Phát triển quan hệ thương mại biên giới Việt - Trung thành hình mẫu của quan hệ hữu nghị, láng giềng và hợp tác trong thế kỷ XXI
TCCSĐT - Không chỉ là nước láng giềng lớn nhất, Trung Quốc cũng là quốc gia hàng đầu trong các nước và vùng lãnh thổ trên thế giới có quan hệ thương mại, đầu tư, du lịch với Việt Nam.
Thực hiện đường lối đổi mới và chính sách mở cửa, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã có nhiều chủ trương,chính sách và giải pháp nhằm biến biên giới Việt - Trung thành biên giới của hoà bình, hữu nghị, đoàn kết và hợp tác, trong đó, phát triển thương mại, mở rộng giao lưu kinh tế được xem là một trong những “lối mở” hợp quy luật và xu hướng thời đại sau khi hai nước đã gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Thương mại hai bên được tiến hành theo nhiều phương thức mậu dịch phong phú (chính ngạch, buôn bán qua biên giới, tạm nhập tái xuất, quá cảnh, chuyển khẩu, trao đổi hàng hóa giữa cư dân biên giới hai nước). Thương mại biên giới đã góp phần làm gia tăng, thúc đẩy kênh giao lưu hàng nông lâm sản giữa hai nước. Bộ mặt thị trường khởi sắc. Thu nhập và sức mua dân cư nhờ đó cũng được gia tăng. Kết cấu hạ tầng (đường xá, kho bãi, cửa khẩu, nơi giao dịch, chợ…) từng bước được nâng cấp. Môi trường cho các hoạt động dịch vụ nói chung và cơ chế, chính sách quản lý thương mại nói riêng ngày càng hoàn thiện. Hiện tượng xuất, nhập lậu cũng giảm mạnh.
Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu, mua bán, trao đổi qua biên giới Việt - Trung chủ yếu là cao su và các sản phẩm từ cao su, các mặt hàng nông sản như sắn lát và tinh bột sắn, thóc, gạo, đường, trái cây tươi các loại (thanh long, chuối, vải, nhãn...), thủy sản, gỗ ván bóc…
Cơ cấu mặt hàng nhập khẩu chủ yếu gồm: máy móc thiết bị, điện năng, phân bón các loại, than cốc, nguyên liệu thuốc lá, trái cây tươi... Tuy nhiên có thể thấy chủng loại mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam ngày càng ít dần . Hàng hóa đạt “chuẩn” chiếm tỷ lệ thấp nên việc giao lưu qua các lối mòn, buôn bán tiểu ngạch không giảm, hàng tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu, kho ngoại quan ngày càng gia tăng.
Với tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức khá cao và ổn định như hiện nay, cùng một thị trường gần 1,4 tỷ người đang trong quá trình chuyển biến mạnh mẽ về cơ cấu tiêu dùng, thị trường Trung Quốc sẽ vẫn tiếp tục là thị trường trọng điểm, có tầm quan trọng đối với xuất khẩu của Việt Nam. Với xu hướng tăng trưởng như hiện nay, trong 10 năm tới, nhu cầu về năng lượng, về nguyên liệu đầu vào phục vụ cho sản xuất, tiêu dùng của Trung Quốc sẽ rất cao. Vì vậy, chúng ta cần phát huy những ưu thế về địa lý, về tính chất bổ sung trong cơ cấu hàng hoá giữa hai nước và các nhân tố có lợi khác để đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Trung quốc.
Thị trường Trung Quốc đang trong giai đoạn thay đổi mạnh về cơ cấu và xu hướng tiêu dùng, song với một số lượng dân số khổng lồ, với mức thu nhập ngày càng cao, dự đoán nhu cầu của thị trường này đối với các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như than đá, thủy, hải sản, rau quả, đồ gỗ, hạt điều và các loại hàng nông sản, trong giai đoạn 2016 - 2020 vẫn rất lớn. Trong tương lai, từ năm 2016 trở đi, ngoài nhu cầu về cao su, Trung Quốc sẽ tiếp tục gia tăng nhập khẩu Boxit Alumi, các loại quặng, hàng điện tử và một số hàng tiêu dùng khác. Đây hầu hết là những nhóm hàng hoá mà Việt Nam rất có tiềm năng. Do đó, chúng ta cần tập trung đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu theo hướng nâng cao giá trị gia tăng các mặt hàng này để khai thác tối đa lợi thế xuất khẩu.
Nhu cầu ngày càng lớn về tài nguyên, hàng hóa thô của Trung Quốc đang khiến nhiều nước bị dần hút vào vòng xoáy, buông dần nguồn lực khỏi khu vực sản xuất công nghiệp, khiến đất nước mất dần khả năng cạnh tranh trong dài hạn. Về lâu dài, các nước này sẽ dần lệ thuộc vào vòng xoáy “giải công nghiệp hóa” hay còn được gọi là “lời nguyền tài nguyên mới”. Sự gần gũi về mặt địa lý, giàu tài nguyên và ở trình độ sản xuất thấp hơn Trung Quốc khiến Việt Nam cũng đang dần bị hút vào vòng xoáy này. Mô hình thương mại biên giới Việt - Trung mang đặc điểm rõ nét của quan hệ thương mại giữa hai nước có sự chênh lệch về trình độ phát triển, và Việt Nam nằm ở bậc thang thấp hơn. Lợi thế của hàng xuất khẩu Việt Nam vẫn nằm tập trung vào các ngành có hàm lượng kỹ thuật thấp và các hàng hóa nông sản. Điều đáng lo ngại là nguồn lợi thu được một cách dễ dãi từ xuất khẩu tài nguyên và hàng thô (như mủ cao su, thủy sản, nông sản sơ chế...), các hàng hóa hàm lượng kỹ thuật thấp (giày dép...) có thể triệt tiêu động lực nâng cấp ngành, tham gia vào các phân khúc cao hơn trong chuỗi sản xuất khu vực của quốc gia.
Nhìn lại thời gian đã qua, có thể nói, bên cạnh những mặt đạt được, vẫn còn một số hạn chế có thể kể tới là :
- Khung khổ pháp lý cho trao đổi thương mại đã được cải thiện đáng kể nhưng vẫn còn một số vấn đề vướng mắc như quản lý hàng hoá trao đổi qua biên giới...
- Việt Nam chưa tận dụng triệt để các cơ hội để khai thác, thâm nhập thị trường trong bối cảnh phía Trung Quốc mở cửa thị trường, đặc biệt là đối với mặt hàng nông, thủy sản của Việt Nam mà các tỉnh Tây Nam Trung Quốc có nhu cầu lớn.
- Thương mại chưa thật sự gắn với đầu tư và chuyển giao công nghệ. Việt Nam chưa tận dụng được cơ hội đầu tư từ Trung Quốc để xuất khẩu sang thị trường này và các thị trường khác.
- Mặc dù có lợi thế về vị trí địa kinh tế, nhưng Việt Nam vẫn chưa khai thác triệt để yếu tố này để tăng kim ngạch xuất khẩu. Lượng hàng hoá của Trung Quốc quá cảnh qua Việt Nam vẫn còn nhỏ bé. Đầu tư cho kết cấu hạ tầng giao thông để kết nối với hệ thống giao thông của Trung Quốc vẫn còn nhiều hạn chế.
- Xét về phương thức giao dịch, thương mại Việt Nam - Trung Quốc chủ yếu thực hiện qua đường tiểu ngạch. Buôn bán tiểu ngạch tạo thuận lợi cho doanh nghiệp giảm được thuế, tiết kiệm một số chi phí, bao bì, chất lượng hàng hoá không đòi hỏi cao, thậm chí tránh được kiểm dịch về an toàn vệ sinh. Tuy nhiên, buôn bán tiểu ngạch có nhiều điểm yếu, không ổn định.
Những lợi thế và bất cập trong phát triển thương mại và thị trường biên giới
Lợi thế để phát triển thương mại, thị trường quan trọng và nổi bật nhất chính là vị trí địa chính trị, địa kinh tế của các tỉnh biên giới mang lại trong cả hiện tại và tương lai, bởi vì:
- Một là, các tỉnh trên các tuyến vành đai biên giới đều có trình độ phát triển kinh tế tương đồng nhau. Mặt khác, trên các tuyến vành đai này có một hệ thống cửa khẩu quốc tế và quốc gia đã được Nhà nước đầu tư xây dựng và nâng cấp trong những năm vừa qua.
- Hai là, trước xu thế hội nhập của khu vực và quốc tế, Việt Nam một mặt, đang thực thi chính sách kinh tế mở, tăng cường các mối quan hệ song phương và đa phương, mặt khác cũng đang tích cực để hội nhập. Trong bối cảnh đó, các tỉnh biên giới đã, đang và sẽ được hỗ trợ cả về vốn đầu tư lẫn các chính sách ưu tiên, khuyến khích nhằm đẩy mạnh quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Có thể khẳng định rằng, vị trí kinh tế mà trước hết là lĩnh vực kinh tế đối ngoại của các tỉnh biên giới đang được nâng dần trong nhãn quan của các nhà kinh tế và chính phủ của hai nước.
- Ba là, Trung Quốc là thị trường lớn, trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhu cầu nhập khẩu sẽ tăng nhanh. Trong tương lai, quan hệ kinh tế đối ngoại giữa hai nước được phát triển ở quy mô và phạm vi lớn hơn sẽ tạo nên sức ép phát triển, trước hết là phát triển các hoạt động thương mại đối với các tỉnh biên giới.
- Lợi thế về tiềm năng khoáng sản của nhiều tỉnh vùng biên đang dần trở nên hiện thực hơn khi Nhà nước thực hiện chủ trương chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Chính điều này sẽ là tác nhân quan trọng đẩy nhanh quá trình hình thành và phát triển thị trường, thương mại. Quá trình khai thác tiềm năng khoáng sản đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành các khu, cụm công nghiệp quy mô lớn, do đó, sẽ kéo theo hàng loạt các quá trình khác như hình thành và phát triển các nhu cầu tiêu dùng với qui mô ngày càng lớn… Tất cả những điều đó làm nảy sinh các thị trường cung ứng và tiêu thụ hàng hóa trên địa bàn các tỉnh. Đó là thị trường hàng tiêu dùng, thị trường vật liệu xây dựng, thị trường thiết bị máy móc, thị trường vật tư nguyên liệu, thị trường vốn, thị trường lao động.
- Tiềm năng lớn về du lịch của các tỉnh biên giới là một lợi thế không nhỏ trong quá trình phát triển thị trường và các hoạt động thương mại, nhất là trong bối cảnh ngày nay, khi nhu cầu giao lưu và mở rộng hiểu biết của con người về thế giới tự nhiên, xã hội ngày càng cao.
Tuy nhiên, bất cập, hạn chế lớn nhất trong việc phát triển thương mại, thị trường biên giới chính là sự phát triển thấp kém của nền sản xuất.
- Vùng biên giới chủ yếu là các tỉnh nghèo, còn chậm phát triển so với mức trung bình của cả nước. Trong hoàn cảnh đó, trình độ phát triển của lực lượng xã hội không những chưa bảo đảm cho sự phát triển mà còn chưa đủ sức để dung dưỡng một nền thương mại.
- Nhìn chung, kinh tế khu vực biên giới các tỉnh phía Bắc hiện nay vẫn chưa có khả năng tích lũy, còn phải dựa vào hỗ trợ ngân sách từ Trung ương. Do đó, khả năng phát triển thị trường và các hoạt động thương mại nhờ thúc đẩy sản xuất công nghiệp phát triển cũng không lớn trong giai đoạn tới.
- Tiềm năng phát triển nền công nghiệp của các tỉnh biên giới chủ yếu là công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản. Tuy nhiên, để phát triển ngành công nghiệp này, các tỉnh không những sẽ gặp phải khó khăn về điều kiện giao thông (do địa hình phức tạp, nhu cầu đầu tư cao), mà còn vấp phải khó khăn về bài toán hiệu quả trong điều kiện các ngành công nghiệp kỹ thuật cao đang có lợi thế hơn hẳn và xu thế, yêu cầu bảo vệ môi trường, phát triển bền vững của mỗi quốc gia.
- Cùng với những khó khăn về phát triển thị trường dựa vào khả năng khai thác tiềm năng khoáng sản, là khó khăn phát triển thị trường dựa vào hoạt động chế biến, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp. Bởi vì điều kiện sản xuất nông nghiệp (chủ yếu do địa hình phức tạp) làm phát sinh hạn chế trong việc tạo nguồn nguyên liệu cung ứng cho các cơ sở chế biến ở quy mô công nghiệp.
Hạn chế về tiềm lực phát triển thị trường, thương mại của các tỉnh biên giới cũng nằm trong chính lợi thế về vị trí địa lý, trên phương diện lợi ích cho thương mại hai bên.
- Trong quan hệ thương mại, mặc dù về lý thuyết, cả hai bên cùng có lợi nhưng rõ ràng bên nào có lợi thế lớn sẽ có lợi hơn và bên kia sẽ chịu sức ép lớn hơn trong quan hệ mậu dịch. Trong khi đó xét cả về lĩnh vực sản xuất nông nghiệp lẫn công nghiệp, các tỉnh biên giới phía Bắc đều kém phát triển và ít lợi thế hơn so với tỉnh, khu vực biên giới tây nam Trung Quốc. Điều này có thể dẫn đến nguy cơ thị trường các tỉnh vùng biên sẽ bị xâm nhập do ít có khả năng cạnh tranh và do đó các nhà sản xuất trong vùng có nguy cơ bị mất dần thị trường của mình.
- Để ngăn chặn, giảm bớt áp lực về mậu dịch biên giới, có thể phải vận dụng các rào cản thương mại.
- Trong những năm gần đây, thu nhập và đời sống của dân cư đã được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, mức thu nhập bình quân đầu người hiện nay, khả năng chi tiêu cho các nhu cầu tiêu dùng còn thấp và phần lớn còn mang tính tự túc. Như vậy, cùng với số dân ít, mật độ dân cư thưa, thị trường biên giới là thị trường nghèo “chất dinh dưỡng”, nhu cầu trao đổi thấp cả về lưu lượng lẫn nhịp độ. Nếu nhìn toàn cảnh và phân tích thực trạng thị trường ở các khu vực, có thể nói thị trường nông thôn, miền núi biên giới nước ta vẫn là một thị trường nghèo với sức mua bình quân đầu người khá thấp.
- Trình độ dân trí thấp, cùng với những tập tục lạc hậu của đồng bào các dân tộc trên các địa bàn đang tạo ra lực cản lớn trước yêu cầu đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Điều đó cũng làm giảm quá trình phát sinh và phát triển thương mại, thị trường trên địa bàn xét từ phía nhu cầu.
Giải pháp cho thời gian tới
Lý thuyết về thương mại và phát triển đã chỉ ra rằng hoạt động thương mại là sự trao đổi tự nguyện giữa các khu vực, quốc gia với nhau trên cơ sở lợi ích thu được từ thương mại. Chính thương mại chứ không phải giải pháp kinh tế nào khác đã mang lại sự năng động cho các yếu tố sản xuất. Vì vậy, mặc dù tiềm năng phát triển kinh tế của các tỉnh vùng biên còn hạn chế, nhưng phát triển thương mại sẽ mang lại sự năng động cho các yếu tố sản xuất và đưa hoạt động kinh tế các tỉnh biên giới hội nhập với kinh tế vùng và kinh tế cả nước. Không chỉ ở các ngành sản xuất có tiềm năng, lợi thế so sánh mà còn ở ngay cả những ngành không có tiềm năng hay bất lợi nhưng vẫn có thế đạt lợi thế nhờ quy mô (lợi thế so sánh trong một ngành sản xuất).
Nhiều tỉnh biên giới có tiềm năng về phát triển thương mại xét trên phương diện vị trí địa lý so với các tỉnh khác trong vùng. Trong đó, quan trọng nhất chính là sự hiện diện của hệ thống các cửa khẩu trên tuyến biên giới. Trong tương lai, triển vọng phát triển thương mại của khu vực này trước những biến động của thị trường trong nước không chỉ phụ thuộc vào khối lượng trao đổi sản phẩm được tạo ra giữa các tỉnh với các địa phương khác, mà còn ở sự hợp tác sản xuất, tìm kiếm và khai thác lợi thế so sánh của mỗi tỉnh trên cơ sở phát huy tối đa tiềm năng phát triển kinh tế thương mại của tỉnh.
Khi đã xác định sự phát triển của các tỉnh phía nam Trung Quốc là một trong những tiền đề cho sự phát triển của vùng biên giới phía Bắc Việt Nam, thì việc đầu tư cho vùng biên giới nước ta ở cả “môi trường cứng” (tức xây dựng kết cấu hạ tầng…) lẫn “môi trường mềm” (các chính sách ưu đãi về thuế quan, giá cả) phải khác. Thực tế phát triển của Hà Khẩu - Vân Nam, Đông Hưng - Quảng Tây cho thấy, sự phát triển nhanh của Hà Khẩu, Đông Hưng ngoài các yếu tố “thiên thời, địa lợi”, họ còn được hưởng các chính sách ưu đãi hơn cả các đặc khu kinh tế ven biển. Vì vậy, theo chúng tôi, cần dành những chính sách thật sự ưu đãi và “phân quyền nhường lợi ích” nhiều hơn cho các địa phương.
Là khu vực rộng lớn, biên giới phía Bắc Việt Nam là một địa bàn chiến lược, có ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội chung của cả nước. Trong bối cảnh ấy, thị trường biên giới có vị trí trung tâm và là thị trường chiến lược trong hệ thống thị trường nội địa thống nhất ở một quốc gia mà đa phần dân chúng là nông dân.
Thị trường nói chung và thị trường biên giới nói riêng là chiếc “phong vũ biểu” của đời sống kinh tế - xã hội, nơi phản ánh tập trung sự đúng đắn hoặc sai sót của các chính sách một cách nhanh nhạy nhất. Phát triển thương mại và thị trường không chỉ là tác nhân kích thích sản xuất hàng hoá, nâng cao dân trí, góp phần tạo tích luỹ từ nội bộ nền kinh tế mà còn là cơ sở, chỗ đứng vững bền để mở rộng kinh tế đối ngoại. Bối cảnh mới của quan hệ Việt - Trung là cơ hội để nhận diện đúng quan hệ thương mại giữa hai nước nhằm điều chỉnh định hướng, chính sách và hệ thống giải pháp mở rộng quan hệ xuất nhập khẩu, tiến tới cân bằng cán cân thương mại, bảo đảm lợi nhuận cho doanh nghiệp và lợi ích quốc gia.
“Buôn bán tiểu ngạch” đặt ra đồng thời hai loại vấn đề có liên quan đó là tiếp tục cùng phía Trung Quốc xem lại các thỏa thuận giữa hai bên để sửa đổi, bổ sung các giải pháp thích hợp với tình hình mới cũng như tạo ra sự hợp tác có tính tổ chức giữa các doanh nghiệp trong nước để bảo đảm giá cả hợp lý của hàng Việt Nam khi xuất khẩu qua biên giới. Để làm được điều đó, trong thời gian tới cần :
- Tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý cho hợp tác thương mại với Trung Quốc, rà soát lại những Hiệp định đã ký kết giữa hai bên để có những điều chỉnh phù hợp, đồng thời nâng cao tính hiệu lực của các điều khoản đã cam kết. Điều chỉnh và bổ sung các chính sách giữa Việt Nam và Trung Quốc theo hướng tạo cơ chế mở hơn nữa cho hoạt động thương mại trên các hành lang; hoàn thiện chính sách thuế tạo môi trường thuận lợi cho thương mại và đầu tư như áp dụng chính sách ưu đãi tài chính đối với vùng kinh tế cửa khẩu; cải thiện hệ thống thanh toán, tăng cường sự phối hợp trao đổi định kỳ các biện pháp quản lý và giám sát buôn bán biên giới.
- Hoàn chỉnh Dự thảo Đề án tổng thể chung về xây dựng các Khu hợp tác kinh tế qua biên giới Việt - Trung để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét.
- Có các chính sách hợp lý để thu hút nguồn vốn FDI đầu tư vào các ngành sản xuất tạo ra những sản phẩm thay thế hàng nhập khẩu. Đặc biệt, cần tạo điều kiện để thu hút các tập đoàn, doanh nghiệp lớn có uy tín, có thực lực của Trung Quốc vào Việt Nam cùng hợp tác, liên doanh, đầu tư vào những nhóm hàng mà nước ta có tiềm năng và Trung Quốc có nhu cầu để nâng cao giá trị gia tăng hàng xuất khẩu, ổn định thị trường tiêu thụ. Tuy nhiên, Việt Nam cần có chính sách để kiểm soát việc nhập khẩu công nghệ lạc hậu, ô nhiễm môi trường.
- Tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xây dựng kế hoạch tổng thể để phối hợp tốt hơn trong việc kiểm tra, kiểm soát hàng nhập khẩu qua biên giới. Việc thiết lập các hàng rào kỹ thuật đối với hàng hóa giúp nâng cao chất lượng hàng nhập khẩu, bảo đảm lợi ích chính đáng của người tiêu dùng. Các hàng rào kỹ thuật có thể xây dựng bao gồm: Quy định về biện pháp kiểm dịch động và thực vật; vệ sinh an toàn thực phẩm; truy xuất nguồn gốc sản phẩm; quy định về bảo vệ môi trường và nguồn lợi..../.
Hà Nội có nhiều sáng tạo và kinh nghiệm hay trong công tác phòng, chống tham nhũng  (12/09/2016)
Đà Nẵng tổ chức trực ban 24/24 giờ chủ động ứng phó áp thấp nhiệt đới  (12/09/2016)
Giới sân khấu cả nước long trọng kỷ niệm ngày truyền thống  (12/09/2016)
Phát hiện nhiều vi phạm về an toàn thực phẩm dịp Tết Trung thu  (12/09/2016)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bắt đầu thăm chính thức Trung Quốc  (12/09/2016)
Khai mạc Phiên họp thứ ba, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV  (12/09/2016)
- Một số giải pháp đổi mới phương thức cầm quyền của Đảng hiện nay
- Một số vấn đề cơ bản về phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước trong xây dựng nhà nước pháp quyền
- Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thúc đẩy đối ngoại quốc phòng, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng các biện pháp hòa bình
- Thúc đẩy quá trình cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước
- Bảo vệ, phát huy giá trị tài nguyên di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên