Giá sữa và vấn đề kiểm soát

14:57, ngày 07-07-2009

TCCSĐT - Sáng 7-7-2009, tại Hà Nội, Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội thảo “Giá sữa và vấn đề kiểm soát”. Tham dự Hội thảo có đại diện các cơ quan, tổ chức: Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính; Ban Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương; Cục Quản lý Thị trường, Bộ Công Thương; Trung tâm Thông tin phát triển nông nghiệp – nông thôn, Viện Chính sách và Phát triển nông nghiệp – nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; các công ty sữa lớn như Nutifood, Vinamilk, Hanoimilk, Công ty sữa Quốc tế, các doanh nghiệp lớn cung cấp sữa trên địa bàn Hà Nội, cùng đông đảo phóng viên các cơ quan báo chí trung ương, địa phương đã tới dự.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung vào một số vấn đề: thực trạng giá sữa, cơ chế quản lý giá và các giải pháp bình ổn giá sữa; cuộc cạnh tranh giữa sữa nội và sữa ngoại; công tác giám sát trong việc kinh doanh sữa; dự báo sản lượng sản xuất, tiêu thụ và giá sữa trong thời gian tới…

Giá bán lẻ sữa quá cao, vì sao?

Theo khảo sát của Ban Bảo vệ người tiêu dùng của Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương, giá sữa bột nguyên hộp nhập khẩu ở Việt Nam cao hơn từ 20% - 40% so với giá sữa cùng loại ở các nước trong cùng khu vực. Ví dụ như giá của các loại sữa của Abbott, Mead Jonhsonl nhập khẩu từ Mỹ, mua tại Việt Nam luôn có giá cao hơn từ 20% - 30% so với giá mua tại Thái Lan, Ma-lai-xi-a, In-đô-nê-xi-a. Giá các loại sữa Dumex 1, 2, 3 được nhập khẩu từ nhiều nước luôn cao hơn giá của sản phẩm cùng loại mua tại Thái Lan, Ma-lai-xi-a, In-đô-nê-xi-a từ 100% - 150%.

Lý giải về mức giá bán lẻ quá cao này, có nhiều ý kiến khác nhau: do tỷ giá ngoại tệ giữa đồng Việt Nam và đồng đô-la Mỹ tăng từ 6%-8%; do thuế nhập khẩu và thuế VAT cho sữa bột của các nước khác nhau dẫn đến sự chênh lệch giá như vậy.

Tuy nhiên, trên thực tế, mức thuế suất trung bình đối với sữa bột nguyên liệu và nguyên hộp nhập khẩu vào Việt Nam không quá 10% - thấp hơn nhiều so với thuế nhập khẩu vào Thái Lan (ở Thái Lan thuế nhập khẩu mặt hàng này dao động từ 0%-40%, tùy thuộc vào mã hàng), song giá hầu hết các mặt hàng sữa bột nguyên hộp ở Việt Nam luôn cao hơn giá các sản phẩm cùng loại ở Thái Lan từ 20%-60%, thậm chí có trường hợp cao hơn 100%.

Mặt khác, đối với các nước Thái Lan, Ma-lai-xi-a, In-đô-nê-xi-a, nhìn chung thuế nhập khẩu thấp hơn so với Việt Nam (thuế nhập khẩu ở các nước này dao động từ 0%-5%, tùy các sản phẩm), nếu về lý, các sản phẩm sữa cùng loại mua ở Việt Nam có thể đắt hơn khoảng 0%-10% do thuế nhập khẩu cao hơn, nhưng trên thực tế, giá của các sản phẩm sữa cùng loại tại Việt Nam lại thường cao hơn từ 25%-30%, thậm chí 150% giá mua tại các nước trên. Như vậy, hiện tượng giá sữa nhập khẩu ở Việt Nam cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực là khá rõ.

Theo thống kê của Tổng Cục Hải quan, hiện nay trên thị trường Việt Nam có khoảng trên 200 doanh nghiệp nhập khẩu sữa nguyên liệu và sữa thành phẩm. Đó là một con số không nhỏ để tạo nên một thị trường cạnh tranh lành mạnh trong ngành sữa ở Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh giá sữa thế giới và sữa nguyên liệu nhập khẩu giảm dần, và người tiêu dùng, vì thế, sẽ được hưởng lợi. Tuy nhiên, có một nghịch lý là, trong khi giá sữa nguyên liệu trên thế giới bắt đầu có sự sụt giảm từ năm 2008 đến tháng 2-2009 thì sữa tại Việt Nam vẫn luôn tăng.

Theo báo cáo của Cục Quản lý giá – Bộ Công Thương, trong năm 2008, liên tục có các đợt tăng giá của các hãng sữa nổi tiếng chiếm thị phần lớn trong nước như:

Công ty sữa Việt Nam (Vinamilk): tăng giá từ 1,5% - 10,8% cho 21 sản phẩm.

Công ty TNHH 3A (chuyên phân phối sữa bột của hãng Abott) đã có 3 đợt tăng giá, mỗi đợt bình quân khoảng 4% -7,8% cho 56 sản phẩm.

Công ty Thực phẩm dinh dưỡng Việt Nam (phân phối sữa bột Dumex) tăng giá từ 3% - 21% cho 31 sản phẩm.

Công ty sữa Dutch Lady Việt Nam đã tăng từ 6% - 10% cho nhóm hàng sữa bột Cô gái Hà Lan, và tăng từ 9%-10% cho sản phẩm sữa Anpha.

Thị trường sữa Việt Nam đang phụ thuộc vào thị trường nước ngoài

Theo báo cáo của Trung tâm thông tin Phát triển nông nghiệp – nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sản lượng sản xuất sữa của Việt Nam liên tục tăng từ năm 2001 đến nay với tốc độ tăng trung bình khoảng 19%/ năm. Tuy nhiên, số lượng này chỉ đáp ứng được khoảng 28% tổng nhu cầu nội địa, hơn 70% còn lại là nhập khẩu (trong đó, 50% là nguyên liệu và 22% là sữa thành phẩm).

Theo báo cáo kim ngạch nhập khẩu sữa của Tổng Cục Hải quan, mặt hàng sữa nguyên liện và sữa thành phẩm nhập khẩu trong 3 năm (từ năm 2007, năm 2008 và 5 tháng đầu năm 2009) chủ yếu là 2 mã hàng 0401 (sữa và kem, chưa cô đặc, chưa pha thêm đường hoặc chất ngọt khác) và mã hàng 0402 (sữa và kem, cô đặc hoặc đã pha thêm đường hoặc chất ngọt khác).

Năm 2007

Năm 2008

5 tháng đầu năm 2009

Trị giá nhập khẩu (USD)

291.191.521

322.045.443

86.707.639

Số lượng nhập khẩu (hộp)

7.081.553

8.306.197

2.921.595

Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo của Tổng Cục Hải quan

Nhìn vào bảng tổng hợp trên có thể thấy, nếu xét về giá trị nhập khẩu, việc nhập khẩu sữa đã tăng mạnh từ năm 2007 đến năm 2008. Năm 2009 có chút suy giảm, các chuyên gia lý giải là có thể trong bối cảnh lạm phát và sự suy giảm kinh tế vào năm 2008, đã khiến người dân thắt chặt chi tiêu hơn và bước đầu quay sang dùng sữa nội. Điều đó cũng cho thấy, thị trường sữa Việt Nam đang phụ thuộc quá lớn vào thị trường nước ngoài.

Sữa nội – sữa ngoại, sữa nào tốt hơn?

Hầu hết tâm lý của những ông bố, bà mẹ mua sữa cho con là muốn con mình khỏe mạnh, thông minh nên hầu hết đều chọn mua những sản phẩm sữa bột nhập ngoại vì cho rằng, sữa ngoại đắt nên sẽ tốt hơn. Nhưng trên thực tế, dù là sữa nội hay sữa ngoại đều sử dụng nguyên liệu chính là sữa bột sản xuất từ các nước Ô-xtrây-li-a, Niu Di-lân, Hà Lan. Về thành phần dinh dưỡng cơ bản, các loại sữa nội và sữa ngoại đều giống nhau.

Nguyên nhân dẫn đến sự chênh lệch giá sữa ngoại - sữa nội không phải do chất lượng mà do những nguyên nhân khác, chẳng hạn như hiệu quả của việc triển khai chiến lược xây dựng thương hiệu; sữa nội được đóng gói trong nước nên chi phí sản xuất ít hơn, dẫn đến giá thành sản phẩm rẻ hơn.

Lời khuyên của các chuyên gia dinh dưỡng dành cho người tiêu dùng là, nếu thành phần đa lượng như đạm, béo, đường cũng như các thành tố vi lượng chủ yếu như vitamin A, D, Kẽm, Sắt.. giữa sữa ngoại và sữa nội tương đương nhau thì người tiêu dùng hoàn toàn yên tâm chọn sữa nội với giá cả hợp lý. Thêm vào đó, mỗi cơ thể có một khả năng tiêu hóa, hập thụ khác nhau, vì thế loại sữa nào phù hợp cho mình nhất thì đó là loại sữa tốt nhất, nếu chọn sữa tốt chỉ đơn thuần dựa trên yếu tố sữa ngoại thì đó là lựa chọn hoàn toàn sai lầm.

Để việc sản xuất kinh doanh mặt hàng sữa được thuận lợi, cung cấp sản phẩm với mức giá phù hợp, bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng, rõ ràng rất cần một sự phối hợp giữa các bộ, ban, ngành và các doanh nghiệp. Vấn đề này tuy không đơn giản và hiện vẫn còn đang có rất nhiều sự tranh luận, song biện pháp trước mắt để có thể quản lý được giá sữa là quy định niêm yết giá. Có niêm yết giá mới có căn cứ để kiểm soát và yêu cầu doanh nghiệp phải bán theo giá niêm yết. Tất nhiên, để có được giá niêm yết hợp lý đòi hỏi trách nhiệm của cơ quan quản lý giá. Vấn đề là phải kiểm soát được đầu vào của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh mặt hàng này, kể cả doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài để có biện pháp xử lý thống nhất. Điều này hiện vẫn còn đang để ngỏ./.