Tỉnh Quảng Ninh bảo đảm cơ sở vật chất cho năm học mới
TCCS - Chỉ còn 10 ngày nữa, học sinh trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh sẽ bước vào năm học mới. Hiện các địa phương đều đã sẵn sàng về điều kiện cơ sở vật chất để đón các em đến trường.
Những ngày này, các thầy, cô Trường THCS Trần Quốc Toản (thành phố Hạ Long) bận rộn công việc dọn dẹp trường, lớp để chuẩn bị đón học sinh đến trường. Đây là ngôi trường được xây mới hoàn toàn ở một địa điểm khác trường cũ. Bởi vậy, nhà trường khá vất vả trong việc di chuyển bàn ghế, hồ sơ, sổ sách và nhiều trang, thiết bị khác từ trường cũ về. Phó Hiệu trưởng Trường THCS Trần Quốc Toản Hoàng Thị Hải Yến cho biết: “Trường THCS Trần Quốc Toản hiện có trên 2.000 học sinh, là một trong những trường đông học sinh nhất của thành phố Hạ Long. Ở trường cũ, số phòng học không đáp ứng yêu cầu, nhà trường phải chia các lớp theo ca. Giờ ở trường mới rộng rãi, có 45 phòng học, nên cố gắng bố trí các lớp học cùng một buổi để thuận tiện cho học sinh”.
Trường THCS Trần Quốc Toản được đầu tư hiện đại, phòng học rộng rãi, có cầu thang máy. Các tầng đều bố trí 2 khu vực vệ sinh nam, nữ riêng biệt, sạch sẽ... Đến thời điểm này, các lớp đã kê xong bàn ghế; nhiều lớp đã lắp xong hệ thống máy chiếu..., sẵn sàng đón học sinh đến trường.
Trong năm học này, thành phố Hạ Long có 3 trường xây mới về cơ sở vật chất được đưa vào sử dụng. Bên cạnh đó, nhiều trường được đầu tư xây mới, xây thêm phòng học và đưa vào sử dụng từ cuối năm học 2019 - 2020.
Còn ở huyện Hải Hà có 46 trường học từ mầm non đến trung học phổ thông và 1 trung tâm giáo dục nghề nghiệp và giáo dục thường xuyên, 11 cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập... Trong năm học mới này, toàn huyện có 32 phòng học lý thuyết, 39 phòng học bộ môn, 32 phòng hiệu bộ - văn phòng, 7 thư viện, 1 phòng công vụ và một số hạng mục công trình phụ trợ được đưa vào sử dụng với tổng kinh phí 45,74 tỷ đồng bằng nguồn ngân sách huyện. Huyện Hải Hà còn thực hiện cải tạo sửa chữa 43 phòng học, 5 phòng bộ môn, 13 phòng hiệu bộ, 12 phòng chức năng; 20 phòng nội trú học sinh với kinh phí 4,351 tỷ đồng bằng nguồn ngân sách cấp huyện và nguồn kinh phí không tự chủ của các trường. Cùng với đó, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh đầu tư xây mới 3 nhà vệ sinh học sinh với số vốn 995 triệu đồng trên địa bàn huyện.
Không chỉ ở thành phố Hạ Long, huyện Hải Hà, tất cả các địa phương trong tỉnh Quảng Ninh đều sẵn sàng mọi điều kiện về cơ sở vật chất để đón học sinh tựu trường. Trên địa bàn tỉnh hiện có 650 cơ sở giáo dục; trong đó: 221 trường mầm non, 167 trường tiểu học, 189 trường trung học cơ sở, 59 trường trung học phổ thông, 13 trung tâm giáo dục nghề nghiệp và giáo dục thường xuyên cấp huyện, 1 trung tâm hướng nghiệp và giáo dục thường xuyên tỉnh. Ngoài ra còn có 389 cơ sở giáo dục mầm non độc lập tư thục. Toàn tỉnh có khoảng 335.700 học sinh.
Từ nhiều năm nay, các địa phương trong tỉnh Quảng Ninh đều thực hiện nghiêm việc điều tra phổ cập giáo dục; thống kê quy mô dân số... Trên cơ sở đó, tỉnh, các địa phương bố trí kinh phí để đầu tư xây mới, nâng cấp phòng học, đầu tư thiết bị dạy học..., đáp ứng số lượng học sinh hằng năm. Việc đầu tư cơ sở vật chất theo hướng kiên cố hoá, chuẩn hoá và từng bước hiện đại; xóa bỏ các phòng học xuống cấp, phòng học tạm, phòng học nhờ; ưu tiên cho việc duy trì phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi, tiểu học, trung học cơ sở, xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia; mua sắm trang thiết bị dạy học, xây dựng trường học thông minh...
Thực hiện Dự án xây dựng trường học thông minh trên địa bàn thành phố Hạ Long (giai đoạn I) trong Đề án triển khai mô hình thành phố thông minh tỉnh Quảng Ninh, giai đoạn 2017 - 2020, đến nay phần lớn các phòng học trên địa bàn thành phố Hạ Long cũ được đầu tư xây dựng thành phòng học tương tác, có hệ thống bảng thông minh kết nối máy tính hiện đại, giúp học sinh cập nhật kiến thức được tốt hơn. Một số trường xây mới và các trường thuộc huyện Hoành Bồ cũ, đang được rà soát, nghiên cứu đầu tư.
Các địa phương còn quan tâm đầu tư hệ thống các công trình nước sạch, công trình vệ sinh ở các trường học nhằm bảo đảm tốt vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh, xây dựng môi trường xanh, sạch, đẹp trong các cơ sở giáo dục.
Đến thời điểm này, 650 cơ sở giáo dục trong toàn tỉnh cơ bản bảo đảm về điều kiện trường, lớp phục vụ năm học mới. Số phòng học đã kiên cố đạt hơn 90%, số còn lại đạt bán kiên cố. Tỉnh đã tổ chức rà soát, mua sắm bổ sung thiết bị dạy học hỗ trợ đổi mới phương pháp dạy học các cấp mầm non và phổ thông trên địa bàn. Các trường học cơ bản đáp ứng trang thiết bị dạy học các cấp. Điều này sẽ đóng góp tích cực vào thực hiện tốt nhiệm vụ của tỉnh về nâng cao chất lượng và phát triển toàn diện nguồn nhân lực tỉnh./.
Động lực tăng trưởng mới của tỉnh Quảng Ninh  (25/08/2020)
Tạo chuyển biến căn bản và toàn diện giáo dục - đào tạo của Thủ đô trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế  (23/08/2020)
Tạo chuyển biến căn bản và toàn diện giáo dục - đào tạo của Thủ đô trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế  (23/08/2020)
Dịch vụ công đón đầu xu thế nền tảng chính quyền số  (21/08/2020)
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay