Thành ủy Hà Nội tiếp tục chỉ đạo 12 biện pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn thành phố
TCCS - Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội vừa có Kết luận số 31-KL/TU, ngày 03-8-2021, về tăng cường các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn thành phố.
Xây dựng phương án chống dịch ở mức cao hơn
Ban Thường vụ Thành ủy nhận định, hiện nay, dịch bệnh vẫn diễn biến rất phức tạp, khó lường, xuất hiện nhiều chùm ca bệnh phức tạp với số lượng lớn, nhiều ca bệnh trong cộng đồng chưa xác định được nguồn lây. Qua công tác chủ động rà soát, giám sát các trường hợp ho, sốt ngoài cộng đồng đã phát hiện nhiều trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, có thể còn có nhiều ca bệnh ngoài cộng đồng chưa được phát hiện; đặc biệt, nguy cơ lây lan dịch bệnh trong các bệnh viện, nhà máy, xí nghiệp, cơ quan, doanh nghiệp, siêu thị, chợ đầu mối, chợ dân sinh với nhiều ca mắc, nguy cơ lây nhiễm trong chuỗi cung ứng hàng hóa...
Để siết chặt hơn, quyết liệt hơn, hiệu quả, thực chất hơn nữa trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 theo đúng Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu các cấp, các ngành, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội, cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là người đứng đầu các cấp, các ngành, các đơn vị triển khai nghiêm túc 12 biện pháp cấp bách.
Trước hết, toàn hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở cần quyết liệt, đồng bộ triển khai thực hiện một cách thực chất, hiệu quả hơn nữa Lời kêu gọi của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, các văn bản chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh và các văn bản chỉ đạo của thành phố, nhất là Chỉ thị số 05-CT/TU ngày 30-7-2021 của Ban Thường vụ Thành ủy về tăng cường trách nhiệm của hệ thống chính trị và người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp trong thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19; các thông báo kết luận của Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy...
Các cấp, các ngành, các quận, huyện, thị ủy, Sở chỉ huy phòng chống dịch, chủ tịch ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã chủ động rà soát, nắm chắc tình hình, thông tin, báo cáo kịp thời theo quy định về tình hình trên địa bàn; chỉ đạo, điều hành khoa học, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả công tác phòng, chống dịch trong mọi tình huống, không để bị động, lúng túng, chậm trễ.
Ban cán sự Đảng Ủy ban nhân dân thành phố, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch thành phố, Sở Chỉ huy thành phố tổng hợp, phân tích, đánh giá, nhận định chính xác tình hình để chỉ đạo đúng, trúng, kịp thời công tác phòng, chống dịch; chủ động dự báo tình hình, xây dựng phương án phòng, chống dịch ở mức cao hơn, báo cáo Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy.
Siết chặt việc đi lại ngay từ gia đình, ngõ xóm
Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu tổ chức thực hiện việc giãn cách xã hội trên toàn địa bàn thành phố thực chất theo đúng tinh thần Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ; siết chặt quản lý, giám sát việc đi lại của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người dân theo quy định phòng, chống dịch COVID-19 ngay từ gia đình, từng ngõ, phố, thôn, xóm, khu chung cư, tòa nhà, cơ quan, đơn vị... Huy động các lực lượng dân phòng, dân quân tự vệ, đội tự quản, công an, Tổ phòng chống COVID-19 cộng đồng, thanh niên, sinh viên tình nguyện và người dân cùng vào cuộc tham gia giám sát; tuyên truyền, nhắc nhở và xử phạt những trường hợp ra khỏi nhà không cần thiết theo đúng quy định.
Các quận, huyện, thị ủy chỉ đạo thành lập các tổ liên ngành và các lực lượng chức năng của Thành phố thực hiện kiểm tra ngay việc chấp hành quy định phòng, chống dịch của tất cả các cơ quan, đơn vị trên địa bàn, kể cả cơ quan, doanh nghiệp Trung ương đóng trên địa bàn. Cương quyết yêu cầu các cơ quan, đơn vị phải chấp hành nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch của thành phố; chỉ bố trí cán bộ trực cơ quan và xử lý tài liệu mật, các nhiệm vụ cần thiết khác theo yêu cầu của cấp có thẩm quyền mới đến làm việc tại cơ quan, còn lại làm việc trực tuyến.
Tận dụng tối đa các ngày giãn cách xã hội để thần tốc truy vết, bóc tách các trường hợp F0 ra khỏi cộng đồng; cách ly triệt để các trường hợp F1, F2, F3; dập tắt nhanh nhất các ổ dịch mới, cố gắng không để lây lan rộng ra cộng đồng. Chủ động quyết định việc thực hiện các biện pháp cao hơn trong thời gian giãn cách xã hội như phong tỏa, ra lệnh giới nghiêm khi cần thiết một khu vực có nhiều ca F0: Khu dân cư, tổ dân phố, cấp phường, xã, thị trấn... để kịp thời ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng.
Ban Thường vụ Thành ủy cũng yêu cầu đẩy nhanh tiến độ xây dựng các khu cách ly tập trung của các quận, huyện, thị xã; khẩn trương hoàn thành trang thiết bị và kích hoạt 100% các khu cách ly tập trung của các quận, huyện, thị xã. Bộ Tư lệnh Thủ đô chỉ đạo phân khu riêng biệt tại các khu cách ly tập trung đối với các trường hợp F1 có nguy cơ cao trở thành F0 (theo chỉ định của cơ quan y tế) nhằm tránh sự lây nhiễm trong các khu cách ly tập trung.
Chủ tịch ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã duyệt phương án và siết chặt hoạt động của từng doanh nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp, các chợ đầu mối, chợ dân sinh, siêu thị, trung tâm thương mại, các khu vực có nguy cơ cao lây lan dịch bệnh, bảo đảm chỉ hoạt động khi đáp ứng yêu cầu an toàn phòng dịch và cam kết theo quy định, không để tập trung đông người dẫn đến lây lan dịch bệnh.
Khẩn trương hoàn thành xây dựng Bệnh viện dã chiến hồi sức điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng và nguy kịch tại Tam Trinh - Hoàng Mai với quy mô 500 giường; đưa vào sử dụng cơ sở thu dung điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ với quy mô 1.000 giường tại dự án nhà ở cao tầng thuộc Khu đô thị Đền Lừ, quận Hoàng Mai; tiếp tục thành lập các cơ sở thu dung, điều trị người bệnh COVID-19 không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ theo từng giai đoạn 5.000, 10.000, 20.000 giường và sẵn sàng phương án tăng công suất hơn nữa khi cần thiết.
Tăng cường công tác lấy mẫu, huy động các lực lượng tham gia lấy mẫu, xét nghiệm toàn bộ và trả kết quả xét nghiệm nhanh nhất các trường hợp có biểu hiện ho, sốt, khó thở, các khu vực có nguy cơ cao. Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin COVID-19, đặc biệt là các lực lượng tuyến đầu. Đẩy nhanh việc triển khai hỗ trợ các hộ nghèo bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 năm 2021 và các đối tượng thuộc diện được hưởng các chính sách hỗ trợ do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 theo quy định. Đồng thời, căn cứ tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố, tiếp tục rà soát các chính sách hỗ trợ các lực lượng tham gia phòng, chống dịch, các đối tượng yếu thế, các tổ chức, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh,... để đề xuất các chính sách khác, góp phần tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội./.
Trung Duy (tổng hợp)
BIDV duy trì hoạt động ổn định, an toàn, hỗ trợ khách hàng và cộng đồng ứng phó đại dịch COVID-19  (03/08/2021)
Tỉnh Bắc Ninh sẻ chia vất vả, đồng lòng chống dịch tại Long An  (03/08/2021)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gửi thư động viên các lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch COVID-19  (02/08/2021)
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay