Viết tiếp trang sử cách mạng anh hùng, tạo thêm động lực, khát vọng phát triển ở một miền quê ngoại thành Hà Nội giàu truyền thống
TCCS - Ngày 15-3-2023, tại trụ sở Huyện ủy Phú Xuyên, thành phố Hà Nội, Đảng ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân huyện Phú Xuyên long trọng tổ chức “Lễ phát hành cuốn sách Lịch sử Đảng bộ huyện Phú Xuyên (1945 - 2020)”. Đây là sự kiện chính trị nằm trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đảng bộ thành phố Hà Nội (17-3-1930 - 17-3-2023) do Huyện ủy Phú Xuyên tổ chức.
Cuốn sách có dung lượng 632 trang, khổ sách 16 x 24cm, được Nhà xuất bản Hà Nội xuất bản. Đây là kết quả từ sự chỉ đạo sát sao, thường xuyên của Ban Chỉ đạo xuất bản cuốn sách; sự phối hợp tích cực, hiệu quả của các cơ quan, đơn vị huyện Phú Xuyên; sự tham gia cung cấp tư liệu, góp ý của các cán bộ nguyên là lãnh đạo Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện Phú Xuyên qua các thời kỳ; sự ủng hộ của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong huyện; sự quan tâm, giúp đỡ của nhiều cơ quan trung ương, thành phố Hà Nội, trực tiếp là Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội; sự cộng tác tích cực của các nhà khoa học thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Đại học Quốc gia Hà Nội.
Cuốn lịch sử tập trung phản ánh trung thực, khách quan quá trình 75 năm Đảng bộ huyện Phú Xuyên lãnh đạo nhân dân trong huyện phát huy truyền thống và những giá trị tốt đẹp của quê hương vào thực tiễn đấu tranh giải phóng và xây dựng quê hương giàu đẹp. Nằm ở vị trí cửa ngõ phía Nam Thủ đô Hà Nội, Phú Xuyên là vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng. Người dân Phú Xuyên cần cù, sáng tạo trong lao động, sản xuất, anh dũng trong chống giặc ngoại xâm, kiên trì, bền bỉ trong công cuộc xây dựng quê hương, sáng tạo trong đời sống văn hóa - nghệ thuật, có nhiều đóng góp trong xây dựng đất nước. Đặc biệt, từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời và lãnh đạo cách mạng cả nước, trong đó có quê hương Phú Xuyên, những truyền thống tốt đẹp của con người nơi đây càng được tỏa sáng, phấn đấu vì mục tiêu: Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Sự ra đời của Nông hội đỏ, tổ chức cách mạng đầu tiên của Đảng ở Phú Xuyên (đầu năm 1930) là sự kiện có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của phong trào cách mạng ở địa phương. Trong phong trào đấu tranh dân chủ 1936 - 1939, nhiều thanh niên, trí thức ở Phú Xuyên tiếp tục chịu ảnh hưởng lý tưởng cách mạng vô sản của Đảng. Phong trào đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ phát triển mạnh ở Phú Xuyên đã thúc đẩy nhiều hội ái hữu, hội nghề nghiệp được thành lập và thông qua đây, đường lối cách mạng của Đảng đã thâm nhập sâu rộng vào quần chúng.
Từ sau năm 1941, Tỉnh ủy và Mặt trận Việt Minh tỉnh Hà Đông chú trọng phát triển tổ chức cách mạng ở cơ sở, trong đó có Phú Xuyên. Lần lượt nhiều tổ Thanh niên cứu quốc ra đời, phát triển nhanh chóng ở Thịnh Đức (1942); Guột (1943); An Mỹ (1944) trở thành những nhân tố quan trọng lãnh đạo cao trào kháng Nhật cứu nước tại Phú Xuyên. Từ ba cơ sở cách mạng ban đầu, sau thời gian ngắn, ở Phú Xuyên đã phát triển cơ sở cách mạng ở trên 10 thôn với gần 50 quần chúng. Đây là nhân tố quan trọng thúc đẩy phong trào cách mạng trong huyện phát triển mạnh mẽ, là cơ sở giúp nhân dân Phú Xuyên tiến hành tổng khởi nghĩa giành chính quyền thành công nhanh chóng trong Cách mạng Tháng Tám (1945).
Trong những ngày Cách mạng Tháng Tám diễn ra sôi động, Tỉnh ủy Hà Đông tăng cường cho Phú Xuyên nhiều đảng viên dày dạn kinh nghiệm. Sự kiện Chi bộ Đảng của các cơ quan huyện được thành lập (ngày 28-11-1945) và Ban Huyện ủy lâm thời ra đời (cuối tháng 3-1946) là dấu mốc quan trọng đối với sự ra đời và phát triển của Đảng bộ huyện Phú Xuyên, phong trào cách mạng ở Phú Xuyên đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng bộ huyện. Trang sử vẻ vang của Đảng bộ Phú Xuyên được mở ra, trở thành nhân tố quan trọng hàng đầu cho những thắng lợi của sự nghiệp cách mạng, xây dựng và phát triển quê hương của nhân dân Phú Xuyên anh hùng.
Từ cuối tháng 12-1946, hưởng ứng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chi bộ lãnh đạo quân và dân Phú Xuyên tích cực, chủ động phát triển chiến tranh du kích, biến hậu phương của địch thành chiến trường. Cuộc đấu tranh phá trại tập trung Đồng Quan làm phá sản âm mưu của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Với tinh thần kiên cường, mưu trí, sáng tạo, cuộc đấu tranh của quân và dân Phú Xuyên cùng với quân và dân cả nước đã làm nên những chiến công vĩ đại của dân tộc, với đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Sau khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết, Đảng bộ và quân, dân Phú Xuyên bước vào thời kỳ mới - vừa khắc phục hậu quả của chế độ thực dân để lại, vừa nỗ lực xây dựng xã hội chủ nghĩa, đóng góp sức người, sức của cho cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Từ đây, dưới sự lãnh đạo của Đảng, những phẩm chất quý báu vốn đã trở thành truyền thống, đã ăn vào máu thịt của mỗi người dân trên mảnh đất Phú Xuyên anh hùng tiếp tục được phát huy trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng bộ, nhân dân Phú Xuyên đã kiên cường, anh dũng đối đầu với cuộc chiến tranh đánh phá của đế quốc Mỹ. Phú Xuyên, nhất là Cầu Giẽ, trở thành một trong những trọng điểm đánh phá của đế quốc Mỹ trong suốt cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc. Thấm nhuần chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, suốt 3.600 ngày đêm trực chiến, chiến đấu, phục vụ chiến đấu, quân và dân Phú Xuyên đã hợp đồng tác chiến giữa ba thứ quân chiến đấu hàng trăm trận, bắn hạ 13 máy bay giặc Mỹ, bảo vệ vững chắc hậu phương miền Bắc, bảo vệ được các khu vực trọng điểm và Cầu Giẽ - “Hàm Rồng của Hà Tây” - bảo vệ tuyến đường Quốc lộ 1A nối liền hậu phương lớn với tiền tuyến lớn; góp phần cùng quân, dân miền Bắc đánh bại cuộc tập kích chiến lược 12 ngày đêm của Mỹ vào miền Bắc (cuối năm 1972), buộc chúng phải ký Hiệp định Pari, rút quân về nước, mở ra thời cơ thắng lợi cho cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Tinh thần chiến đấu kiên cường của quân và dân Phú Xuyên đã tạc vào lịch sử biểu tượng “Chàng trai Cầu Giẽ” bất hủ.
Cùng với bảo vệ vững chắc quê hương, người dân Phú Xuyên còn phát huy tốt vai trò hậu phương. Từ năm 1965 đến kết thúc Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, huyện Phú Xuyên tổ chức được 32 đợt tuyển quân, đợt nào cũng hoàn thành nhiệm vụ và chỉ tiêu, bình quân đạt tỷ lệ 15,8% so với dân số. Có 16.812 nam thanh niên hăng hái xung phong lên đường giết giặc, làm nghĩa vụ quốc tế, hàng nghìn thanh niên xung phong đi dân công hoả tuyến, cũng đã chi viện cho miền Nam cùng cả nước đánh thắng quân thù. Những người con của Phú Xuyên ra đi đều hoàn thành nhiệm vụ vẻ vang, phát huy truyền thống quê hương. Tiêu biểu là Anh hùng không quân Nguyên Đức Soát, Anh hùng lái xe Phạm Văn Cán và hàng nghìn dũng sĩ diệt Mỹ. Hơn hai nghìn người con yêu dấu của Phú Xuyên đã ngã xuống trên khắp các chiến trường. Đó là những bông hoa bất tử trong thời đại Hồ Chí Minh, tô thắm thêm lịch sử hào hùng của quê hương, dân tộc.
Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước kết thúc thắng lợi, Đảng bộ Phú Xuyên tiếp tục lãnh đạo nhân dân bước vào một thời kỳ lịch sử mới xây dựng chủ nghĩa xã hội và đổi mới tiến lên chủ nghĩa xã hội. Phú Xuyên nhiều năm liền dẫn đầu về sản xuất nông nghiệp, lá cờ đầu của tỉnh. Đảng bộ lãnh đạo nhân dân tích cực áp dụng khoa học - kỹ thuật, đi tiên phong trong việc đưa các giống lúa mới có năng suất cao vào sản xuất: Đưa giống ngô mới vào trồng ở Chuyên Mỹ, lúa lai Trung Quốc ở Tri Trung, cây đỗ tương trồng ở Nam Phong rồi phát triển ra toàn huyện; áp dụng thâm canh, chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, đưa vụ đông trở thành vụ chính. Sớm đưa cơ giới hóa vào sản xuất, gieo mạ bằng khay, cấy lúa bằng máy... Đây cũng là thời kỳ Đảng bộ có những bước phát triển vững mạnh, phát huy tốt tinh thần cách mạng tiến công trong chiến tranh để lãnh đạo nhân dân huyện xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.
Trong giai đoạn từ năm 2008 - 2020, sau khi trở thành đơn vị hành chính cấp huyện của Thủ đô Hà Nội, Phú Xuyên có nhiều điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh chuyển dịch kinh tế - xã hội. Cuộc vận động xây dựng nông thôn mới được thực hiện thành công (năm 2020, Phú Xuyên vinh dự được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới) đã làm bức tranh nông thôn của huyện có nhiều khởi sắc. Trước khi xây dựng nông thôn mới, huyện Phú Xuyên có xuất phát điểm thấp, trung bình các xã mới đạt từ 5-6 tiêu chí, các tiêu chí chưa đạt đều liên quan đến đầu tư nguồn lực lớn, hạ tầng sản xuất, hạ tầng kinh tế - xã hội chưa đồng bộ. Năm 2010, thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 14,9 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo chiếm 7,15%.
Sau 10 năm triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, 25/25 xã của huyện đều đạt 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới và huyện đạt 9/9 tiêu chí. Trong đó, nhiều nhóm tiêu chí đạt kết quả cao, như tỷ lệ đường trục chính, đường liên thôn, liên xã được cứng hóa và đạt 100%; tỷ lệ trạm y tế các xã đạt chuẩn theo quy định của Bộ Y tế đạt 100%; tỷ lệ thôn, tổ dân phố có nhà văn hóa hoặc nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng đạt 100%; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 91,5%. Đặc biệt, đến hết năm 2020, thu nhập bình quân đầu người đạt 52 triệu đồng/người/năm (tăng 3,5 lần so với năm 2010) và năm 2021 đạt 55 triệu đồng/người/năm.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của huyện đạt khá, bình quân giai đoạn 2016 - 2020 là 6,65%/năm, tăng 1,27 lần so với giai đoạn 2010 - 2015 (5,27%/năm), tính chung giai đoạn 2010 - 2019 đạt 6,01%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Năm 2010, công nghiệp - xây dựng chiếm 51,5%, thương mại - dịch vụ: 23,6%, nông nghiệp: 24,9%; năm 2019, tỷ trọng công nghiệp - xây dựng chiếm 55,93%, thương mại - dịch vụ chiếm 29,01%, nông nghiệp chiếm 15,06%. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn các năm đều đạt và vượt so với dự toán thành phố giao; năm 2020, tổng thu ngân sách nhà nước đạt 348,238 tỷ đồng, tăng hơn 3 lần so với năm 2010. Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 đạt 52 triệu đồng/người (tăng hơn 3 lần so với năm 2010).
Hiệu quả của quá trình xây dựng nông thôn mới của huyện còn được thể hiện ở việc cấp ủy, chính quyền và nhân dân đã từng bước đầu tư sản xuất nông nghiệp theo hướng chuyên canh và tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ trong sản xuất, mang lại giá trị kinh tế cao. Huyện cũng thực hiện tốt Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Bên cạnh đó, huyện Phú Xuyên cũng đã bố trí hơn 4.638 tỷ đồng để đầu tư xây dựng hạ tầng sản xuất, hạ tầng kinh tế - xã hội. Tính đến năm 2020, toàn huyện có 57/88 trường đạt chuẩn, chiếm tỷ lệ 64,7%; 100% thôn, cụm dân cư có nhà văn hóa hoặc nơi sinh hoạt cộng đồng...
Công cuộc đổi mới đất nước đã đạt những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Đất nước chưa khi nào có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay; là cơ sở để nâng cao niềm tin và khát vọng phát triển đất nước. Thủ đô Hà Nội đã tạo nên những bước phát triển mạnh mẽ và toàn diện, ngày càng khẳng định vị thế là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá của cả nước, Thành phố vì hoà bình. Đảng bộ và nhân dân Phú Xuyên luôn hướng về tương lai để phấn đấu và luôn tự hào về những thành tích đã đạt được trong lao động, sản xuất, xây dựng và bảo vệ quê hương, song cũng nhận thấy những mặt còn tồn tại, yếu kém cần khắc phục. Bước vào giai đoạn mới, hội nhập kinh tế thế giới sâu rộng hơn, bên cạnh những thời cơ, thuận lợi, Phú Xuyên còn không ít những khó khăn, thách thức. Thực tế đó đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải nhận thức rõ về tình hình, nhiệm vụ trong giai đoạn mới, ra sức rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất đạo đức, năng lực lãnh đạo nhằm xây dựng Đảng bộ huyện Phú Xuyên trong sạch, vững mạnh để lãnh đạo nhân dân thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới của Đảng, xây dựng quê hương Phú Xuyên có kinh tế - văn hoá phát triển, nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, góp phần xây dựng Tổ quốc Việt Nam: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Chặng đường hơn 10 năm Phú Xuyên trở thành đơn vị hành chính cấp huyện của Thủ đô Hà Nội chưa phải là dài, nhưng đã có sự phát triển vượt bậc về mọi mặt. Viết tiếp những trang lịch sử cách mạng anh hùng, kế thừa và phát huy cao độ những giá trị truyền thống để tiếp thêm động lực và khát vọng vươn lên, Đảng bộ và nhân dân Phú Xuyên quyết tâm tiếp tục xây dựng Đảng bộ, hệ thống chính trị của huyện trong sạch, vững mạnh. Duy trì tốc độ tăng trưởng khá, bền vững; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp - thương mại dịch vụ - nông nghiệp. Huy động, thu hút, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư xây dựng, phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Phát triển toàn diện lĩnh vực văn hóa - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân. Giữ vững ổn định an ninh chính trị, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Phấn đấu đến năm 2030, huyện trở thành đô thị vệ tinh phía Nam Thủ đô, là khu vực phát triển mới về đô thị, kinh tế - xã hội phát triển nhanh, bền vững theo tinh thần Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Phú Xuyên lần thứ XXV đã đề ra./.
Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra dự án xây dựng đường vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội  (28/01/2023)
Thành phố thông minh và những vấn đề đặt ra đối với Hà Nội trong xây dựng thành phố thông minh  (15/12/2022)
Đối ngoại quốc phòng của Thủ đô Hà Nội trong tình hình mới  (08/12/2022)
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay