Bảo đảm an ninh kinh tế góp phần phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ở tỉnh Quảng Ninh
TCCS - Với lợi thế có nguồn tài nguyên đa dạng, hệ thống cảng biển quốc tế, sân bay quốc tế, dịch vụ logicstics, có nhiều khu công nghiệp, đường cao tốc và đặc biệt là hệ thống các cặp cửa khẩu song phương với Trung Quốc, tạo thành chuỗi dây chuyền, liên kết khép kín, tỉnh Quảng Ninh được Trung ương xếp vào nhóm các tỉnh có dư địa phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo lớn. Bên cạnh đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được sự quan tâm, tạo điều kiện phát triển, góp phần quan trọng phát triển kinh tế, giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động, tăng năng suất và nâng cao đời sống của nhân dân tỉnh Quảng Ninh.
Về sự phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo ở tỉnh Quảng Ninh
Ngày 16-11-2020, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 01-NQ/TU, về “Phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, đã xác định mục tiêu đến năm 2025 ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng 15% trong GRDP; tốc độ giá trị gia tăng bình quân 17%/năm; thu hút tổng vốn đầu tư trong giai đoạn 2021 - 2025 đạt trên 45.000 tỷ đồng (bình quân trên 9.000 tỷ đồng/năm). Tốc độ tăng năng suất lao động đạt 15 - 17%/năm; định hướng đến năm 2030 ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng 20% trong GRDP; tốc độ giá trị gia tăng tăng bình quân 20%/năm; thu hút tổng vốn đầu tư đạt trên 100.000 tỷ đồng (bình quân trên 20.000 tỷ đồng/năm). Tạo ra 50.000 việc làm mới. Cơ cấu lại khu vực công nghiệp, phát triển nhanh và bền vững công nghiệp chế biến, chế tạo; tạo ra bước đột phá trong công nghiệp chế biến, chế tạo về thu hút vốn đầu tư và giá trị gia tăng của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; tăng tỷ trọng đóng góp của công nghiệp chế biến, chế tạo trong GRDP và thu ngân sách địa phương; thu hút lao động chất lượng cao, lao động tay nghề cao gắn với tăng quy mô chất lượng dân số thông qua phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo.
Nghị quyết số 01-NQ/TU khẳng định quyết tâm đưa công nghiệp chế biến, chế tạo trở thành 1 trong 3 trụ cột chính trong ngành công nghiệp của tỉnh Quảng Ninh. Quan điểm của tỉnh là sẽ phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với cơ cấu hợp lý, có khả năng cạnh tranh. Trong đó, ưu tiên và thu hút những doanh nghiệp ứng dụng công nghệ hiện đại, công nghệ sạch, ít hao hụt tài nguyên, tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu ở một số chuyên ngành, lĩnh vực, có khả năng đáp ứng cơ bản các yêu cầu của nền kinh tế và xuất khẩu. Với định hướng như vậy, chắc chắn trong thời gian tới ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của tỉnh sẽ có tác động rất lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn toàn tỉnh.
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tỉnh Quảng Ninh phát triển nhanh chóng trong những năm gần đây. Với sự đổi mới tư duy trong gần 2 năm thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế, tỉnh Quảng Ninh đã đi trước, đón đầu, đưa ngành chế biến, chế tạo phát triển, tạo động lực dẫn dắt phát triển kinh tế của địa phương.
* Giai đoạn 2010 - 2020: Tổng số doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo đến năm 2020 là 841 doanh nghiệp, phát triển thêm 550 doanh nghiệp so với thời điểm năm 2010, chiếm tỷ lệ 81,8% trên tổng số doanh nghiệp toàn ngành công nghiệp (1.028 doanh nghiệp, trong đó: 81 doanh nghiệp FDI, 760 doanh nghiệp trong nước). Tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng bình quân 12,5%/năm; quy mô ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (theo giá hiện hành) đến năm 2020 đạt 20.305 tỷ đồng, tăng gấp 5,5 lần so với năm 2010; tỷ trọng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng dần trong cơ cấu GRDP toàn tỉnh, năm 2020 chiếm khoảng 9,6%. Số lao động trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo hiện có khoảng 54.213 lao động, tăng 1,4 lần so năm 2010 và chiếm tỷ lệ 38,38% tổng số lao động trong toàn ngành công nghiệp. Trong đó, lao động làm việc trong các khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn toàn tỉnh là hơn 24.000 người, chiếm gần 50% tổng số lao động toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Thu nhập bình quân của lao động trong các khu công nghiệp đạt 6,9 triệu đồng/người/tháng, trong cụm công nghiệp là 5,7 triệu đồng/người/tháng. Tổng vốn đầu tư trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong giai đoạn 2010 - 2020 đạt 75.497 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 12,6% tổng số vốn đầu tư xã hội toàn tỉnh, chiếm tỷ lệ 29,4% trong tổng số vốn đầu tư toàn ngành công nghiệp. Vốn đầu tư ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng bình quân xấp xỉ 7.550 tỷ đồng/năm. Giá trị xuất khẩu hàng hóa ngành công nghiệp chế biến, chế tạo năm 2010 đạt 573 triệu USD, chiếm 27,4% tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa toàn tỉnh năm 2020 đạt 1.840 triệu USD, chiếm 78,6% tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa toàn tỉnh.
Trong 24 mã ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2010 - 2020 thì đa số dự án có quy mô vốn nhỏ, số dự án có công nghệ tiên tiến, hàm lượng chất xám, giá trị gia tăng cao chiếm tỷ lệ còn ít, chưa phát triển đột phá công nghiệp sạch, công nghệ cao; hiệu quả sản xuất, kinh doanh của một số dự án đầu tư chưa cao, chưa có những doanh nghiệp công nghiệp lớn, thương hiệu mạnh tham gia sâu vào chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị trong nước cũng như toàn cầu. Công nghiệp chế biến, chế tạo chưa đóng vai trò động lực cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững của tỉnh; tỷ trọng đóng góp trong GRDP và thu ngân sách địa phương còn nhỏ. Hiệu quả của khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài trong công nghiệp chế biến, chế tạo còn thấp, phần lớn là các dự án còn thâm dụng lao động, tiêu hao nhiều năng lượng, giá trị gia tăng thấp.
* Giai đoạn từ cuối năm 2020 đến nay, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được tỉnh Quảng Ninh chú trọng, tập trung xúc tiến, thu hút đầu tư. Đặc biệt, trong năm 2021, với tốc độ tăng trưởng đạt 32,19% so cùng kỳ, đóng góp 3,36 điểm phần trăm trong tốc độ tăng trưởng, chiếm tỷ trọng 11,9% trong GRDP, ngành chế biến, chế tạo đã tạo ra động lực tăng trưởng mới cho tỉnh Quảng Ninh trong bối cảnh tình hình quốc tế, trong nước có nhiều biến động do ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19. Một số sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo năm 2021 đạt cao, như: sợi bông cotton đạt hơn 310.000 tấn, tăng 17% so với năm 2020; loa, tai nghe đạt 7,5 triệu cái, tăng 309,29% so với năm 2020; vải dệt từ sợi tổng hợp đạt 2,8 triệu m2, tăng 88% so với năm 2020; màn hình ti-vi đạt 803.000 cái, tăng 414,74% so với năm 2020; thân mũ đạt 21,4 triệu cái, tăng 265,34% so với năm 2020.
Năm 2021, tỉnh Quảng Ninh ghi nhận “làn sóng” đầu tư trực tiếp nước ngoài vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Chỉ trong vòng chưa đầy 6 tháng, Tập đoàn Jinko Solar đã quyết định đầu tư 2 dự án, gồm: Dự án Công nghệ tế bào quang điện Jinko Solar PV Việt Nam và Dự án công nghệ tấm Silic Jinko Solar PV Việt Nam. Tổng mức đầu tư 2 dự án lên tới con số gần 900 triệu USD. Đây là 2 dự án có nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất được đầu tư trên địa bàn tỉnh từ trước đến nay. Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Ninh cũng ghi nhận thêm nhiều dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng vốn, như: Dự án Nhà máy sản xuất thiết bị gia dụng, xe đạp điện của Công ty TNHH Multi-Sunny Việt Nam (10 triệu USD); Nhà máy Lioncore Việt Nam của Công ty TNHH Công nghiệp Lioncore Việt Nam (30 triệu USD); Dự án Haiyun Việt Nam của Công ty TNHH Hải Vận (10 triệu USD); Dự án Nhà máy may tại khu nhà xưởng tiêu chuẩn số 2 của Công ty TNHH May mặc Hoa Lợi Đạt Việt Nam (8 triệu USD); Dự án Jingsung Hitec Vina Co.,Ltd của Công ty TNHH Jinsung Vina (trên 13 triệu USD). Tổng vốn đầu tư thu hút vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh trong năm 2021 đạt trên 28.700 tỷ đồng, gấp 3,59 lần so với mục tiêu đặt ra (bình quân 8.000 tỷ đồng/năm). Tổng số lao động làm việc trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trên địa bàn toàn tỉnh đến nay đạt trên 35.000 lao động.
Có thể thấy, tỉnh Quảng Ninh ưu tiên thu hút có chọn lọc các dự án công nghiệp chế biến, chế tạo công nghệ cao, công nghiệp thông minh, thân thiện môi trường, có giá trị gia tăng lớn, quản trị hiện đại, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả đất đai, tài nguyên đóng góp lớn vào tăng trưởng GRDP và thu ngân sách. Tỉnh Quảng Ninh đã kết hợp chặt chẽ phát triển nhanh, bền vững công nghiệp chế biến, chế tạo với thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, lao động có kỹ năng gắn với tăng quy mô và chất lượng dân số, bảo đảm quốc phòng - an ninh, bảo vệ môi trường, bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa. Cùng với đó, chú trọng phát triển các khu công nghiệp sinh thái, khu công nghiệp chuyên sâu, giảm bớt khu công nghiệp tổng hợp; tăng tính liên kết giữa các khu công nghiệp, khu kinh tế của Quảng Ninh - Hải Phòng, hình thành các cụm sản xuất có quy mô lớn, tập hợp các ngành liên kết, tương hỗ, phụ thuộc nhau để tạo nên những sản phẩm công nghiệp hoàn chỉnh. Rà soát, bổ sung quy hoạch một số khu công nghiệp, cụm công nghiệp mới, có lợi thế cạnh tranh, phát huy hiệu quả hạ tầng giao thông chiến lược của hai tuyến phía Đông và phía Tây. Tỉnh Quảng Ninh chú trọng đến 4 giải pháp cốt lõi là quy hoạch mặt bằng sản xuất; hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ; nguồn nhân lực sẵn có, dễ tiếp cận; cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, môi trường sống an ninh, an toàn, văn minh, thân thiện; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng thu nhập cho người lao động và chất lượng cuộc sống cho người dân.
Một số thách thức từ sự phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo ở tỉnh Quảng Ninh và khuyến nghị bảo đảm an ninh kinh tế
Một số thách thức
Theo đánh giá của các ngành liên quan, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại tỉnh Quảng Ninh phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của địa phương. Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài còn hiệu quả thấp, phát triển kinh tế biển, dịch vụ cảng biển, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng chậm so với tiềm năng, lợi thế; tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp còn thấp gây lãng phí đầu tư công và lãng phí tài nguyên đất đai, trong khi người dân bị thu hồi đất phải chuyển sang làm nghề khác không phù hợp gây bức xúc. Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực, nhất là quản lý tài nguyên, khoáng sản, đầu tư công, đất đai… có mặt còn hạn chế so với yêu cầu. Hơn nữa, một số doanh nghiệp chế biến, chế tạo có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, nhất là các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp của Trung Quốc mặc dù góp phần đáng kể vào tăng trường kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo công ăn việc làm, tăng năng suất lao động… cho tỉnh Quảng Ninh; song, cũng đang bộc lộ nhiều vấn đề phức tạp, tác động tiêu cực đến an ninh kinh tế, tạo ra các điều kiện tiềm ẩn nguy cơ, thách thức đến sự phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Cụ thể là:
- Tại các dự án, doanh nghiệp chế biến, chế tạo có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đã và đang nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp về an ninh, trật tự trên địa bàn, nhất là hoạt động của các loại tội phạm hình sự, các tệ nạn xã hội, như nghiện hút, cờ bạc, trộm cắp, mại dâm… gây bức xúc trong nhân dân.
- Lợi dụng môi trường, chính sách đối với hoạt động đầu tư thông thoáng và còn một số kẽ hở, nhiều doanh nghiệp chế biến, chế tạo có vốn đầu tư nước ngoài đã vi phạm các quy định của pháp luật Việt Nam về quản lý kinh tế với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, như đầu tư “chui”, kê khai “lãi thật, lỗ giả”, chuyển giao công nghệ cũ, vi phạm quy định về sở hữu trí tuệ, nguồn gốc xuất xứ…
- Một số dự án trong lĩnh vực chế biến, chế tạo có vốn đầu tư nước ngoài vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của người dân. Đơn cử như, đã phát hiện và xử phạt hành chính đối với 5 dự án: Dự án nhà máy sản xuất dầu (DMC) và Silicone tại Khu công nghiệp Hải Yên; Dự án đầu tư xây dựng nhà máy chế biến thực phẩm và kho lạnh tại Khu công nghiệp Hải Yên; Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu tại phường Hải Yên, thành phố Móng Cái; Dự án Nhà máy sản xuất sợi hóa học thế kỷ mới tại Khu công nghiệp Cái Lân; Dự án Gia công nguyên liệu và tinh chế đất hiếm tại Khu công nghiệp Việt Hưng.
Khuyến nghị
Để công tác quản lý nhà nước có hiệu lực, hiệu quả và phòng ngừa, giảm thiểu các vấn đề phức tạp, tác động tiêu cực đến an ninh kinh tế, tạo ra các điều kiện tiềm ẩn nguy cơ, thách thức đến sự phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, nhất là đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp của Trung Quốc, các cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Ninh cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:
Thứ nhất, tiếp tục làm tốt công tác tham mưu với Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai toàn diện các chủ trương, đường lối, quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về công tác bảo vệ an ninh kinh tế trong tình hình mới, trọng tâm là Chỉ thị số 12-CT/TW, ngày 5-1-2017, của Bộ Chính trị, về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ an ninh kinh tế trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập kinh tế quốc tế”; Nghị quyết số 50-NQ/TW, ngày 20-8-2019, của Bộ Chính trị, về “Định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030”. Chủ động nắm chắc, phân tích, đánh giá, dự báo sát, đúng tình hình, có tính chiến lược về những thay đổi, điều chỉnh trong chính sách, nhất là chính sách hợp tác kinh tế, đầu tư trực tiếp của các nước tại tỉnh Quảng Ninh, nhất là khi Việt Nam gia nhập các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, như: CPTPP, EVFTA, EVIPA… Tham mưu, đề xuất Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng chiến lược thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài nhằm phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và công tác bảo vệ an ninh kinh tế mang tính tổng thể, đột phá, hiệu quả phù hợp với Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2030 - 2050.
Thứ hai, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền trong hệ thống chính trị và nhân dân tỉnh Quảng Ninh về vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng và yêu cầu cấp bách của công tác bảo vệ an ninh kinh tế, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và lợi ích mang lại trong hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư và phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với các đối tác nước ngoài. Đặc biệt phải chú trọng củng cố, phát triển tổ chức cơ sở đảng, công đoàn, đoàn thanh niên, hội phụ nữ trong các doanh nghiệp chế biến, chế tạo có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Đẩy mạnh công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, trọng tâm là tổ chức xây dựng, duy trì và nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến; phối hợp giải quyết kịp thời các vấn đề bức xúc của nhân dân nảy sinh trong giải phóng mặt bằng cho các dự án phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, những mâu thuẫn giữa doanh nghiệp nước ngoài và người lao động, bảo đảm hòa giữa quyền lợi của người lao động và lợi ích doanh nghiệp.
Thứ ba, tăng cường các biệp pháp bảo vệ bí mật nhà nước, bảo vệ an ninh chính trị nội bộ, an ninh, an toàn thông tin. Phối hợp rà soát quản lý nhân sự, đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn thông qua hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài để thâm nhập vào các cơ quan, tổ chức, tác động nội bộ, hình thành nhóm lợi ích. Xây dựng “hàng rào kỹ thuật” mới, hiện đại để nâng cao các tiêu chuẩn quy định về môi trường, tài nguyên, công nghệ, sở hữu trí tuệ, xuất xứ sản phẩm phù hợp với chiến lược thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của tỉnh Quảng Ninh trong giai đoạn mới.
Thứ tư, chủ động làm tốt công tác nắm tình hình, rà soát, đánh giá cụ thể, chi tiết những tác động, vấn đề còn mâu thuẫn, những “nút thắt” giữa đầu tư, tăng trưởng kinh tế từ các dự án, cơ sở chế biến, chế tạo có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước, nhất là tập trung rà soát, khắc phục những bất cập, chồng chéo của chính sách, pháp luật liên quan đến đầu tư trực tiếp nước ngoài, như: Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Công nghệ cao… trên địa bàn tỉnh nhằm tạo cơ sở pháp lý vững chắc, không để doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến, chế tạo có vốn đầu tư nước ngoài có điều kiện tiến hành các hoạt động vi phạm pháp luật về kinh tế, an ninh, quốc phòng.
Thứ năm, triển khai các kênh đối ngoại, cần nâng cao hiệu quả hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư và phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Cùng với việc phát triển kinh tế biên mậu, cần nghiên cứu phát triển chuỗi cung ứng nông sản với Trung Quốc; coi việc mở rộng thị trường xuất khẩu, đẩy mạnh kết nối vận tải đa phương thức để đưa hàng hóa của Việt Nam vào sâu nội địa Trung Quốc là định hướng chiến lược đẩy mạnh thương mại song phương. Đẩy mạnh thu hút đầu tư chất lượng cao của Trung Quốc vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, loại bỏ các dự án sử dụng công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường./.
Đột phá từ chuyển dịch cơ cấu kinh tế công nghiệp chế biến, chế tạo  (26/11/2022)
Du lịch Quảng Ninh hướng tới mục tiêu điểm đến an toàn, thân thiện mang tầm khu vực và quốc tế  (26/11/2022)
Tỉnh Quảng Ninh sắp xếp, tinh gọn bộ máy, hoạt động hiệu lực, hiệu quả  (24/11/2022)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay