Trước yêu cầu phát triển mới theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập ngày càng sâu vào nền kinh tế thế giới, làm sao để tiếp tục đổi mới công tác quản lý nông nghiệp, đưa nông nghiệp nước ta phát triển ngày càng toàn diện và bền vững là vấn đề cấp bách đang được đặt ra. Việc nhìn lại một cách khái quát nhất tình hình nông nghiệp, nông thôn, trong đó người nông dân làm chủ thể, suốt trong một quá trình dài với nhiều giai đoạn khác nhau; từ đó có cách tiếp cận đúng đắn, có luận cứ khoa học, hệ thống hóa lô-gíc lịch sử và phân kỳ theo các mốc quan trọng của đất nước để phân tích, luận giải các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước ta đối với từng thời kỳ phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và giai cấp nông dân Việt Nam, tiếp tục kế thừa, đồng thời đưa ra những định hướng cho nông nghiệp Việt Nam phát triển trong tương lai - tất cả những việc đó là nhiệm vụ nặng nề đòi hỏi phải có sự đầu tư nghiên cứu nghiêm túc. Nhà xuất bản Chính trị quốc gia đã xuất bản cuốn sách Nông nghiệp, nông thôn Việt Nam sau hai mươi năm đổi mới: quá khứ và hiện tại của PGS.TS. Nguyễn Văn Bích, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng kiêm Trợ lý Chủ tịch nước.

Cuốn sách gồm 4 phần chính và phụ lục:

Phần thứ nhất: Nông nghiệp, nông thôn Việt Nam dưới chế độ thuộc địa, nửa phong kiến (1901 - 1945).

Phần thứ hai: Nông nghiệp, nông thôn Việt Nam từ khi ra đời nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đến giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (1945-1975).

Phần thứ ba: Nông nghiệp, nông thôn Việt Nam sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước - cả nước bước vào thời kỳ xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội (1976-1986).

Phần thứ tư: Nông nghiệp, nông thôn Việt Nam 20 năm đổi mới (1986-2006).

Với cách nhìn khái quát, cuốn sách được coi như một bản tổng kết về lĩnh vực nông nghiệp nước ta. Được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, phản ánh khá đầy đủ, toàn diện, có thống kê số liệu qua các thời kỳ lịch sử xây dựng, phát triển kinh tế nông nghiệp nước ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, cuốn sách đã làm sáng tỏ nhiều vấn đề về lý luận và thực tiễn trong nông nghiệp, nông thôn, về quan hệ sản xuất, cơ chế quản lý. Đặc biệt, đã nêu lên được bối cảnh về sự phát triển của nền kinh tế nước ta nói chung, nền nông nghiệp, nông thôn nói riêng.