệ cao và ứng dụng công nghệ cao trong danh mục các sản phẩm sản xuất công nghiệp. Cơ cấu này có thể thay đổi trong từng giai đoạn và cơ cấu mới sẽ thay thế nhanh chóng cơ cấu cũ do khoa học - công nghệ thay đổi nhanh chóng.
Thứ hai, xác định danh mục đầu tư sản phẩm công nghệ cao và ứng dụng công nghệ cao trong từng ngành, lĩnh vực công nghiệp nhằm tiết kiệm chi phí, tăng năng suất và tăng tỷ trọng giá trị gia tăng của sản phẩm công nghệ cao và ứng dụng công nghệ cao. Những sản phẩm công nghệ cao và ứng dụng công nghệ cao cần gắn với các nền tảng mới của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Thứ ba, xác định mối quan hệ cơ bản giữa các ngành công nghiệp để sự gia tăng giá trị ngành này sẽ góp phần làm gia tăng giá trị ngành khác theo nguyên tắc tương hỗ. Đặc biệt cần sử dụng bảng cân đối liên ngành I-O để thiết kế chính sách với sự thay đổi của cấu tạo kỹ thuật, cấu tạo hữu cơ và tiến bộ nhanh chóng về công nghệ. Do đó, cần hình thành các cụm công nghiệp, khu công nghiệp lấy trung tâm nghiên cứu và phát triển công nghệ cao làm hạt nhân và động lực phát triển.
- Tăng tỷ trọng đầu tư cho nghiên cứu và triển khai khoa học - công nghệ:
Thứ nhất, xác định danh mục sản phẩm công nghệ cao đề đưa vào danh mục đầu tư. Vì thế, cần có giải pháp huy động nguồn trí tuệ, chất xám của các nhà khoa học trong và ngoài tỉnh, trong nước và toàn cầu để xây dựng được một danh mục các vấn đề, sản phẩm công nghệ cao hằng năm, cần thiết, có tác động lan tỏa lớn đến kinh tế xã hội cấp tỉnh nhằm làm căn cứ để phân bổ nguồn đầu tư. Việc xác định danh mục đầu tư nhầm lẫn có thể dẫn đến lãng phí nguồn lực.
Thứ hai, xây dựng nguồn đầu tư nghiên cứu và triển khai khoa học - công nghệ cấp tỉnh theo cách tiếp cận cạnh tranh trong đó nhấn mạnh đến cơ chế khuyến khích tự tạo nguồn nghiên cứu và triển khai theo định hướng của tỉnh. Các nguồn đầu tư bao gồm nguồn chủ đạo từ ngân sách với các dự án trọng điểm, cốt lõi, thu hút lớn nhất nguồn lực nghiên cứu trình độ cao và giải uyết được những vấn đề cơ bản trong nghiên cứu và ứng dụng khoa học - công nghệ trên địa bàn địa phương. Bên cạnh đó, cần khuyến khích thu hút và phát huy các nguồn đầu tư xã hội hóa từ cộng đồng doanh nghiệp tỉnh và cả nước, từ các quỹ phát triển nhiên cứu, dự án hợp tác nghiên cứu trong và ngoài nước.
Thứ ba, đánh giá hiệu quả các sản phẩm công nghệ cao và ứng dụng công nghệ cao, quyết liệt đầu tư vào các đề tài, dự án có khả năng tạo lợi nhuận cao, khả năng lan toả lớn, mạnh dạnh tiếp nhận công nghệ cao từ nước ngoài và có chiến lược mua bí quyết công nghệ, dây chuyền sản xuất công nghệ cao cũng như xây dựng mạng lưới thông tin, hệ thống tình báo công nghệ, trung tâm phân tích thông tin và dự báo công nghệ cao trong từng ngành để tư vấn chiến lược phát triển khoa học - công nghệ tỉnh trên cơ sở phát triển thị trường sản phẩm công nghệ cao và ứng dụng công nghệ cao./.
Thực trạng phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo của tỉnh Quảng Ninh thời gian qua  (26/11/2022)
Quảng Ninh phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo  (26/11/2022)
Bảo đảm an ninh kinh tế góp phần phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ở tỉnh Quảng Ninh  (26/11/2022)
Đột phá từ chuyển dịch cơ cấu kinh tế công nghiệp chế biến, chế tạo  (26/11/2022)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên