Tư tưởng Hồ Chí Minh về tư cách người cán bộ Quân đội
Ngay từ những ngày đầu thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, Hồ Chí Minh rất quan tâm đến việc xây dựng quân đội và xây dựng tư cách người cán bộ quân đội. Theo Người, “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”(1)… “công việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”(2). Đội ngũ cán bộ quân đội ta đã được rèn luyện, thử thách và trưởng thành trong quá trình chiến tranh cách mạng.
Bước vào thời kỳ mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Quân đội nhân dân Việt Nam cần được xây dựng theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ từng bước hiện đại… trong khi đó, một bộ phận cán bộ quân đội đã và đang bộc lộ những bất cập. Do vậy, việc quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh về tư cách người cán bộ quân đội để tiếp tục nâng cao hơn nữa phẩm chất, năng lực của đội ngũ cán bộ quân đội đáp ứng với yêu cầu mới của nhiệm vụ cách mạng, nhiệm vụ Quân đội trong giai đoạn hiện nay là hết sức quan trọng.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về tư cách người cán bộ quân đội được đề cập trong nhiều bài nói, bài viết của Người đối với việc xây dựng lực lưỡng vũ trang nhân dân, thể hiện tập trung ở những điểm cơ bản sau:
1. Phẩm chất chính trị
Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, chủ nghĩa Mác - Lê-nin là nền tảng tư tưởng của Đảng, của Quân đội ta. Người coi vấn đề xây dựng bản lĩnh chính trị, bản chất giai cấp là mấu chốt nhất của người cán bộ quân đội. Theo Hồ Chí Minh, “quân sự mà không có chính trị thì như cây không có gốc, vô dụng lại có hại ”(3), chính trị của người cán bộ quân đội “biểu hiện ra trong lúc đánh giặc”(4). Người chỉ ra đặc trưng về bản chất của quân đội, của cán bộ quân đội ta là: “Trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”(5). Bản chất này biểu hiện rõ ở các mối quan hệ xã hội, cũng như mục tiêu chiến đấu của người cán bộ quân đội, trong đó nét tiêu biểu tập trung nhất là trung với Đảng, hiếu với dân.
Trung với Đảng, hiếu với dân là chuẩn mực cơ bản, bao trùm nhất về phẩm chất của người cách mạng nói chung và của người cán bộ quân đội nói riêng. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, “trung” đối với với cán bộ quân đội là trung thành tuyệt đối với Tổ quốc, với nhân dân, với cách mạng, với Đảng. Tổ quốc, nhân dân, cách mạng và Đảng là người sinh thành, giáo dưỡng, rèn luyện quân đội và đội ngũ cán bộ quân đội ta từng bước trưởng thành. Lòng trung thành đó thể hiện ở tinh thần quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh; vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, vì sự nghiệp bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền và thành quả cách mạng…. Còn “hiếu”, theo Người, đó là tinh thần tận tụy phục vụ nhân dân. Đã là người cán bộ quân đội thì dù cấp bậc cao hay thấp, dù ở cương vị nào cũng đều phải cố gắng để xứng đáng là người đầy tớ trung thành và tận tụy của nhân dân. Bởi lẽ, theo Người “quân đội ta là quân đội nhân dân, do dân đẻ ra, vì nhân dân mà chiến đấu”(6). Do đó, Người dạy “mình đánh giặc là vì nhân dân. Nhưng mình không phải là “cứu tinh” của dân, mà mình có trách nhiệm phụng sự nhân dân”(7). Với ý nghĩa đó, Người luôn nhắc nhở đội ngũ cán bộ quân đội phải giữ gìn truyền thống trung với Đảng, hiếu với dân, chỉ có như vậy mới giúp cho người cán bộ quân đội xác định đúng mục tiêu chiến đấu, phân biệt rõ bạn và thù, kiên định với lập trường giai cấp, đoàn kết tốt, kỷ luật nghiêm… và luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
2. Đạo đức, lối sống, năng lực
Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu, người cán bộ quân đội phải thực sự hiểu biết về phẩm chất, đạo đức, lối sống. Cán bộ quân đội phải luôn luôn tu dưỡng đạo đức cách mạng, đó là: cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Phải thật thà ngay thẳng, nghiêm túc tự phê bình và phê bình. Phải khiêm tốn, thực sự cầu thị, không chủ quan kiêu ngạo, có ý thức lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ; nói đi đôi với làm và phải mẫu mực để chiến sĩ noi gương, học tập. Người dạy: mỗi người chỉ huy về quân sự cũng như về chính trị phải làm kiểu mẫu. Người nhắc nhở cán bộ quân đội “từ tiểu đội trưởng trở lên, từ tư lệnh trở xuống phải săn sóc đời sống vật chất và tinh thần của đội viên… Bộ đội chưa ăn cơm, cán bộ không được kêu mình đói. Bộ đội chưa đủ áo mặc, cán bộ không được kêu mình rét. Bộ đội chưa đủ chỗ ở, cán bộ không được kêu mình mệt”(8) và “cán bộ phải thương đội viên… có thân đội viên như chân tay, thì đội viên mới thân cán bộ như ruột thịt” (9).
Bên cạnh đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đặc biệt phê phán những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, xem đó là kẻ địch hết sức nguy hiểm đối với người cán bộ quân đội và Người yêu cầu chống giặc này như chống giặc ngoại xâm. Người chỉ ra chủ nghĩa cá nhân sinh ra trăm thứ bệnh, như: quan liêu, hách dịch, tham ô, hủ hoá, lãng phí, xa hoa… làm tha hoá, biến chất người cán bộ. Lịch sử đã ghi lại nhiều bài học của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giáo dục, rèn luyện cán bộ trong quân đội với thái độ rất khoan dung, nhân ái, song cũng rất cương quyết. Người rất đau lòng khi phải xử lý kỷ luật những cán bộ quân đội do thiếu ý thức mà vi phạm nghiêm trọng đến phẩm chất đạo đức của người quân nhân.
Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu cán bộ quân đội phải vững vàng về chính trị, giỏi về chuyên môn; nghề nào cũng phải học, phải thông thạo, bởi lẽ chỉ có nhiệt tình không thôi thì chưa đủ, mà còn phải có tri thức nữa. Người căn dặn đội ngũ cán bộ quân đội phải “học tư tưởng chiến lược, chiến thuật, học cách dạy bộ đội đánh giặc, học phương pháp chỉ huy chiến đấu”(10); đồng thời, “phải ra sức học chính trị…; văn hoá, cần phải nâng cao lập trường và tư tưởng của giai cấp công nhân” (11). Người chỉ rõ việc học tập lý luận không phải chỉ thuộc lòng từng câu, từng chữ, mà phải nắm vững bản chất cách mạng và tính biện chứng khoa học của chủ nghĩa Mác - Lê-nin để vận dụng và giải quyết đúng đắn trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng; thực hiện nhiệm vụ cụ thể ở đơn vị thể hiện vai trò, vị trí của người cán bộ. Đồng thời, Người phê phán những biểu hiện lệch lạc, như: chỉ coi trọng kinh nghiệm mà xem thường lý luận, hoặc chỉ coi trọng lý luận mà xem nhẹ kinh nghiệm. Người căn dặn: học phải đi đôi với hành, lý luận phải liên hệ với thực tiễn; thao trường, bãi tập gắn với chiến trường, không lý thuyết suông, giáo điều sách vở.
3. Phong cách và tác phong làm việc
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn căn dặn cán bộ quân đội phải thực sự gương mẫu, dân chủ, cởi mở, sâu sát với đồng sự, với chiến sỹ và nhân dân; “phải óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm. Chứ không phải nói suông, chỉ ngồi viết mệnh lệnh”(12). Người quan tâm lấy giáo dục, thuyết phục, nêu gương làm chính. Trong lời nói, việc làm phải lấy chính trị trọng hơn quân sự, phải là đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. Người đòi hỏi đội ngũ cán bộ quân đội phải biết làm cho tinh thần của bộ đội, sức mạnh của tổ chức được truyền qua súng, phải thực sự làm sao cho chính trị là linh hồn của quân đội cách mạng. Người kiên quyết chống lối làm việc chủ quan, đại khái, phô trương, ham chuộng hình thức; lối làm việc gặp đâu hay đấy, nói hay làm dở, nói nhiều làm ít, nói mà không làm hoặc làm việc thiếu kế hoạch, thiếu kiểm tra, kiểm soát.
Thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong suốt quá trình chiến đấu và xây dựng quân đội, đội ngũ cán bộ trong các lực lượng vũ trang đã không ngừng phấn đấu, rèn luyện, tu dưỡng nhân cách, luôn xứng danh anh bộ đội Cụ Hồ, được dân tin, dân phục, dân yêu, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đa số cán bộ quân đội đã thể hiện rõ bản lĩnh chính trị vững vàng của mình; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; tích cực tham gia vào công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo; không ngừng nâng cao trình độ, năng lực; giữ vững phẩm chất cách mạng. Tuy nhiên, trước những biến đổi phức tạp của tình hình kinh tế, chính trị, xã hội của khu vực, thế giới; sự tác động của cơ chế thị trường, mở cửa, hội nhập… đã ảnh hưởng xấu đến một số cán bộ quân đội.
Trước những âm mưu, thủ đoạn về diễn biến hoà bình; bạo loạn lật đổ; thực hiện phi chính trị hóa quân đội của các thế lực thù địch, hơn bao giờ hết, đội ngũ cán bộ quân đội hôm nay phải tích cực học tập, rèn luyện và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh về tư cách người cán bộ trong quân đội nhân dân Việt Nam. Phải luôn kiên định lập trường, tư tưởng, trau dồi đạo đức cách mạng cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, không ngừng nâng cao trình độ về mọi mặt, quyết tâm hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, xứng đáng với lòng tin và sự mong mỏi của Người. Đó cũng là những vấn đề cốt lõi nhất đòi hỏi người cán bộ quân đội phải tiếp tục nâng cao “Đức” “Tài”, khi đất nước ta bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập sâu, rộng hơn vào nền kinh tế thế giới.
Quán triệt tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ủy Quân sự Trung ương đã có Nghị quyết 94, xác định rõ yêu cầu, tiêu chuẩn của đội ngũ cán bộ quân đội trong thời kỳ mới: “Có bản lĩnh chính trị vững vàng, trên cơ sở lập trường giai cấp công nhân, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, với nhân dân; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, sẵn sàng hy sinh bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa... Có tinh thần cảnh giác cách mạng cao, ý thức tổ chức kỷ luật nghiêm, giữ vững kỷ cương, giữ gìn bí mật quân sự, bí mật quốc gia... Cần kiệm, liêm chính, chí công, vô tư. Trung thực thẳng thắn, không cục bộ bản vị, không tham vọng cá nhân, không tham nhũng và kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, không cơ hội và chống mọi biểu hiện của cơ hội... Có trình độ kiến thức lý luận chính trị, quân sự, nắm vững và vận dụng sáng tạo quan điểm chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng vào xây dựng quân đội nhân dân, xây dựng nền quốc phòng toàn dân; có trình độ khoa học nghệ thuật quân sự và những kiến thức cần thiết về quản lý kinh tế, xã hội, pháp luật, có trình độ chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ theo yêu cầu của mỗi chức danh; có năng lực trí tuệ và năng lực hoạt động thực tiễn, biết làm việc một cách chủ động, tự lực, sáng tạo có hiệu quả... ”(13)
Phương hướng, tiêu chuẩn trên chính là việc quán triệt Nghị quyết Đại hội X của Đảng về yêu cầu tiêu chuẩn cán bộ trong thời kỳ mới, đồng thời là sự vận dụng những yêu cầu về tư cách người cán bộ quân đội theo tư tưởng Hồ Chí Minh trong điều kiện, hoàn cảnh mới. Đó cũng chính là mục tiêu, yêu cầu đòi hỏi mỗi cán bộ quân đội phải ra sức phấn đấu, rèn luyện, tu dưỡng nhằm đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ cách mạng, nhiệm vụ quân đội trong tình hình hiện nay.
(2) Sđd, tập 5, tr 269
(3) Sđd, tập 6, tr 318
(4) Sđd, tập 6, tr 318
(5) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tập 5, tr 319
(6) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tập 5, tr 722
(7) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tập 10, tr 175
(8) Hồ Chí Minh, Với các lực lượng vũ trang nhân dân, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1975, tr.157-158
(9) Hồ Chí Minh, Về đấu tranh vũ trang và lực lượng vũ trang nhân dân, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1970, tr 225
(10) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tập 5, tr 319
(11) Sđd, tập 9, tr 495
(12) Sđd, tập 5, tr 296
(13) Đảng ủy Quân sự Trung ương, Nghị quyết số 94/ĐUQSTW Về xây dựng đội ngũ cán bộ quân đội trong thời kỳ mới, Hà Nội, 1998, tr 6
Tư tưởng Hồ Chí Minh về tư cách người cán bộ Quân đội  (17/05/2007)
Kế thừa và phát huy dân chủ trong tổ chức và hoạt động của Quốc hội  (17/05/2007)
Tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Quốc hội với nhân dân  (17/05/2007)
Lời tựa của đồng chí Tổng bí thư Đỗ Mười (ngày 3-2-1995)  (15/05/2007)
Lời nói đầu  (15/05/2007)
Chương I: Tạp chí Đảng từ 1930 đến 1954  (15/05/2007)
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển nông nghiệp và sự vận dụng của Đảng đối với vấn đề bảo đảm an ninh lương thực ở Việt Nam hiện nay
- Công an nhân dân tu dưỡng, rèn luyện, quyết tâm thực hiện lời căn dặn “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Chính sách đối ngoại đa phương của nước Mỹ tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Nâng cao chất lượng quản lý đảng viên ở ngoài nước trong giai đoạn mới: Thực trạng và giải pháp
- Xây dựng huyện đảo Trường Sa trở thành trung tâm kinh tế - xã hội trên biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo: Thực tiễn và vấn đề đặt ra hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên