Sản xuất các sản phẩm kỹ thuật điện
tại công ty TNHH ABB Việt Nam - Ảnh: TTXVN
TCCS - Đảng bộ Khối Công nghiệp Hà Nội đã dồn nhiều tâm sức lãnh đạo xây dựng đội ngũ lao động có chất lượng, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Quyết tâm ấy đã được phản ánh phần nào qua cuộc Hội thảo "Những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho sự nghiệp công hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế", với sự tham gia của nhiều cơ sở đào tạo và doanh nghiệp.

Thực trạng về đào tạo và sử dụng lao động

- Về công tác đào tạo

Hội thảo ghi nhận những nỗ lực của các cấp, các ngành thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước trong đào tạo và xây dựng đội ngũ lao động trình độ cao: Đảng đề ra chủ trương về giáo dục đào tạo trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa qua Nghị quyết Hội nghị Trung ương 2, khóa VIII, Về chiến lược phát triển giáo dục và đào tạo trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Quốc hội ban hành Luật Dạy nghề; Chính phủ đã ban hành quyết định thành lập một loạt trường đào tạo, dạy nghề các cấp; đã liên tục đầu tư toàn diện cho hệ thống các trường dạy nghề; Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 1230/QĐ-TTg, ngày 9-9-2008, thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về đào tạo theo nhu cầu xã hội giai đoạn 2008 - 2015.

Thực hiện các chủ trương, quyết định trên, các trường đã nỗ lực hành động, đem lại những kết quả đáng khích lệ cho mục tiêu đào tạo nguồn lao động chất lượng cao. Từ 129 trường dạy nghề năm 1998, đến nay đạt gần 300 trường, quy mô tuyển sinh ngày càng tăng. Theo thống kê, khoảng 70% số học sinh tìm được việc làm hoặc tự tạo việc làm sau khi tốt nghiệp. Chất lượng đào tạo ngày càng tiếp cận yêu cầu thị trường lao động, trước hết là thị trường trong nước và khu vực lân cận. Tại các cuộc thi tay nghề khu vực ASEAN, Việt Nam đã 2 lần đứng thứ nhất vào các năm 2004, 2006...

Các trường đã bước đầu chủ động và năng động trong liên kết đào tạo, kêu gọi đầu tư trên một số lĩnh vực. Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội đã liên kết với Tập đoàn Hồng Hải (Đài Loan) trong việc đào tạo nhân lực, qua đó được phía đối tác tài trợ trang thiết bị trị giá 5 triệu USD.

Các doanh nghiệp cũng chủ động, sáng tạo trong đào tạo nâng cao, bổ khuyết tay nghề cho lực lượng lao động của mình, thông qua các khóa đào tạo ngắn hạn, trao đổi kinh nghiệm...

Tất cả những nỗ lực, cố gắng đó đã từng bước cụ thể hóa chủ trương của Đảng về xây dựng đội ngũ lao động thời kỳ CNH, HĐH, cũng như nâng cao năng suất, hiệu quả lao động của các doanh nghiệp.

- Về cơ chế và kinh phí cho hoạt động đào tạo, dạy nghề: Phó Chủ tịch thường trực Hội dạy nghề Việt Nam, Đỗ Minh Cương, cho rằng "Cơ chế, chính sách về dạy nghề chưa tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia dạy nghề, nhất là chính sách tín dụng, chính sách giao, cho thuê đất, ưu đãi về thuế thu nhập đối với cơ sở dạy nghề", "đầu tư từ ngân sách nhà nước cho dạy nghề tăng chậm,..., bố trí dàn trải, nhiều khoản chỉ được chi "cầm chừng".

- Về cách tiếp cận mục tiêu đào tạo và nội dung chương trình

Về cách tiếp cận mục tiêu: Các cơ sở đào tạo luôn có ý thức vươn lên nắm bắt những kiến thức và công nghệ mới để đưa vào chương trình đào tạo; tuy nhiên, đồng chí Nguyễn Đức Hưng, Phó Bí thư Đảng ủy Khối Công nghiệp Hà Nội cho rằng: "Hiện nay chúng ta đang đánh giá chất lượng chủ yếu theo kiến thức của môn học đó mà không quan tâm học sinh tốt nghiệp phải làm được những việc cụ thể mà thị trường lao động đòi hỏi". Đồng ý với ý kiến này, đồng chí Đỗ Minh Cương, nhấn mạnh: "Cơ cấu ngành, nghề đào tạo vẫn chưa thật phù hợp với cơ cấu ngành, nghề của thị trường lao động. Chất lượng dạy nghề, đặc biệt kỹ năng thực hành vẫn còn hạn chế so với yêu cầu của thị trường lao động, chưa thích ứng kịp với thực tiễn sản xuất"

Về nội dung chương trình: Từ góc độ cơ sở đào tạo, Bí thư Đảng ủy Trường Cao đẳng công nghiệp Phúc Yên, Lê Ngọc Khánh, thẳng thắn thừa nhận: Mặc dù trường "đã đổi mới chương trình đào tạo; đổi mới hình thức đào tạo", nhưng "chương trình đào tạo còn ôm đồm, không sát với thực tiễn sản xuất". Cụ thể hơn, Tổng Giám đốc Vinatex, Vũ Đức Giang, nhận xét về việc đào tạo lao động cho ngành dệt may thời gian qua: "Nội dung chương trình đào tạo chậm đổi mới chưa tiếp cận được với công nghệ và kỹ thuật mới".

- Tâm tư của người sử dụng lao động

Phải đầu tư nhiều để đào tạo bổ khuyết, bồi dưỡng tay nghề cho lao động mới tuyển.

Đó là ý kiến thống nhất của tất cả lãnh đạo các doanh nghiệp tham gia hội thảo. Điều đó cũng là hệ quả tất yếu của công tác đào tạo hiện nay, đã được các đại biểu thẳng thắn chỉ ra. Thực trạng này không chỉ thấy ở công nhân kỹ thuật, mà cả ở các kỹ sư tốt nghiệp các trường có tiếng trong nước, khi về doanh nghiệp cũng rất bỡ ngỡ trước yêu cầu của thực tế sản xuất. Những thiếu hụt đó là về các lĩnh vực: điện tử, cơ khí trình độ cao, tin học thực hành, ngoại ngữ, quản lý kinh tế...

Giám đốc Công ty Điện lực 1, Nguyễn Phúc Vinh; Bí thư Đảng ủy Công ty Điện lực thành phố Hà Nội, Trần Đức Hùng, còn cho thấy một đặc thù về công tác đào tạo, bồi dưỡng của một số doanh nghiệp. Đó là, cùng với việc đào tạo bổ khuyết số lao động mới tuyển, các công ty còn phải có kế hoạch bồi dưỡng, tạo điều kiện cho số lao động lâu năm được đi học để giải quyết vấn đề chính sách và nguyện vọng của họ. Thực trạng này có thể thấy ở tất cả các doanh nghiệp có vốn nhà nước chi phối. Một đặc thù nữa của các tập đoàn kinh tế nhà nước là đào tạo toàn diện. Yêu cầu đào tạo người lao động tay nghề cao cũng như đội ngũ cán bộ ngoài kiến thức chuyên môn còn phải làm tốt công tác lãnh đạo, quản lý, có ý thức chính trị.

Ý thức nghề nghiệp của lao động chưa cao

Đó là ý kiến của Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Dệt kim Đông Xuân, Trương Thị Thanh Hà. Bà Hà cho rằng: "Trước kia lao động trình độ thấp nhưng ý thức nghề nghiệp rất cao, hăng say lao động sản xuất. Nay trình độ tay nghề được nâng lên nhưng ý thức nghề nghiệp không cao như trước".

Chia sẻ ý kiến này, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty THIKECO, Từ Đức Hòa; Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc Công ty cơ khí Quang Trung, Nguyễn Thế Phương. Ông Phương đưa ra dẫn chứng: Gần 60% số lao động được doanh nghiệp tuyển dụng, khi bị sa thải phần lớn vì nguyên nhân "vi phạm kỷ luật lao động"; đồng thời "số lao động mới nói chung có thói quen tùy tiện, cẩu thả, chưa có tác phong công nghiệp, chưa chịu khó rèn luyện và chí thú với nghề nghiệp".

Một bộ phận người lao động luôn có tâm trạng "đứng núi này trông núi nọ", tìm cách chuyển sang các doanh nghiệp khác có mức thu nhập và đãi ngộ cao hơn doanh nghiệp họ đang công tác. Tâm tư với vấn đề này là các đại biểu: Phó bí thư Đảng ủy Công ty Xây lắp hóa chất, Nguyễn Thế Vinh; các ông Nguyễn Trung Thành, Phạm Đình Nhân, đại biểu của Công ty Cơ khí Trần Hưng Đạo...

Bà Trương Thị Thanh Hà (Công ty Dệt kim Đông Xuân) cho hay: "Có nhiều lao động sau một thời gian đã được đào tạo tại doanh nghiệp, tay nghề tăng lên, đáp ứng được nhu cầu công việc của doanh nghiệp thì lại xin chấm dứt hợp đồng lao động,...,".

- Một số xu hướng trong đào tạo và sử dụng lao động hiện nay

Liên kết “2 nhà”: Đây là xu thế gắn kết giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp. Yêu cầu đào tạo qua thực tế sản xuất: dạy nghề ngay tại cơ sở sản xuất, trực tiếp vừa học vừa làm, giảng viên của cơ sở đào tạo đến cơ sở sản xuất dạy trực tiếp cho đội ngũ lao động về một số kiến thức, công đoạn.

Đại diện lãnh đạo Tổng Công ty Thiết bị điện Việt Nam và đại diện lãnh đạo Công ty Truyền tải điện 1 khẳng định ưu điểm của mô hình này trong thực tiễn đơn vị mình: "phương thức đào tạo tại các trường và doanh nghiệp là rất cần thiết", "Công ty liên kết với các trường và các chuyên gia mở các lớp đào tạo bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ".

Liên kết “3 nhà”. Đào tạo lao động tay nghề cao, trong những ngành mũi nhọn đòi hỏi sự liên kết “3 nhà”: Các cơ quan nghiên cứu - các cơ sở đào tạo - các doanh nghiệp. Làm được điều này, cả 3 bên tham gia cùng có lợi về nhiều mặt. Viện trưởng Viện Công nghiệp thực phẩm, Lê Đức Mạnh; đại diện lãnh đạo Viện Khoa học và Công nghệ Mỏ- Luyện kim, đại diện lãnh đạo Công ty cổ phần chế tạo máy điện Việt Nam- Hung-ga-ry rất tâm đắc với mô hình này, đồng thời cũng là những đơn vị tích cực thực hiện.

- Về xu hướng phát triển của lao động tay nghề cao trong giai đoạn sắp tới

Đại diện lãnh đạo Viện Máy và Dụng cụ công nghiệp khẳng định, với tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chúng ta sẽ cần đội ngũ kỹ sư cơ-điện tử chứ không chỉ riêng rẽ cơ học hoặc điện tử như hiện nay. Đó là những "kỹ sư cơ-điện tử có khả năng thiết kế, duy tu, bảo dưỡng các sản phẩm và hệ thống được điều khiển bằng máy tính điện tử". Thời gian qua, Viện Máy và dụng cụ công nghiệp đã tích cực triển khai công tác đào tạo theo hướng như vậy để đón bắt và phục vụ nhu cầu của thị trường lao động chất lượng cao.

Những giải pháp để nâng cao chất lượng lao động

- Về chủ trương, chính sách chung

Các đại biểu mong muốn Nhà nước có chính sách để nâng tỷ lệ đào tạo về các ngành kỹ thuật, công nghệ lên so với các ngành dịch vụ, tốt nhất là "50% đến 60%" số học sinh, sinh viên hằng năm, "trong khi hiện tại tỷ lệ này chỉ là 15,4%", đồng thời tăng mức đầu tư cho giáo dục nói chung, cho dạy nghề nói riêng lên tương đương các nước trong khu vực (ngân sách cho giáo dục của các nước trong khu vực bằng 20% GDP; với các nước châu Âu, kinh phí cho dạy nghề bằng xấp xỉ 1% GDP).

- Một số biện pháp cụ thể

Để nâng cao chất lượng đào tạo, đại diện Bộ Công Thương nêu lên một số nội dung trong chương trình hành động của Bộ, nhằm nâng cao chất lượng đào tạo trong những năm tới. Đó là: đề ra và công khai bộ chuẩn tốt nghiệp của mỗi trường trên cơ sở sự thẩm định về chuyên môn của Bộ Công Thương, theo những tiêu chí phù hợp với yêu cầu chung nhất của người lao động trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa; chấn chỉnh khâu tuyển sinh ở các trường dạy nghề; giáo dục ý thức chính trị, đạo đức nghề nghiệp cho người lao động...

Bảo vệ quyền lợi của các bên trong quá trình đào tạo, bồi dưỡng: doanh nghiệp đào tạo lại tay nghề cho người lao động phải được bảo vệ quyền lợi bằng các hợp đồng, sao cho có thể thu hồi công sức và tiền bạc bỏ ra, tránh tình trạng bị các doanh nghiệp khác hút mất công nhân sau đào tạo, nhưng đồng thời vẫn phải bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người lao động.

Có những chủ trương cho phép đẩy mạnh xã hội hóa công tác đào tạo, dạy nghề để đáp ứng đủ yêu cầu về số lượng lao động có tay nghề cao. Kinh phí cho đào tạo nâng cao, bồi dưỡng tay nghề đang là vấn đề cần được tháo gỡ bằng các chính sách cụ thể, sao cho phát huy tính năng động, tiềm lực của các bên trong quá trình đào tạo, để xuất hiện ngày càng nhiều lao động có trình độ cao. Các đại biểu đề nghị các bộ, ngành có liên quan sớm bàn bạc và đưa ra các chủ trương đúng đắn để tháo gỡ khó khăn trong vấn đề xã hội hóa đào tạo nghề.

Đẩy mạnh hợp tác quốc tế của các cơ sở đào tạo, doanh nghiệp, viện nghiên cứu dưới nhiều hình thức, nhằm cập nhật những tri thức, kỹ năng và công nghệ hiện đại: trao đổi, giao lưu hợp tác; du học cũng như làm việc ở các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam. Biện pháp này đã thực hiện, nhưng thời gian tới các đơn vị sẽ tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa, với chiều sâu và lĩnh vực hợp tác rộng hơn./.